Huỳnh Kim Quang dịch
(Lời giới thiệu: Bài viết này là của Tiến Sĩ Pinit Ratanakul. Ông tốt nghiệp
Cao Học tại Đại Học Chulalongkom, Thái Lan và lấy bằng Tiến Sĩ tại Đại Học
Yale, Tiểu Bang Connecticut, Hoa Kỳ. Ông là giáo sư triết và là giám đốc Viện
Nghiên Cứu Tôn Giáo tại Đại Học Mahidol, Thái Lan. Ông là tác giả của cuốn sách
“Bioethics: An Introduction to the Ethics of Medicine and Life Science,” và là
đồng chủ bút của tạp chí A Cross-Cultural Dialogue on Health Care Ethics. Ông
đã viết nhiều về vấn đề đạo đức y học theo quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Ông cũng là học giả Phật Giáo có công khởi động việc nghiên cứu về đạo đức y học
tại Thái Lan và Đông Nam Á từ 30 năm trước. Hiện nay ông đang thúc đẩy việc
nghiên cứu trong lãnh vực tương quan/đối thoại giữa Phật Giáo và Khoa Học. Sau
đây là bản dịch Việt từ bài viết “Health, Disease, and Healing: The Buddhist
Contribution,” của Tiến Sĩ Pinit Ratanakul, được đăng trong tạp chí Dharma
World số tháng 10 và 12 năm 2008.)Sức khỏe và bệnh tật là những kinh nghiệm thông thường của đời người, và vì vậy
cũng là điều được tôn giáo quan tâm đặc biệt. Tôn giáo, trong mọi xã hội, mọi
giai đoạn lịch sử, gìn giữ giá trị của cuộc sống khỏe mạnh như là điều cần thiết
cho đời sống ý nghĩa và cung cấp những hậu thuẫn với các phương thức và phương
tiện để thăng tiến sức khỏe và làm cho con người có thể ứng phó được với bệnh tật,
đau đớn và khổ não khó tránh được.
Điều rõ ràng là khi có sức khỏe và cuộc sống lành mạnh thì không có nghĩa là chỉ
có chừng ấy hay sẽ không có đau khổ, bệnh tật, bất toàn, khuyết điểm, và cái chết
nhưng cũng còn có một ý nghĩa tích cực hơn. Ngày nay, có nhiều tranh luận về ý
nghĩa tích cực là gì và những áp dụng của nó là gì trong vấn đề sống chết trong
vai trò và chức năng của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phục vụ như là những
người thăng tiến sức khỏe để điều trị bệnh tật. Những vấn đề đó liên quan tới
các cuộc thảo luận từ các bộ môn y khoa, tâm lý, xã hội, nhân chủng, triết học,
và tôn giáo. Mỗi bộ môn có sự chiếu rọi làm sáng tỏ những vấn nạn về sức khỏe
và tiến trình điều trị bệnh tật của con người. Tôn giáo cung cấp những khung sườn
niềm tin và các bức tranh thực tại của sức khỏe phô diễn, và cho thấy cách nó
nên được hiểu biết như thế nào và loại động thái nào làm thăng tiến nó.
Đức Phật được biết như là Vị Lương Y Có Một Không Hai bởi vì sự quan tâm sâu sắc
của ngài đối với sức khỏe tinh thần, sự giác ngộ của ngài về căn nguyên của bệnh
tật, và chánh pháp mà ngài dạy để chữa trị, giống như lương dược để phòng hộ,
ngăn ngừa, và phục hồi. Bài viết này để bàn về sự đóng góp của Phật Giáo đối với
quan điểm về sức khỏe, bệnh tật, và trị liệu và nó tạo ra sự thay đổi khi chúng
ta trực diện với các vấn đề gầy dựng sức khỏe ra sao và làm sao để có được việc
trị liệu chính xác. Bài viết này chỉ giới hạn trong giáo lý và sự thực hành
thông thường của Phật Giáo Nguyên Thủy tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, như
Thái Lan, Tích Lan, và Miến Điện.
Thế Giới Quan Phật Giáo, Duyên Khởi, và Nghiệp
Thế giới quan Phật Giáo là mối quan hệ hữu cơ và dựa trên sự liễu giải về mối
tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả các pháp và sự quan hệ nhân quả hỗ
tương. Sự liễu giải này được hình thành bởi nguyên lý duyên khởi, cũng được biết
như là luật tắc duyên sinh, mối quan hệ tự nhiên điều hành tất cả pháp -- vật
lý, tâm lý, và đạo đức. Theo thế giới tự nhiên, và cả vũ trụ, hay xã hội loài
người, hay trong mỗi chúng sinh, không có gì hiện hữu như là một đơn vị tách biệt
mà chỉ như là một phần tương quan tương duyên của toàn thể. Thế giới quan Phật
Giáo cũng bao hàm sự liễu giải về nghiệp, nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa tác
nhân và hệ quả. Mối quan hệ được hiểu trong thuật ngữ sự tương quan tương duyên
từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối của một tiến trình. Điều này ngụ ý rằng
nghiệp của Phật Giáo không phải là thuyết tiền định hay định mệnh, như nó thường
được hiểu sai lầm như thế. Nếu [nghiệp] được chấp nhận như là quan điểm về tiền
định, thì sẽ không có khả năng để có thể giải thoát tận gốc đau khổ. Một người
luôn luôn là xấu, vì nghiệp lực của họ là xấu. Nghiệp chỉ nhấn mạnh đến tính
tương quan tương duyên giữa nhân và quả và không thống trị bằng bàn tay sắt.
