SAIGON -- Trước năm 1975, trong tỉnh Gia Định đã có nghề đúc lư đồng,
tập trung ở vùng Gò Vấp. Như vào khoảng năm 1970 – 1971, ở ấp 5 làng
An Hội, xã Hạnh Thông Tây, có thể đếm được khoảng 50 lò đúc lư. Trong
số đó, kỳ cựu nhất là nhóm lò đúc của dòng họ Trần mà tính đến
nay, lưu truyền đã 4 đời, gần 100 năm.Tuy nhiên, sau bao nhiêu thăng trầm,
cũng tại xóm lò đúc cũ (nay là phường 12 quận Gò Vấp), chỉ còn
vài con cháu họ Trần, như nhà Hai Thắng, Ba Cồ, Sáu Bảnh và Út
Kiễng là hiện còn theo nghề cha ông truyền lại.
Theo một bài phóng sự trên báo Người Lao Động, vào những ngày cuối
tháng 10-2013, lò lư đồng “Hai Thắng” của nghệ nhân Trần Văn Thắng hết
sức nhộn nhịp, tất bật do thợ thầy đang dồn sức làm khuôn và chuẩn
bị nguyên liệu sản xuất cho những đơn hàng dịp Tết Giáp Ngọ 2014.
Ở tuổi 66 với 50 năm kinh nghiệm, ông Thắng được đồng nghiệp đánh giá
là bậc thầy trong nghề đúc lư đồng. Tay nghề cao và luôn biết cách
giữ chữ tín với khách đã giúp ông gầy dựng uy tín, tên tuổi khắp
cả nước. Còn con cháu và thợ ở cơ sở thì học hỏi được rất nhiều
ở ông Thắng, nhất là thái độ chỉn chu trong nghề. Việc tìm nguồn
đất sét để đắp khuôn chẳng hạn, đích thân ông ra tận Bình Dương đặt
hàng. Theo ông Thắng, đất sét làm khuôn phải dẽo và mịn, có vậy khi
nung mới không bị nứt. Hay việc tuyển chọn nguồn đồng phế liệu, ông
luôn đòi người cung cấp phải lọc kỹ trước khi giao hàng, nếu không sẽ
không thu vào. Sản phẩm làm không đạt, ông yêu cầu thợ làm lại, đến
khi nào được mới thôi...
Lư đồng bày bán ở khu vực chợ Bình Tây.
Theo báo Người Lao Động, luôn cầu toàn ở tất cả cộng đoạn và đòi
hỏi cao ở người thợ là phương châm thành công của ông Thắng. Trong cái
nóng hầm hập ở lò đúc, ông Thắng luôn chạy tới, chạy lui quan sát,
nhắc nhở thợ. Vớt một ít đồng đã được nung chảy và để nguội, sau
một lúc kiểm tra, ông quay sang nhắc: “Sớ đồng chưa nhuyễn do mấy đứa
canh lửa chưa chuẩn. Muốn tăng độ bền của sản phẩm, cần phải pha thêm
ít chì và loại bỏ hết tạp chất”.
Dù ngày nay, lư hương đồng đã được nhiều nơi sản xuất đại trà bằng
máy móc (điển hình là sản phẩm của công ty Đại Phát –DAPHA), cộng
thêm sự cạnh tranh của lư đồng nhập từ Đài Loan, nhưng những cơ sở
đúc lư truyền thống như của dòng họ Trần vẫn sống được nhờ những
“bí quyết” được truyền lại từ hơn trăm năm nay “Gần đây, giá đồng
nguyên liệu thất thường, nghề này lại làm thủ công nên phần lớn các
lò đều lấy công làm lời, chủ yếu là giữ nghề của ông bà truyền
dạy. Có khó khăn đến mấy, tôi và con cháu vẫn quyết tâm bám trụ đến
cùng, bởi đó là trách nhiệm với bậc tiền nhân và hậu thế” - ông Hai
Thắng bộc bạch.
“Lư đồng sản xuất công nghiệp thường có màu xanh và xỉn màu sau vài
năm sử dụng. Ngoài sự đa dạng về mẫu mã, do được làm thủ công nên lư
đồng do lò ông Hai Thắng sản xuất có đường nét chạm trổ tinh xảo và
có hồn hơn” - ông Nguyễn Văn Nam, một khách hàng lâu năm, nhận xét.