TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ
Thừa Thiên-Huế có diện tích 5.050 km vuông. Dân số năm 2011 là 1.143.500
người, mật độ 219 người/km vuông. Sắc dân: Kinh, Tà Ôi, Cà Tu, Vân
Kiều, Hoa... Gồm có: Thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ và 7 huyện:
Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông.
Tỉnh lỵ ở thành phố Huế. Tỉnh Thừa Thiên-Huế bắc giáp Quảng Trị,
phía tây giáp nước Lào, tây nam giáp Quảng Nam, nam giáp Đà Nẵng, đông
giáp biển Đông. Nhiệt độ trung bình 25 độ C. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có
tọa độ ở 16 độ - 16,8 độ Bắc và 107,8 độ - 108,2 độ Đông.
Các sông chính của Thừa Thiên-Huế là: Sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.
Huế có bờ biển dài 120 km, với cảng Thuận An sầm uất.
Lịch sử thành phố Huế: Năm 116 (TCN), vùng đất Thừa Thiên Huế thuộc
Nhật Nam. Vào thế kỷ 13, vua Chế Mân (Chiêm Thành) dâng hai châu Ô, Rí (
Lý) để làm sính lễ, cưới Công chúa Trần Huyền Trân (con Trần Nhân
Tông, em gái Anh Tông). Năm sau, vua Trần đổi hai châu này thành châu
Thuận, châu Hóa và đặt quan cai trị. Đất này được vua Quang Trung chọn
làm kinh đô triều đại Tây Sơn (1788-1801), vua Gia Long chọn làm kinh đô
triều Nguyễn (1802-1945). Huế có hàng trăm di tích lịch sử: Cung điện,
thế miếu... Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày
11-12-1993.
Nhã nhạc Huế được UNESCO xếp vào danh mục Di sản văn hóa của nhân
loại. Âm nhạc cung đình ở Việt Nam có nguồn gốc từ nhà Lý, được
phát triển qua các triều đại: Nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, nhà Tây Sơn
và phát triển huy hoàng vào thời nhà Nguyễn. Nhạc Huế có sự kết
hợp hài hoà giữa văn hóa của cung đình và dân gian, những điệu hò
dân gian biến cải riêng rẽ cho nhạc cung đình, rồi nhạc cung đình được
phổ biến rộng rãi trong nhân gian (xem Âm nhạc Việt Nam).
Thừa Thiên-Huế, kinh tế phát triển nhịp nhàng.
Giao thông: Đường hàng không có sân bay Phú Bài, đường thủy có cảng
Thuận An và cảng Chân Mây, đường bộ có quốc lộ 1 A, đi bắc nam thuận
tiện.
Giáo dục: Thừa Thiên Huế là đất thần kinh ở miền Trung, nên có nhiều
Trường đại học danh tiếng: Học viện Âm nhạc Huế, Trường Đại học dân
lập Phú Xuân...Các Đại học tư thục, Cao đẳng và Trường trung học phổ
thông khắp nơi.
Rừng quốc gia Bạch Mã diện tích 22.030 km2, cây cỏ sởn sơ, cảnh thơ
mộng. Huế có những làng vườn hoa quả sum sê, những nhà có vườn
rộng, trồng rau và cây ăn quả: hồng Lạng Sơn, chôm chôm Nam Bộ, trái
vải Hải Dương, Huế còn trồng các thứ hoa rực rỡ, cây cảnh cắt tỉa
tỉ mỉ, xinh xắn.
Thừa Thiên-Huế có nhiều ngôi chùa nổi tiếng:
Chùa Thiên Mụ xây cất năm 1601, trên đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương,
tương truyền vào đời nhà Đường (Tàu), họ tìm ở nước Nam, nơi nào có
vượng khí thì cắt yểm. Đoan Vương Nguyễn Hoàng, được dân chúng cho
biết vào một đêm trăng sáng vằng vặc, có bà tiên áo đỏ, mặt mày
thanh tú trẻ trung, nhưng tóc bạc phơ, bà nói rền vang cả núi: “Đời
sau nếu người Nam, muốn lập nghiệp đế vững vàng, thì thỉnh cầu linh
khí trở lại, phải lập chùa nơi này, sẽ không có gì phải lo”. Chúa
Nguyễn nghĩ là điềm trời, nên cho xây chùa và đặt tên chùa Thiên Mụ,
trước chùa có một tháp 7 tầng, cao 21,2m. Chùa có Đại hồng chung cao
2,5m, đường kính 1,4m, nặng 3.285 kg, đấy là những thành tựu về nghệ
thuật đúc đồng của Việt Nam vào thế kỷ 18.
Các chùa nổi tiếng khác: Chùa Từ Đàm ở khu vực tràng an, xây vào
thế kỷ 17, trên các bờ mái và nóc chùa, có hình rồng uốn cong mềm
mại. Chùa Thuyền Tôn được xây cất trên núi Thiên Thai, bên triền núi
phía đông nam chùa có tháp tổ Liễu Quán, sau lưng chùa có tháp Đệ
nhị tăng thống Thích Giác Nhiên, 2 ngôi tháp này là một trong những
ngôi tháp đẹp ở Huế. Chùa Thánh Duyên xây vào thế kỷ 17, trên núi
Tuý Vân huyện Phú Lộc, trong chùa thờ phật Di Lặc, Quan Thế Âm và 18
vị La hán.