Nghiệp quả có thể được giảm thiểu không chỉ trong một đời mà còn nhiều đời, vì
vậy, theo Phật Giáo, cuộc sống không chỉ giới hạn ở sự hiện hữu của một cá
nhân, một đời người.
Đời sống hiện tại chỉ là một phần của vòng luân hồi nối dài khắp không gian và
thời gian. Một sự hiện hữu là tương quan tương duyên bởi những hiện hữu khác
trước đó và đến lược nó làm mối tương quan tương duyên cho một hay nhiều hiện hữu
khác tồn tại. Hiện hữu như thế là cùng lúc vừa là quả vừa là nhân cho chính nó
và những các khác. Sự trói buộc trong vòng sinh tử này là kết quả của hành động
tạo tác [nghiệp], tốt hay xấu, của chính nó. Người ta gặt hái những gì họ đã
gieo trồng trong quá khứ. Mối tương quan tương duyên bởi hành động tạo tác,
hình thái hiện hữu hiện tại có thể được thay đổi hay giải thoát cũng bằng hành
động tạo tác. Điều này có thể bởi vì hiện tại không gì ngoài hệ quả của quá khứ.
Đó là nhân và quả đồng thời hỗ tương.
Là kết quả, chúng ta được sinh ra bởi những nhân duyên hình thành sự tương tục
mang tính xã hội và sinh học của chính các đời sống trong quá khứ và đó là những
hành nghiệp quá khứ của chúng ta. Những gì chúng ta có hiện tại là kết quả mà
chúng ta đã tạo ra trước đây. Nhưng, là nhân, chúng ta là chủ tể tuyệt đối của
số phận của mình. Hiện tại là vật liệu xây dựng của tương lai. Những gì chúng
ta sẽ là tùy thuộc vào điều chúng ta đang là và làm với chính chọn lựa của
mình.
Hình ảnh ngồi thiền: 1 ni sư người Tây phương và một số người ngồi thiền ở một
thương xá Denver, Colorado năm 2012.
Duyên Khởi, Sức Khỏe, và Nghiệp
Trong thế giới quan này, sức khỏe và bệnh tật bao hàm toàn bộ tình trạng của
con người và tương quan tương duyên với nhiều yếu tố không liên quan tới y tế,
như môi trường kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa, và đạo đức hay luân lý. Tất
cả những duyên tố này cần được nghiêm túc tính vào trong sự hiểu biết về sức khỏe
và bệnh tật. Do đó, sức khỏe được hiểu trong tổng thể của nó. Đây là biểu thị của
sự cân đối – trong chính con người, trong mối quan hệ xã hội của họ, và trong
tương quan với môi trường thiên nhiên. Quan tâm đến sức khỏe con người có nghĩa
là quan tâm đến tổng thể con người: những khía cạnh vật lý, tâm lý, và tinh thần
của họ; những mối quan hệ xã hội, gia đình, và công ăn việc làm; cũng như môi
trường mà con người sống và hoạt động.
Do vậy, khuynh hướng hiểu biết về sức khỏe chỉ trong mối tương quan với những bộ
phận cá biệt nào đó của cơ thể con người, như những nhược điểm, là không được
chấp nhận đối với Phật Giáo. Trong quan điểm tương duyên của Phật Giáo, bệnh tật
là biểu thị của sự mất cân đối trong cuộc sống như là tổng thể của chúng ta.
Qua những triệu chứng vật lý, bệnh tật làm cho chúng ta lưu ý đến sự mất cân đối
này. Vì thế, việc trị liệu trong Phật Giáo không chỉ là sự điều trị những triệu
chứng có thể đo lường, mà còn là biểu thị những nỗ lực kết hợp của tâm và thân
để vượt qua bệnh tật nhiều hơn là sự chiến đấu giữa thuốc men và bệnh tật. Mục
tiêu đích thực là người bệnh có thể mang lại sự cân đối trong chính họ và trong
những mối tương quan tương duyên với những người khác và với môi trường tự
nhiên. Trong ý nghĩa này, trị liệu không chấm dứt ở đó, mà nó còn có nghĩa là
qua sự trợ giúp của thuốc men để cung ứng giá trị sức khỏe con người và cuộc sống
tốt đẹp.
Sự giải quyết của Phật Giáo đối với vấm đề sức khỏe và bệnh tật cũng bao hàm
nghiệp như là yếu tố đóng góp quan trọng. Trong quan điểm Phật Giáo, sức khỏe
lành mạnh là kết quả tương quan tương duyên với nghiệp thiện trong quá khứ và
ngược lại. Điều này nhấn mạnh rằng có mối liên hệ giữa đạo đức và sức khỏe. Sức
khỏe tùy thuộc vào lối sống của chúng ta, có nghĩa là, cách mà chúng ta suy
nghĩ, cảm nhận, và sống. Bệnh tật là hệ quả của lối sống không lành mạnh, chẳng
hạn, như một người trụy lạc sắc dục. Yếu tố đạo đức này của quan điểm Phật Giáo
về sức khỏe đóng vai trò quan trọng đối với những hoạt động tinh thần và thực
hành tôn giáo trong việc thăng tiến sức khỏe và trị liệu.
Có lẽ chúng ta sẽ hiểu vai trò của nghiệp trong sức khỏe và bệnh tật khi chúng
ta chiêm nghiệm những trường hợp sau đây. Thí dụ, có những trường hợp mà trong
đó, dù việc trị liệu đã được cung ứng thành công, bệnh nhân cũng đã chết, và những
trường hợp khác mà trong đó, bất kể việc điều trị không hiệu quả, bệnh nhân vẫn
sống. Cũng có các trường hợp hồi phục một cách đặc biệt và không ngờ khi y dược
hiện đại đã không còn chút hy vọng nào thuyên giảm. Những trường hợp như thế
làm gia tăng niềm tin rằng ngoài nguyên nhân vật lý của bệnh tật, đau yếu cũng
có thể là kết quả của nghiệp xấu trong những đời trước. Một chứng bệnh do nghiệp
tạo ra không thể được chữa trị lành cho đến khi kết quả của nghiệp đó đã chấm dứt.
