HANOI -- Ngừng việc -- chữ được báo trong nước dùng cho “đình công” -- đang ngày căng thẳng trong những ngày gần Tết để đòi quyền lợi.
Trong khi 2.000 công nhân hãng giày đình công 5 ngày ở tỉnh Hải Dương, theo tin từ báo Lao Động, nhiều ngư dân đang bao vây một công ty cổ phần ở Đà Nẵng để đòi nợ tiền cá, theo tin từ báo Pháp Luật.
Bản tin báo Lao Động hôm Thứ Tư 30-1-2013 ghi nhận rằng đã có 2.000 công nhân Cty TNHH giày Continuance VN ngừng việc đòi quyền lợi.
Bản tin nói, nguyên khởi vì ngày 24.1, lãnh đạo Cty TNHH giày Continuance VN tại Cẩm Giàng (Hải Dương) thông báo lịch nghỉ Tết âm lịch từ ngày 8–17.2, trong đó có 5 ngày nghỉ theo quy định, 5 ngày còn lại Cty trừ vào ngày nghỉ phép năm của CN.
Do vậy, báo Lao Động viết rằng: “Không đồng ý với quyết định trừ nghỉ tết vào phép năm, CNLĐ đã có đơn đề nghị 4 vấn đề: Không trừ 5 ngày nghỉ tết vào ngày nghỉ phép năm; tiền thưởng tết quá thấp; tiền ăn ca 10.000đ/suất quá thấp; không sử dụng một số CB người Trung Quốc có hành vi ứng xử thiếu tôn trọng đối với CN.”
Bản tin nói, vào “ngày 25.1, 2.000 CNLĐ không làm việc và đưa thêm một số yêu cầu. Ngày 26.1, các kiến nghị của CNLĐ được Cty trả lời qua thông báo. Tuy nhiên, ngày 28.1 CN vẫn chưa vào làm việc và tiếp tục đề nghị thêm một số yêu cầu...”
Cuối cùng, vào ngày 29.1 Cty đã chấp nhận tăng tiền ăn ca, và về “ngày nghỉ tết, CN được nghỉ 4 ngày theo quy định và 2 ngày chủ nhật; 4 ngày còn lại Cty trừ vào 2 ngày phép năm và 2 ngày lương cơ bản do không đi làm (không ảnh hưởng đến tiền thưởng tết)... Ngày 29.1, CN đã trở lại làm việc bình thường.”
Trong khi đó, báo Pháp Luật hôm 30-1-2013 ghi nhận tình hình ngư dân “vây” công ty xuất khẩu thủy sản đòi nợ.
Bản tin cho biết, theo phản ánh của các ngư dân, sau mỗi chuyến đi biển họ giao hàng cho các “đầu nậu” như bà Trần Thị Tố Nga (trú tại đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng), bà Mười… rồi bán cho Công ty CP Procimex Việt Nam chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Nga cho biết, “Từ tháng 11-2012 đến nay, chúng tôi giao hàng đầy đủ nhưng đại diện nhà máy lấy lý do kinh tế khó khăn nên xin khất nợ. Gần bốn tháng qua, số tiền nợ lên đến hơn 2 tỉ đồng nhưng công ty vẫn chưa chịu thanh toán...”
Bi thảm của công ty này là ông sếp cũ là Nguyễn Điểm đã chết, trong khi ông sếp mới chưa nắm rõ các khoản nợ, và nhiều khoản tiền bí ẩn đã rút ra khỏi công ty.
Báo PL viết:
“Chiều 29-1, ông Phạm Văn Dõng, Tổng Giám đốc công ty, cho biết ông vừa tiếp nhận công việc thay thế người tiền nhiệm là ông Nguyễn Điểm nên chưa nắm rõ các khoản nợ của nhà máy. “Lúc tôi về tiếp quản công ty, ông Điểm đã chết nên không có người bàn giao. Tôi yêu cầu kiểm kê lại tài sản thì phát hiện công ty bị thất thoát hơn 25,36 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là gần 30 tỉ đồng, nhiều khoản tiền được rút thẳng từ nguồn quỹ của công ty nhưng không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng”...”
Do vậy, gần hai tháng nay, hầu hết công nhân phải nghỉ việc vì không có việc làm...
Khoản tiền thất thoát 25,36 tỉ đồng tương đương 1,22 triệu đôla Mỹ. Một triệu hai đôla biến mất, trong khi ngư dân chưa được trả nợ... Đó là bi thảm của kinh tế xã hội chủ nghĩa, khi rút ruột là chuyện bình thường.