SAIGON -- Khi tiết trời nóng nực, các quán giải khát vỉa hè đua nhau mọc lên
như nấm để đáp ứng cơn khát của mọi người. Khách hàng cứ vô tư dùng các loại nước
uống tự chế không rõ nguồn gốc, nhiều khi còn khen ngon, uống đả, nhưng nếu
khách gặp phải người bán không sử dụng thực phẩm an toàn, có đảm bảo vệ sinh để
pha chế món uống thì quả là nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong bài “Cảnh giác với thức ăn đường phố” đăng trên trang web 24h.com.vn,
hàng loạt thức uống đóng chai và đồ uống tự pha chế được điểm danh, như: trà
đá, nước sâm, nước mía, dâu, rau má, chanh dây, chanh tươi... Thế nhưng cách thức
bảo quản, pha chế của các quán vỉa hè hoặc xe đẩy bán rong đối với các món uống
này thì khó có thể nói là bảo đảm vệ sinh.
Nét chung của hầu hết các loại nước giải khát ngoài đường đều được người bán tự
tay chế biến sẵn trước đó, và chẳng vị khách nào quan tâm đến việc nó được chế
biến từ loại thực phẩm gì... Ví dụ như nước rau má, khách gọi là người bán vội
nhặt đá bỏ vào ly rồi rót nước rau má đã được pha chế sẵn vào. Làm sao khách biết
được đó là rau má sạch hay úng thối, nước pha là nước thủy cục hay nước giếng?
Rồi đến nước mía. Cảnh thường thấy là cây mía bỏ vào máy ép đã hoen gỉ, ruồi nhặng
bu đầy. Nước mía ép thì chảy xuống những chiếc ca nhựa cáu bẩn. Mỗi ly nước
dùng xong, chủ quán lại thả vào chiếc xô nhựa cũ đựng nước tráng qua. Xung
quanh xe ép, mía bóc vỏ đựng trong các xô nhựa đặt dưới đất, không che đậy, vô
tư hứng bụi. Còn đá lạnh để uống nước mía hầu hết là đá cây chỉ được dùng ướp
thực phẩm.
Một quán giải khát gần cổng trường THCS Trần Văn Ơn (Gò Vấp).
Theo trang web 24h.com.vn, không những mất vệ sinh mà với các loại nước giải
khát vỉa hè, do mục đích làm tăng lợi nhuận, người bán thường dùng các loại đường
hóa học để pha chế, bất chấp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, bởi loại đường
này giúp tạo độ ngọt gấp hàng trăm lần trong khi giá thành so với đường mía thấp
hơn nhiều.
Ngoài ra, hầu hết các loại nước giải khát kiểu này được người bán tự pha chế với
nguyên liệu và công thức chủ yếu là: đường hóa học và nước cộng với chất tạo
mùi, tạo màu. Nguyên liệu thì có thể mua ở chợ Kim Biên hay các sạp bán phụ gia
thực phẩm ở chợ và hầu hết là không rõ nguồn gốc. Các loại hóa chất tạo mùi
(thường được gọi là tinh, như tinh dâu, tinh nho…) cũng rất đa dạng và giá rẻ,
như: chanh dây, tắc, dâu tây, nho, dâu tằm... Chất tạo màu thì thường là chất
màu công nghiệp giá mới rẻ, như để có màu giống nước sâm thì lấy màu nâu, còn
màu đỏ, tím làm nước dâu và nho, màu vàng làm nước cam, chanh dây...
Vài năm gần đây, ở Sài Gòn, tại những khu đông dân hay gần các trường học, đã
xuất hiện nhiều cửa hàng tiện lợi, mini siêu thị, chuyên bán fast-food, thức ăn
nhẹ và các món giải khát. Gần cổng các trường học cũng hay có những tiệm, quán
gia đình vừa bán văn phòng phẩm vừa bán nước uống. Dù giá có mắc hơn hàng rong,
xe đẩy đôi chút nhưng giới học sinh và phụ huynh đến rước con thường ủng hộ những
điểm kinh doanh này do khung cảnh thoáng mát, sáng sủa, bày biện ngăn nắp và
trên hết, thực phẩm bán ra có đảm bảo về vệ sinh hơn.