Nhưng nghiệp của mọi người là cái gì bí ẩn đối với chính họ và đối với những
người khác. Do vậy, không một người bình thường nào có thể biết chắc bệnh nào
gây ra do nghiệp. Bởi lẽ đó, con người phải thận trọng trong việc đổ tội cho
nghiệp, đặc biệt đối với bệnh tật, bởi vì nó có thể dẫn tới thái độ cố chấp
không tìm kiếm bất cứ sự chữa trị nào cả hay từ bỏ việc tri liệu. Phật Giáo
khuyên chúng ta nhắm đến những mục đích thực tiễn rằng chúng ta phải quan tâm đến
tất cả bệnh tật dù chúng được gây ra bởi chỉ những nguyên nhân vật lý. Sở dĩ
chúng ta phải làm điều đó là bởi vì cho dù bệnh tật có được tạo ra bởi nghiệp
đi chăng nữa thì cũng nên được điều trị.
Vì không một pháp nào thường hằng và vì mối liên hệ nhân quả giữa hành động và
hệ quả của nó là duyên sinh chứ không phải tiền định, bệnh tật có thể được chữa
trị cho đến bao lâu mà cuộc sống còn tiếp tục. Nói cách khác, chúng ta không thể
nói chắc tới lúc nào thì kết quả của nghiệp ác sẽ được chấm dứt. Do vậy, chúng
ta cần thực hiện bất cứ phương tiện nào có thể để chữa bệnh. Việc điều trị như
thế, dù nó không đưa tới lành bệnh, vẫn hữu ích bởi vì những điều kiện vật lý
và tâm lý thích đáng là cần để chuyển hóa nghiệp quả.
Sự hiện hữu của yếu tố nghiệp dĩ đối với một số bệnh thông qua nghiệp quá khứ
và điều kiện vật lý để tạo ra bệnh sẽ cung cấp cơ hội cho bệnh tật phát sinh.
Nhưng có một số trị liệu sẽ ngăn chận kết quả của ác nghiệp bộc phát ra hoàn
toàn. Loại trị liệu này không xen vào công việc của nghiệp cá nhân mà giảm bớt
sự trầm trọng. Phật Giáo khuyên một người mang bệnh trầm kha hãy kiên nhẫn với
việc chữa trị và thực hiện nhiều việc thiện để giảm bớt nghiệp quả quá khứ. Với
nỗ lực cá nhân thì ít nhất cũng duy trì hay phục hồi được thiện nghiệp, mà sẽ
mang lại những thiện quả.
Tầm quan trọng của nghiệp trong mối tương quan tương duyên với sức khỏe và bệnh
tật không dẫn tới thuyết định mệnh hay chủ nghĩa bi quan. Luật tắc của nghiệp
không cai trị với bàn tay sắt hay mang đến tai họa. Luật này chỉ nhấn mạnh đế mối
quan hệ giữa nhân và quả. Nó không dẫn đến quyết đoán cục bộ. Tin vào nghiệp là
gánh lấy trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe. Sức khỏe không ai cho mình. Nó
phải được đạt tới bằng chính nỗ lực của con người, và con người không nên trách
móc người khác vì sự đau khổ mà mình phải gánh chịu bởi vì bệnh tật. Ngược lại,
người bệnh nên suy nghĩ rằng bệnh hoạn không phải là lỗi lầm của cuộc sống hiện
tại mà là di sản của quá khứ lâu xa còn sót lại và qua chính động thái và nỗ lực
của chúng ta hướng tới bệnh tật thì nghiệp quả thiện có thể khởi sinh. Tin vào
nghiệp cũng có thể giúp chúng ta ứng phó được những khía cạnh khổ đau của cuộc
đời, chẳng hạn, khổ đau từ bệnh trầm kha như bệnh bạch cầu hay hình thức hiểm
ác hơn của bệnh ung thư với sự trầm tĩnh, không vùng vẫy vô vọng, không có trạng
thái tinh thần tiêu cực và trầm cảm. Sự chấp nhận như thế cũng sẽ giúp chúng ta
vượt qua tuyệt vọng, chịu đựng điều kiện cho tới những ngày cuối cùng, và chết
một cách bình an.
Chúng ta có thể kết luận rằng vai trò quan trọng của nghiệp nhân đối với sức khỏe
và bệnh tật cho thấy trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe và bệnh hoạn, vì nghiệp
(hành động và kết quả) được tạo ra bởi những chọn lựa mà chúng ta làm trong đời
trước. Sức khỏe có được là nhờ những nỗ lực liên tục của cá nhân trong đời này.