Viện bảo tàng cổ vật Huế, lưu trữ, trưng bày các bộ sưu tập: Đồ
đồng, đồ sứ, đồ sành, đồ đá, đồ pháp lam, áo mão và đồ ngự dụng
của vua chúa Việt Nam từ thời xưa.
Kinh thành Huế được xây dựng vào năm 1805 (đời Gia Long) và hoàn thành
1832 (đời Minh Mệnh), trên khoảng diện tích 5,2 km2, bên bờ bắc của
sông Hương. Kinh thành Huế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Đông phương
và Tây phương, gồm có 3 vòng thành: Phòng Thành là thành ngoài cùng,
có chu vi 9.950m, thành dày 21m và có 24 pháo đài. Hoàng Thành là
vòng thành thứ 2, có tên là Đại nội, chu vi 2.450m, có 4 cửa là: Hoà
Bình (Bắc), Hiển Nhơn (Đông), Chương Đức (Tây) và Ngọ Môn là cửa chánh
của Hoàng Thành. Cấm Tử Thành là vòng thành trong cùng, chu vi
1.225m, nơi đây gia đình vua ở, và là nơi làm việc của vua, xung quanh
thành có hào sâu bao bọc. Điện Thái Hoà xây năm 1805, nơi chính điện
đặt cung vàng của vua. Điện Thái Hoà là nơi quan trọng nhất ở kinh
thành, vì tại đây thường tổ chức các buổi lễ đại triều.
Ngọ Môn: Là cửa chính của kinh đô Huế, trông tráng lệ, dài 58m, rộng
27,5m, cao 17m, gồm có 3 tầng. Ngọ môn có 5 cửa, cửa chính giữa chỉ
dành cho vua đi, cao 4,2m, rộng 3,7m. Hai cửa kế bên là tả hữu giáp
môn, dành cho các quan đi. Hai cửa hai bên ngoài cùng là tả, hữu dịch
môn, dành cho lính hầu và đoàn tuỳ tùng. Trên vòm cổng là lầu Ngũ Phụng,
nơi nhà vua ngự trong các dịp lễ. Nơi đây còn dùng để cử hành lễ
xướng danh các sĩ tử, trúng tuyển trong các kỳ thi Hội hay thi Đình.
Thế Miếu là nơi thờ các vua chúa triều Nguyễn. Hoàng thành có 5 ngôi
miếu: Triệu Miếu thờ Nguyễn Kim. Thái Miếu thờ 9 Chúa Nguyễn. Hưng
Miếu thờ song thân vua Gia Long. Thế Miếu thờ các vua nhà Nguyễn, và
Điện Phụng Tiên cũng thờ các vua nhà Nguyễn, nhưng dành cho các bà ở
nội cung làm lễ, vì các bà không được phép vào trong Thế Miếu.
Lăng tẩm là nơi chôn cất các vua sau khi băng hà, Huế có tất cả 8
lăng, được xây cất rất công phu. Nơi đây chia làm hai khu: Khu thờ
phượng, tưởng niệm gọi là “Tẩm”. Khu phần mộ gọi là “Lăng”. Thiên
Thọ lăng, là lăng của vua Gia Long, Hiếu Lăng là lăng của vua Minh Mệnh,
Khiêm lăng là lăng của vua Tự Đức, Ứng lăng là lăng của vua Khải
Định...
Cửu (9) đỉnh đúc bằng đồng, mỗi đỉnh mang một tên: Cao, Nhân, Chương,
Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Đúc từ năm 1835 đến năm 1837, mỗi
đỉnh nặng từ 2.000 kg đến 2.600 kg, mỗi đỉnh tượng trưng cho một nhà
vua, với 17 họa tiết thanh thoát như chim muông, hoa lá... Cửu đỉnh nói
lên kỹ thuật đúc đồng của Việt Nam vào thế kỷ 19 thật khéo léo và
xuất sắc.
Đàn Nam Giao, ở phía hữu của núi Ngự, xây vào thời vua Gia Long. Đàn
Nam Giao có 3 tầng, cao khoảng 5m, được xây bằng đá và gạch. Các vua
tế Giao là tế Trời, để danh chính ngôn thuận, dòng họ mình khai sáng
cơ nghiệp, thuận theo mệnh trời trị vì muôn dân, bá tánh. Lễ hội Nam
Giao, bắt đầu buổi lễ là lễ xuất cung, nhà vua từ Điện Thái Hoà đi
lên hướng đàn Nam Giao.
