Hội Hải Quân và Hàng Hải Miền Đông HK với sự phối hợp của Cộng
Đồng Hoa Thịnh Đốn, Maryland và Virginia, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH
vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, với sự hỗ trợ của nhiều hội đoàn
trong vùng đã trang trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm bốn mươi năm trận
hải chiến Hoàng Sa. Buổi lễ được tổ chức vào lúc 11 giờ trưa ngày
18 tháng 1 năm 2014 tại Jewish Community Center, Fairfax, Virginia.
Hiện diện có hơn ba trăm quan khách tham dự, trong đó có Trung Tướng
Lữ Lan, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Hoà Thượng Thích Tâm Thọ, Linh
Mục Hoàng Văn Thiên, Chánh xứ Nhà Thờ Các Thánh tử đạo ở Arlington,
VA, các Đạo hữu thuộc Giáo Hội Cao Đài Hải Ngoại, HQ Đại Tá Ngô
Khắc Luân, Niên trưởng Bùi Ngọc Hương, Hàng Hải Thương Thuyền, HQ Đại
Tá Bùi Cữu Viên, HQ Đại Tá Đặng Trần Du, Ông Đoàn Hữu Định, Chủ
tịch CĐVN/HTĐ, MD&VA, Tiến sĩ Tạ Cự Hải, Chủ tịch LHCCS/VNCH/HTĐ
&Phụ Cận, nhiều quân nhân các Quân Binh Chủng của QL/VNCH như Gia
Đình Mũ Đỏ, TQLC, Cảnh Sát QG, Xây Dựng Nông Thôn, Hội Cựu sinh viên
sĩ quan Thủ Đức, hội cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Quốc Gia…cùng rất nhiều
niên trưởng và quân nhân Hải Quân, các chị trong hội Bà Mẹ VN, Gia
đình nữ sinh Trưng Vương, Hội “Cư An Tư Nguy” (Gia đình cựu Sinh Viên Trừ
Bị Thủ Đức) các chị Hội Phụ nữ Lâm Viên…(Gia đình cựu Sinh Viên SQ
Võ Bị Quốc Gia Việt Nam).
Mở đầu, linh vị 74 anh hùng tử sĩ Hải Quân được các quân nhân HQ trong
quân phục trắng và quốc phục VN trang trọng rước lên an vị trên bàn
thờ. Trên bàn thờ có nhiều hoa quả và 74 ánh nến lung linh. Sau nghi
lễ chào quốc kỳ rất trang nghiêm, ông Nguyễn Văn Thành, Hội trưởng
hội Hải Quân & Hàng Hải Miền Đông Hoa Kỳ, kiêm trưởng Ban tổ chức
Lễ Tưởng Niệm chào mừng quan khách và ông nói, trận hải chiến khốc
liệt Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 là niềm hãnh diện không
riêng của quân chủng Hải Quân VNCH mà là của dân tộc Việt Nam. Mặc dù
so sánh tương quan lực lượng thì Hải Quân VNCH chống lại Hải quân Trung
Cộng là “Châu chấu đá voi” nhưng châu chấu đã đá voi đến hơi thở cuối
cùng.
Sự chiến đấu anh dũng đó thể hiện lòng quyết tâm bảo vệ vẹn toàn
lảnh thổ của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, ông xin phép tất cả
cùng tưởng niệm đến các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vị
quốc vong thân.
Hình ảnh lễ tưởng niệm.
Sau đó một đoạn phim tài liệu về Hải Quân VNCH và trận hải chiến
Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 được BTC trình chiếu. Theo tài liệu
này thì vị trí quần đảo Hoàng Sa ở hướng Đông Bắc của thành phố
Đà Nẳng, cách Đà Nẳng 170 hải lý tức là 315 km. Tổng cộng có
khoảng 130 đảo lớn nhỏ, riêng bốn đảo chánh là Hoàng Sa, Cam Tuyền,
Quang Hòa và Duy Mộng luôn luôn có người của Chánh phủ Việt Nam đồn
trú.
Năm 1638, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tấn đã tuyển ngư phủ ở hải đảo Lý
Sơn tức cù lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi bấy giờ, để thành lập đội
Hoàng Sa. Ngày 07-09-1951, tại hội nghị San Francisco, Hoa-Kỳ, Thủ
Tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Việt Nam đã lên tiếng xác nhận
các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và là lãnh thổ
của Việt Nam ở Biển Đông mà 51 quốc gia dự hội nghị, kể cả trung
Hoa, đều không phản đối, nên đã được ghi vào biên bản của hội nghị.
