WASHINGTON - Đài truyền hình của NASA báo tin phi thuyền mới của tư
nhân đã phóng đi lúc 10 giờ 58 phút hôm Thứ Tư, chở hàng tiếp tế,
gồm luơng thực, quần áo và vật liệu lên trạm quỹ đạo.
Phi thuyền Cygnus của Orbital Sciences Corp đuợc phóng bởi hoả tiễn
Antares từ căn cứ vùng ven Đại Tây Dương trên đảo Wallops. Sau khi tàu
Cygnus tách rời hoả tiễn, Orbital phát thông điệp "Trạm quốc tế
hãy nhìn xem, chúng tôi đang tới đây" và tiếng reo hò có thể nghe
thấy tại khu vực phóng.
Thông cáo của giám đốc NASA Charles Bolden viết "Hôm nay ghi dấu ấn
kỷ nguyên mới trong khi chúng tôi mở rộng khả năng chở hàng tiếp tế
trạm quỹ đạo từ bờ biển Hoa Kỳ - nỗ lực của Orbital góp phần hoàn
tất lời hưá canh tân để duy trì vai trò lãnh đạo kỹ thuật không gian
của Hoa Kỳ".
Chuyến bay đầu của Cygnus chở 1300 pound hàng, và đánh dấu chuyến bay
thành công thứ nhì của hoả tiễn Antares kể từ Tháng 4.
Phi thuyền vận tải tư nhân bay với tốc độ 28,000 kilomét/giờ trên quỹ
đạo cũng sẽ thực hiện hàng loạt thí nghiệm và hoạt động trong 4
ngày để phô diễn khả năng sẵn sàng hội ngộ và ráp nối với trạm
quốc tế dự kiến ngày chủ nhật tuần này.
Chủ tịch kiêm giám đốc David Thompson của Orbital tuyên bố "Rõ
ràng còn nhiều việc phải làm, nhưng đây là khởi đầu tốt đẹp".
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, công ty Orbital bản doanh Virginia có
thể thực hiện các chuyến bay tiếp tế định kỳ theo 1 hợp đồng gọi
là CRS (Commercial REsupply Services) trị giá 1.9 tỉ MK sẽ ký với NASA
trước cuối năm.
Orbital định phóng chuyến đầu tiên trong 8 chuyến bay vào Tháng 12 -
tất cả 8 chuyến bay sẽ phóng đi từ Wallopps Island, là địa điểm thích
hợp về địa lý để thực hiện các sứ mạng quốc phòng, khoa học cũng
như thương mại.
1 công ty tư doanh khác là SpaceX bản doanh California đã làm nên lịch
sử khi phóng phi thuyền chở hàng Dragon tiếp tế vật dụng cho trạm
quốc tế vào Tháng 5-2012. Dragon đã bay 3 chuyến và cần 10 chuyến nữa
để hoàn tất hợp đồng 1.6 tỉ MK ký kết với NASA.
Trước các chuyến bay của Dragon, phi hành gia làm việc nghiên cứu trên
quỹ đạo phải lệ thuộc phi thuyền vận tải Soyuz của Nga.