Đoàn Ngự đạo được chia làm ba phần: Tiền đạo, lính cầm cờ, nghi
trượng, ba võ quan tam phẩm và một thống chế cưỡi ngựa; Trung đạo có
hơn 200 lính, bốn kiệu: kiệu ngự liễn của nhà vua, kiệu chở thống
chế, kiệu chở phúc tỉnh long đỉnh và kiệu để ghế ngự, ba võ quan
cưỡi ngựa, các đội nhã nhạc, đại nhạc và đội múa bát dật; đoàn
Hậu đạo có khoảng 150 lính và văn võ bá quan, đội múa hoa đăng, kiệu
đặt tượng đồng nhân. Tại Lễ Tế Giao, các nghi thức Lễ của nhà
Nguyễn: Vua làm Lễ rửa tay ở nhà đại Thứ, Vua lên đàn Trung làm lễ
Thượng hương và nghinh thần. Nghi thức tế tại đàn Thượng: Vua cử lễ
dâng lụa và ngọc, lễ dâng cỗ mâm thịt tế (dâng cỗ am sinh, hay tấn
trở), lễ dâng rượu lần đầu “sơ hiến”, tuyên đọc chúc văn, lễ dâng
rượu lần cuối “chung hiến”. Kết thúc là lễ đốt chúc văn và Vua đăng
đàn.
Phong cảnh đất đai Huế gắn liền với Sông Hương, núi Ngự. Gọi là sông
Hương, vì từ ngàn xưa, sông chảy qua rừng núi có nhiều thảo mộc hương
thơm, khi đến Huế còn thoang thoảng mùi hương, sông Hương uốn khúc nơi
đất Huế như gắn bó, điểm tô vùng đất thơ mộng này. Núi Ngự Bình là
bình phong che chắn gió cho kinh thành Huế, núi hình thang, cao 105m.
Sông Hương, núi Ngự là biểu tượng muôn đời của thành phố Huế, sông
núi nên thơ đã đi vào văn thơ muôn thuở.
“Đi đâu cũng nhớ quê mình
Sông Hương gió mát, Ngự Bình trăng treo”Trên sông Hương có nhiều cầu, nhưng nổi bật nhất là cầu Trường Tiền
(Tràng Tiền), cầu dài 401m, cầu có 6 nhịp, được xây dựng năm 1897,
thời vua Thành Thái. Đồi Vọng Cảnh gần núi Ngự Bình, bên dòng Hương
Giang, đứng trên đồi sẽ nhìn thấy lăng tẩm cổ kính, dòng sông Hương
thơ mộng, mềm mại uốn khúc duyên dáng, len lỏi trên vùng đất Huế thân
thương.
Chợ Đông Ba ở phía bắc cầu Trường Tiền, đủ các mặt hàng từ công
nghiệp đến sản phẩm của địa phương, hàng nón Huế xinh xắn, hàng vải
vóc, lụa là mịn màng, tiếng chào đón khách của các cô bán hàng,
giọng trong trẻo lịch sự, du khách sẽ lưu luyến đậm đà.
Thừa Thiên-Huế có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp: Bãi Thuận An, chỗ sông
Hương đổ ra phá Tam Giang, rồi chảy ra biển, nơi đây phong cảnh thơ
mộng. Bãi Lăng Cô cát mịn màng dài cả 10 km. Bãi biển Cảnh Dương nằm
giữa mũi Chân Mây Đông và Chân Mây Tây, sóng nước trông mênh mông êm ả.
Suối nước khoáng Mỹ An có nhiều vi lượng để chữa các bệnh tật. Đất
thần kinh Huế với những kiến trúc đồ sộ, cổ kính lưu luyến mãi
lòng người.
.
Huế đô, cổ kính rỡ ràng
Thừa Thiên, non nước chứa chan tâm tình
.
Cảm tác: Non nước Thừa Thiên - Huế
.
Thừa Thiên, xưa Huế, chốn triều đường
Giáp giới nước Lào, tây thổ cương
Trường trại khang trang, lưu luyến mến
Phố phường rực rỡ, nhớ nhung thương
.
Chùa chiền ở Huế, tiếng thiêng liêng
Tam bảo nhắn nhe, kẻ hữu duyên
Thiên Mụ chuông ngân, thôi tục luỵ
Từ Đàm kinh vọng, hết ưu phiền
.
Trường Tiền lơ lửng, nối hai nơi
Vọng Cảnh nhìn xa, khắp đất trời
Núi Ngự vững vàng, che gió thổi
Sông Hương nhàn nhã, thả thuyền trôi
.
Thừa Thiên nhộn nhịp, chợ Đông Ba
Vải vóc lụa là, trông mịn mà
Bạch Mã thênh thang, cây với cỏ
Làng vườn tươi tốt, lá cùng hoa
.
Kinh thành bao bọc, bởi ba vòng
Tử cấm thành, riêng rẽ phía trong
Cửu đỉnh, văn phong thanh thoát thấy
Ngọ môn, hình dáng vững vàng trông
.
Thừa Thiên đất Huế, đất cung đình
Bất khuất giữ gìn, dẫu tử sinh
Di tích triều xưa, tha thiết tích
Tâm tình thành cũ, chứa chan tìnhNguyễn
Lộc Yên