Tôi theo dòng Moskva
Xuống công viên Gorky
Lắng nghe ngọn gió đổi thay
Một đêm hè tháng tám…
.
…Thế giới thu nhỏ lại
Có bao giờ bạn nghĩ rằng
Chúng ta có thể thật gần nhau, như anh em
(Wind Of Change - Klaus Meine)Tiếng huýt gió mở đầu bài hát Wind Of Change của Klaus Meine, ca sĩ
chính của ban nhạc rock Scorpions cho chúng ta cái cảm giác như anh là
một trong những người lính đang đi dọc dòng sông Moskva để xuống công
viên Gorky. Nơi anh có thể nghe thấy những người trẻ đang nói chuyện
với nhau về giấc mơ tương lai. Nơi mà cơn gió đổi thay đang thổi thẳng
vào khuôn mặt của thời gian. Wind Of Change được Meine sáng tác và hát
vào năm 1990 để kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Là một trong
những bài hát đã đem đến cho Meine niềm kính trọng của thế giới về
những đóng góp của anh cho âm nhạc và nhân quyền. Và rồi đúng như
cái cảm nhận của Meine, gió tự do đã thổi về Moskva và Liên Xô đã
sụp đổ sau đó một năm.
Cái thời huy hoàng, cực thịnh của đảng cộng sản ngày nào đến đó
là chấm dứt. Hàng loạt những quốc gia cộng sản đã lần lượt sụp
đổ, các quốc gia ở Đông Âu đã bắt tay xây dựng lại đất nước của họ
từ hai thập niên trước. Phải chăng đây là lúc mà những con dân Việt
Nam phải đứng lên nhận trách nhiệm của chính mình cho tổ quốc và
các thế hệ tương lai. Chủ nghĩa CS đã ngự trị ở Liên Xô và sụp đổ
sau bảy mươi năm, tính ra nó cũng ngự trị ở Việt Nam ngót nghét gần
bảy mươi năm rồi. Liệu diễn đàn mang tên “Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự”
vừa được một số nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước tuyên bố
thành lập có làm thành “ngọn gió đổi thay” cho Việt Nam?
Câu trả lời là: Tại sao không!?
Hai thập niên trước, không một ai có thể đồn đoán rằng cuộc cách
mạng ở Đông Âu có thể làm sụp đổ một cách nhanh chóng thành trì
của khối Cộng sản Xô Viết. Còn tại Tiệp Khắc, tin từ chức của Tổng
Bí Thư Jakes và toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo của đảng cộng sản Tiệp
xảy ra quá chóng vánh. Đến nỗi lời tiên đoán của giáo sư Timothy
Garton Ash, chuyên gia lịch sử Trung Âu trở thành như tiên tri. Timothy
đoán rằng tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu sẽ
diễn ra như sau: “tại Ba Lan mất mười năm; Đông Đức mất mười tuần; và
Tiệp Khắc mất mười ngày.”
Người dân Tiệp lúc đó không hề biết rằng sự có mặt của họ trong
đoàn biểu tình, một hành động nho nhỏ của từng con người, có thể
đem lại tự do cho đất nước Tiệp Khắc nhanh chóng đến như vậy. Cho đến
tận ngày hôm nay, không ai biết mặt một trong những người hùng đã làm
nên chiến thắng của cuộc cách mạng Nhung: người đầu tiên đã rút chùm
chìa khóa và lắc lên giữa quảng trường Wenceslas. Tiếng chìa khoá
được đáp lại bằng âm vang của 300.000 chùm chìa khoá của những người
đang hiện diện trong đoàn biểu tình. Âm vang reo vui của những chiếc
chìa khoá này đã đưa nhà văn kiêm nhà biên kịch Vaclav Havel vào vị
trí dẫn đầu cuộc cách mạng. Và chính ông - người sau này trở thành
vị tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ - đã lèo lái
cuộc cách mạng như đạo diễn một vở kịch, với những màn kịch đầy
bất ngờ, thú vị và xúc động đến rơi lệ.
Con người không thể sống mãi với sự lừa dối và khủng bố. Tôi tin là
ở thời điểm này, toàn thể nhân dân Việt Nam đang thực sự mong muốn
một đổi thay tốt đẹp cho đất nước mình. Tôi muốn nói đến cái ước
muốn của tất cả mọi người dân Việt đang quan tâm đến vận mệnh của
đất nước. Xin nhấn mạnh “Tất Cả”. Kể cả những đảng viên cộng sản,
những người đang làm việc trong bộ máy cầm quyền.
Nếu nhân dân Tiệp Khắc đã cùng nhau đứng lên để thoát khỏi ách độc
tài cộng sản và đặc biệt là thoát ách thống trị của người Nga;
thì theo tôi, nhân dân Việt Nam không chỉ đứng lên để bảo vệ tổ quốc
trước sự xâm lược của Tàu Cộng, họ còn đứng lên để tự cởi bỏ cái
ách sợ hãi, mà bộ máy cầm quyền tuy đã rệu rã vẫn còn cố sức
kềm toả người dân. Thái độ của các thanh niên yêu nước, của cô sinh
viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên ở trước phiên toà là một điển hình.
