Ông Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bị câu lưu tại sân bay Frankfurt
vì rửa tiền? Hay chỉ vì cầm tiền cứu trợ về mà không khai báo? Hay
thực tế là tiền cầm giùm cho các đạị gia về VN?
Quanh co đủ thứ đã diễn ra, sau khi một nhà ngoaị giao cao cấp CSVN bị
bắt ở phi trường Đức.
Bản tin VOA ghi rằng, báo Thanh Niên dẫn tin của báo Bild của Đức,
tường thuật rằng một nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam đã bị các
giới chức hải quan Đức câu lưu trong một thời gian ngắn khi ông quá
cảnh tại sân bay Frankfurt, mang theo gần 20,000 Euro mà không khai báo,
vượt quá quy định cho phép.
Ông Nguyễn Thế Cường, đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đáp xuống phi
trường Frankfurt vào lúc 9:45 hôm thứ năm trên chuyến bay của Hãng Hàng
Không Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ thủ đô Ankara.
Đại sứ Cường đã bị chặn lại vì bị tình nghi chuyển lậu tiền, nhưng
sau đó đã được phép rời phi trường sau khi nộp khoảng 3,500 đôla tiền
gọi là “ký thác an ninh”.
Theo lời ông Cường thì các giới chức hải quan Đức nói số tiền này
không phải là tiền phạt, mà ông sẽ lấy lại được, tuy ông không cho
biết rõ là bao giờ ông sẽ lấy lại món tiền đó.
Tối 20/12, VOA Việt Ngữ đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại
Ankara, và một người đại diện không nêu tên đã phản bác thông tin mà
tờ Bild đưa ra.
“Đại sứ Cường có về Việt Nam và có qua Frankfurt nhưng mà ông ấy về
Việt Nam họp ngay hôm đấy rồi cơ mà. Có câu lưu câu liếc gì đâu. Tôi
không thấy nói gì về việc câu lưu cả. Ông ấy về từ hôm mùng 4 mùng 5
gì cơ mà. Về họp ở Việt Nam suốt từ hôm đấy tời giờ cơ mà. Làm gì
có chuyện đó”.
Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt nói hành động của các giới chức
hải quan Đức rõ ràng “vi phạm Công ước Vienna về quyền đặc miễn dành
cho các nhà ngoại giao”.
Nói với tờ Tuổi Trẻ, đại sứ Cường nói rằng các gia đình của các
nhân viên sứ quán đã nhờ ông mang tiền về Việt Nam, và một phần trong
số tiền này là những khoản hiến tặng để giúp đỡ các nạn nhân bão
lụt tại Việt Nam.
Ông Cường cho biết mục đích chuyến đi của ông từ Ankara về Hà Nội là
để tham gia Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, sẽ diễn ra từ ngày 16
tháng đến ngày 20 tháng 12.
Ông ngỏ lời cám ơn Lãnh sự quán Việt Nam ở Frankfurt đã can thiệp cho
trường hợp của ông.
Bản tin BBC kể theo tờ báo điện tử Vietinfo.eu rằng giới chức cảnh
sát Đức đã đưa ông Nguyễn Thế Cường "về đồn để điều tra"
và 'cáo buộc ông Cường tội "rửa tiền“ trong khi khoản tiền mà
vị Đại sứ khai báo là tiền quyên góp "giúp nạn nhân bão lụt."
Vẫn theo nguồn này, cảnh sát Đức đã cho ông Nguyễn Thế Cường
"tại ngoại" sau khi ông đóng tiền phạt thế chân 3.500 Euro và
trong quá trình thẩm vấn ông đại sứ đã không thể xuất trình bất cứ
'chứng từ nào' minh chứng cho lời khai của ông.
BBC cũng nhắc rằng đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc được
cho là 'scandal' xảy ra với quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam
ở nước ngoài.
Hồi tháng 11/2008, một Bí thư Thứ nhất của Tòa Đại sứ Việt Nam tại
Cộng hòa Nam Phi đã bị triệu hồi về nước vì bị cáo buộc liên can
tới 'buôn bán trái phép sừng tê giác' ở quốc gia châu Phi.
Một thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/11/2008 nói: "Lãnh
đạo Bộ Ngoại giao đã quyết định triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, cán bộ
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người có liên quan đến tin đã đưa,
về nước để tường trình và làm rõ sự việc."