Nhân quyền và dân chủ là hai lĩnh vực khác nhau. Đấu tranh nhân quyền
là bảo vệ nhân quyền của những người khác. Còn đấu tranh dân chủ là
tạo điều kiện cho những người khác tự bảo vệ nhân quyền của chính
họ. Khi sự vi phạm nhân quyền mang tính cách hệ thống, do bản chất
của chế độ độc tài, thì đấu tranh nhân quyền là đối phó đằng ngọn,
còn đấu tranh dân chủ là thay đổi đằng gốc.
Quốc tế vận là một vũ khí quan trọng cho cả hai lĩnh vực nhân quyền
và dân chủ, với điều kiện biết cách sử dụng.
Quốc tế vận thường có tác dụng khi vận động cho nhân quyền hơn là
cho dân chủ. Đấy là vì nhân quyền mang tính phổ cập còn dân chủ thì
không. Vì tính phổ cập của nhân quyền, quốc tế có căn cứ và có
trách nhiệm can thiệp khi một quốc gia vi phạm nhân quyền. Còn dân chủ
thuộc phạm vi tổ chức hành chính và xã hội của mỗi quốc gia, nên
quốc tế thường tránh can thiệp nội bộ.
Muốn dùng quốc tế vận để yểm trợ cho cuộc đấu tranh dân chủ thì
phải tiến hành hai nỗ lực song song: (1) qua những vấn đề nhân quyền
cụ thể, lôi kéo quốc tế nhập cuộc, và (2) dùng thế quốc tế để tạo
phương tiện cho dân tự bảo vệ nhân quyền của chính mình và của nhau.
Như vậy, dân sẽ từng bước phát triển thế và lực trong phạm vi của
những vấn đề nhân quyền đang được quốc tế quan tâm và can thiệp.
Khi một lĩnh vực nhân quyền được vận dụng như vậy thì tôi gọi đó là
một “vấn đề cửa ngõ” vì nó mở cửa cho quốc tế dấn thân vào không
gian mà chế độ độc tài muốn biến thành cấm địa. Đó là bước đầu.
Bước kế tiếp là vận dụng áp lực quốc tế để dựng lên bức tường che
chắn ngày càng cao và dầy, nhằm bảo vệ cho sự phát triển các yếu
tố cần thiết cho một xã hội công dân: ý thức và bản lĩnh của dân,
đội ngũ tiên phong có đức có tài để quy tụ dân, và các tổ chức xã
hội công dân hoạt động hiệu quả để tổ chức dân. Khoảng không gian
được che chắn bởi các thế lực quốc tế ấy, tôi gọi là “hành lang an
toàn”. Dĩ nhiên trong một chế độ độc tài toàn trị, sự an toàn chỉ
mang tính cách tương đối.
Chắng hạn, trong lĩnh vực chống buôn người, chúng tôi hợp tác với
quốc tế để giải cứu và giúp đỡ cho nhiều nghìn nạn nhân, nhưng không
ngưng ở đó. Chúng tôi còn vận dụng áp lực quốc tế để từng bước
buộc chính quyền phải chấp nhận vai trò của người dân trong công cuộc
chống buôn người.
Có nhiều vấn đề nhân quyền có thể làm cửa ngõ, như quyền phụ nữ,
quyền văn hoá, quyền của người khuyết tật, quyền lao động, quyền tự
do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền sở hữu tài sản… để qua đó mở ra
ngày càng nhiều hành lang an toàn giữa vùng cấm địa.
Muốn thực hiện điều này chúng ta phải:
- Am hiểu từng vấn đề nhân quyền chuyên biệt, kể cả các luật quốc
gia và quốc tế liên hệ;
- Quen thuộc với các định chế và thể thức quốc tế để huy động sự
hợp tác và yểm trợ của họ;
- Có kế hoạch xây dựng ý thức cho người dân, đào tạo đội ngũ tiên
phong và tạo năng lực cho các tổ chức xã hội công dân trong từng lĩnh
vực nhân quyền chuyên biệt;
- Liên tục củng cố và nới rộng hành lang an toàn; và
- Sẵn sàng can thiệp và bảo vệ cho những người bị nguy cơ đàn áp.
Nói tóm lại, chúng ta phải chia nhau để biến mình thành những chuyên
gia tập trung vào từng lĩnh vực nhân quyền chuyên biệt, và phải hành
động có quy củ, có quy mô và trường kỳ. Đây là những yếu tố còn
thiếu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Cho nên chúng ta ở hải
ngoại chưa thực hiện được quốc tế vận một cách hữu hiệu để yểm
trợ cho cuộc tranh đấu dân chủ đang diễn ra ở trong nước.
Cuộc tranh đấu cho dân chủ giữa lòng chế độ độc tài toàn trị luôn
luôn đầy cam go và nguy hiểm. Làm đúng cách, chúng ta có thể giảm
bớt sự cam go và nguy hiểm ấy: từ ngọn là các nhân quyền được quốc
tế quan tâm đến gốc là xã hội công dân, nơi mà người dân giành lại
quyền làm chủ vận mạng của mình và của đất nước.
Bài liên quan:
Dân Chủ Như Ánh Sáng
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2733