Ở giữa những hàng cây trụi lá, hoặc bên cạnh một giòng suối có
nước lững lờ trôi có những chiếc lều màu xanh da trời sáng rực lên,
hoặc trên chiếc cầu bắt ngang con suối có người thiếu nữ đang ngồi
giặc áo… Thật hữu tình, rất thơ mộng và thậm chí như cảnh thiên
đàng, như vườn lộc uyển… Khi nhìn vào những tấm hình chụp từ xa;
nhưng, đến gần, đến thật gần thì đó là những chiếc lều vải sắp
rách nát, là những tấm bạt ny-long chùm lên những tấm cát-tông xiêu
vẹo…Đó là những mái nhà, là “mái ấm” của hàng trăm gia đình đang
sống giữa lòng thành phố trong ngày Giáng Sinh 2013. Họ là Những Kẻ
Không Nhà.
Con suối mang tên Coyote Creek bắt nguồn từ Gilroy hay Morgan Hill, hoặc
từ xa hơn nữa đâu đó trong rặng Santa Cruz Mountain bạt ngàn thông xanh
vi vút. Con suối đó đi ngang qua thành phố San Jose để nhập chung vào
với giòng Guadaluppe River. Chỗ “giáp nước” đó nằm dọc xa lộ 280 South
có con đường Story Rd. chạy theo hướng Đông Tây, và ở đó có khu rừng
cây um tùm rậm rạp. Khi lái xe ngang qua đường Story, nơi ngã ba Senter
Rd. một bên là sở thú Happy Hallow Zoo, và một bên là ngôi làng.
Theo chân đoàn ủy lạo của CĐVN Bắc California đến thăm những người bất
hạnh lâm vào cảnh không nhà. Đoàn Ủy Lạo đến địa điểm vào lúc
11:00am ngày thứ Ba 24/12/2013, có 4 chiếc xe bán thức ăn trưa, Lunch
Catering Truck, và nhiều chiếc bàn dài với những bọc quần áo cũ.
Tham dự trong công tác từ thiện, phát quần áo, chăn, mền còn có Phật
tử Chùa Đại Nhật Như Lai. Trước đó lúc 10:00am, đã có nhiều người
đến chuẩn bị địa điểm, sắp xếp bàn ghế, và chuẩn bị thức ăn. Anh
Hào Thái, Ủy Viên CĐVN Bắc California, Nhiệm Kỳ 5, đã bảo trợ cho công
tác nầy. Anh Hào Thái là chủ một chiếc xe lunch Porky’s SJ kêu gọi
thêm 3 xe khác cùng cộng tác với anh để cung cấp bữa ăn trưa cho người
không nhà vào dịp lễ Giáng sinh. Trong phái đoàn ủy lạo có Ông Nguyễn
Ngọc Tiên, Ông Nguyễn Hữu Nhân, Ông Nguyễn Thiếu Nhẫn, Ông Võ Văn Sĩ,
Ông Trần Mai, Ông Nguyễn Bữu và nhiều anh chị em làm thiện nguyện.
Hình ảnh thăm làng homeless, nơi có nhiều người gốc Việt.
Khu đất trống nhộn nhịp như một ngày hội chợ, người sa cơ lỡ bước
đã đến để dùng bữa ăn trưa, nhận quần áo. Thức ăn có cơm trắng,
thịt nướng, rau trộn và trái cây, nước uống, v.v... Những người không
nhà vui vẻ chuyện trò và tỏ lòng cảm ơn cộng đồng Việt Nam. Anh Hào
Thái cho biết: “Việc làm nầy nhằm chia xẻ một chút khó khăn khi họ
gặp cảnh khổ.”
Đi một vòng xuống khu rừng cây hai bên bò suối. Dòng suối có nước
chảy róc rách, cây khô trụi lá, những căn lều bạt đủ màu sắc giăng
kín khu rừng. Trong đó có nhiều người độc thân, người có gia đình,
đàn ông, thanh niên, phụ nữa và em bé. Cuộc sống có khó khăn và bất
tiện. Không nước, không điện, không nhà, không có cả những phương tiện tối
thiểu để nấu ăn. Những căn lều tạm bợ cất lên dưới những tàng cây
bằng vật liệu kiếm được từ những đống rác, hoặc xin từ nhà thờ.
Có rất nhiều chiếc xe đi chợ (cart) bỏ lăng lóc chung quanh, và những
đống bao ny-long, vật liệu phế thải, v.v... Những người sống nơi đây
kiếm tiền bằng cách đi xin, hoặc lượm rác, bao bị, võ chai….bán cho
các công ty thu mua phế liệu tái chế biến (recycle).
Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng họ vẫn cố tạo cho đời sống những
tiện nghi tối thiểu, và cố gắng sống một đời sống bình thường.