Nghiệp tốt (như tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng đúng, v.v…) đưa tới sức khỏe tốt,
trái lại, nghiệp xấu (như tập quán xấu, hành hạ thể xác và tinh thần) trong đời
này và đời trước đem lại bệnh tật. Ý nghĩa trách nhiệm cá nhân này rất cần thiết
cho việc chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, với sự phát minh của “những thứ thuốc thần
kỳ” và sự phát triển các kỹ thuật tân tiến, nhiều người có khuynh hướng ảo tưởng
rằng tất cả đau đớn và đau khổ trong đời sống có thể được loại bỏ và tất cả khổ
đau đều xấu, dù là vật lý, tinh thần, cảm xúc, đạo đức, hay tâm linh. Và qua việc
đồ tội cho những thế lực ngoại tại, con người đi tìm những phương tiện bên
ngoài (như thuốc uống, thuốc chích, các cách trị liệu, v.v…) để giảm bớt khổ
đau thay vì tự trắc nghiệm chính họ và đời sống của họ và tìm cách thay đổi điều
gì đó trong chính họ đã đưa tới kết quả bệnh tật. Ngược lại, quan điểm về nghiệp
của Phật Giáo đối với sức khỏe và bệnh tật nhận thức thực tại của bệnh tật do
chính mình gây ra mà có thể do chính lối sống và tập quá của chính con người và
khuyến khích con người tìm nguyên nhân bệnh tật, đau đớn, và khổ não trong
chính con người, đó là, trong mối tương quan tương duyên với lối sống, quyết định,
thái độ, và những mối quan hệ của chính con người mà phải được thay đổi. Nó
cũng nhận thức vai trò tích cực của bệnh tật và khổ đau trong việc làm tinh thần
chúng ta tinh tế hơn và tăng cường phẩm tính đạo đức, can đảm, tự giác, và cảm
thông người khác.
Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của Phật Giáo đối với nghiệp hay trách nhiệm cá nhân đối
với sức khỏe không có nghĩa là Phật Giáo trút tầt cả bệnh tật cho trách nhiệm
cá nhân. Trong quan điểm của Phật Giáo, nghiệp có cả phạm vi cá nhân và xã hội.
Yếu tố thứ hai này là điều mà có thể được định nghĩa là nghiệp xã hội, mà trong
đó việc chăm sóc sức khỏe, quy cho các yếu tố môi trường có thể làm trầm trọng
thêm hay làm giảm bớt nghiệp cá nhân. Những yếu tố này, như yếu tố kinh tế xã hội
-- chẳng hạn, các điều kiện làm việc không khỏe mạnh/nguy hiểm và khỏe mạnh/an
toàn – có thể đóng vai trò như là môi trường làm hại/hậu thuẫn đối với bệnh tật/sức
khỏe của cá nhân. Và xã hội có thể buộc các công ty và cơ sở kinh doanh chịu
trách nhiệm nếu họ không giữ gìn môi trường sức khỏe cho công nhân của họ hay
đưa ra những luật lệ an toàn. Quan điểm nghiệp xã hội này cũng ngụ ý rằng trách
nhiệm một phần của chính quyền cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ
cho tất cả công dân của họ trong mục tiêu đối với các nhu cầu cần thiết cho sức
khỏe và những điểu kiện y tế.
Cơ Thể và Sức Khỏe Thể Chất
Trong quan điểm của Phật Giáo, cơ thể của mỗi người chúng ta, cả hình dạng và cấu
trúc, là kết quả của nghiệp quá khứ của chúng ta. Cơ thể con người vừa là
phương tiện để chúng ta tiếp xúc với thề giới, vừa là sự biểu lộ vật lý của tâm
thức chúng ta. Với một phương tiện quan trọng như thế, cơ thể phải được chăm
sóc đúng đắn – nghĩa là, con người không được hành hạ nó bằng thực phẩm, rượu,
thuốc, hay đè nặng nó với sự trụy lạc quá đáng và sự mất mát. Ngay dù giác ngộ,
mục đích cao nhất của Phật Giáo, cũng không thể đạt được bằng sự hành xác, như
đã được chứng kiến trong kinh nghiệm cá nhân của Đức Phật. Điều này là bởi vì sự
tương quan, tương duyên, tương tức, tương nhập của tâm và thân. Trí tuệ sáng suốt
chỉ có thể thành đạt khi thân thể khỏe mạnh và mọi chức năng của cơ phận trong
người đều đầy đủ.
Theo Phật Giáo, bất cứ đời sống nào mà chỉ biết mưu cầu lợi ích cho chính mình
là đời sống không giá trị. Do đó, Phật Giáo khuyến khích chúng ta dùng thân thể
này cho những mục đích cao cả hơn, đặc biệt cho việc thành đạt mục đích tối thượng
niết bàn, giải thoat khỏi vòng sanh tử vô tận. Việc thực tập liên tục nền đạo đức
và thiền định sẽ giúp chúng ta tự chế với ham muốn, cảm giác, và vị kỷ.
Sức khỏe thể lực được Phật Giáo xem như là được tạo thành bởi chức năng bình
thường của thân thể và các cơ phận tương quan tương duyên của nó. Khi một cơ phận
không làm tròn chức năng, thì sự suy nhược và bệnh tật phát sinh. Chức năng
bình thường của các cơ phận trong thân thể là kết quả của sự hài hòa và thăng bằng
của tứ đại (4 yếu tố) trong thân thể: đất, nước, gió, và lửa. Nếu sự quân bình
bị đánh mất, chức năng bình thường bị đổ vỡ và tình trạng bệnh tật xuất hiện.
Việc chữa trị là phục hồi lại sự quân bình này, đó là, làm cho toàn bộ cơ thể
khỏe mạnh, mà không chỉ có một bộ phận đau khổ vì bệnh, trong điều kiện tốt. Vì
mỗi bộ phận của cơ thể con người liên kết với những bộ phận khác, cho nên để có
sức khỏe thì cả cơ thể phải ở trong điều kiện tốt. Trong quan điểm thực tế rằng
cơ thể, giống như tất cả mọi hiện tượng, luôn luôn trong tình trạng thay đổi,
sa sút, suy sụp, thì sức khỏe thể chất không thể kéo dài lâu. Không thể có một
cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn và không bệnh tật cả đời. Đời sống con người không
thể tránh được bệnh tật ở mọi giai đoạn. Bệnh nhắc nhở sự mỏng manh của con người.
