Hôm nay,  

Đâu Là Sức Mạnh Thực Sự Của Tin Tặc Bắc Hàn?

06/04/201300:00:00(Xem: 6398)
1* Mở bài

Tin tặc (Hacker) Bắc Hàn đã nhiều lần tấn công hệ thống máy tinh làm tê liệt cả Nam Hàn. Tin tặc nầy thật sự là mối đe dọa của Nam Hàn. Báo chí Seoul đánh giá khả năng kỹ thuật của tin tặc Bình Nhưỡng (Pyongyang) ngang bằng với chuyên gia máy tính của CIA Mỹ.

Tình báo Nam Hàn đã từng tiết lộ về một đội quân tin tặc đặc biệt dưới bí danh Cục 121, đã quy tụ trên 3,000 phần tử ưu tú nhất của đất nước miền Bắc. Báo chí Seoul cũng đánh giá tin tặc Bắc Hàn có khả năng chiến tranh mạng như Nga và Mỹ, nhưng có câu hỏi, đâu là sức mạnh thực sự của tin tặc Bắc Hàn?

2* Hàn quốc bị tin tặc tấn công

2.1. Seoul tê liệt vì bị tin tặc tấn công

Ngày 4-3-2011, hãng AFP (Agence France-Press) dẫn nguồn tin của Ủy ban Truyền thông Nam Hàn, cho biết, hàng chục trang mạng (Website, trang web hay World Wide Web-www) của chính phủ và của các công ty lớn đã bị tấn công. Công ty AhnLab, chuyên bảo đảm an ninh mạng, tuyên bố 40 trang web quan trọng đã bị tấn công, gồm những trang mạng của Nhà Xanh (Văn phòng tổng thống), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thống nhất, trang mạng của các cơ quan tình báo, Quốc Hội, Thanh tra Thuế vụ, các lực lượng vũ trang.

Toàn bộ Seoul bị tê liệt.

Người đại diện công ty bảo đảm an ninh mạng AhnLab cho biết, trang mạng chính thức của công ty nầy cũng bị tấn công, thêm vào đó, trang mạng của 7 ngân hàng lớn nhất Nam Hàn cũng chịu chung số phận. Tê liệt.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Nam Hàn cáo buộc, Bộ Truyền thông Bắc Hàn là thủ phạm.

2.2. Bắc Hàn bị cáo buộc đã tấn công báo mạng của Nam Hàn

Ngày 16-1-2012, hãng AFP đưa tin, Nam Hàn lên tiếng khẳng định tin tặc Bắc Hàn đã tấn công, làm cho trang web của tờ JoongAng ilbo bị tê liệt. Các chuyên gia công nghệ Nam Hàn nhận diện địa chỉ IP phát xuất từ Bắc Hàn.

Nói thêm về IP (Internet Protocol-IP). Bất cứ thiết bị điện tử nào, từ máy computer cá nhân, máy chủ, máy in, Fax, khi được nối kết vào mạng lưới toàn cầu (Internet) thì được cho một địa chỉ IP, dùng để nhận diện, giống như một cái tên, và để liên lạc nhau trên mạng lưới toàn cầu. IP là thẻ căn cước mang theo tên vùng và quốc gia.

Trước đó, hai trang mạng bằng tiếng Hàn và tiếng Anh của báo điện tử nầy cũng bị tê liệt. Trang chủ hiện lên hình một con mèo trắng với hàng chữ “Hacked by isOne”, thậm chí một số tin tức cũng bị sửa đổi, bóp méo sự thật và nhiều dữ liệu bị xoá.

Vụ tấn công được cho là để trả đủa và trừng phạt những tờ báo Nam Hàn vì đã so sánh giới trẻ Bắc Hàn mít tinh ủng hộ Kim Jong-un giống như thời phát xít Đức trước kia.

Ngoài vụ tấn công nầy, Nam Hàn còn cho rằng Bắc Hàn là thủ phạm của nhiều cuộc tấn công chính phủ như hồi tháng 7 năm 2009, tháng 3 năm 2011. Đồng thời, trong tháng 4 và tháng 5, Seoul tố cáo Bình Nhưỡng đã gây nhiễu phá hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) làm cho hàng trăm phi cơ và tàu bè dân sự bị ảnh hưởng.

2.3. Tin tặc Bắc Hàn là mối đe dọa hệ thống máy tính Nam Hàn

Tướng Song Young-keun, tư lịnh lực lượng phản gián Hàn Quốc cho biết, Bắc Hàn đang xây dựng “sức mạnh tấn công trực tuyến”. Tướng Song nói, tin tặc quân sự của miền Bắc hiện có 8 trang mạng và 26 địa chỉ do Bình Nhưỡng trực tiếp chỉ huy, mục đích đánh phá và tuyên truyền.

