GARDEN GROVE (VB) – Nhà thơ Du Tử Lê nói rằng ông vui mừng khi đọc tập
truyện ngắn “Một Thời Điêu Linh” của Lê Lạc Giao, người mà ông nói
ngay từ thời trước 1975 đã xuất hiện khác hẳn các nhà văn trẻ lúc
đó, vì bút pháp Lê Lạc Giao từ thời đã học đã vượt hẳn những tuổi
hoa, tuổi ngọc để chứng tỏ một tiếng nói độc đáo của nhà văn –
không phải ngừơi kể truyện, mà là nhà văn.
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói rằng truyện cuả Lê Lạc Giao giaù chất
thơ, giàu tar3i nghiệm qua nhiều bi kịch của đời tác giả trong vận
mệnh dân tộc...
Buổi ra mắt sách của Lê Lạc Giao đã thực hiện tại khu vườn nhà của
nhạc sĩ Hồ Chí Hiền, trong tình thân bạn hữu, với sự tham dự của
những người bạn Nhóm Triết Đaị Học Văn Khoa, cũng như các bạn cùng
một thời quân ngũ, và nhiều văn nghệ sĩ – trong đó có nhiều bạn từ
xa laí xe về dự, như các nhà thơ Phan Nhật Tân và Biện Thị Thanh Liêm
từ San Jose tới, họa sĩ Nguyễn Tam Dương từ San Diego tới, cũng như
nhà văn Phạm Tín An Ninh từ Na Uy nhân dịp thăm Quận Cam ghé tới.
Nhà thơ Lê Trung Khiêm giữ vai trò MC, mời nói chuyện đầu tiên là nhà
thơ Du Tử Lê, cũng là người viết Lời Giới Thiệu trong tuyển tập “Một
Thời Điêu Linh.”
Hàng trên, từ trái: Phan Nhật Tân, Lê Trung Khiêm, Du Tử Lê (đang nói);
hàng dưới: Lê Lạc Giao (trái) đang nói, Phạm Tín An Ninh (đứng) trong
khi Lê Lạc Giao ký tên vào sách.
Du Tử Lê nói rằng ông đã đọc Lê Lạc Giao từ trước tháng 4-1975, đó
là dòng văn tách hẳn ra khỏi kiểu văn học tàng cây lá me của những
người cùng tuổi, và ngay cả khi chia văn học làm hai -- giữa người
sáng tác văn học và người kể truyện, thì Lê Lạc Giao đã đứng riêng
hẳn trong vị trí một nhà văn, một writer, một người sáng tạo chứ
không phảỉ là người kể truyện, một story-teller.
Du Tử Lê nói rằng Lê Lạc Giao đã dùng văn chương để đề cập tới thân
phận đời người, tới ý nghĩa sống và chết – và không khí truyện
ngắn của Lê Lạc Giao đã mang tới một thế giới riêng.
Du Tử Lê nói, để dẫn chứng, ông đọc hai đoạn văn từ hai truyện ngắn
“Nụ Cười Buồn Mùa Hè” và “Một Kiếp Người,” trong đó cho thấy cách
độc đáo của Lê Lạc Giao khi tả cảnh, tả người, tả tình... Du Tử Lê
nói rằng ông dẫn lời nhà văn Phan Tấn Hải đã viết, rằng “Lê Lạc Giao
là một tài hoa giữa chúng ta.”
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kế tiếp, nói rằng ông là người trình bày văn
bản tập truyện, đã đọc kỹ hơn ai hết để dò lỗi chính tả, và bản
thân là bạn cùng thế hệ Lê Lạc Giao cho nên khi đọc tập truyện này
đã tự thấy thế hệ của mình trong đó.
Nguyễn Lương Vỵ nói, tập truyện dài 372 trang, gồm 14 truyện, trong đó
truyện dài dài nhất là 82 trang, ngắn nhất 10 trang, nên nếu gọi là
tuyển tập các truyện vừa sẽ thích hợp hơn, trong đó tất cả đều
giàu chất thơ, giaù trải nghiệm qua nhiều bi kịch -- đặc biệt cách
viết quyện lẫn thực và ảo rất mực thơ mộng.
Nhà văn Phan Tấn Hải khi phát biểu đã nói rằng bản thân ông là bạn
học ở Đại Học Văn Khoa với Lê Lạc Giao, biết rằng tác giả tài hoa
từ thời rất trẻ, với tài vẽ, taì làm thơ – trong đó, tấm tranh tự
họa nơi bìa sau là một chứng minh cụ thể; Một điểm nữa, tác phẩm “Một
Thời Điêu Linh” gần như vắng bặt lỗi chính tả, có thể nói là 99.9%
không có lỗi chính tả, cho thấy sự cẩn trọng của tác giả và của
người trình bày văn bản.
Hàng trên, từ trái: ca sĩ Nam Trân, nhạc sĩ Lại Tôn Dũng; hàng dưới,
từ phải: Nguyễn Lương Vỵ, Phan Tấn Hải, Du Tử Lê (ngồi), Lê Lạc Giao
(đứng), Lê Giang Trần, và Hồ Chí Hiền đang thổi kèn saxophone đệm cho
Nam Hoa hát.
Nhà thơ Phan Nhật Tân, người lái xe từ San Jose về Quận Cam dự buổi ra
mắt sách, nói rằng thời sinh viên ông đã cùng Lê Lạc Giao làm tạp
chí Tự Thức trong sân trường Đại Học Văn Khoa, đã đọc văn Lê Lạc Giao
từ thời đi học... và đây là tác phẩm không thể thiếu được.
Anh Phạm Minh Cảnh phát biểu, rằng anh đã có nhiều năm gần gũi bên Lê
Lạc Giao, từ thời ở tù cho tới ra đời, và đọc truyện anh là thấy
cả thế hệ của mình trong đó, nơi đó là chứng nhân lịch sử, là tranh
đấu, và anh hãnh diễn vì có một nhà văn như vậy.
Nhà thơ Lê Trung Khiêm nói rằng anh đọc Lê Lạc Giao từ hơn 40 năm, đúng
là một văn tài như nhà thơ Du Tử Lê khẳng định, và truyện Lê Lạc Giao
có những ngậm ngùi lịch sử riêng, nhưng cũng là rất chung.
Nhà văn Lê Lạc Giao đã cảm ơn quan khách tới tham dự, và nói lịch sử
có định mệnh, cũng như sách này là định mệnh cá nhân -- với 14
truyện đều có định mệnh cá nhân xen giữa định mệnh lịch sử...
Phần trình diễn văn nghệ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tài năng
như các nhạc sĩ/ca sĩ Lại Tôn Dũng, Thái Hoàng, Lê Quang Thăng, Trường
Vũ, Lê Quân, Lê Bảo, Nam Hoa, Hồ Chí Hiền – và đặc biệt với ca sĩ Nam
Trân.
Trong những người tham dự có bà Nguyễn Thanh Thủy (cựu Thiếu Tá,
Biệt Đội Trưởng Thiên Nga), Nguyễn Bá Tùng (Mạng Lưới Nhân Quyền),
nhà thơ Lê Giang Trần, nhà báo Triệu Phong (Người Việt), và nhiều thân
hữu khác...
Ấn phí 25 Mỹ Kim, tập truyện do Triết Văn xuất bản. Có thể liên lạc
với tác giả ở Email:
lelacgiao51@yahoo.comhay vào
http://trietvan.com/