50 năm về trước. 1-11-1963 là một ngày nắng đẹp ở Sài Gòn. Tôi và
mấy đứa trẻ đang quây quần bên sân nhà đứa bạn hàng xóm để xem bố
và bác của nó xây chiếc bể cá. Với đám trẻ con như chúng tôi lúc
đó, nếu trong nhà có được một chiếc bể nuôi mấy con cá vàng, cá
chim, cá bảy mầu thì đó là niềm mơ ước lớn của tuổi thơ.
Bỗng dưng nghe tiếng súng nổ liên thanh. Nhìn lên trời có khói hình
nấm nổ ra. Người lớn bảo đó là súng phòng không và bàn tán với nhau
không biết chuyện gì đang xảy ra. Tin đồn về đảo chánh đã râm ran
trong dân chúng lúc gần đây.
Những tháng qua, nhiều cuộc xuống đường chống chính phủ diễn ra tại
Sài Gòn và những thành phố lớn như Đà Nẵng, Huế. Đoàn biểu tình
với nhiều nhà sư, sinh viên đòi Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt
đàn áp và tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Ông Diệm đã đặt người thân vào những vị trí lãnh đạo vì thế chính
quyền của ông bị cho là mang tính độc tài, gia đình trị. Đây là điều
không đẹp đối với người Mỹ đang yểm trợ miền Nam Việt Nam xây dựng
dân chủ và đấu tranh chống cộng sản độc tài từ phía Bắc muốn tràn
xuống phiá Nam vĩ tuyến 17.
Sau khi đảo chánh thành công, báo chí Sài Gòn dưới sự kiểm soát của
Hội đồng Quân nhân Cách mạng đưa tin Tổng thống Diệm và bào đệ là
Cố vấn Ngô Đình Nhu đã tự tử. Nhưng tôi nghe hàng xóm nói là ông
Diệm chưa chết mà đã được đưa ra nước ngoài, ở Phi Luật Tân hay Úc.
Một ngày nào đó ông sẽ trở về.
Sau đọc sách vở mới biết chuyện anh em họ Ngô tự tử là một cố gắng
che dấu sự thực của những tướng lãnh đạo đảo chính.
Anh em nhà Ngô đã bị giết vào sáng ngày 2-11-1963 trong một xe thiết
giáp khi hai tay bị trói chặt.
Theo tác phẩm President Kennedy của Richard Reeves thì Đại sứ mới nhận
chức Henry Cabot Lodge biết về việc giết anh em Tổng thống Ngô Đình
Diệm.
Khi được các tướng lãnh yêu cầu đưa ông Diệm và Nhu ra nước ngoài,
nhà ngoại giao Mỹ đã trả lời rằng phải mất 24 tiếng đồng hồ mới
có máy bay. Không lâu sau khi nghe được những lời này từ Đại sứ Lodge,
anh em nhà Ngô bị thảm sát.
Một người anh em khác là Ngô Đình Cẩn, Đại biểu miền Trung của chế
độ, đã vào Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Huế xin tị nạn nhưng ông đã bị
giao lại cho các tướng lãnh. Hệ quả là ông Cẩn lãnh án tử hình ít
tháng sau đảo chánh. Giới quân nhân cầm quyền lúc bấy giờ đã nhanh
chóng xử bắn ông trong nhà giam Chí Hòa. Sự việc đánh dấu việc loại
bỏ ngay toàn bộ gia đình họ Ngô ra khỏi sân khấu chính trị Việt Nam.
Cho đến ngày nay, các tài liệu lịch sử vẫn chưa soi rõ ai trực tiếp
ra lệnh giết anh em nhà Ngô khi họ đã đầu hàng phe đảo chánh.
Diễn biến xảy ra theo nhiều sách vở ghi lại là sau khi Tổng thống
Diệm gọi điện báo cho các tướng phe đảo chánh biết ông đang ở đâu,
Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Tướng Mai Hữu Xuân và người cận vệ
là Đại úy Nhảy dù Nguyễn Văn Nhung đến đón anh em ông Diệm ở nhà
thờ Cha Tam trong khu vực người Hoa ở Chợ Lớn.
Hình ảnh lịch sử Việt Nam trong triển lãm năm 2004 tại Bảo tàng
Oakland, California. (ảnh Bùi Văn Phú)
Chuyện gì thực sự xảy ra sau khi anh em nhà Ngô lên chiếc thiết vận xa
M-113 để được giới quân đội đưa về Bộ Tổng tham mưu thì đến nay cũng
chưa rõ. Có phải Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh giết Tổng thống Diệm
vì cho đến lúc lên xe, ông Diệm còn nói với những người đến đón là
ông vẫn còn là tổng thống? Hay Tướng Xuân muốn chiếm đoạt cặp xách
tay của ông Diệm với của cải trong đó? Những người có mặt trong đoàn
đi đón, như Đại úy Nhung đã chính tay nổ súng, dùng dao đâm hai ông,
hay đại úy chỉ là tòng phạm nhận lệnh từ cấp trên? Mà ai là cấp
trên đã ra lệnh giết anh em nhà Ngô, Tướng Dương Văn Minh trực tiếp ra
lệnh cho Đại úy Nhung hay Đại úy Nhung nhận lệnh từ Tướng Xuân?