Nam Hàn lo ngại mạng lưới điện, giao thông và các cơ sở hạ tầng khác được điều khiển bằng hệ thống vi tính, có thể bị tấn công làm tê liệt.

Năm 2006, quân đội Bắc Hàn tuyên bố, họ có thể làm tê liệt hệ thống chỉ huy của Bộ Tư lịnh Thái Bình Dương, USPACOM (U.S. Pacific Command), đồng thời gây tổn hại cho hệ thống máy tính trên đất liền của Mỹ. Tuyên bố lếu láo như thế, không biết thực chất sức mạnh của Bắc Hàn ra sao? Nhưng điều cụ thể thấy được là Hoa Kỳ chưa đặt tin tặc Bắc Hàn vào danh sách hàng đầu phải đối phó, như đối với Trung Cộng.

3* Đội quân tin tặc đặc biệt mang bí danh Cục 121

3.1. Cục 121

Hãng Yonhap (Nam Hàn) đưa tin, ông Kim Heung-gwuang, một công dân Bắc Hàn đào tỵ sang Nam Hàn cho biết, Bình Nhưỡng đã tập họp nhân tài cả nước để thành lập một đội quân tin tặc đặc biệt lên tới 3,000 người. Đơn vị mang bí số Cục 121.

Mục đích của đội quân bí mật nầy là chuyên xâm nhập vào các trang mạng, Email của các giới chức quân sự, các tập đoàn, công ty nước ngoài để thu thập tin tức tình báo, đánh cắp bí mật công nghệ và phá hoại khi cần.

Nhân viên lực lượng nầy được ưu đãi, nhà nước cung cấp những tiện nghi tốt nhất để họ cùng gia đình, cha mẹ sống sung túc ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Tiến sĩ Sa Zai Cheng, thuộc Viện Khoa học Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, tiết lộ sự có mặt và tồn tại của Cục 121 nầy.

3.2. Bí mật về trường đào tạo tin tặc của Bắc Hàn

Một viên chức tình báo Hàn Quốc tiết lộ, năm 1981, một trường quân sự được bí mật thành lập trong vùng rừng núi Vân Sơn, hiểm trở và kín đáo, gần như biệt lập với bên ngoài, trường ở phía bắc nước nầy. Trong nội bộ họ gọi là trường tác chiến điện tử, sau đổi tên thành Đại học Tự động hoá Bình Nhưỡng.

Những thanh niên ưu tú, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) sẽ được tuyển chọn cho theo học 5 năm tại trường bí mật Đại học Tự động hoá Bình Nhưỡng.

Trường do 25 giáo sư người Nga từ Học viện Quân sự Nga Frunze phụ trách huấn luyện. Mỗi năm, trường nầy đào tạo từ 100 đến 110 tin tặc.

Sau khi tốt nghiệp, những thanh niên nầy được ra nước ngoài tu nghiệp, khi về nước được bổ sung vào Cục 121.

4* Đâu là sức mạnh thực sự của tin tặc Bắc Hàn?

Báo chí Hàn Quốc cho rằng kỹ thuật của tin tặc Bắc Hàn ngang bằng với trình độ của các chuyên gia CIA Mỹ.

Các nhà quan sát Tây phương nêu nhận xét, sở dĩ Nam Hàn và Hoa Kỳ cố tình phóng đại khả năng của tin tặc Bắc Hàn, chủ yếu là lấy đó làm cái cớ để gia tăng hợp lý về lực lượng chiến tranh mạng (Cyberwar) và về sức mạnh tổng hợp của mình, và sau cùng làm gia tăng sức ép buộc Bắc Hàn phải trở lại đàm phán 6 bên về việc cấm sản xuất vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, Nam Hàn đang ra sức đào tạo 200,000 chuyên gia kỹ thuật tin học, so với Bắc Hàn, chỉ có hơn 3,000 tin tặc.

Việc các giáo sư Nga huấn luyện và việc cho thanh niên ra nước ngoài tu nghiệp cho thấy Bắc Hàn chưa có khả năng tự lập về khoa học kỹ thuật tin học. Bộ đội tin tặc Bắc Triều Tiên không phải là hạng nhất.

Hiện tại, “cư dân mạng” (Netizen) Bắc Hàn không quá 10,000 mà trong đó, thường dân rất ít được vào Internet, do đó không đủ tài nguyên mạng khi chiến tranh mạng xảy ra.

Trên thực tế, so với đội quân ăn cắp khổng lồ của Trung Cộng, thì Bắc Hàn chỉ thuộc vào hàng ăn cắp vặt mà thôi.

