Hàng năm trên đất Mỹ vào cuối thu.
Khi cây “maple” đổi mầu vàng đỏ và lá bắt đầu lìa cành.
Gió đông kéo theo hơi lạnh thổi vào thành phố báo hiệu mùa đại lễ.
Tờ lịch trên tường chỉ ngày thứ năm cuối cùng tháng mười một là
lúc dân tộc hoa kỳ cử hành trọng thể Lễ Tạ Ơn. Cả nước nhộn nhịp
mua bán, người đi xa trở về, gia đình xum vầy bên bếp lửa không hẹn
mà mọi nhà chung một thực đơn: gà tây với ngô khoai, bí đỏ... Họ
muốn sống lại bữa tiệc mùa thu 1621 của người Pilgrim tạ ơn thổ dân
đã giúp đỡ nên mới còn sống sót trên đất nước này.
Quay lại dòng lịch sử, thế kỷ thứ 16, nước Anh có hai nhóm bất đồng
chính kiến về tôn giáo nhưng đồng loạt đứng lên kêu gọi Giáo Hội Anh
loại bỏ thành phần Cơ Đốc. Pilgrim chủ trương từ bỏ Giáo Hội. Thanh
Giáo muốn cải cách. Cả hai đều dự tính sẽ di dân sang Tân Thế Giới.
Nhóm nhỏ Pilgrim đi trước trên chiếc thuyền Mayflower rời Âu châu tháng
9 năm 1620. Con tầu bị gió bão trôi vào miền đất Massachusetts sau 2
tháng trên biển. Bỏ neo ở Cape Cod cuối tháng 11 vào đầu mùa đông băng
tuyết nên tất cả 100 người hành hương cùng toàn bộ 30 thuỷ thủ phải
sống trên thuyền. Mùa xuân 1621 vì thiếu ăn và dịch bệnh, di dân chết
một nửa, số còn lại lên bờ dựng lều rồi nhờ thổ dân dậy canh tác
săn bắn nên việc thu hoạch đầu tiên tốt đẹp. Nhớ ơn lòng tốt nên
người Pilgrim tổ chức bữa tiệc Thanksgiving với những hoa mầu vừa thu
gặt và thịt một giống gà trời có tiếng kêu ai oán lạ lùng. Thành
phần bữa tiệc ấy đông đủ 50 người hành hương sống sót và 90 dân da
đỏ Wampanoag được mời tham dự.
Từ đó về sau, con cháu người Pilgrim hằng năm theo tục lệ tổ chức Lễ
Tạ Ơn, quây quần ăn uống để nhớ lại bữa tiệc của tổ tiên nhưng vắng
bóng ân nhân da đỏ vì họ đã bị tiêu diệt bởi chính kẻ mang ơn. Ý
nghĩa của ngày lịch sử này cũng không còn như xưa. Thanksgiving Day để
tỏ lòng tạ ơn Thượng Đế và biết ơn gia đình, xã hội về những ân
huệ nhận được trong đời sống... nhưng tiếc thay đối tượng tốt bụng
năm xưa vô tình đã chìm sâu vào quên lãng! Hiện nay, dòng tộc Wampanoag
sống sót bị lu mờ trên chính quê hương họ chỉ vì tổ tiên xưa kia không
nhìn xa nên đã để mất giang sơn. “Nuôi ong tay áo”, “Ăn cháo đá bát”,
“Mạnh sống yếu chết” và “Làm ơn nên oán”là thế!
Ngày Lễ tạ Ơn của tôi cũng có gà tây.
Năm nay nhai miếng thịt thấy chút cay đắng ở khẩu vị.
Tôi miên man nhớ đến chuyện quê nhà! Vua Chiêm Thành là Chế Mân đã dâng
hai châu Ô, Lý từ đèo Hải Vân đến Quảng Trị làm của hồi môn để cưới
Công Chúa Huyền Trân nhà Trần. Mỹ nhân trở thành quốc sách làm bàn
đạp cho việc thôn tính bờ cõi phương Nam của Đại Việt nên dân tộc
Chiêm đã hoàn toàn bị đồng hoá, ngày nay Hận Đồ Bần chỉ còn lại
vài ngôi đền cổ. Đúng theo lễ nghĩa chúng ta cũng phải có ngày Lễ
Tạ Ơn vua Chế Mân!
Chính phủ Cộng Sản nước Việt Nam nhường Ải Nam Quan và Hoàng Đảo cho
Tầu Cộng để đổi lấy những bí ẩn mà lịch sử chưa rõ nhưng sự kiện
cho phép cả vạn người phương Bắc tự do vào Tây Nguyên khai thác quặng
Bauxite thì động lực chính phải là tiền! Ở đời, tình và tiền từ
xưa vẫn làm lòng người điên loạn nên có mắt bị quáng gà cũng không
nhìn thấy xa! Kế hoạch xâm chiếm Việt Nam đã được Bắc Kinh âm thầm
chuẩn bị, “người anh em” được giúp đỡ xây chiến hào tại Tây Nguyên
với danh nghĩa là khai phá quặng nhôm rồi toan tính sẽ ở lại vĩnh
viễn vì “Ai chiếm được Tây Nguyên coi như đã làm chủ nước Việt...”. Ai
đã nói thế nhỉ? Không chừng dân Việt sẽ lại phải chiến đấu giành
độc lập từ nhà Hán nhưng lần này sẽ khó khăn gấp bội vì quân Tầu
lấy kinh nghiệm từ những lần thất bại cũ nên sửa soạn chiếm giữ
miền trung cao nguyên trước mục tiêu đồng hoá.
Mong sao các vị lãnh đạo đất nước hôm nay sáng suốt đừng ham danh lợi
vô thường để tránh thảm hoạ. “Step down” cũng là một hình thức yêu
nước! Ngược lại, sẽ có ngày “Gàn en qí dào” như một Thanksgiving Day
mà người Hán tạ ơn các lãnh tụ Cộng Đảng Việt Nam đã giúp họ thôn
tính dải đất hình chữ S mà không cần súng đạn.
Miếng thịt gà tây của tôi năm nay có chút vị cay đắng nên ngập ngừng
khó nuốt là vì thế! Hết tình lại đến tiền... loanh quanh đôi vòng
nhật nguyệt nghìn năm vẫn chỉ là hai thứ “mắc dịch”!
Cao Đắc Vinh ( 11 / 2011 )