Ngày lễ đến, cũng có cây thông Giáng Sinh, có hang đá, có giây kim
tuyến trang hoàng trên các cành cây. Đều khó khăn nhất nơi đây là nước
uống, nước tắm giặt, và việc chăm lo sức khoẻ. Có người cho biết
tắm giặc ở nơi vòi nước công cộng, hoăc trong mùa mưa dùng nước dưới
suối. Cuộc sống tuy cam go khổ cực, nhưng họ vẫn có những tôn trọng
sự riêng tư; không phải tất cả xuống đây đều xô bồ hổn độn. Cũng có
những nơi “màn che trướng phủ” có những riêng tư và không muốn ai xâm
phạm. Không phải tất cả đều đến nhận thức ăn ủy lạo trong ngày lễ;
họ cũng có lòng tự trọng, và không muốn tiếp xúc với người lạ.
Có khoảng trên dưới 200 người sống trong khu rừng nầy, trong số đó có
khoảng 10 người Việt Nam. Ông John, mới đến cư trú nơi nầy khoảng vài
tháng, ông đến từ San Diego. Ông nói “Tôi lưu lạc đến đây không bạn bè
không người thân” Hỏi lý do đưa ông đến nơi nầy, ông trả lời bằng nụ
cười buồn. Anh Richard, anh Sam đến đây được vài tháng, chỉ chiếc lều
nói “Gia tài của tôi là 8 chiếc mền. Đủ ấm rồi.” Họ không muốn đề
cập đến lý do đưa đầy họ vào cảnh khốn cùng.
Hình ảnh thăm làng homeless, nơi có nhiều người gốc Việt. Người Việt Nam chiếm riêng một góc rừng, dưới chiếc cầu sắt. Nơi đây
hơi ẩm thấp và thiếu ánh nắng. Khi tôi đến, anh Nguyễn Phúc Ân đang
phơi những chiếc mền, và trang trí gốc cây nơi anh chọn làm “nhà”
bằng những cành cây kết nối với nhau thành chiếc cổng hình vòng
cung. Phúc Ân cho biết: “Cháu ở Mỹ được 26 năm. Đến Hoa Kỳ với bà
nội lúc 8 tuổi.” Ân noí thêm “Ở đây là khổ rồi. Nhưng mà phải chịu
vậy thôi. Mỗi con người có một số phận khác nhau.” Em tâm sự có gia
đình ở VN, có mồ mả ông bà cũng muốn về thăm một lần nhưng chưa
được. Anh Nguyễn Văn Bê, trên 30 tuổi, chưa có gia đình sống trong
“làng” vài năm nay, không có việc làm. Anh ít nói. Với Nguyễn Phúc Ân
thì cởi mở hơn. Ân tâm tình “Đừng nghĩ rằng tất cả những người sống
dưới suối là hút xách, bậy bạ đâu. Cũng có một ít thôi..” em chỉ
một căn lều trên triền dốc “Đó là thằng quậy nhất ở đây. Nó hút,
nó say, nó làm bậy… nhưng số đó không nhiều. Mình ở đây phải lo giữ
gìn. Có ai muốn xuống đây đâu. Cháu nói là mỗi người có mỗi cảnh
đời khác nhau…” Ân cho biết Ân sẽ rời nơi đây sớm nếu có cơ hội. Em
đã khóc khi tâm tình. Và dường như em có điều chi đó khó giải bày.
Thân thể Ân hơi ốm, cao, có xâm hình chi đó trên ngực phía trái. Ân
nói tiếng Việt tiếng Anh lẫn lộn và rất rõ ràng mạch lạc. Qua câu
chuyện, có thể cho thấy em có chút bất mãn đời sống, em nói nhiều,
nhưng em có niềm tin vào đấng thiêng liêng.
Cũng trong khu rừng nầy, con người muốn vươn lên để thoát ra khỏi “cơn
bĩ cực”. Trên chiếc vĩ sắt bắt ngang dòng suối, có một cô gái bận chiếc
áo đầm trắng, lịch sự đang ngồi rửa mặt và trang điểm, có thể cô ta
có một cái hẹn trong đêm Noel chăng? Không biết cô ta đang nghĩ gì,
nhưng qua cách phục sức, và cách chăm sóc sắc đẹp, có thể trong lòng
cô cũng có ước mơ rất bình thường như những con người khác. Một tình
yêu, một cuộc sống tươi đẹp…?
Ở Hoa Kỳ có hàng triệu con người vô gia cư. Có hàng triệu cảnh đời
khác nhau. Và có bao nhiêu người là có bấy nhiêu lý do để đưa họ đến
cảnh khốn cùng. Dù sung sướng, hay đau khổ. Con người là một tạo vật
của Thượng Đế. Ngày hôm nay, cách đây hơn 2,000 năm Chuá Giáng Sinh làm
người là muốn chuộc tội cho thiên hạ. Cầu xin Giáng Sinh nay nay sẽ
có ít người chịu cảnh khổ.
Lê Bình