So với công nghệ vi tính Mỹ, Cục 121 với hơn 3,000 tin tặc, thì Bắc Hàn còn kém xa.

Cộng đồng tình báo Mỹ gồm 16 cơ quan với trên 100,000 chuyên viên vi tính, ngân sách 40 tỷ USD/năm, thì thấy tin tặc Bắc Hàn chẳng nhằm nhò gì cả.

5* Bắc Hàn bị tấn công mạng

5.1. Mạng lưới vi tính Bắc Hàn bị tấn công

Ngày 15-3-2013, hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA (Korean Central News Agency-KCNA) lên án Hoa Kỳ và Nam Hàn là thủ phạm của một cuộc tấn công dữ dội và kéo dài hai ngày vào mạng lưới chính thức của Bắc Hàn.

KCNA cho biết, “các máy chủ của nhà nước đã bị tấn công một cách dữ dội mỗi ngày, cùng một lúc với cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Hàn Quốc.”

Hành động tấn công nầy được xem như là một phần của kế hoạch tập trân tấn công toàn diện vào Bắc Hàn.

Hãng AFP cho biết, tuy gọi là trang mạng Internet nhưng sự thật đó là hệ thống chỉ huy nội bộ, liên lạc giữa vài trăm người đến vài ngàn nhân vật chỉ huy quân đội.

Hãng thông tấn TASS (Telegrafnoe Agentstvo Sovetskovo Soyuza-TASS) của Nga mô tả, mạng Internet Bắc Hàn bị tấn công dữ dội từ bên ngoài vào, làm tắt những trang mạng từ đêm thứ tư 15-3 đến chiều thứ năm 16-3-2013. Các trang mạng truyền thông như báo Rodong Sinmum, thông tấn xã KCNA và mạng Maenara cũng bị chung số phận. Hãng hàng không Bắc Hàn Air Koryo đã ngừng hoạt động trong hai ngày bị tấn công.

Bắc Hàn tuyên bố “Cuộc tấn công dẫn đến một tình thế cực kỳ liều lĩnh và nghiêm trọng, Bắc Hàn không thể ngồi yên đối mặt với những cuộc tấn công do kẻ thù gây ra”.

5.2. Xung đột võ trang có thể xảy ra sau những vụ tấn công Internet hay không?

Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng thêm căng thẳng do những lời tuyên bố hiếu chiến, do những vụ tập trận và tấn công mạng lưới vi tính, cho nên câu hỏi đặt ra là liệu xung đột võ trang có thể xảy ra hay không?

Theo Viện Nghiên cứu IISS (The International Institute for Strategic Studies-IISS) tại Luân Đôn, thì các cường quốc lo ngại rằng có thể xảy ra chiến tranh vũ trang tại bán đảo Triều Tiên.

Hai lý do để lo ngại là:

- Bắc Hàn có hỏa tiễn bắn tới Nhật và Nam Hàn. Những lời tuyên bố hiếu chiến của Kim Jong-un cho phép các nhà quan sát quốc tế dự báo là Bắc Hàn sẽ ra tay tấn công trước.

- Lý do thứ hai là Hàn Quốc đã nhiều lần nhượng bộ Bắc Hàn, làm mất uy tín của lãnh đạo Nam Hàn đối với nhân dân, cho nên lần khiêu chiến sắp tới, Seoul sẽ trả đủa.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng thận trọng cho rằng Bắc Hàn cũng lo sợ bị sụp đổ trước sự tấn công trấn áp của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trung Cộng cũng lo ngại là sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên sẽ đưa Hoa Kỳ và Nam Hàn vào sát biên giới của Trung Cộng.

6* Kim Jong-un nguy hiểm đến mức độ nào?

Ngày 22-2-2013, trong cuộc hội thảo về Bắc Hàn do đài BBC tổ chức với chủ đề “Kim Jong-un nguy hiểm tới mức độ nào?”.

Ông Aidan Foster Carter trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Giang như sau “Kim Jong-un như một ông vua trẻ, mới lên ngôi nên phải tỏ ra khả năng lãnh đạo với người trong nước bằng những cuộc thử nghiệm hoả tiễn và bom nguyên tử, đồng thời, đối với nước ngoài, là bắn tiếng,“đừng đùa với lửa”.

Bà Andrea Berger, chuyên gia nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nêu nhận xét “Kim Jong-un cười nhiều hơn cha, nhưng thật khó xác định được mức độ nguy hiểm của nhà độc tài trẻ tuổi nầy, vì trong một hội nghị hạt nhân gần đây, đại diện của Bắc Hàn khẳng định “Bắc Hàn sẽ không nghe theo lời chỉ đạo của bất cứ quốc gia nào cả”, nếu đó là chủ trương mà Kim Jong-un thực hiện, thì đàm phán về việc ổn định bán đảo Triều Tiên rất khó khăn”.