Cách hành xử vững vàng cương quyết của các em làm tôi nhớ đến tâm
sự của nhạc sĩ người Tiệp Ondrej Soukup. Anh có mặt trong hầu hết
các buổi xuống đường trong cuộc cách mạng Nhung, anh kể lại: “Mỗi
ngày trôi qua là một ngày mà người dân Tiệp cảm thấy mình mạnh mẽ
hơn, và đứng thẳng lưng hơn. Người Tiệp chúng tôi thấy mình đường
hoàng hơn. Chúng tôi đã quá hèn mọn. Nhưng giờ chúng tôi bắt đầu cảm
thấy tự hào. Quả là một cảm giác phi thường.”
Đấu tranh cho điều Đúng không chỉ đem lại phúc lợi cho tha nhân, nó đem
lại ý nghĩa cho cuộc sống và danh dự cho chính mình. Hơn nửa thế kỷ
qua, những nhà văn, nhà báo phải sống với một nền báo chí vô cảm,
xoay lưng lại với nỗi đau của đồng bào. Những người từ trước đến
giờ vẫn giữ thái độ im lặng, đã không im lặng nữa. Và rõ ràng bạo
lực, tù đày vẫn còn đó, vẫn sừng sững trước mặt, nhưng dường như
nó đang phải cúi đầu trước sự góp mặt càng ngày càng đông của những
nhà báo, những blogger Việt Nam.
Hãy nghe anh Nguyễn Lân Thắng khẳng định: “Ngày càng có nhiều nhóm
hoạt động dân sự hình thành thông qua mạng xã hội. Nhà nước điên
cuồng tấn công các blogger bằng triệu tập, thẩm vấn, và nhà tù…
nhưng họ gần như bối rối, bất lực trước sự phát triển ồ ạt của
truyền thông xã hội… Những gì đang xảy ra ở Việt Nam 3 năm qua nhanh
hơn 30 năm trước gộp lại… Nhất định chúng tôi, người dân Việt Nam sẽ
chiến thắng.”
Góp mặt trong Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (XHDS), nhà báo Lê Phú Khải
viết: “thực tế tồn tại của đất nước càng ngày nó càng làm cho nhà
văn nhà báo hiểu ra và thấy được con đường dân tộc đi phải là con
đường tiến bộ, dân chủ chứ không còn cách nào khác”
Đúng như nhà báo Lê Phú Khải đã nói, con đường dân tộc đi phải là
con đường tiến bộ, dân chủ chứ không có cách nào khác. Diễn Đàn XHDS
đang là một tiếp nối, là một mốc điểm; nhưng để được sống còn,
Diễn Đàn XHDS phải được tiến hành một cách thực tiễn và linh động.
Nó không thể chỉ dừng lại ở trên Mạng Ảo mà phải được thể hiện
bằng hành động. Nó phải trở thành biểu tượng của sự hợp lực. Nó phải
xuống tới đường phố, xuống từng xóm nhà, xuống từng chung cư sinh
viên,....
Cuộc cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc cũng bắt đầu bằng một diễn đàn
như thế; được gọi tên là Diễn Đàn Dân Sự (Civic Forum). Với mục đích
cao nhất là loại bỏ chủ nghĩa độc tài toàn trị, Havel và Civic Forum
đã khéo léo đoàn kết được nhiều thành phần. Tuy có quan điểm từ
đồng thuận đến hoàn toàn đối nghịch nhau, nhưng họ đã đứng vào cùng
một chiến tuyến để dành chiến thắng cho đất nước Tiệp Khắc thân yêu
của họ. Tôi tin vào nỗ lực của các nhân sĩ, trí thức trong Diễn Đàn
XHDS và tin vào tấm lòng thiết tha đối với tiền đồ tổ quốc của mỗi
người dân Việt Nam. Thời điểm đã đến, và kết quả sẽ không khác
được, dân chủ chắc chắn sẽ có mặt tại Việt Nam.
Người Tiệp bảo rằng tiếng lắc chìa khoá của họ gửi đến Tổng Bí
Thư Jakes và các ông trùm cộng sản Tiệp Khắc thông điệp: “Đến giờ
rồi! Đi thôi các ông ơi!”. Để bảo vệ tổ quốc, để mọi người dân Việt
Nam được sống và bắt tay vào xây dựng một thể chế dân chủ tốt đẹp
cho quê hương, mỗi chúng ta hãy cùng xuống đường với Nguyễn Lân thắng,
Lê Phú Khải, Nguyễn Quang Thuận,… và hãy lắc chùm chìa khoá của
chính mình./.