Sau khi đảo chánh thành công, Đại tướng Dương Văn Minh lên cầm quyền
chỉ được vài tháng. Tướng Minh xuống, Đại úy Nhung cũng chết một
cách khó hiểu, bị cho là treo cổ chết trong khi đang bị những sĩ quan
an ninh quân đội thẩm vấn.
Đại úy Nhung chết bí hiểm. Sau này Đại tướng Dương Văn Minh cũng qua
đời đem theo những bí mật về cái chết của gia đình họ Ngô.
Trong một lần tham dự hội nghị về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại
Hoa Kỳ vào thập niên 1990, gặp cựu giám đốc CIA William Colby và cũng
là trưởng cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn từ 1959 đến 1962, tôi có nêu
câu hỏi ai ra lệnh giết ông Diệm, ông trả lời là Big Minh, tức Đại
tướng Dương Văn Minh. Tôi nghe nhưng cũng chỉ coi đó như là một câu trả
lời chạy tội cho người Mỹ vì sau khi đảo chánh thành công, Mỹ đã
thưởng cho các tướng nhiều nghìn đô-la.
Ai đã ra lệnh giết anh em nhà Ngô cho đến nay vẫn còn là những dấu
hỏi. Cái chết của Tổng thống Diệm cũng còn nhiều bí ẩn, như cái
chết của Tổng thống John F. Kennedy ba tuần sau đó.
Sau khi anh em nhà Ngô bị giết, Kennedy cũng gặp chung một định mệnh
bởi những viên đạn của Lee Harvey Oswald trong một ngày thứ Sáu nắng
đẹp 22-11-1963 ở Thành phố Dallas, Texas.
Khi hay tin Kennedy bị ám sát chết, các tướng lãnh cầm quyền ở Sài
Gòn đã đặt tên một quảng trường ở trung tâm thành phố, ngay sau lưng
Nhà thờ Đức Bà, là “Công trường Kennedy” để tưởng nhớ ông.
Về cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ở Việt Nam không có những
nỗ lực điều tra cho đến ngọn nguồn. Với Tổng thống John F. Kennedy đã
có Ủy ban Warren được lập ra nhưng cũng chỉ đưa đến kết luận là
Oswald hành động một mình.
Tuy nhiên, đã có nhiều giả thuyết. Như là cái chết của Kennedy có
liên hệ với Cuba, với các băng đảng mafia ở Mỹ hay với giới tài
phiệt quân sự. Cũng có luận cứ cho rằng không chỉ một mình Oswald nổ
súng từ lầu cao của tòa nhà dùng làm kho sách mà còn có tay súng
thứ hai đã tham gia vào việc ám sát Kennedy.
Với hệ quả của thất bại trong cuộc chiến Việt Nam, dư luận Mỹ vẫn
thường tranh luận nếu Kennedy còn sống thì cuộc diện chiến tranh Việt
Nam sẽ ra sao. Có luận cứ tin rằng với bản lĩnh cuốn hút dân chúng,
nếu còn sống Tổng thống John F. Kennedy đã có thể rút 16 nghìn cố
vấn Mỹ khỏi Việt Nam và chấm dứt trong danh dự sự can thiệp của Hoa
Kỳ vào vùng đất này.
Đối với người Việt, cũng có luận cứ rằng Tổng thống Diệm là người
ái quốc được kính trọng, nếu không bị lật đổ và giết chết, ông đã
có thể bảo vệ miền Nam khỏi bị cộng sản xâm lăng.
Tuy nhiên cũng có luận điểm rằng dù còn hay mất Tổng thống Diệm thì
miền Nam trước sau cũng rơi vào tay cộng sản, vì những người lãnh
đạo Hà Nội đã ra quyết nghị, nhiều năm trước khi cuộc đảo chánh xảy
ra, là lập đường mòn Hồ Chí Minh và phải giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước bằng mọi giá.
Bất cứ vì nguyên do nào đã đưa đến cái chết của Tổng thống Diệm và
Tổng thống Kennedy trong tháng Mười Một oan nghiệt nửa thế kỷ trước,
hệ quả là Hoa Kỳ và Việt Nam đã rơi vào một cơn lốc chính trị và
một cuộc chiến mãi mãi làm thay đổi lịch sử hai quốc gia.
Riêng tôi vẫn tự hỏi, nếu không có tháng Mười Một oan nghiệt đó, bạn
bè tuổi thơ của tôi nhiều đứa có phải chết trên chiến trường. Và tôi
bây giờ là ai trên quê hương mình.
© 2013
Buivanphu.wordpress.com