Ngày 17-3-2013, dân biểu Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện HK, tuyên bố “Mối đe dọa quân sự gần đây của Bắc Hàn, đặc biệt đáng lo ngại vì tính khí thất thường của Kim Jong-un”. Dân biểu Rogers còn tin rằng, Kim Jong-un đang cố gắng chứng minh “sự chính chắn và khả năng lãnh đạo của mình với quân đội, đồng thời háo hức muốn lập công trạng, kết hợp hai điều nầy thì Kim Jong-un quả thật là rất nguy hiểm”.

Giám đốc An Ninh Quốc gia Mỹ, ông James Clapper cho biết, không loại bỏ khả năng Bắc Hàn sẽ tiến hành một hành động khiêu khích chống Mỹ và Nam Hàn”. Hành động chớ không phải là những tuyên bố khiêu khích.

7* Kim Jong-un bị mưu sát?

Ngày 14-3-2013, nguồn tin từ cơ quan tình báo Nam Hàn tiết lộ, lãnh tụ độc tài Kim Chánh Vân (Kim Jong-un), hồi năm ngoái, 2012, đã lâm vào một vụ mưu sát tại trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng.

Nguồn tin nầy nói với nhật báo Joogang rằng “Chính quyền Seoul theo dõi vô cùng kỹ lưỡng vụ nầy, bởi vì cuộc đột kích xảy ra tại trung tâm thủ đô chớ không phải tại một chuyến đi nào khác ở trong nước của ông ta”.

Nguồn tin xác quyết vụ mưu sát có liên hệ đến việc tranh giành quyền lực trong nội bộ quân đội, và có liên quan đến những người ủng hộ viên tướng bị thất sủng Kim Yong-chol. Kim Yong-chol được mô tả là người hỗ trợ thân cận nhất của Kim Jong-un, người có công đánh chìm chiếc tàu Cheonan của Nam Hàn ngày 16-3-2010 làm chết 46 thủy thủ. Đương sự được thăng tướng 4 sao vào tháng 2 năm 2012, nhưng bị giáng xuống còn tướng 2 sao vào tháng 11 năm 2012.

Theo báo Joogang, bị mất một sao trong vụ gây gổ nội bộ, dùng súng bắn nhau. Mất sao thứ hai do bị tình nghi có liên quan đến việc mưu sát Kim con. Nguồn tin nói trên cho biết, “tất cả những người dính líu đến việc bắn nhau khi gây gổ đều bị xét có liên hệ đến vụ mưu sát, và số phận của những người nầy, cho đến nay, không ai được biết cả”.

Về vụ mưu sát, trái với nguồn tin của tình báo Nam Hàn, hãng ABC tường thuật như sau, ngày 10-2-2012, trên mạng Twitter Sina Weibo của Trung Cộng, tràn ngập tin tức về việc Kim Jong-un bị mưu sát, nhưng sau khi kiểm chứng với các quan chức Hoa Kỳ, thì đó là tin vịt, có ý chơi xỏ nhà độc tài Bắc Hàn mà thôi. ABC cho biết, có thể do việc khác thường là có nhiều xe hơi, trên 30 chiếc, đậu trước sứ quán BH ở Bắc Kinh trong lễ sinh nhật thứ 70 của Kim Jong-il.

8.* Những hành động khiêu khích của Bắc Hàn

8.1. Ban hành thiết quân luật, chuẩn bị chiến tranh

Nhật báo Nam Hàn loan tin, Bắc Hàn vừa tuyên bố thiết quân luật và Kim Jong-un đã ra lịnh cho quân đội chuẩn bị chiến tranh. “Cả đất nước đặt trong tình trạng thiết quân luật từ ngày 29-1-2013. Tất cả các đơn vị tiền tuyến cũng như trung ương phải chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh”.

8.2. Bắc Hàn tuyên bố hủy bỏ các thoả thuận hoà bình với Nam Hàn

Ngày 8-3-2013, Bắc Hàn tuyên bố chấm dứt mọi thỏa thuận hoà bình với Nam Hàn, cắt đứt đường dây điện thoại nóng và đóng lại cửa khẩu Bàn Môn Điếm (Panmunjeon) ở khu phi quân sự. Thỏa thuận hòa bình gồm 2 thoả ước:

1. Hiệp ước đình chiến 1953

2. Thoả ước bất tương xâm năm 1991

Hiệp ước đình chiến Triều Tiên năm 1953 (The Korean Armistice Agreement) được ký kết giữa Trung tướng William Harrison, Jr., đại diện cho đội quân mủ xanh Liên Hiệp Quốc, với viên tướng Bắc Hàn Nam-il, đại diện cho QĐ/ND Triều Tiên và quân tình nguyện Trung Cộng, ký ngày 27-7-1953 tại làng Bàn Môn Điếm.