Điều này cho thấy rằng sức khỏe hoàn hảo là tình trạng hoàn toàn không thể đạt
được. Do vậy, con người hoàn hảo hay sống khỏe không có nghĩa là không có tất cả
đau đớn và khổ sở trong đời sống mà phải biết cách ứng phó với đau đớn và khổ sở
và biết khám phá cách dùng nó và vượt qua nó vì mục đích phát triển cá nhân và
thông cảm những người khác.
Tâm và Sức Khỏe Tinh Thần
Sức khỏe thể chất là quan trọng bởi vì Phật Giáo xem nó như phương tiện để giác
ngộ. Phật Giáo không muốn con người phải sống lâu dài trong sức khỏe yếu kém, bởi
vì như vậy họ sẽ không thể cống hiến cuộc đời cho những mục đích cao cả. Dù Phật
Giáo xem tâm và thân hiện hữu trong tương duyên tương tức, giáo lý Phật Giáo dạy
để ý đặc biệt đến tâm và sức mạnh của nó. Điều này được dạy trong bài kệ đầu
tiên của Kinh Pháp Cú rằng những gì chúng ta có là kết quả của tâm thức chúng
ta. Nguồn của đời sống chúng ta và do đó hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta nằm
trong ta – trong sức mạnh của chúng ta. Không ai có thể hại mình ngoài chính
mình. Đó là loại tư tưởng mà chúng ta nuôi dưỡng để cải thiện hay làm suy yếu
cuộc sống tốt đẹp về thể chất và nó cũng làm cho chúng thăng hoa hay thoái hóa.
Đây là lý do tại sao Phật Giáo chỉ rõ tâm như là nguyên nhân của hành động thân
và miệng với các nghiệp quả, xem sức khỏe tinh thần là quan trọng nhất, và nhấn
mạnh đến sự rèn luyện tâm để đạt giai đoạn cao nhất của sức khỏe như là quan
tâm nền tảng. Mối ưu tư đến sức khỏe tinh thần này cũng được coi là thiên hướng
thực sự của những tu sĩ Phật Giáo. Sự rèn luyện dựa vào niềm tin rằng cả thân
và tâm đều nghiên về sự bệnh tật. Nhưng bởi vì tâm có thể tách rời khỏi cơ thể,
có thể có một tâm hồn khỏe mạnh trong một cơ thể bệnh hoạn. Lời dạy từ đức Phật
cho các đệ tử của Ngài đang bị đau khổ vì tuổi già là giữ tâm lành mạnh trong
thân bệnh.
Theo Phật Giáo, để tâm lành mạnh, thì trước hết nó cần chúng ta phát triển
chánh kiến (sammaditthi) về thế giới và chính mình, tức là, chấp nhận tính hiện
thực của Tam Pháp Ấn: Vô thường, vô ngã, và khổ. Thiên kiến làm cho chúng ta
nhìn thấy vô thường như là thường, đau khổ như là hạnh phúc, ô nhiễm như là
thanh tịnh, và vô ngã như là hữu ngã.
Kết quả là chúng ta thường khao khát và tranh thủ để được điều gì đó thường hằng,
tức là, thường hằng ảo tưởng và ngã và đối tượng thường hằng của lòng tham – và
chúng ta luôn luôn đau khổ vì thất vọng. Bằng việc chấp nhận các pháp như chúng
là, ngã được quán sát như là chẳng có gì ngoài các tên gọi đối với sự phức hợp
của những yếu tố tâm vật lý (danh, sắc), chúng là vô thường, khổ, và vô ngã,
cũng như các hiện hữu khác, và như thế tâm chúng ta không còn khao khát thỏa
mãn lòng tham lam vị ngã, không còn bám víu vào bất cứ đối tượng nào. Giải
thoát khỏi những tham lam vị ngã và cố chấp này đối với thế giới vật chất, tâm
chúng ta sẽ được an tịnh, và do đó, khổ đau tâm vật lý sẽ được giải trừ, dẫn đến
sự lành mạnh tâm thức.
Ngoài việc chuyển hóa tư duy thiên kiến bằng việc thực hành chánh kiến này và
qua việc phát triển thái độ xả chấp đối với thế giới và tự ngã, sự lành mạnh
tâm thức của chúng ta tùy thuộc vào năng lực kiềm chế những tham dục và hạn chế
và/hay tiêu diệt các trạng thái tâm lý tiêu cực như tham lam, sân hận, và si
mê, cũng như các xu hướng chiếm hữu và thủ đắc. Ba độc này có thể hoạt động như
là nguyên nhân đưa tới bệnh hoạn tâm lý và vật lý. Sự kiềm chế như thế có thể đạt
được qua sự thực hành giới và thiền định. Tất cả giới luật và các loại thiền định
của Phật Giáo đều nhắm đến mục đích kiềm chế cảm xúc, động loạn, và bản năng, để
giảm thiểu căng thẳng, và diệt trừ những ý tưởng độc hại làm cho tâm thức bệnh
hoạn.
Thiền và Sức Khỏe
Để thực hiện quan điểm về sức khỏe của Phật Giáo, Phật Giáo đưa ra phương thức
thiền định và cầu nguyện như là những phương tiện quan trọng cho các hành giả.
Ngoài Phật Giáo ra, truyền thống thiền định và cầu nguyện có mặt trong nhiều
tôn giáo, như Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, và Hồi Giáo. Các tín đồ
của những tôn giáo này đã thực hành thiền và cầu nguyện cho cả mục đích tôn
giáo và lợi lạc sức khỏe.
