Trong tiệm. Sương mở đầu câu chuyện trong ngày.
Sương vừa sắp soạn đồ nghề vừa hỏi:
- Chị Ngà ơi, khi mở tiệm làm nails, người chủ tiệm cần bằng cấp gì, chị?
Chị Ngà nói:
- Trước hết thì cần môn bài.
Tuấn tròn mắt, hỏi:
- Chỉ cần môn bài thôi sao?
Chị Ngà lắc đầu, nói:
- Ờ, chủ tiệm không cần thiết là phải có bằng hành nghề chuyên nghiệp như mình,
nghĩa là bằng cosmetologist, bằng manicurist, bằng esthtician, bằng barber hay
bằng electrology, nhưng lúc nào trong tiệm cũng phải có ngừơi có một trong những
bằng cấp mới kể trên.
Khải hỏi:
- Ơ. Thế sao em nghe nói chủ tiệm cũng phải có một trong số những bằng ấy?
Chị Ngà cười, nói:
- Thì cũng đúng một phần nhưng chưa rõ ràng. Nghe rõ nè: chủ tiệm chỉ cần có giấy
phép mở tiệm làm việc, môn bài, không cần những bằng hành nghề khác, nhưng, khi
điều hành trong giờ làm việc, lúc nào trong tiệm cũng phải có chuyên viên có bất
cứ bằng hành nghề nào tui mới vừa kể ra đó, để quản lý tiệm thì mới đúng luật lệ
quy định. Nếu chỉ có môn bài không thôi chưa đủ đâu. Nói trắng ra là, bất cứ
người thợ nào đang làm việc trong tiệm cũng đều phải có bằng hành nghề, cho
nên, ngừơi quản lý phải là ngừơi có bằng chứ không phải ngừơi chủ tiệm không có
văn bằng.
Sương nói:
- Nếu vậy thì muốn làm chủ tiệm, cho chắc ăn, ngừơi chủ đó cũng nên học, thi lấy
cái bằng, như vậy làm chủ tiệm phải an tâm hơn không. Như vậy đỡ phải mướn ngừơi
quản lý cho mình.
Chị Ngà nói:
- Đúng ra, trong tiệm nếu biết phân công chia đều trách nhiệm và hổ trợ lẫn
nhau, có tinh thần “đồng hội đồng thuyền” như tiệm mình đây nè thì đâu cần mướn
người quản lý. Người nào cũng biết mở cửa đóng cửa tiệm, người nào cũng biết lấy
hẹn cho khách, đi mua thêm vật liệu, đủ thứ chuyện “hầm bà lằn” thay phiên nhau
làm, vừa có tình thân vừa khỏi phải nhảy tới nhảy lui từ tiệm nầy qua tiệm
khác. Có gì bất đồng thì cứ nói thẳng ra rồi tìm cách giải quyết chứ đừng để bụng
rồi sinh lòng ganh ghét.
Sương gật đầu:
- Chị nói đúng quá. Từ hồi ra trường tới giờ em chỉ làm cho tiệm chị thôi, mà mấy
anh chị đây cũng làm lâu quá xá trời rồi. Nói thiệt mấy lúc khủng hoảng kiếm tiền
quá ít em cũng có hơi nãn hơi lo nghe mấy người bạn rủ đi qua tiểu bang lạnh
hơi xa nhưng làm có tiền lắm em cũng hơi bị lung lay nhưng khi qua hôm sau vô
tiệm làm, thấy mấy anh chị vẫn còn bám trụ tỉnh bơ thì em thấy vững lòng, bỏ ngay
ý định “vượt biên” đó liền hà.
Chị Ngà cười cười coi bộ khoái chí:
- Ừ ừ. Nhỏ nầy nói chuyện có tình có nghĩa dữ hôn. Ừ ừ. Hồi còn trẻ chị cũng vậy.
Khi chị vô làm thì chủ tiệm nầy là chị Loan. Chỉ là người chủ tiệm rất tốt,
công bằng với mọi ngừơi, không tham lam. Chị nhớ hoài câu chỉ hay nói “mình có
cơm thì phải cho ngừơi ta có cháo, nồi cơm mình mới vững” cho nên ai đi đâu thì
đi, chị cứ trụ cột. Gặp được người chủ tốt thì mình đâu cần đứng núi nầy trông
núi nọ, bởi vì sau bảy sắc màu của cầu vồng thì chỉ là khoảng không mà thôi.
Nói theo ngừơi Mỹ thì “đừng thấy cỏ nhà hàng xóm xanh hơn, tới gần mới thấy
cũng có chỗ bị khô khan cháy xém.”
Thu nghe chị Ngà nói cho một hơi, nàng cừơi lỏn lẻn:
- Ý trời. Bữa nay chị Ngà lột lưỡi. Chị có hứng gì mà thuyết trình một mạch
trơn tru đầu đuôi cả cuộc đời làm thợ làm chủ của chị vậy ta? Chiện nầy hơi lạ.