Vì không có hiệp ước hoà bình (Peace Treaty) nên trên nguyên tắc, cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên chưa kết thúc.

Ngày 9-3-2013, Bắc Hàn, một lần nữa tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước ngừng chiến nầy lần thứ sáu, năm lần trước vào những năm 1994, 1996, 2003, 2006, 2009.

8.3. Bắc Hàn kêu gọi dân Nam Hàn di tản

Ngày 13-3-2013, Kim Jong-un đe dọa sẽ tiêu diệt hòn đảo Baengnyeong, biến đảo nầy thành biển lửa. Bắc Hàn kêu gọi 5,000 cư dân trên đảo nầy phải di tản khỏi đảo tức khắc, trước khi bị tấn công.

Trước đó, ngày 23-11-2010, Bắc Hàn cũng đã tấn công hàng trăm quả pháo lên đảo Yonpyeong, làm chết 4 người, bị thương 18 và 70 ngôi nhà bị cháy rụi.

Kim Jong-un gọi tổng thống Nam Hàn, Park Geun-hye là “con mụ hiếu chiến với chiếc váy phất phơ” (The swish of skirt)

Ngày 26-3-2010, chiếc tàu hộ tống nhỏ tên Cheonan của Nam Hàn bất ngờ bị trúng mìn gãy làm đôi và chìm trong 5 phút sau đó, làm chết 46 người trong thủy thủ đoàn 104 người.

Ngày 21-3-2013, Bắc Hàn dọa tấn công các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam.

Ngày 23-3-2013, Kim Jong-un đến thăm Lực lượng Đặc biệt số 1973 và ra lịnh cho đơn vị nầy phải phản ứng nhanh như tốc độ của ánh sáng ( 300,000km/giây ) để chiếm lấy thành trì của kẻ thù.

Ngày 5-4-2013, Bắc Hàn gây thêm căng thẳng khi kêu gọi các sứ quán ngoại quốc hãy di tản nhân viên ngoại giao của họ ra khỏi Bình Nhưỡng, phát ngôn viên sứ quán Nga, ông Denis Samsonov, xác nhận như thế. Ở Berlin, Bộ Ngoại giao Đức triệu tập đại sứ Bắc Hàn đến để phản đối hành động leo thang khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Tình hình thêm phức tạp khi có dự đoán cho rằng Hoa Kỳ có thể triệt hạ chế độ Bắc Hàn, và Trung Cộng có thể đem quân sang nước nầy để bảo vệ chế độ Kim Jong-un.

9* Phản ứng của Nam Hàn và Hoa Kỳ

9.1. Bắc Hàn sẽ biến mất khỏi mặt đất nếu gây hấn

Ngày 8-3-2013, vài giờ sau khi HĐ/BA/LHQ ra NQ 2094 cấm vận Bắc Hàn, thì Kim Jong-un tuyên bố sẽ đánh phủ đầu Mỹ và Nam Hàn bằng vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng QP Nam Hàn tuyên bố “Bắc Triều Tiên sẽ biến mất khỏi mặt đất nếu có hành vi gây hấn”. Tổng thống Park Geun-hye (Phác Cận Huệ) cho biết sẽ đáp trả quyết liệt trước những hành vi khiêu khích của Bắc Hàn. Nam Hàn sẽ không nhượng bộ đối với việc gây hấn của Bắc Hàn.”

9.2. Pháo đài bay B-52 biểu dương sức mạnh

Ngày 8-3-2013, pháo đài bay ném bom chiến lược, kể cả bom nguyên tử, B-52 đã bay lượn trên không phận Nam Hàn. Quân đội Mỹ phổ biến nhiều hình ảnh về cuộc tập trận của B-52 nầy, kèm theo những lời cảnh cáo Bắc Hàn, “Hoa Kỳ và Nam Hàn sẵn sàng chiến đấu và đang triển khai không lực để ngăn chặn gây hấn và bảo vệ Seoul trước bất cứ cuộc tấn công nào”. Đây là thông điệp gởi đến Bắc Hàn để đáp trả những lời tuyên bố đe dọa tấn công phủ đầu Nam Hàn và Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân.

Ngoài B-52 ra, ngày 28-3-2013, hai phi cơ tàng hình ném bom B-2 lần đầu tiên diễn tập thả bom giả vào những mục tiêu ở Nam Hàn. Cuộc tập trận mang tính chất “oanh tạc chính xác từ xa, không chậm trễ, không giới hạn”.