Trong tương quan tương duyên với sức khỏe, mục đích của thiền Phật Giáo là để đạt
tới sức khỏe tâm linh và tinh thần, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Có
3 loại thiền được thực hành thông thường tại các quốc gia Phật Giáo Nguyên Thủy
như Thái Lan, Tích Lan, và Miến Điện, và 3 loại thiền này được đặt tên sau khi
có hiệu quả. Đó là thiền chỉ, thiền quán, và thiền từ bi.
Thiền quán chú trọng đến việc phát triển chánh niệm và thiền chỉ để làm cho tâm
định tĩnh và lắng đọng, như hồ nước trong, sạch và yên lặng. Chánh niệm gồm cả
tỉnh giác và nhận biết điều gì đang khởi sinh, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc
khác, mà không bị dính mắc vào đó. Nó chỉ đơn giản quán sát một đối tượng mà
không có bất cứ phán đoán hay suy nghĩ nào về đối tượng đó. Sự tập chú đơn thuần
này làm cho chúng ta nhìn thấy đối tượng như nó đang là. Tập chú vào một đối tượng
đơn thuần để loại bỏ những thứ khác dẫn tâm thức đến sự nhất tâm, là nền tảng của
thiền minh sát. Thiền minh sát là loại thiền đặc biệt của Phật Giáo mà không thể
nào tìm thấy trong các tôn giáo khác. Trí tuệ đạt được từ thiền minh sát là liễu
ngộ trong thể tánh của thực tại, nghĩa là, vô thường, khổ, và vô ngã trong
chính tự thân và thế giới chung quanh. Sự liễu ngộ này có năng lực giải thoát
tâm khỏi những thiên kiến, để giúp cho nó chấp nhận các pháp như chúng là và hoạt
dụng theo, mà không có sự cố chấp và tham ái.
Trong khi thiền chỉ làm tâm thức lặng yên bằng năng lực của chánh niệm tập chú,
thiền từ bi làm trung hòa và thay thế các trạng thái độc hại như giận dữ, thù hằn,
oán hận, và ganh tị bằng việc tu tập lòng từ bi và các trạng thái vi tế khác được
biết như là thương yêu, cảm thông, và bình tĩnh. Từ bi, thương yêu, và cảm
thông là thuốc giải độc đối với giận dữ, thù ghét, và ganh tị, trong khi sự
bình tĩnh là diệu dược đối với khổ đau gây ra bởi cố chấp. Nó có khả năng giúp
tâm thức giải thoát khỏi thân xác và những hiện tượng khác, vật lý hay tâm lý,
và bình thản trước bất cứ sự kiện nào bên trong hay bên ngoài. Với trí tuệ và
thanh thản, tâm thức có thể buông xả tất cả các pháp khi cần, gồm bệnh nan y và
ngay cả đời sống ở giai đoạn cuối cùng. Trong việc hành trì thiền chỉ và minh
sát, hành giả có thể tập trung tâm thức vào bất cứ đối tượng nào và chú tâm vào
đó. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giác ngộ tôn giáo và để đạt được lợi lạc sức
khỏe, hành giả cần chọn đối tượng thiền định cẩn thận. Trong Kinh Phật có 40 đối
tượng được cung cấp để chọn lựa theo cá tính của mỗi hành giả. Trong Kinh
Satipatthana Sutta (Kinh Niệm Xứ), đức Phật dạy 4 đối tượng căn bản của thiền định
(Tứ niệm xứ) cho tất cả hàng đệ tử rèn luyện tâm ở bất cứ đâu và bất cứ khi
nào. Thiền định trên những đối tượng này được gọi là bốn niệm xứ, được đặt tên
theo đối tượng hay cơ bản của nó. Niệm xứ gồm sự quán sát (1) thân thể, theo
dõi hơi thở ra vô, 4 đại, 32 vật thể trong thân, thi thể trải qua nhiều trạng
thái; (2) cảm thọ, tỉnh giác đối với các xúc cảm, ưa thích, chán ghét, trung
dung, và cách chúng sinh khởi từ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân) và cách
chúng diệt mất; (3) tâm, quán sát tiến trình tư duy, tiêu cực và tích cực, giữ
tỉnh giác đối với các ý tưởng, thiện và ác, nguồn gốc của chúng, và các cách
trưởng dưỡng và giải quyết chúng; và (4) pháp (đối tượng của thức), giữ chánh
niệm về pháp như năm triền cái chướng ngại niết bàn, bản chất của ngũ uẩn cấu
thành ngã, mười kiết sử trói buộc chúng sinh trong vòng luân hồi sinh tử, và bảy
chi phần giác ngộ (thất giác chi). Bằng sự thực hành quán niệm này trong thiền
chỉ và quán, hành giả có thể đạt được chánh niệm, định tĩnh, và trí tuệ cùng
lúc. Bốn niệm xứ này là phương thức đơn giản và hiệu quả để rèn luyện tâm vững
mạnh. Tâm được toi luyện sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc.
Kết luận, sức khỏe tâm linh và sức khỏe tinh thần đạt được qua thiền định bằng
năng lực của chánh niệm, định tĩnh, và trí tuệ, và cũng bằng sự tu tập bốn tâm
vô lượng (từ, bi, hỉ, xả). Nghiêm trì giới luật cũng là yếu tố đóng góp khác.
Trong Bát Thánh Đạo, giới được đặt trước thiền định và trí tuệ bởi vì giới cung
cấp nền tảng để phát triển thiền định và trí tuệ. Do đó, giới là yếu tố hậu thuẫn
cho thiền định cũng giống như mặt đất là nền tảng cho sự phát triển của cây cối.
Đây là lý do tại sao người Phật tử thường thực hành thiền định trong khi giữ
gìn giới như ngũ giới hay bát quan trai giới đối với các Phật tử tại gia, và thập
giới đối với Sa di và hai trăm năm mươi giới đối với Tỳ kheo, ba trăm bốn mươi
tám giới đối với Tỳ kheo ni.