Ngày 13-07-1961, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm đã ban hành Sắc Lệnh
và ngày 21-10-1969, Thủ Tướng Chính Phủ VNCH Trần Thiện Khiêm đã ban
hành Nghị Ðịnh bổ túc, đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc xã Ðịnh Hải,
quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1970, Tư lịnh HQ Vùng 1 Duyên Hải lúc bấy giờ là HQ Trung Tá Hồ
Văn Kỳ Thoại mới tân đáo, đã đặt huy hiệu “Hoàng Sa trấn, Hải biên
phòng” để xác định quyền tuần tiểu và bảo vệ của HQ VNCH.
Phần trình chiếu này đã làm cho nhiều người xúc động, theo dõi từng
giây phút. Trong đó có ghi lại lời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
nói trong buổi họp tại bộ tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải: “Chúng ta không
để mất một tấc đất nào cả”.
Ngày 17-1-1974, tư lệnh Vùng 1 Duyên Hải là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ
Thoại chỉ định HQ Đại tá Hà Văn Ngạc làm chỉ huy trưởng Chiến Thuật
vùng Hoàng Sa với 4 chiến hạm HQ4, HQ5, HQ16 và HQ10.
Ngày 19-1-1974, lệnh từ 4 giờ sáng, các chiến hạm vào nhiệm sở tác
chiến.
Lúc 9 giờ sáng, Phó Đề Đốc Thoại đang túc trực trong trung tâm chiến
báo BTL/V1ZH thì Đại tá Ngạc báo cáo Trung Cộng bắn tử thương 2
Người Nhái đổ bộ. Phó Đề Đốc Thoại chỉ thị: “Họ đã bắn trước,
với tình thế bắt buộc, vậy thì tùy anh toàn quyền sắp xếp và ra
lệnh cho các chiến hạm của mình phải nổ súng trước cùng một lúc
để tránh bị thiệt hại nặng”.
Lúc 10 giờ 9 phút sáng, các chiến hạm nhận lệnh chuẩn bị tác xạ.
Các chiến hạm VNCH và Trung Cộng chỉ cách nhau khoảng 700 mét. Đúng
10 giờ 24 phút, Đại tá Hà văn Ngạc ra lệnh đồng loạt khai hỏa và
bấm vào ống liên hợp của máy âm thoại kéo dài khoảng 1 phút để tất
cả hệ thống liên lạc đều nghe rõ tiếng súng lịch sử trận hải chiến
Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974.
Trận hải chiến bắt đầu! Trận hải chiến diễn ra trong vòng 30 phút.
Lúc 11giờ 10 phút trận chiến đã tàn thì 2 hộ tống hạm của Trung
Cộng đến tăng viện là Kronstadt K281 và K282 và bắn chìm Hộ tống hạm
HQ10 Nhựt Tảo và bắn vào 5 xuồng đào thoát của thủy thủ đoàn HQ10
nhưng không truy kích vì lo tiếp cứu các đồng chí của họ.
Theo dõi đoạn phim, quan khách vỗ tay vang dội nhiều đợt, hoan nghênh
tình thần anh dũng chiến sĩ HQ/VNCH quyết một lòng gìn giữ từng tất
đất quê hương. Có lúc không khí thật lặng yên xúc động, nhiều người
ứa lệ.
Hạm trưởng HQ10 là HQ Thiếu tá Ngụy Văn Thà bị tử thương, Hạm phó
cùng 23 chiến sĩ đào thoát trên 5 bè. Ngày hôm sau, lúc 2 giờ sáng
thì Hạm phó HQ10 là Nguyễn Thành Trí đã trút hơi thở cuối cùng trên
bè thứ năm và được thủy táng. Tổng cộng HQ10 có 62 chiến sĩ tử
trận. Lúc 6 giờ 30 phút sáng, 15 chiến sĩ HQ của HQ16 trên đảo Vĩnh
Lạc nương theo gió mùa Đông Bắc dùng xuồng cao su rời đảo.
Sau đó, quân Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa, bắt tù binh 1 người
Mỹ và 48 người Việt Nam, gồm có 4 nhân viên Đài khí tượng, 5 quân nhân
Công binh, 14 quân nhân Hải quân và 25 quân nhân Địa Phương Quân.
Về phía Trung Cộng, đến năm 2006, Trung Cộng mới tiết lộ rằng:
"Tổng cộng có 58 người tử trận và 63 người bị trọng thương”. Hộ
tống hạm Kronstadt K274 chìm, hạm trưởng là Đại tá Quan Đức tử trận.
Đây là soái hạm nên bộ than mưu tử trận gồm có: Đô đốc Phương Quang Kinh,
Tư Lệnh Phó hạm đội Nam Hải của HQ Trung Cộng, 4 đại tá, 6 trung tá,
2 thiếu tá, 7 sĩ quan cấp úy và một số thủy thủ đoàn không được nêu
tên.