B-2 Spirit có khả năng bay xa 11,000km, đã cất cánh từ căn cứ Whiteman, bang Missouri. Vận tốc B-2 là 1,010km/giờ. (gần bằng tốc độ âm thanh: 1,239km/giờ). Với kỹ thuật tàng hình hiện đại nhất, cho phép phi cơ vượt qua hàng rào hỏa tiễn phòng không trên độ cao 15km đàng sau chiến tuyến của địch quân. B-2 có thể mang 10 quả bom 900kg được điều khiển bằng vệ tinh. Hoa Kỳ hiện có 20 chiếc B-2, mỗi chiếc giá 2.2 tỷ đôla.

Mỹ triển khai B-2 là để đáp trả tuyên bố của Bắc Hàn là sẽ biến đảo Guam và Hawai của Mỹ thành biển lửa của vũ khí nguyên tử.

Ngày 19-3-2013, ông George Little, phụ trách truyền thông Bộ QP/HK tuyên bố “Chúng tôi muốn mọi người chú ý tới một thực tế là chúng tôi phải phô trương những biện pháp ngăn chặn mà chúng tôi có khả năng thực hiện trước những lời tuyên bố hiếu chiến gần đây của Bắc Hàn.”

Ngày 5-4-2013, Hoa Kỳ bố trí đơn vị hoả tiễn đất đối không Patriot tại căn cứ Osan, phía nam Seoul nhằm tiêu diệt hỏa tiễn của Bắc Hàn.

9.3. Hoa Kỳ tăng cường lá chắn vũ khí hạt nhân

Trong buổi họp tại Bộ Quốc phòng mới đây, tân Bộ trưởng Chuck Hagel thông báo, Mỹ sẽ bổ sung 14 hoả tiễn đánh chặn, có thể bắn hạ hỏa tiễn đang bay, tại California và Alaska, với ngân khoản một tỷ đô la.

Hiện đang có 30 hoả tiễn loại nầy, 26 tại Pháo đài Greely, Alaska và 4 ở căn cứ không quân Vandenberg, California.

Ông Hagel cho biết, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa rất an toàn, để bảo vệ người dân.

Hoa Kỳ triển khai hệ thống bắn hạ hoả tiễn để bảo vệ căn cứ quân sự ở đảo Guam và khu vực.

Đầu tháng 4 năm nay (2013), Mỹ triển khai tại đảo Guam, hệ thống bắn hạ hoả tiễn đạn đạo (Ballistic missile) tầm trung và tầm ngắn để bảo vệ khu vực, đó là hệ thống phòng thủ THAAD. (Terminal High Altitude Area Defense-THAAD). Hoả tiễn đạo đạo có đường đi qua 3 giai đoạn: 1). Từ mặt đất, bắn thẳng lên, vượt ra khỏi bầu khí quyển. 2). Hỏa tiễn đi tự do ngoài vũ trụ, không có sức hút của trái đất, nên không có trọng lượng, nặng nhẹ. 3). Giai đoạn cuối cùng (Terminal phase) là hoả tiễn rơi trở lại mặt đất xuyên qua bầu khí quyển để đánh vào mục tiêu trên mặt đất.

Hệ thống THAAD dùng Radar X-Band phát hiện từ trên cao độ (High Altitude Area), khi hỏa tiễn trở lại mặt đất và bắn hạ chúng. Một hệ thống phòng thủ THAAD trị giá 800 triệu USD.

9.4. Mỹ và Nam Hàn tập trận rầm rộ

Ngày 11-3-2013, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên “Giải pháp then chốt” (Key Resolve) với sự tham gia của 10,000 binh sĩ Nam Hàn và 3,500 binh sĩ Mỹ, trong đó Nam Hàn đóng vai chỉ huy, tiến hành các hoạt động. Cuộc tập trận kéo dài tới ngày 30 tháng 4 với 200,000 binh sĩ Hàn Quốc và 10,000 lính Mỹ.

Nhiều phi cơ hiện đại nhất như F-22 (Raptor) thế hệ 5, B-52 ném bom chiến lược và hai tàu khu trục trang bị hoả tiễn dẫn đường đều tham gia tập trận.

Nhiều tàu ngầm và chiến hạm trang bị hệ thống đánh chặn hoả tiễn hiện đại nhất là AEGIS cũng được đưa đến vùng Biển Hoa Đông.

9.5. Phân tích của báo chí về tình hình bán đảo Triều Tiên

Theo tờ New York Times, thì các nhà phân tích cho rằng, ít có khả năng Bình Nhưỡng dám tấn công Mỹ, vì một hành vi như thế là tự sát.

