BIỂN ĐÔNG (VB) -- Liên Hiệp Quốc bắt đầu tiến hành xét đơn Philippines kiện Trung Quốc lấn chiếm các vùng Biển Đông của Philippines.
Báo Manila Bulletin hôm 25-4-2013 cho biết rằng Chủ Tọa Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) đã bổ nhiệm 3 thành viên còn lại trong Tòa Án Phân Xử Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) -- tòa này có 5 thẩm phán -- trong đó có chủ tịch UNCLOS, để sẽ nghe đơn kiện do Philippines trình lên phản đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Tây Phi (tức Biển Đông, theo tên Việt Nam).
Báo này nói, Chủa Tọa ITLOS là Thẩm phán Shunji Yanai đã chuyển một lá thư tới Francis H. Jardeleza, Trưởng Ban Pháp Lý Philippines, ngày 24-4-2013 để thông báo Philippines về việc tòa LHQ bổ nhiệm vào ghế Thẩm Phán Tòa Luật Biển 3 người: Jean-Pierre Cot (người Pháp), chris Pinto (người Sri Lanka) và Alfred Soons (người Hòa Lan).
Thẩm phán Yanai trước đó đã bổ nhiệm Stanislaw Pawlak (người Ba Lan) làm thành viên thứ 2 của hội Đồng Thẩm Phán để xét đơn Philippines kiện TQ.
Hội Đồng gồm 5 Thẩm phán bây giờ sẽ họp để tổ chức, ấn định quy luật để xét xử.
Vẫn chưa rõ, nếu tòa LHQ công nhận rằng TQ có lỗi đã lấn chiếm Biển Đông, diễn tiến này có hiệu lực thi hành hay không. Bản tin Manila Bulletin không nói rõ về điểm này.
Trong khi đó, theo tin RFA, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân đã hướng dẫn phái đoàn gồm các tham tán và viên chức chính trị của tòa đại sứ Mỹ đến thăm và làm việc với UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng, hồi chiều thứ ba 23 tháng Tư.
RFA ghi rằng, Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa chào đón Đoàn công tác, đồng thời thông tin chia sẻ một số vấn đề về kết quả hoạt động và định hướng phát triển của UBND huyện Hoàng Sa và của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
RFA viết:
“Đoàn công tác của Tổng lãnh sự Mỹ bày tỏ lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; khẳng định sự cần thiết hợp tác để đảm bảo chủ quyền, đảm bảo hòa bình và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tự do thương mại bình thường trên Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.”
Một bản tin từ VOA hôm Thứ Năm cho biết, một Tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand Te Mana, cùng 25 sĩ quan và 145 thủy thủ đã cập cảng TP Sài Gòn hôm 24 tháng Tư, để khởi sự chuyến đi thăm 6 ngày.
Tin của VNA tường thuật rằng các sĩ quan và thủy thủ New Zealand sẽ đến thăm xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân Dân thành phố, và các đơn vị Hải quân Việt Nam.
Tân Hoa Xã khi loan tin này đã trích lời Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning, nói rằng chuyến đi thăm nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác thường xuyên giữa hai nước, nhằm mục đích cổ vũ cho quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand.
VOA ghi thêm: “Các sĩ quan và thủy thủ của tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand cũng sẽ tham gia một số sinh hoạt, kể cả các cuộc thi đấu thể thao với phía Việt Nam.”
Đặc biệt, bản tin VietnamNet từ Hà Nội cho biết:
“Sở Ngoại vụ Đà Nẵng mời phóng viên, trưởng đại diện 26 cơ quan báo chí nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam đến đưa tin về triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.
Trong số này có phóng viên của tờ Nhân dân nhật báo và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), phóng viên các hãng tin quốc tế lớn như Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ), Istar-Tass (Nga), NHK và Asahi Shimbun (Nhật Bản), Yonhap (Hàn Quốc)...
Khách mời tham quan triển lãm gồm khoảng 350 người nước ngoài đại diện cho một số đại sứ quán tại Hà Nội: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc và các chuyên gia, giảng viên, sinh viên nước ngoài đang công tác, học tập tại Đà Nẵng.
Sở Ngoại vụ sẽ bố trí đội ngũ hướng dẫn viên thuyết minh cho khách tham quan, phóng viên nước ngoài bằng các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan để giới thiệu các tư liệu bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.
Nội dung triển lãm từ ngày 29/4 đến 15/5 bao gồm các bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa...”
Điều chưa rõ là phóng viên Trung Quốc có sẽ tham dự hay không, và nếu tham dự có sẽ tuyên bố gì hay sẽ tường thuật ra sao.