HANOI -- Luật sư Lê Quốc Quân đã bị kết án 30 tháng tù... bất kể
phẫn nộ của người dân và dư luận quốc tế.
Bản tin RFI hôm Thứ Tư cho biết, Tòa án thành phố Hà Nội hôm Thứ Tư
2/10/2013 tuyên án 30 tháng tù giam đối với luật sư Lê Quốc Quân, nhà
ly khai và blogger nổi tiếng, trong một phiên tòa kéo dài vài tiếng
đồng hồ về tội «trốn thuế», nhưng bị tố cáo là một vụ án chính
trị, theo như ghi nhận của AFP. Hàng trăm người biểu tình đòi trả tự
do cho ông. Luật sư Lê Quốc Quân ngay sau đó đã phản đối bản án.
Một chi tiết do Luật sư Hà Huy Sơn nêu trươc tòa cho thấy rằng những
người ký tên vào chứng từ thu chi đã chối rằng đó không phải chữ ký
của họ... do vậy công an có cớ quy chụp “tội trốn thuế.”
Bản tin RFI viết:
“Chủ tòa phiên tòa, bà Lê Thị Hợp, tuyên bố ông Lê Quốc Quân phạm tội
«trốn thuế». Ngoài bản án tù, ông còn bị phạt số tiền tương đương
59.000 đô la. Theo cáo trạng, vị luật sư 42 tuổi bị buộc tội đã tìm cách
trốn thuế 20.000 đô la cho công ty mà ông đã thành lập vào năm 2001.”
Luậts ư Lê Quốc Quân đã phát biểu ở tòa: “Tôi là nạn nhân của các
trò chính trị (…). Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, tấn
công vào nạn quan liêu và trì trệ đang hủy hoại đất nước”. Khi tòa
tuyên án, ông Lê Quốc Quân chỉ kịp kêu lên: “Tôi phản đối!”, trước khi
hình ảnh được truyền qua gian phòng quan sát bên cạnh bị ngưng ngang.
Tại gian phòng này, một số nhà báo trong đó có phóng viên AFP được
phép vào tòa án để theo dõi phiên xử trên màn hình. AFP nhận xét,
thường thì âm thanh bị cắt đi khi có những lời tuyên bố nhạy cảm.
Hàng mấy trăm người biểu tình đòi trả tự do cho nhà ly khai này đã
bị ngăn cản không cho tham dự phiên tòa, bởi công an của chế độ Hà
Nội vốn không dung thứ nhà đối lập nào. AFP ghi nhận, đông đảo người
ủng hộ, với các biểu ngữ như «Tự do cho Lê Quốc Quân» đã bị hàng
rào an ninh dày đặc ngăn chận tại các nẻo đường, trong không khí căng
thẳng. Phóng viên AFP bị công an mặc thường phục buộc phải rời đám
đông biểu tình. Nhiều người ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân cho biết họ
bị ngăn cản không cho ra khỏi nhà để đến tòa án.
RFI cũng ghi rằng, Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tố cáo
đây là một vụ án chính trị: “Chính quyền Việt Nam tỏ ra quá lo lắng
về vị trí của mình trong xã hội đến mức phản ứng bằng việc tìm
cách bịt miệng và bỏ tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà
bất đồng chính kiến khác". HRW kêu gọi trả tự do cho luật sư Lê
Quốc Quân. Nhà ly khai người Công giáo này được nhiều người biết đến
với những bài viết trên internet chống lại những vụ vi phạm nhân
quyền, tự do tín ngưỡng và tình trạng độc đảng.
Theo các tổ chức nhân quyền, Việt Nam hiện có hàng trăm tù nhân chính
trị, và kể từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 46 nhà tranh đấu bị
bắt giam. Hoa Kỳ cho rằng có 120 tù chính trị tại Việt Nam. Hà Nội
cũng chỉ đứng sau Bắc Kinh về số blogger bị giam cầm, theo tổ chức
Phóng viên Không biên giới.
RFI cũng ghi nhận rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra tuyên bố cho biết
«quan ngại sâu sắc» về bản án đối với luật sư nhân quyền và blogger
Lê Quốc Quân. Tuyên bố cho rằng: «Việc kết án này dường như không phù
hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công
ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các cam kết
trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế». Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng kêu gọi
chính phủ Việt Nam thả các tù nhân lương tâm và cho phép người dân
bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.
Trong khi đó, BBC ghi lời Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền đặt
trụ sở ở Hoa Kỳ, Human Rights Watch, nói với BBC sau phiên tòa:
“Đây là dấu đen cho hồ sơ nhân quyền Việt Nam và cho thấy chính phủ
trắng trợn bỏ qua các ràng buộc nhân quyền.
Những nhà tài trợ cần công khai lên án sự bất công này, đòi thả Lê
Quốc Quân và nói rõ rằng việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền sẽ
có hại cho việc ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 11 này."
Bản tin VOA ngay trong ngày đã phỏng vấn luật sư Hà Huy Sơn, đại diện
pháp lý của ông Lê Quốc Quân:
“Luật sư Sơn: Vụ án ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và ông Lê Quốc Quân
cùng gọi là ‘trốn thuế’ nhưng bản chất khác nhau. Ông Hải bị cáo
buộc ‘trốn thuế’ thu nhập cá nhân dù theo thỏa thuận trong hợp đồng
cho thuê nhà của ông thì bên thuê phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế
đó. Còn đối với vụ Lê Quốc Quân là ‘trốn thuế’ thu nhập doanh
nghiệp, tức là thu nhập của công ty nhưng người ta lại quy trách nhiệm
hình sự cho cá nhân ông Quân. Đây là vấn đề mà pháp luật Việt Nam
cũng chưa quy định rõ. Cho nên, để so sánh hai vụ án cùng tội danh
‘trốn thuế’ này cũng khó...”
Đặc biệt, Luật sư Hà Huy Sơn nêu lên chi tiết rằng những người ký tên
vào chứng từ thu chi đã chối rằng họ không hề ký tên, và đó là cớ
cho công an quy chụp tội trốn thuế.
VOA ghi lời Luật sư Sơn, trích:
“VOA: Bên bị can có đưa ra được những chứng cứ khách quan không?
Luật sư Sơn: Các chứng cứ này được thể hiện qua chứng từ thu chi của
công ty, nhưng bị tòa bác bỏ vì lời khai của những người liên quan
không thừa nhận chứng cứ đấy là có thật. Những người liên quan phủ
nhận các chứng từ họ đã ký. Cho nên, tòa đã phủ nhận...”