Lưu Kim Chi
(và ảnh của Lê Phúc)
Thân tặng các em nhóm GIỚI TRẺ MÂY TỪ
*
Những Bước Chân An Lạc là tên một khoá tu học Phật pháp, được một
nhóm trẻ tên là Giới Trẻ Mây Từ, tổ chức lần đầu tiên, vào các
ngày cuối tuần, từ thứ sáu đến chủ nhật, ngày 6, 7, và 8 tháng 12,
năm 2013, tại trại Bodhi Youth of America/Harmony Pines Camp and Retreat
Center, thuộc thành phố Valyermo, nằm trên Big Pines Highway, khu vực
Mountain High.
Khóa tu được sự hướng dẫn tâm linh của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh,
là vị giảng sư, cũng là Thầy chăm sóc và chỉ đạo cho các em Giới
Trẻ Mây Từ (GTMT). Phụ tá cho HT Thích Phước Tịnh, có sự hiện diện
của Thượng Tọa Thích Quảng Phú, trú trì chùa Văn Thù, Riverside,
trong suốt khóa tu. Khóa tu quy tụ độ trên dưới một trăm người tham
dự.
Một điểm đặc biệt của khoá tu là, đây là khóa tu đầu tiên do các em
tổ chức, vào thời điểm các em ăn mừng sinh nhật nhóm được tròn một
tuổi đạo.
TẬP MÚA GẬY, TUYẾT RƠI, VÀ SỰ HÙNG TRÁNG CỦA NÚI RỪNG
Tuyết là một tặng phẩm của đất trời, còn khoá tu Những Bước Chân An
Lạc (NBCAL) thì là một khóa tu tập cũng như các khóa tu khác thường
được tổ chức ở các nơi, thế thì có gì đặc thù ở đây?
Mới nhìn thoáng thì thấy như là có sự sắp xếp để tuyết rơi đúng
ngày giờ, đúng thời điểm. Nhưng làm sao có thể sắp xếp được một
món quà tặng trác tuyệt như thế? Chỉ biết rằng,tuyết rơi trong khoá
tu NBCAL là một món quà đặc thù, hiếm có, là một kỷ niệm dễ
thương, và chắc rằng được nhớ mãi trong lòng người tham dự.
Thật vậy, khi lái xe đến trại vào chiều thứ sáu, thì núi đồi đã
trắng xóa vì tuyết đã rơi từ trước. Qua buổi tối ngủ khá lạnh vì
rất gần với thiên nhiên, đến sáng thứ bảy, tuyết bắt đầu rơi cho
khóa tu NBCAL.
Tuyết rơi, như hoa trời Mạn Đà La, như được đất trời long trọng trao
tặng, như để chào mừng khóa tu, và như để chuẩn bị núi rừng chờ
nghe Phật pháp. Tuyết và khóa tu NBCAL, đã hài hòa với nhau, đã tuy
hai mà một,giữa núi rừng tuy lồng lộng nhưng tĩnh mịch của vùng Mountain
High.
Tuyết bắt đầu rơi nhẹ, sau đó rơi dầy đặc hơn. Mọi người xuýt xoa
hít hà. Có người lần đầu tiên thấy tuyết,chạy ra sờ tuyết, lại nếm
thử nữa, khen rằng sao giống giống nước đá bào.
Từ trong thiền phòng, nhìn qua cửa sổ kính, chỉ thấy một mầu trắng
xoá, như văng vẳng đâu đây bài hát "Tombe La Neige", "ngoài
kia tuyết rơi rơi...".Khung cảnh núi rừng đang bình thường bỗng
trở nên hùng tráng và rực sáng khi tuyết rơi. Tuyết,như đánh thức
một người khổng lồ dậy, và với sự trở mình đó, vạn vật cũng nhẹ
nhàng chuyển động.
Bài tập Múa Gậy Dưỡng Sinh đầu tiên của khóa tu diễn ra dưới cảnh
tuyết rơi. Ai cũng nói khi tuyết rơi thì không lạnh lắm. Nhưng, nếu
đứng lâu trên tuyết, và những lúc cơn gió thổi qua thì dễ cảm nhận
được cái lạnh tuyết tặng cho đó.
