Việt Nam mình có rất nhiều người giàu. Cỡ cán bộ có lâu đài đếm không hết.
Nhưng để mở lòng từ bi với dân nghèo thật là hiếm. Đọc trên báo nhà nước, cứ mỗi
lần có đại gia làm từ thiện là có cách đánh trống, khua chiêng... cho ầm ĩ. Do
vậy, lặng lẽ làm từ thiện là hiếm. Và hiếm hơn nữa, khi giành dụm nhiều thập
niên, rồi xây khách sạn cho dân vô gia cư ở... mới là duy nhất có một.
Báo Dân Việt đăng bản tin từ báo Dòng Đời, có tựa đề “Kỳ lạ đôi vợ chồng bỏ 80
cây vàng xây khách sạn cho người vô gia cư ở...”
Bài viết trích như sau:
“Câu chuyện tưởng như hoang đường ấy diễn ra ở khách sạn Ngọc Quý (phường Hiệp
An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)...
Có một cặp vợ chồng suốt đời làm lụng vất vả dành dụm được một số tiền mua đất
xây khách sạn để kinh doanh nhưng thật bất ngờ sau gần chục năm kinh doanh, họ
bỗng dưng chuyển 46 phòng đầy đủ tiện nghi sang cho những người nghèo, người
già neo đơn, lang thang ở… miễn phí.
Câu chuyện tưởng như hoang đường ấy diễn ra ở khách sạn Ngọc Quý (phường Hiệp
An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Số tiền mà đôi vợ chồng chủ khách sạn này bỏ
ra mua và xây dựng năm 2002 ước tính lên đến gần 2 tỷ đồng, tương đương 80 cây
vàng thời gian đó.
Từ đường Nguyễn Chí Thanh, rẽ vào một con hẻm khá lớn chừng hơn một trăm mét là
thấy tấm biển của khu khách sạn Ngọc Quý… Hỏi người dân xung quanh mới biết,
khu phố này là “thiên đường” để người dân làm nghề kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn
bởi nó chỉ cách khu du lịch Đại Nam khá nổi tiếng chừng vài trăm mét. Vì thế, cả
khu phố này có tới mấy chục cái khách sạn, nhà nghỉ mọc lên để phục vụ du khách
và cả những người dân có nhu cầu nghỉ ngơi xung quanh.
Khách sạn Ngọc Quý nhìn khá hoành tráng với 3 dãy phòng liền kề hình chữ U, cao
2 lầu, có sân rộng ở giữa. Tất cả đều được thiết kế rất bài bản, thẩm mỹ. Cô
Nguyễn Thị Diễm Lệ, 39 tuổi, chủ khách sạn cho biết, khách sạn này do cha mẹ cô
là ông Nguyễn Quang Sức và bà Đỗ Thị Quý xây dựng cách đây khoảng hơn 10 năm
trên diện tích gần 1.000 mét vuông để kinh doanh. Có ngày khách sạn đón mấy chục
khách, thu vài triệu đồng. Công việc đang diễn ra suôn sẻ thì đùng một cái, ông
bà chủ quyết định không kinh doanh khách sạn nữa, và xin chính quyền địa phương
chuyển đổi mục đích từ khách sạn thành nhà bảo trợ xã hội.
Ông Sức năm nay đã 69 tuổi, quê gốc ở vùng Ba Tri (Bến Tre) nhưng từ nhỏ đã lên
Chợ Lớn kiếm sống. Ông tâm sự, hồi trẻ ông khổ lắm, làm đủ thứ nghề kể cả đi
làm thuê làm mướn. Sau một thời gian làm lụng, chắt chiu, hai vợ chồng gom hết
vốn liếng mua miếng đất ở phường Hiệp An để cất khách sạn kinh doanh. Một đêm,
ông bà gặp khách là hai mẹ con chẳng biết từ đâu tới ngồi nép bên cánh cổng vì
trời mưa khá lớn...”(ngưng trích)
Đó là nhân duyên để ông bà Sức-Quý quyết định đổi khac1h sạn làm nhà bảo trợ xã
hội cho dân nghèo. Độc giả có thể đọc thêm nhiều chi tiết cảm động nơi báo Dân
Việt hay Dòng Đời.
Nơi này bây giờ đang là nơi lưu trú của hơn 30 người trong đó một nửa là trẻ em
lang thang. Các em có độ tuổi từ vài tháng cho tới 12 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi hoặc
bị thất lạc người thân. Những em nhỏ thì được nuôi nấng còn những em lớn hơn,
đã được đến trường học. Còn lại là người già neo đơn, không nơi nương tựa. Các
cụ được đưa về đây từ bệnh viện, từ những góc đường, gầm cầu hay qua lời giới
thiệu của những người dân trong vùng.
Nhưng ông bà Sức không giàu, vì theo bài báo, “để duy trì hoạt động của trung
tâm và có đủ thực phẩm nuôi sống từng ấy thực khách, ông bà cũng khá vất vả vì
tuổi đã cao. Ngoài nguồn thực phẩm hai vợ chồng phải bỏ tiền ra mua, phần còn lại
do một số người mang tới làm từ thiện. Ông Sức bảo, nếu ông bà còn mạnh khỏe,
minh mẫn thì sẽ không để bất cứ ai đến khách sạn ở phải chịu đói, chịu khát.
Ông tuyên bố: “Vợ chồng tôi sẽ nguyện phục vụ tất cả bà con đến đây theo đúng
tiêu chuẩn của… khách sạn”.
Trong khi chúng ta đọc báo hàng ngày, thấy tràn ngập những tin hình sự, và lo sợ
lòng ngưỡi đã trở nên độc ác với nhau vô chừng, thực tế vẫn có những tấm lòng từ
thiện như ông bà Sức.
Hay như những trường hợp khác. Tuy không hy sinh tuyệt vời như ông bà Sức,
nhưng cũng đang làm cho xã hội từ bi nhân ái hơn.
Báo Tiin hồi cuối tháng 8-2013 có kể về những cách làm từ thiện độc đáo ở Việt
Nam. Dĩ nhiên, làm sao mà độc đáo bằng chuyện xây khách sạn kinh doanh, rồi biến
thành nhà xã hội. Nhưng từ thiện dù nhỏ tới đâu, cũng đang nâng các xã hội đã nặng
nhọc này cho nhẹ hơn một phần.
Báo Tiin kể chuyện “Uống trà đá, café trả tiền trước “để phần” cho người nghèo
hay “nai lưng” rửa xe làm từ thiện...”
Những trường hợp làm từ thiện như thế đang diễn ra ở sân trường nhiều đaị học.
Hay như từ thiện ở quán cà phê của nhà văn Đặng Thiều Quang, theo bản tin này.
Hay như các đêm hòa nhạc từ thiện ở Sài Gòn, trong đó có góp sức của Giáo sư Trần
Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhà thơ Đỗ Trung Quân...
Hay như các em sinh viên rửa xe gây quỹ từ thiện ở ĐH Ngoại ngữ- Tin học TP.SG.
Xin trân trọng bày tỏ lòng ngưỡng mộ cặp vợ chồng bác Sức, và tương tự, với tất
cả những người đang làm từ thiện.
Điều suy nghĩ còn là, nhà nước từ thiện ra sao?