Tối qua chị coi phim Hàn tên gì?
Chị Ngà cười, háy Thu:
- Thôi. Hễ mở miệng thì nói “móc” tui nói vậy hổng đúng sao? Thu là ngừơi thợ
lâu năm của tiệm nầy mà, hổng nhớ chị Loan sao? bộ nàng đã quên đi cái thời
nàng hay xéo xắc với thợ mới vô, cái thuở nàng hay làm cho ẩu cho mau để dành
khách đó sao? Cho tới khi bị ra toà bị phạt lo đứng lo ngồi sợ thấy ông bà ông
vải đó sao, mới bỏ bớt tánh xấu hổng giống ai! chính tui cũng bị nàng đì mà. Nhớ
hông? Nàng còn nhớ hay nàng đã quên?
Xây qua Khải, chị cười cười:
- Nói đúng ra cũng nhờ Khải, sau khi có chồng có con rồi nàng thay đổi nhiều lắm.
Cho giống với mọi người chớ.
Mọi ngừơi trong tiệm cùng gật đầu. Thu cũng im re.
Chị Ngà xây qua Sương, hỏi:
- Ờ, nãy giờ lo già chuyện lo tía lia, thiệt tình, y như nhỏ bạn tui quen hồi
đi học, nó nói nhiều tới nổi ai cũng kêu biệt hiệu nó là “mô tô mouth-cái miệng
máy.”
Nãy Sương hỏi vậy, bộ có ai tính mở tiệm hả?
Sương gật đầu:
- Dạ đúng chị. Ba má nhỏ bạn tính mở tiệm cho nó làm đó mà. Họ còn tính nhận học
trò vô học nghề nữa chị. Họ có tiền tính làm lớn mà.
Chị Ngà nói:
- Làm gì làm cũng phải qua hội đồng thẩm mỹ. Sương kêu họ hỏi thẳng hội đồng
thì hay hơn. Lâu quá rồi hổng chừng luật lệ có thay đổi. Nhưng theo tui thấy,
thay gì thì thay chớ cái vụ phải có văn bằng khi quản lý tiệm là chuyện không
thể thay đổi được đâu. Chuyện dễ hiểu quá mà, làm việc phải có văn bằng, vậy
thì lẽ dĩ nhiên lúc nào trong tiệm cũng phải có người có văn bằng, đúng hông?
trừ ra cái ngừơi học nghề thì chưa văn bằng mà thôi, bởi vậy phải có ngừơi có
văn bằng tui kể lúc nãy đó, để kềm cho người học nghề đó.
Sương gật đầu. Nãy giờ nàng vừa nghe vừa gật đầu lia:
- Em cám ơn chị, cám ơn mọi ngừơi.
Thanh nói bâng quơ:
-Ừa. Nhưng mà, đừng thấy tiệm mới mở có thể bị dụ dỗ đó nghe.
Thu nói:
- Xời. Sương đâu phải là hạng “thấy trăng quên đèn” đúng hông, ngừơi đẹp thái
bình dương?
Thanh ngó Thu châm bẩm:
- Ủa? bữa nay sao cô nàng nói chiện nghe lạ lạ, gì mà ngừơi đẹp thái bình dương
ta? Là sao là sao là sao?
Kim nói hớt:
- Dễ ẹc mà cũng hỏi. Bà nầy bữa nay giả nai quá. Ý Thu nói là ngưòi đẹp Châu Á
đó. Khi họ quảng cáo giới thiệu những ngừơi đẹp thi hoa hậu thế giới, họ thường
xài những từ ngữ nầy, ngừơi đẹp Thái Bình Dương, người đẹp Điạ Trung Hải, người
đẹp xứ Đài, người đẹp Phú Sĩ Sơn…
Hoa hậu năm nay đẹp hết xẩy luôn.
Thanh nhíu mày thắc mắc:
- Dĩ nhiên, phải đẹp lắm lắm lắm mới hơn hẳn tất cả ngừơi đẹp trên thế giới mới
được gắn vương miện chớ. Hổng biết mấy người đẹp nầy xài đồ thiệt hay đồ giả
ta? Sao cô nào cũng ngực cho một ngực mông đầy một mông mà cái bụng thì sát rạt
cặp chân dài suông đuột người nào người nấy hớp hồn người ta. Bộ bao nhiêu thức
ăn dồn hết vô bộ ngực cặp mông hay sao ta? Trang điểm như ca sĩ cặp lông mi dài
chớp chớp như... như… Làm sao thấy nét đẹp tự nhiên? Hổng biết giám khảo chấm
điểm theo tiêu chuẩn nào ta?
Vừa lúc đó có hai ba người khách tiến vô. Khách lạ. Mọi ngừơi ngưng nói, ngó
khách, chị Ngà ngừng tay, vồn vả hỏi chào, chấm dứt câu chuyện đang nói dở.
Trương Ngọc Bảo Xuân