Hôm nay, giải quyết vài vấn đề, gặp nhiều sự đả kích phiền hà trong công việc,
hai bên màng tang chị Diệu nhức quá, nhức như bị ai nắm da đầu kéo căng ra rồi
siết siết siết, siết chặc cho tới lúc không siết được nữa.
Người ta chọn cách giảm căng thẳng khác nhau. Có người thảy liền hai ba viên
thuốc chống đau nhức vô miệng nuốt ực ly nước, có người đi mua sắm, dạo vườn
chơi, đi nghe nhạc, vô quán bar khiêu vũ, còn chị, có hơi khác.
Không thuốc men, không môi trường nào có thể làm giảm bớt sự căng thẳng tinh thần
chị Diệu cho bằng vô tiệm làm nail.
Giờ chiều, rời khỏi sở lúc ba giờ, không gọi hẹn, chị định bụng tới tiệm quen
trước coi sao.
Chị chạy thẳng tới tiệm chị Ngà.
Tới cửa nhìn vào, chị thấy đông khách ngồi đợi, không chờ chị Ngà đón tiếp, sợ
phiền người đang bận bịu, chị bước trở ra, lên xe chạy tới đoạn đường khác.
Không gọi hẹn trước thì đi ra cũng phải thôi. Để dịp khác lúc vui vui sẽ trở lại,
lúc đó gọi hẹn trước, vừa săn sóc sắc đẹp vừa thăm viếng người bạn cũ, vậy hay
hơn.
Mà tiệm nails thì thiếu gì. Gần như đoạn đường nào trong thành phố nầy cũng có.
Chị chạy chậm chậm, qua một khu thương mại nhỏ, vừa thoáng thấy chữ Nails trên
tấm biển quảng cáo, chị bật đèn báo, quẹo xe vô liền.
Trong tiệm vắng, chị nghe tiếng “chào cô”. Chỉ nghe tiếng chưa thấy người. Nhìn
kỹ theo hướng tiếng nói, thấy cái đầu tóc đen ló lên. Một cô đang ngồi khuất
sau cái ghế có lưng dựa cao, cô ta lặp lại:
- Cô muốn làm nails hả cô?
Chị bèn hỏi:
- Ờ. Có làm nguyên bộ móng tay liền được hông em?
Cô ấy trả lời:
- Dạ được, dạ được, em làm liền cho cô.
Vừa nói cô ấy vừa đứng dậy, gom gom dẹp dẹp gì đó trên bàn trong góc. Chị nhìn,
thì ra cô ấy đang ăn, gói gì đó. Chị Diệu nói:
- Cứ ăn đi, ăn đi ăn xong rồi làm.
Cô thợ nói:
- Dạ không, em ăn xong rồi. Cô có muốn làm chân luôn không, cũng làm liền cho
cô.
Dĩ nhiên là làm liền rồi vì trong tiệm còn có khách nào đâu? Chị nói:
- Ờ ờ, sẵn làm chân luôn đi.
Cô thợ nói:
- Vậy cô qua kia lựa màu đi cô.
Chị thừa biết, mời chị lựa màu sơn móng tay trong khi cô thợ sửa soạn dọn dẹp
gì gì đó. Chị cũng bước tới lựa lựa trên mấy cái kệ nhỏ nhỏ xinh xinh, lâý ra
chai sơn màu hồng cánh sen tươi sáng. Sẵn thấy chưng bày những móng tay làm mẫu,
chị săm soi coi luôn, thấy có nhiều mẫu vẽ kiểu rất khéo léo. Chị thích những mẫu
vẽ bằng tay hơn là những móng chạm ngọc dát vàng. Rõ ràng bàn tay nhỏ nhắn của
người mình có hoa tay thiệt, bảo sao không chiếm luôn cả thị trường của nghề
làm nails nầy, bảo sao thế giới không thán phục người Việt Nam cho được. Đi tới
đâu trên khắp thế giới cũng có mùi thuốc của tiệm làm nails, cũng như tiệm phở
ngon miệng với mùi quê hương ngò gai rau quế và tiệm bánh mì thịt thơm tho mùi
bơ đánh bằng tròng đỏ trứng với dầu ăn kiểu Việt Nam. Cứ một lòng đỏ thì một muỗng
dầu ăn, vừa đánh trứng vừa cho dầu từng giọt từng giọt vào thêm một xí muối là
có chén bơ đặt vàng tươi thơm phứt trét lên bánh mì mới ra lò thì ăn ngon hết
ý. Đang đói bụng nhắc tới bắt thèm.