Ông Gordon Chang, tác giả cuốn “Bắc Triều Tiên chống lại thế giới” nêu nhận định “Kim Jong-un mới nắm quyền có 15 tháng, nên cần phải củng cố quyền lực đối với 4 nhóm là quân đội, an ninh, đảng Lao Động và gia đình. Đó là động thái phổ biến mỗi khi Nam Hàn có tổng thống mới, “để nắn gân lãnh đạo đắc cử” và đặc biệt là tạo uy tín trong chính quyền và quân đội.”

Các quan chức ở Seoul lo ngại rằng Bắc Hàn có thể tấn công ở quy mô nhỏ để thử phản ứng của tổng thống Park Geun-hye mà thôi.

Bắc Hàn gây căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên trước vụ tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Kim Jong-un chơi trò gây căng thẳng để đặt Trung Cộng và Hoa Kỳ gia tăng tình trạng đối đầu nhau.

Kim Jong-un tức tối hơn nữa khi Hội Đồng Bảo An LHQ ra NQ trừng phạt nước nầy.

10* Tóm tắt Nghị Quyết 2094 của Hội Đồng Bảo An LHQ

10.1. Nghị Quyết 2094

Ngày 7-3-2013, 15 thành viên của HĐ/BA/LHQ đã thông qua NQ 2094, là NQ thứ tư trừng phạt Bắc Hàn.

Báo New York Times loan tin, cuộc biểu quyết diễn ra sau vài giờ Bắc Hàn lần đầu tiên dọa tấn công hạt nhân phủ đầu vào những kẻ thù mà đứng đầu danh sách là Hoa Kỳ.

NQ 2094 có những điều như sau:

1. Yêu cầu CHND Triều Tiên ngừng ngay việc thử bom hạt nhân và hoả tiễn. Cấm mua bán vũ khí có liên quan đến hạt nhân.

2. Trao quyền cho các nước, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hoá của Bắc Hàn. Mở rộng danh sách cấm nhập khẩu, gồm thuyền buồm, xe đua, ôtô đắt tiền, đá quý, kim loại quý. Kêu gọi các nước không cấp phép cho phi cơ Bắc Hàn cất cánh, đáp xuống, bay qua lãnh thổ của mình, khi nghi ngờ có chở hàng bị cấm nêu trên.

3. Ngăn chặn mọi việc giao dịch tài chánh và cấm chuyển tiền. Cấm các nước hỗ trợ tài chánh cho BH như cấp tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh bảo hiểm tài chánh có liên quan đến hạt nhân.

4. Yêu cầu các nươc trục xuất các nhà ngoại giao, các nhân viên làm việc trong các công ty Bắc Hàn, có tên trong danh sách cấm vận. Yêu cầu các nước kiểm soát mọi vận chuyển hàng hoá của BH trên lãnh thổ của mình. Cho phép ngăn chặn bất cứ tàu thuyền nào từ chối việc kiểm tra hàng hoá tại các cảng.

Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh NQ 2094, cho biết “Quốc tế không tha thứ cho hành động sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Bắc Hàn tuyên bố sẽ phát động một cuộc chiến tranh vĩ đại để trả đủa NQ 2094 của HĐ/BA/LHQ.

Kim Jong-un tuyên bố bác bỏ hoàn toàn NQ nầy, cho rằng Hoa Kỳ đã lạm dụng LHQ, mục đích làm sụp đổ Bắc Hàn, ông nói, NQ chỉ làm cho Bắc Hàn củng cố và tăng cường thêm chương trình hạt nhân về phẩm chất và số lượng mà thôi.

Cùng ngày, báo Minju Joson (Bắc Hàn) cảnh cáo, Hoa Kỳ hãy chuẩn bị đối phó với trận đòn thí mạng vì đã tập trận chung với Nam Hàn.

10.2. Ảnh hưởng của Nghị Quyết 2094

Từ tháng 2 năm 2008, tình báo HK đã theo dõi dấu vết của 200 tài khoản của Bắc Hàn trên thế giới.

Cơ quan tình báo HK và Hàn Quốc cho rằng Kim Jong-un đã rải khoảng 5 tỷ USD trong các tài khoản ở các ngân hàng dưới nhiều cái tên khác nhau ở Áo, Trung Cộng, Lichtenstein, Luxembourg, Nga, Singapore và Thụy Sĩ.

Hồi năm 2005, Mỹ đã đóng băng tài khoản của Kim Jong-il tại ngân hàng Banco Delta Asia ở Macau. Sau vụ đó, Bắc Hàn chia nhỏ số tiền rải ra nhiều tài khoản khác nhau dưới những người đứng tên khác nhau, đa số là người mang quốc tịch nước ngoài, hoặc các công ty ngoại quốc.

