HANOI -- Lần đầu tiên, Petro Times, một tờ báo trong nước, đã kêu gọi một Bộ
Trưởng hãy từ chức.
Không chỉ như thế, báo Người Đưa Tin (Cơ quan của Hội Luật Gia VN) đã trình bày
lại bản tin Petrotimes để nêu rõ các điểm chính.
Chưa hết, báo Người Lao Động nói rằng bà Bộ Trưởng đã lạc đề khi bà chất vấn rằng
tại sao báo chí ưa đăng tin tội ác mà không chịu đăng tin “tung hô người tốt,
việc tốt” như thời chiến tranh nhờ báo chí dấy lên lòng yêu nước...
Báo Sài Gòn Tiếp Thị lại phân tích rằng, lẽ ra bà Bộ Trưởng Y Tế phải nhận
trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục
biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội....
Báo Người Đưa Tin viết:
“Nhân vụ bác sĩ Thẩm mĩ viện Cát Tường thủ tiêu xác khách hàng, tờ Petrotimes
đã lên tiếng kêu gọi bộ trưởng Y tế từ chức "nếu có tự trọng".
Sáng nay 25/10, trên tờ báo Petrotimes có bài: "Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ
chức!". Bài báo phân tích: "Ở đâu cũng có người xấu người tốt, trong
ngành y tế cũng vậy, bên cạnh rất nhiều những bác sĩ, y tá, hộ lý đang hết lòng
vì người bệnh thì cũng có những người lợi dụng nghề nghiệp của mình để kiếm
chác. Ngành nghề nào bây giờ trong xã hội cũng có những loại người như vậy.
Nhưng, qua vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường thì lại thấy một điều rằng, lãnh đạo
Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận… thế là cứ
“đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Và rồi, có lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu
trách nhiệm về việc này cả".
Bài báo đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước: "Nói
chuyện Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế quận không biết một thẩm mỹ viện hành nghề
chui, trái chức năng như vậy… trẻ con không nghe được. Ai cũng thấy một thực tế
rằng, bất cứ một cửa hàng kinh doanh nào mới ra đời thì lập tức sẽ có người đến
“hỏi thăm”. Một người dân đổ vài thúng cát, vài trăm viên gạch ra đường là lập
tức có thanh tra xây dựng của phường, quận xuống “hỏi han”, kiểm tra các loại
giấy tờ thủ tục… Có thể nói không có một cái gì có thể qua mắt được các cơ quan
chức năng"...
Cuối cùng, giải pháp để khắc phục tình trạng y đức xuống cấp hiện nay,
Petrotimes kết luận: Có lẽ chỉ cần một biện pháp rất đơn giản đó là cách chức
ngay Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Trưởng phòng Y tế quận. Bởi vì sinh ra các vị để
các vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình mà các vị lại
không biết thì để các vị làm gì...
Tờ báo này cũng kêu gọi: Còn nếu cao hơn nữa, và nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế
có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức.”
Trong khi đó, báo Người Lao Động có bản tin tựa đề “Bộ trưởng Y tế lạc đề,”
trong đó kể rằng khi báo chí muốn hỏi về vụ bác sĩ làm chết khách thẩm mỹ rồi
ném xác xuống sông, thoạt tiên bà Bộ Trưởng Y Tế đã “cái lắc đầu, xua tay từ chối
trả lời...”
Thế rồi khi thảo luận tổ trên Quốc Hội, báo NLĐ kể rằng “Ngoài việc bày tỏ những
cảm xúc, trần tình trước vụ việc “bác sĩ phi tang xác nạn nhân”, bộ trưởng đã
dành thời gian để nói về... báo chí. Bộ trưởng có đặt vấn đề vì sao trong chiến
tranh chỉ có vài cơ quan ba´o chí nhưng đã “dấy lên lòng yêu nước, khát vọng
cháy bỏng giải phóng dân tộc và cống hiến”? Và theo như bộ trưởng thì báo chí
ngày nay ngoài nêu tiêu cực thì hãy nêu gương người tốt, tôn vinh cái tốt nhiều
hơn nữa.”
NLĐ gọi như thế là lạc đề...
Trong khi đó, báo Sài Gòn Tiếp Thị nhìn về phản ứng của bà Bộ Trưởng Y Tế qua bản
tin “Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”!” trong đó, khuyên bà nên nhận
lỗi trước hết:
“...Sau “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “thủ tiêu xác nạn nhân” rồi sẽ
đến chuyện gì? Đã đến lúc cần đến những “liều thuốc” mạnh hơn vì bệnh đã quá nặng.
Và dù đó là “liều thuốc” nào, trước nhất người giữ cương vị bộ trưởng phải dũng
cảm nhận trách nhiệm về mình, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho giới truyền thông
hay cho toàn xã hội. Sự chia sẻ “xót xa, khổ tâm, day dứt” là cần thiết, nhưng
cần thiết hơn phải là lời nói “lỗi tại tôi” để làm gương cho những người bên dưới.”
Đảng cộng sảng ta còn TÍN NHIỆM là được nhứt trí tuốt tuồn tuột !