Cầu Nguyện và Điều Trị
Cầu nguyện, hay trong thuật ngữ Phật Giáo, tụng niệm, thường là bằng tiếng Nam
Phạn (Pali) và chủ đích là để bày tỏ sự tôn kính đối với Tam Bảo, Phật, Pháp,
và Tăng, và để nhắc nhở con người về phẩm đức thánh thiện của đức Phật và giáo
pháp của ngài, cũng như để xác tín sự an lạc và bảo hộ. Những bài kinh được tụng
trong Phật Giáo là những kinh văn được kết tập bởi chư vị tỳ kheo trưởng lão
uyên thâm dựa trên sự suy nghiệm của họ đối với sự giác ngộ viên mãn của đức Phật,
về cuộc đời và giáo pháp của Ngài trong nhiều kinh khác nhau.
Trong số những bài kinh tụng để bảo hộ và lợi lạc, có một bài kinh được nhiều
người biết vì có hiệu quả điều trị là bài bojjhanga paritta -- sự bảo hộ của bảy
điều giác ngộ (thất giác chi). Paritta có nghĩa là “bảo hộ” và bojjhanga là bảy
yếu tố giác ngộ. Bài kinh này đặc biệt được tụng để giải bệnh và điều trị. Niềm
tin vào năng lực hồi phục của bảy yếu tố giác ngộ trở về lại thời kỳ đức Phật
khi Ngài và hai vị đại đệ tử, Đại Ca Diếp và Đại Mục Kiền Liên, được hồi phục từ
cơn bệnh nặng sau khi lắng nghe tụng bài kinh bảy yếu tố giác ngộ. Từ đó bài
kinh trở thành truyền thống trong các quốc gia Phật Giáo Nguyên Thủy đối với
chư vị tăng sĩ và cư sĩ để tụng bài kinh này cho người bệnh. Người ta tin rằng
chân lý của Giáo Pháp và lòng từ bi vô lượng của đức Phật hàm tàng trong kinh
văn được trì tụng có năng lực vĩ đại cho việc điều trị bệnh. Hiệu quả của sự
trì tụng được gia tăng đặc biệt khi bảy điều giác ngộ được trì tụng chính xác
và trong âm điệu đúng với lòng thành thật và sự xác tín. Lắng lòng nghe việc
trì tụng với sự hiểu biết sâu sắc Phật Pháp và lòng từ bi vô biên của đức Phật,
và với niềm tin kiên cố vào Tam Bảo, tâm của người nghe trở nên trầm lắng và hỷ
lạc. Một số Phật tử, trong khi lắng nghe lời tụng kinh, quán hình tượng đức Phật
đang đứng trước họ với Giáo Pháp trị liệu rót từ kim khẩu của Ngài vào toàn
thân người bệnh để giảm thiểu sự đau khổ và đỡ bệnh.
Quán hình tượng là một trong những sự thực hành thiền định trong Phật Giáo có
thể được sử dụng cho việc điều trị và phát triển tâm linh. Ngay cả không hiểu
nghĩa chữ Pali, nhưng bằng việc lắng lòng nghe và/hay quán hình tượng trong
cách này, sự rung động của âm thanh và hình ảnh sống động của đức Phật sẽ làm
thuần thục tâm và làm cho tâm lắng đọng. Điều này có những hiệu quả kỳ diệu
trên hệ miễn nhiễm và giúp chức năng toàn thân tốt hơn. Việc lắng tâm nghe Giáo
Pháp và quán hình tượng Phật cũng được xem như là hành nghiệp phước báo sẽ đem
lại những nghiệp quả thiện trong tương lai. Năng lực điều trị của bảy điều giác
ngộ có thể không hiệu quả bởi vì (1) nghiệp nặng của người nghe, lấn át các hiệu
quả của thiện nghiệp được thực hiện; (2) sự hiện diện của những ô nhiễm trong
tâm người nghe, như sân hận, tham lam, và si mê; và (3) người nghe không có tín
tâm đối với Tam Bảo.
Bố Thí và Điều Trị
Phương thức điều trị khác được thực hiện bởi các Phật tử tại Đông Nam Á là sự
thực hành bố thí. Điều này gồm bố thí tài vật cho từng vị Tăng sĩ, cho tập thể
Tăng, hay cho người nghèo và vô gia cư; bố thí Chánh pháp cho những ai cần; và
chia xẻ thì giờ, năng lực, kiến thức, và kinh nghiệm để đem lại lợi lạc cho người
khác. Ngoài việc hành thiền, giữ gìn giới luật, và thực hành các nghi lễ, các
phương thức tâm linh trong Phật Giáo còn gồm việc bố thí. Các Phật tử Thái Lan
thích sử dụng tất cả hay một trong những phương thức này cho việc điều trị bệnh
song song với thuốc men hiện đại.
Có trường hợp một người phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi, bà ấy đã tận sức cống hiến
cho những việc từ thiện trong một nhà hàng chay và khuyến khích những người bị
ung thư khác giữ niềm hy vọng và tìm sức mạnh trong Phật Pháp và sự thực hành.
