TOKYO - Thủ Tướng Shinzo Abe đã lên đường hôm Thứ Năm, đến 3 nước Đông Nam Á để củng cố các quan hệ trong thời điểm đánh dấu 40 năm tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Nhật và tổ chức ASEAN.
Tiếp theo các chuyến đi sau ngày trở thành Thủ Tướng, đến Vietnam, Thái Lan, Indonesia vào Tháng 12, và đến Myanmar hồi Tháng 5, lần này, Thủ Tướng Nhật thăm Malaysia, Singapore và Philippines. Ông Abe đến Kuala Lumpur trước, và hội đàm với Thủ Tướng Najob Razak vào chiều Thứ Năm. Tại đảo quốc Singapore, Thủ Tướng Abe gặp Thủ Tướng Lee Hsien Loong - ông Abe cũng định hội đàm với PTT Biden từ Ấn Độ đến Singapore. Ngày Thứ Bảy, Thủ Tướng Abe qua Philippines, hội đàm với TT Aquino tại Manila.
Liên quan đến Nhật, một bản tin khác cho biết Nhật sắp ra chính sách quốc phòng mới cho phép “đánh phủ đầu.” Bản tin viết như sau.
TOKYO - 1 dự thảo được Thủ Tướng Abe thảo luận đề nghị thay đổi về căn bản chủ thuyết quốc phòng của Nhật, cho phép đánh phủ đầu quân xâm lăng - các kết luận có thể thành vào cuối năm 2013.
Truyền thông Nhật tiết lộ hôm Thứ Năm: cuộc nghiên cứu quốc phòng này tìm hiểu các phương cách tạo ra khả năng răn đe và đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng phi đạn. Tuy nhiên, dự thảo của Bộ quốc phòng Nhật không xét tới các biện pháp chống lại căn cứ quân sự ngoại quốc nếu mối đe dọa trở thành hiển hiện. Đông thời, Tokyo xác quyết không muốn trở thành cường quốc nguyên tử, tuy đối thủ tiềm ẩn là Trung Quốc đã có kho vũ khí nguyên tử từ nhiều thập niên và Bắc Hàn đang theo đuổi tham vọng nguyên tử.
Giáo sư Marushige Michishita tại National Graduate Institute nhận xét "Kế hoạch phòng thủ mới là tốn tiền và thời gian, và nói dễ hơn làm".
Theo các nhà chuyên môn, để tìm kiếm khả năng đánh phủ đầu, cần phát triển phi đạn liên lục địa, hoả tiễn đạn đạo và không quân hùng mạnh.
Hiến pháp hoà bình của Nhật cấm đoán mọi khả năng gây chiến và xây dựng quân đội hiện đại, tuy quân đội Nhật hiện nay đuợc tin là hữu hiệu vào hạng nhất châu Á. Binh sĩ Nhật tham gia mọi cuộc xung đột bên cạnh lực lượng Hoa Kỳ, cũng như dự phần trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ từ châu Á sang châu Phi.
Mặt khác, các tranh chấp biển đảo với Nhật nêu ra nhu cầu thành lập TQLC đặc nhiệm và mua phi cơ không người lái.