Các cơ quan tình báo cho biết, nguồn tiền sở hữu của Kim Jong-un dùng để mua hàng hoá xa xỉ hoặc dùng trong trường hợp cấp bách. Kinh tế Bắc Hàn chia làm ba khu vực: kinh tế chính thức, kinh tế quân đội và kinh tế của lãnh đạo, vì thế Kim Jong-un có nhiều tiền bạc.

Nguồn tiền do bán vũ khí, bán thuốc lá, thu nhập mỗi năm từ 200 đến 300 triệu USD. Tờ Chosun ilbo (Nam Hàn) được những người đào tẩu Bắc Hàn cho biết, Bình Nhưỡng nhờ vào Mafia Nga để rửa tiền và vận hành các tài khoản bí mật.

10.3. Mỹ trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Bắc Hàn

Ngày 11-3-2013, ông Tom Donilon, cố vấn an ninh của Tổng thống Obama xác nhận, Bộ Tài chánh Mỹ đã áp đặt lịnh trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương FTB của Bắc Hàn. Lý do, ngân hàng nầy có vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ngân hàng FTB, Bộ Tài chánh Mỹ cũng đưa thêm tên của một nhân vật Bắc Hàn vào sổ bìa đen, đó là tên ông Paek Se-bong, lãnh đạo cơ quan chế tạo hỏa tiễn đạn đạo của nước nầy.

11* Kết luận

Các quan sát viên quốc tế đã ví Kim Jong-un như ngựa non háo đá, không biết trời cao đất rộng, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nên hung hăng con bọ xít.

Thật sự, lực lượng quân sự Bắc Hàn vượt trội hơn Nam Hàn rất nhiều, nhất là Nam Hàn chưa có vũ khí hạt nhân. Lực lượng quân sự Bắc Hàn rất đông và gồm những phần tử cuồng tín chỉ biết “cầm gươm ôm súng xông tới” và vui lòng chết cho Kim Jong-un.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng Bắc Hàn đã phí phạm tài nguyên, tất cả dành cho vũ khí chiến tranh mà bỏ dân chết đói, nhất là nhóm lãnh đạo thì sống ra xa hoa phung phí, bà nói “Đối với miền Bắc, con đường sống còn duy nhất là phải dừng ngay các hành động khiêu khích và đe dọa, từ bỏ vũ khí hạt nhân, và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Theo tổ chức Ân Xá QT, người dân ở đất nước tự cho mình là “Cường Thịnh Đại Quốc” nầy đã trải qua nhiều nạn đói giết chết đến hàng triệu người trong thập niên 1990.

Cái nhục của lãnh đạo Bắc Hàn là “rộng lòng” xè tay tiếp nhận thực phẩm cứu trợ nhân đạo của Nam Hàn.

Nam Hàn mơ được có vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước, nhưng giấc mộng không thành, vì HK đang thực hiện chủ trương cấm sản xuất vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, và đang trừng phạt Bắc Hàn về việc nầy. Như vậy, phải chấp nhận thân phận nhược tiểu. Dù được HK cam kết hết lòng bảo vệ, nhưng dựa vào nước ngoài, lúc nào cũng hồi hộp sợ đồng minh tháo chạy. Dựa vào Hoa Kỳ càng thêm lo lắng, bởi vì chính sách đối ngoại của Mỹ cứ 4 năm hoặc 8 năm thì thay đổi. Năm nay, trọng tâm chiến lược là châu Á, biết đâu rằng đến năm 2017, trọng tâm chiến lược Mỹ sẽ trở lại Trung Đông hoặc châu Phi, hay là chia nhau khu vực để quản lý, nhường châu Á cho Trung Cộng chẳng hạn…Nhật Bản cũng lo ngại về việc nầy.

Bắc Hàn luôn luôn có thái độ hiếu chiến, nếu đụng với Mỹ và Nam Hàn thì kể như lãnh đủ. Hơn nữa, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn cũng không muốn có bất ổn ở bán đảo Triều Tiên, khi mà sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Cộng chưa có khả năng chiếm lĩnh địa vị chúa tể càn khôn.

Một vấn đề nhức nhối của Nam Hàn là cái đám phá rối hậu phương, những tên “Huỳnh Tấn Mẩm củ sâm” cứ biểu tình trước toà đại sứ Mỹ, hết phản đối việc tập trận chung rồi đến biểu tình chống NQ 2094 trừng phạt Bắc Hàn.

Cộng Sản miền Bắc tự cho rằng họ có sứ mạng vinh quang là giải phóng miền Nam để đưa cả nước tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội.

Cần thiết phải cho Kim Jong-un một bài học đích đáng.

Trúc Giang
Minnesota ngày 5-4-2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.