Thầy Thích Phước Tịnh, đứng trong tuyết, tay cầm gậy, vừa múa, vừa
tận tình chỉ bảo cho đại chúng tu học, các bài múa gậy dưỡng sinh.
Này nhé, đây là thế Nhìn Trời, thế Ngắm Đất, thế Ngó Hai Bên, rồi
thế Gậy Chấm Nền. Xong chưa? Kế tiếp, là các thế khác, như là, thế
Đá Thẳng Lên, thế Đá Phải Trái, thế Ngẩng Cao Đầu, thế Tay Chạm Đất.
Lại có thế Trăng Liềm Nghiêng, thế Chim Én Liệng, thế Nhìn Sau Gót,
v.v...
Tên của các thế múa gậy khá mộc mạc dễ nhớ. Tuy thế, đừng để sự
mộc mạc của tên gọi lám giảm bớt sự đề cao cảnh giác của bạn. Tại
sao? Vì dẫu bạn có đề cao cảnh giác, bạn cũng vẫn... khá lúng túng
đấy.
Này nhé, bạn cầm gậy hai tay giang ra...Rồi sao nữa, chân sau nhón
gót, lực chịu chân trước...Mà này, lại có đá cao nữa nhé. Thầy,
thì đá rất cao; còn đại chúng, thì đá hều hều. Thôi thì, cũng tạm
thông cảm đi nhé. Tại tuyết rơi mà, làm sao đá cao cho đặng! Có hợp
lý không nhỉ?
Hình ảnh trong khóa tu.
BÀI PHÁP, TUYẾT TRẮNG, VÀ SỰ VỖ TAY THÍNH PHÁP CỦA NÚI RỪNG
Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, giữa núi rừng tịch mịch tuyết trắng,
đã giảng những thời pháp rất vi diệu và đánh động lòng người. Khóa
tu mùa Đông cũng có những lý thú riêng, vì ta thưởng lãm được đất
trời, núi rừng, tuyết rơi, và tiếng nói thì thầm của núi rừng vọng
lại. Khóa tu bắt đầu ngay lúc ta bước chân vào trại, không phải đợi
lúc ta ngồi xuống thiền tập. Năng lực của sự tu tập rất khó mời
gọi, mà để trôi xuôi rất dễ. Cho nên ta cần có sự chuẩn bị. Mà sự
chuẩn bị thường đem đến niềm vui, như sự chuẩn bị Tết, sự chuẩn bị
cho khoá tu, v.v...
Ta chuẩn bị để làm sao ứng dụng toàn thể thời gian ở đây vào việc
thiền tập. Hảy nhiếp tâm trọn vẹn trong việc thiền tập. Hãy dành
trọn vẹn năng lực cho việc nhìn vào bên trong ta, an trú tĩnh thức
trong chánh niệm nhận thức. Đem trọn vẹn thân tâm sống bằng năng lượng
nhận thức. Đừng vụng về mang những phiền phức, vướng víu, của phố
chợ về nơi núi rừng tịch mịch này. Cũng đừng xôn xao vọng động
chuyện phải trái. Nên dành thì giờ lặng lẽ. Lắng nghe tiếng yên bình
và tiếng sột soạt của núi rừng. Chỉ khi ấy ta mới thưởng thức được
không gian trong sạch mà điều kiện núi rừng ở đây tặng cho ta.
Ta hãy chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Nên nhớ, ăn thức ăn, nuôi
dưỡng cơ thể, quan trọng hơn uống thuốc. Hãy ăn uống chọn lọc và
điều độ. Hãy năng tập thể dục, thể thao. Hãy thường xuyên thực hành
thiền tập và phát triển đời sống tâm linh.
Hãy làm quen với sự tỉnh thức, để ta không thường sống với sự lãng
quên. Có người, cả đời, chìm trong sự lãng quên. Cũng đừng làm kẻ vô
hồn, có hạnh phúc đến, mà vì vô hồn, nên dửng dưng. Có sự tỉnh
thức trong ta, thì đời ta như có lễ hội mở ra. Ta sống động hơn, ta
thưởng lãm được niềm vui đất trời thiên nhiên trao tặng, và hơn thế
nữa, ta nhạt nhoà với những xôn xao của phố thị.