Bà ấy giúp nâng cao tâm linh và nhắc nhở họ rằng cuộc đời đẹp đẽ lắm, bất luận
là họ mang bệnh trầm kha. Bà quyết chí bố thí dịch vụ tình thương này sau khi
được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đến giai đoạn phát triển và được bác sĩ cho biết
bà không còn sống bao lâu nữa. Hiện nay, bà đã sống hơn mức tiên đoán được 7
năm! Hình chụp quang tuyến mới nhất cho thấy đã chận được sự lan ra của ung
thư. Cũng có trường hợp một người đàn ông liệt chân tay đã cống hiến đời ông để
giúp người tàn tật, khuyến khích họ đừng cam chịu tàn tật mà hãy tìm cách và
phương tiện để làm cho cuộc đời họ có ý nghĩa. Ông lấy mình làm điển hình bằng
cách vẽ các bức hình đẹp với cây cọ được ngậm trong miệng. Tấm gương làm việc của
ông ấy giúp những người tàn tật khác phát triển niềm tự tin và tự trọng. Hiện
ông ấy được bầu làm chủ tịch Hội Người Tàn Tật Thái Lan. Một trường hợp khác có
giá trị để chú ý là những người mắc bệnh AIDS tại một ngôi chùa Phật Giáo biến
thành bệnh viện cho những bệnh nhân AIDS để sống qua những ngày cuối đời. Họ tự
thành lập nhóm ủng hộ cho các bệnh nhân AIDS khác. Ngay dù họ không thể trốn khỏi
cái chết, tất cả đều chết trong bình an và với cảm giác đầy đủ.
Tất cả những trường hợp này cho thấy rằng thực hành bố thí đã mang lại hiệu quả
điều trị bệnh, chuyển hóa tâm thức người bệnh được yên tịnh và bình an. Ngay dù
bố thí không chữa lành bệnh nan y thì cũng có thể điều trị tâm giúp giải thoát
khỏi những ý nghĩ tiêu cực. Đây là cách thực hành theo lời dạy của đức Phật làm
cho tâm khỏe mạnh cho dù thân thể bệnh tật. Vì tâm có thể ảnh hưởng thân thể, sức
khỏe thể chất sẽ được cải thiện khi tâm khỏe mạnh. Điều này sẽ xảy ra khi bố
thí được thực hiện trong tình thương chân thật và không có bất cứ tự lợi nào. Bố
thí trong ý nghĩa này có thể giải thoát tâm khỏi vị ngã và làm cho nó có thể sử
dụng toàn diện năng lực vô ngã để làm lợi ích cho tha nhân. Qua việc làm vị tha
như thế, cuối cùng người ta có thể đạt được niết bàn, mục đích tối hậu của Phật
Giáo.
Kết Luận
Mọi tôn giáo đều xem sức khỏe như là giá trị cao nhất và cung cấp cho tín đồ của
họ nhận thức và phương cách thực hành để nâng cao sức khỏe và trị liệu cũng như
ứng phó với bệnh tật và khổ đau không thể tránh khỏi của con người. Trong vấn đề
này, sự hiểu biết có tính cách tôn giáo về sức khỏe và trị liệu vượt ngoài quan
điểm thế tục để tới lãnh địa tâm linh. Mối quan tâm này đối với chiều kích tâm
linh con người là sự đóng góp thuần nhất của tôn giáo giúp mở rộng các quan điểm
thế tục. Nó khuyến khích chúng ta chăm sóc sức khỏe tâm linh song song với sức
khỏe thể chất và tinh thần, vốn được nhấn mạnh trong quan điểm thế tục. Phương
cách tôn giáo này nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của năng lực tâm linh trong
việc trị liệu tâm, làm cho nó bình lặng, an lạc, và buông xả những cảm giác thuộc
xúc cảm và thể xác.
Trong mối tương quan tương duyên này, sự đóng góp của Phật Giáo là quan niệm về
nghiệp đối với sức khỏe, bệnh tật, và trị liệu, cũng như cơ bản của mối tương
liên tâm linh, và các phương thức thiền quán hình tượng và quán niệm để đạt tới
sức khỏe tinh thần và thể chất. Ứng dụng các phương thức này trong đời sống thường
nhật qua nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau để mang lại sự lắng dịu, bình
lặng nội tâm, và an lạc giữa đời sống náo động là đóng góp quan trọng của Phật
Giáo cho cuộc sống khỏe mạnh của nhân loại trong thế giới bất an này. Cũng vậy,
trong y học, các kỹ thuật thiền Phật Giáo được dùng song song với việc điều trị
thuốc men đối với bệnh cao máu, bệnh tim, và bệnh kinh niên. Trong tâm lý trị
liệu, những kỹ thuật này được dùng để làm cho bệnh nhân có thể ý thức về các
tiêu cực, hay những trạng thái tinh thần không lành mạnh như giận dữ, buồn rầu,
trầm cảm, và lo lắng, và để biết cách chuyển hóa các tiêu cực này cũng như cách
nâng cao những tích cực bằng chính nỗ lực của bệnh nhân. Đây là chứng cứ của việc
khoa học hiện đại sử dụng trí tuệ người xưa để giúp y học có được hiệu quả trọn
vẹn và để bổ sung vào chỗ nào mà y học không thể đạt được mục đích của nó. Sức
khỏe như được nhìn thấy bởi Phật Giáo và được thừa nhận bởi các chuyên gia chăm
sóc sức khỏe không thể cung cấp được nếu chỉ có các chuyên gia bởi vì nó tương
quan tương duyên với các yếu tố tâm lý, tinh thần, văn hóa xã hội, môi trường,
và, như Phật Giáo nhấn mạnh, nghiệp. Sức khỏe như mối quan hệ hữu cơ toàn diện
thì tuyệt vời hơn cả lý tưởng. Nhưng nó phải được quan tâm và nỗ lực thực hiện
thì mới có. Có lẽ qua những nỗ lực kết hợp của y học và tôn giáo, cũng như của
cá nhân và các cơ quan xã hội quan tâm, lý tưởng về sức khỏe này có thể đạt được
trong một ngày nào đó.