Trở lại chương trình buổi lễ tưởng niệm. Tiếp theo là HQ Trung úy Lý
Thy Dân làm lễ xả cờ. Trung Tướng Lữ Lan, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng,
HQ Đại úy Cơ Khí Hàng Thanh Nguyên (từng tham dự trận hải chiến Hoàng
Sa trên HQ5 soái hạm) và HQ Nguyễn văn Thành dâng vòng hoa tưởng niệm
lên các anh hùng vị quốc vong thân. Theo sau là tiếng kèn truy điệu.
Không khí thật cảm động, anh linh của các anh hùng tử sĩ từ khắp nơi
như đã nương theo tiếng kèn chiêu hồn về đây chứng giám cho các niên
truởng và anh em bạn bè đã tề tựu nơi đây tưởng nhớ đến các anh em.
Sau đó tên của 74 anh hùng tử sĩ được xướng lên, có chiêng trống phụ
họa. Mỗi tên, được một chị trong hội Các Bà Mẹ VN, Gia đình Trưng
Vương, hội “Cư AnTư Nguy” và Hội Phụ nữ Lâm Viên, dâng một đóa hoa hồng
thể hiện lòng thương tiếc các anh em.
Tiếp theo là lễ bái theo nghi thức cổ truyền. Cùng lúc đó, HQ Trung
úy Nguyễn Văn Huấn đọc Văn tế rất cảm động. Trung Tướng Lữ Lan, Phó
Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, quý vị đại diện tôn giáo, Cố vấn Cộng Đồng
Lý Văn Phước, Ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Cộng Đồng Hoa Thịnh Đốn,
Maryland và Virginia, Tiến sĩ Tạ cự Hải, Chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến
Sĩ VNCH Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, Dược sĩ Nguyễn mậu Trinh, hội
Người Việt Cao Niên, HQ Đại tá Ngô Khắc Luân, Niên trưởng hàng hải Bùi
Ngọc Hương, HQ Đại tá Bùi Cữu Viên, HQ Đại tá Đặng Trần Du, HQ Đại
tá Bùi Hữu Thư, Đại tá BĐQ Lâm Duy Tiên và đồng hương được mời lên
dâng hương trên bàn thờ.
Sau đó, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng phát biểu, dù rằng lực lượng của
ta có yếu kém hơn địch, dù rằng ta sẽ bị thương vong và thiệt hại,
dù rằng Hoàng Sa rút cục cũng sẽ bị Trung Cộng cưỡng chiếm, Hải
Quân VNCH cũng bắt buộc phải khai chiến. Ta không thể ngồi yên nhìn
ngoại bang xâm chiến đất nước ta. Đây là một sự hy sinh cần thiết
thuộc lãnh vực lý tưởng, một sự biểu dương tinh thần bất khuất,
quyết tâm bảo vệ đất nước của người Việt Nam. Chính nhờ tinh thần
này mà VN mới tồn tại được tới ngày nay.
Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng nói tiếp, Hải chiến Hoàng Sa là hành
động đầu tiên của Trung Cộng trong mưu toan và tiến trình chiếm đoạt
Biển Đông. Trận Hoàng Sa vẫn còn là một vấn đề thời sự. Ta phải
luôn luôn coi việc dành lại Hoàng Sa là một nhiệm vụ đương thời nhằm
ngăn chặn bước tiến của Trung Cộng, tiếp tục ngoan cố trong dã tâm
bành trướng bá quyền của chúng.
TrungTướng Lữ Lan phát biểu, trong các cuộc biểu tình bày tỏ tinh
thần yêu nước, chống ngoại xâm của đồng bào trong nước suốt mười
tuần vào mùa Hè 2011, đã có nhiều biểu ngữ tri ân sự hy sinh của
các chiến sĩ tử trận Hoàng Sa. Đặc biệt năm nay, để tưởng niệm 40
năm trận hải chiến lịch sử, đồng bào trong nước, thành phần từ sinh
viên đến trí thức, kể cả Thủ tướng VC Nguyễn Tấn Dũng, cũng đã
phải nhắc đến việc tưởng niệm những chiến sĩ Hải Quân anh dũng của
QLVNCH.
Trung Tuớng Lữ Lan kêu gọi, chúng ta hãy gởi cho Trung Cộng xâm lược
và đồng loã của chúng tại Bắc Bộ Phủ rằng, đất nước VN gồm cả hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là gia tài của tổ tiên để lại,
và chúng ta cương quyết sẽ bảo vệ đến giọt máu cuối cùng.
Sau đó Chủ tịch Đoàn Hữu Định, Tiến Sĩ Tạ Cự Hải, quý vị đại
diện tôn giáo và Trung tá HQ Hoa Kỳ người Mỹ gốc Việt được mời lên
phát biểu. Chuơng trình đuợc chấm dứt lúc 2 giờ trưa.