Cô thợ mời chị ngồi trên cái ghế làm chân, cao ngều ngệu. Chị lắc đầu:
- Không, không, tôi không muốn làm chân bằng chậu máy foot spas đâu, chỉ làm
thường thôi.
Cô thợ nói:
- Dạ làm chân thường, cô cứ ngồi trên ghế nầy cho thoải mái. Sao cô không chịu
làm spas cho nước nó xoáy chân cho đã?
Nói rồi cô vói vào trong:
- Linh ơi ra phụ làm chân nầy.
Nghe tiếng “dạ” rồi một cô bé bé xinh xinh từ phòng trong chạy ra. Cô bé lẹ
làng mở tấm đậy chậu làm chân lên. Chị Diệu thấy đã trử sẵn chậu nước trong
xanh, chị rút chân ra khỏi đôi giày, cô bé đặt hai chân chị vô chậu nước. Cảm
giác dễ chịu quả không sai, làn nước nóng như làm giản các cơ của đôi bàn chân
bị bó trong giày cả ngày. Theo y học, người ta nói tất cả các mô bắp thịt của
lòng bàn chân có ảnh hưởng tới từng bộ phận trong ngừơi. Như, chỗ nầy ảnh hưởng
thẳng tới lá gan, chỗ nầy tới dạ dầy, chỗ nầy tới bộ não… hình dạng của những
mô bàn chân cũng từa tựa như hình dạng của cơ quan “nó phụ trách” như đầu ngón
chân tròn tròn tượng trưng cho bộ não, chỗ nầy cong cong như lá gan, … vì vậy
khi săn sóc bàn chân thì cũng như đang xoa dịu những bộ phận của nội tạng vậy.
Chị khoan khoái ngả người dựa hẳn vào lưng ghế. Lưng ghế cao dựa thoải mái thiệt.
Cô bé thì làm chân, ngồi đối diện chị, cô lớn cũng xách thùng đồ nghề tới ngồi
bên tay phải cái ghế, kéo tay chị qua để làm bàn tay luôn.
Y hỏi:
- Cô muốn làm bao dai?
Chị Diệu nói:
- Đừng dài quá không gõ bàn phiếm chữ được, dài bằng nầy thôi (vừa nói chị vừa
ra dấu).
Cô thợ gật đầu.
Như đã nói, “bàn chân là một bản đồ của cơ thể, và mọi phản xạ tương ứng với một
cơ quan hoặc một phần cơ thể. Các ngón chân là tất cả các phản xạ đầu và tất cả
các yếu tố liên quan đến “người đứng đầu”, bao gồm cả các cơ quan cảm giác,
não, tuyến nội tiết và các xoang. Bất cứ điều gì là trên đầu của bạn được tìm
thấy trên các ngón chân.”
Đang nghĩ ngợi lang mang, chị có cảm giác thật dễ chịu êm ái khi cô bé đang
dùng hai ngón tay bóp nhè nhẹ các đầu ngón chân chị. À, cô bé nầy biết cách xoa
bóp quá ta (chị nghĩ thầm). Nếu người chuyên viên làm nails mà biết luôn cách bấm
chính xác những huyệt đạo trên bàn chân thì chắc chắn khách không đếm xuể.
Được xoa bóp một hơi, sự căng thẳng hai bên màng tang chị dần dần biến đi.
Ngước nhìn lên tivi đang mở. Họ đang quảng cáo một loại kem dưỡng da. Thấy cô
gái đang thao thao bất tuyệt về loại kem do hãng của cô bào chế và đang bán, tốt
hạng nhứt với giá cả rất nhẹ nhàng để làm đẹp phụ nữ, mua một tặng một, cô thợ
cười, nói:
- Họ hay quá, chọn một cô quảng cáo vừa đẹp vừa sang, làn da sáng mịn màng, ai
thấy mà không ham.