Thực tập sống tỉnh thức là cách sống của người tiến bộ thông minh,
biết quý trọng và không phí phạm đời sống. Sống tỉnh thức là một
quà tặng cho chính ta. Ta nhận ra sự chuyển hoá nơi ta. Hơn thế nữa,
năng lực chuyển hoá từ tự thân ta tỏa ra, lây lan đến người thân của
ta, và gây sự chuyển hoá thiện lành cho họ.
Vậy làm sao thực tập sống tỉnh thức? Đức Bổn Sư Thế Tôn dạy rằng
hãy đi vào bằng hơi thở. Mà hơi thở là một món quà tặng ta đã có.
Dùng hơi thở, để tâm thức ngược xuôi của ta dừng lại nơi đây. Khi năng
lực "định" đủ đầy, ta nhận ra những vui buồn trong ta không
có thật. Chúng cũng không có tự ngã. Và ngay đây, ta loại trừ hết
những bất hạnh đổ vào đời ta. Lên cao thêm một tầng nữa, ta phá vỡ
được các tầng nghiệp thức dẫn dắt ta đi luân hồi trong các nẻo
đường.
Khi đã thực tập sống tỉnh thức, làm sao ta áp dụng vào cuộc sống
bình thường? Mời năng lực nhận biết có mặt trong từng tác động của
thân tâm, cho viên mãn, cho trọn vẹn. Dùng con mắt tâm nhận biết toàn
thân. Nhận biết hơi thở ra vào, bụng phồng xẹp, và các cảm xúc xày
ra cho thân.
TINH THẦN ĐỒNG ĐỘI VÀ LỜI KẾT
Các em Giới Trẻ Mây Từ đã thể hiện được tinh thần đồng đội và lòng
vị tha, phục vụ tha nhân, qua tác phong và việc làm cho đại chúng tham
dự khoá tu. Cũng có nhiều trở ngai, như trời lạnh quá làm đông đá
ống nước, nên nhà vệ sinh không có nước; hoặc ống nước bị bể, nước
tràn lênh láng, nên các em phải hì hục lau dọn từ ba giờ sáng,...Đại
chúng, thấy các em làm việc với tất cả tấm lòng cống hiến, thêm sự
quan hoài lo lắng của các em, nên rất thương cảm và cảm phục các em.
Ngược lại với sự lo lắng của các em, đại chúng tham dự khoá tu NBCAL
đều đã hưởng được sự an lạc, sự thư thái, và sự thưởng lãm núi
rừng và tuyết.
HT Thích Phước Tịnh nói rằng khen thì hơi thừa, mà không khen thì lại
thiếu. Thế cho nên, những lời khen của HT và thầy Quảng Phú, của quý
đại chúng tham dự, đã gây ra những giọt nước mắt cảm động chân thành
trên khuôn mặt của các em. Thêm vào đó, sự kiện nhóm các em vừa tròn
một tuổi đạo cũng gây xúc động cho nhiều người, nên có thêm cơ hội
sụt sùi.
Thay lời kết, đại chúng tham dự xin chân thành cảm tạ Quý Thầy, Hoà
Thượng Thích Phước Tịnh, và Thượng Toạ Thích Quảng Phú, và cảm ơn
các em Giới Trẻ Mây Từ, đã tạo cơ hội một khoá tu thiền rất an lạc,
rất thực dụng và không kém phần trân trọng, trang nghiêm, thanh tịnh.
Cũng chúc mừng các em Happy Birthday một tuổi đạo. Các em có một trang
nhà và một Face Book trên mạng, mang tên nhóm Giới Trẻ Mây Từ, nếu
quý vị nào muốn tìm hiểu thêm. Và dường như trong năm tới,nhóm Giới
Trẻ Mây Từ có thể sẽ tổ chức tối thiểu là hai khoá tu nữa.
Lời chót, một bông hồng cho các em Giới Trẻ Mây Từ đã có lòng quan
hoài đến tất cả mọi người hiện diện trong khoá tu Những Bước Chân An
Lạc I. Cầu chúc các em cũng luôn an lạc và luôn đầy ắp nhiệt tâm
phụng sự đại chúng.
Từ Trí Lưu Kim Chi viết
Ảnh chụp: Lê Phúc