Chị cũng cười góp chuyện:
- Ờ ờ. Lên truyền hình đèn sáng quắc thấy đẹp và sang như vậy cũng nhờ son nhờ
phấn nữa đó em ơi. Ờ ờ chẳng lẽ quảng cáo kem dưỡng da cho làn da trẻ hơn 10 tuổi
mà đem người mẫu già da nhăn nheo lên thì quảng cáo ai mua? Nhưng muốn có làn
da đẹp dĩ nhiên phải săn sóc phải có thì giờ và phải tốn tiền rồi. Điều căn bản
mà, với lại cũng do ảnh hưởng của lối sống, cách sống sự ăn uống và nhứt là, phải
tập thể dục thì làn da mới sáng sủa khoẻ mạnh trẻ trung được chớ. Trét kem
không chẳng đủ đâu.
Cô thợ cười xòa:
- Trời ơi sao cô rành quá vậy? như tụi em đây tối ngày trong tiệm săn sóc cho
khách thì giờ đâu mà săn sóc bản thân.
Chị Diệu cười:
- Bởi vậy ngừơi xưa mới nói “thợ mài dao không có dao ăn trầu” là đúng quá.
Nhìn em kìa, làm móng tay cho khách mà bàn tay em thì chẳng sơn phết gì.
Lời qua tiếng lại, bàn chân cũng xong xuôi, sau cùng, y như mọi lần, lựa màu
sơn cho đã, sau cùng chị cũng chỉ thích có mỗi cách sơn french, tức là đầu móng
sơn trắng phía trong hồng hồng. Chị được xỏ chân vô đôi dép nhựa để bước xuống,
theo cô thợ qua bên bàn làm nails ngồi thẳng thốn cho thoải mái, hai bàn tay
không phải chéo với nhau từ nãy giờ cho cô thợ đấp bột. Cô bé xách đôi giày đem
qua đặt bên dưới gần chân chị. Làm việc rất cẩn thận nhẹ nhàng. Cô lớn bảo cô
bé:
- Thôi đi đi, đi học đi.
Chị Diệu hỏi:
- Ủa, đi học à? học gì?
- Dạ, nó học pharmacy.
- Vậy sao, giỏi quá há. Có chí vậy tốt quá.
- Đúng cô. Lấy ngắn nuôi dài mà. Nó có chí, vừa học vừa làm. Như em đây đã có
gia đình có con rồi, lo đi làm thôi. Em làm tiệm nầy trên một năm còn nó làm
hơn ba năm rồi. Nó nói đi học thực tập cũng cực lắm cô. Bây giờ làm nails tiểu
bang nầy hơi khó khăn nó đang học thêm dưỡng da đó cô.
- Dĩ nhiên vừa đi học vừa đi làm là cực gấp đôi rồi. Nhưng ngừơi mình rất kiên
nhẫn và chịu khó mà. Cô bé học ngành y, hèn chi bàn tay cô rất nghề, xoa bóp ấn
đúng huyệt, thi hành những gì mình đang học. Cô bé chắc là có nhiều khách quen
lắm phải không em? Tiệm khuất chỗ nầy có vẻ hơi bị thiệt. Lái xe ngang qua nếu
không nhìn kỷ thì sẽ huốt luôn, người ta không thấy tiệm đâu em.
- Dạ, nhờ khách quen đó cô, ít có walk-in như cô đâu. Tiệm nầy mở ra gần mười
năm rồi. Chủ có tất cả ba tiệm lận. Hồi trước có tổng cộng mười tiệm cho người
ta quản lý, bây giờ hai ông bà già rồi muốn nghỉ ngơi đi du lịch, sang bớt chỉ
giữ lại ba thôi. Có khi khách họ không tới được tiệm đàng kia, thuận đường họ
ghé tiệm nầy đó cô. À mà cô có về Việt Nam không chị? Cô ở Mỹ bao lâu rồi?
Chị Diệu mơ màng. Mỗi khi nhắc tới quê nhà là chị mơ màng. Tất cả chị em đều sống
ở đây. Tất cả bạn bè, đã mất tin nhau từ lâu rất lâu. Mối tình đầu tình cuối của
chị, lảng vảng vấn vương, mười sáu mười bảy tuổi, chắc bây giờ răng rụng xuống
cầu hết rồi. Còn đứa bạn thân hiện đang sống bên Pháp, cứ rủ -mầy qua chơi cả
tháng với tao- thì chị ngại ngồi trên máy bay, mấy chiếc máy bay cũng già lão hết
rồi, nay rớt chiếc nầy nay rơi chiếc kia, mà ớn!.
(Còn tiếp)