PHẦN NGHI LỄ
Buổi Hạnh Ngộ bắt đầu với lời tuyên bố khai mạc của SVSQ Lương Công Kh ôi, là SV Trưởng Ban Tổ Chức. Sau đó là lễ rước 3 quốc quân kỳ, gồm các quốc kỳ VNCH, Mỹ quốc, và quân kỳ Quân Lực VNCH, vào vị trí hành lễ. Lễ chào các quốc và quân kỳ đã diễn ra rất trang nghiêm, dưới sự đìều động của SVSQ Trưởng Ban Nghi Lễ Nguyễn Thanh Bình. Và ngay sau đó, là lễ truy điệu các SVSQ đồng đội đã không còn có mặt với các bạn, với hương, với hoa và với tấm lòng tha thiết của tất cả SVSQ hiện diện.
Sau bài diễn văn khai mạc của Ban Tổ Chức, Niên Trưởng Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu phát biểu lời đáp từ. Ông nói buổi hạnh ngộ nói lên tình đoàn kết và là một niềm hãnh diện cho các SVSQ, đã từng mặc bộ quân phục Quân Lực VNCH, đã từng một thời tung hoành trận mạc, nay họp mặt để hàn huyên và không quên nhắc đến những đồng đội thương phế binh của khóa. Theo ông, các SVSQ có quyền tự hào là đã đem xương máu để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, và có quyền cất cao lời đòi trả lại "những gì của Việt Nam cho đất nước Việt Nam."
Buổi Hạnh Ngộ được sự góp mặt của các Niên Trưởng cùng qúy phu nhân, và sự hiện diện của các hội đoàn, như các Hội Thủ Đức Bắc Cali, San Diego, Orange County và Hội H.O Houston Texas.
VĂN NGHỆ
Chương trình văn nghệ với chủ đề "Bốn Mươi Năm Vẫn Khoác Chiến Y", gồm 17 bài hát về lính, do Trưởng Ban Văn Nghệ, kiêm M.C của chương trình, là SVSQ Lưu Hoàng Bách soạn lời dẫn , cùng nữ M.C, bà Nguyễn Thu Vinh,(phu nhân của SVSQ Nguyễn Tấn Vinh), dẫn dắt chương trình.
Mỗi bài hát, được cẩn thận chọn lựa, đều có lời giới thiệu và dẫn nhập, nêu lên bối cảnh lịch sử và lý do của bài hát. Xuyên suốt chương trình, qua các bản hợp ca, song ca, tam ca hay đơn ca, các SVSQ khóa 9B Thủ Đức và Đồng Đế đã tận dụng chính nhân sự của khóa để hát lên tâm tình của người lính; lại được sự tiếp tay tuyệt vời của các phu nhân, chính nhờ điểm đó nên đã tạo cho chương trình văn nghệ một sắc thái rất lính, rất đặc thù, rất khác biệt với các buổi họp mặt khác. Lời ca tiếng hát của các SVSQ, không trao chuốt, không gọt giũa, nhưng đơn giản, tha thiết, nồng ấm, nhẹ nhàng, cũng như tình của người lính VNCH, thắm thiết nồng nàn, đối với Tổ Quốc Việt Nam, đối với gia đình, đối với người yêu, người vợ, và nhất là đối với bạn đồng đội.
Bài hát mở đầu chương trình, do toàn thể SVSQ hợp ca, là bài Lục Quân Việt Nam, với "đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn", đã mang lại một khí thế dập dồn hùng tráng cho tâm tình nồng ấm, nhưng cũng có chút ngạo nghễ, của người lính.
Nhưng liên khúc ba bài hát kế tiếp, là các bài Biệt Kinh Kỳ, Buồn Chi Em, và Một Người Đi, do ba SVSQ Trần Diệm Sơn, Trần văn Tây và Nguyễn Ngọc Toàn, cùng trình bày, đã vẽ lên vài nét chấm phá của tâm tư người trai trẻ vào năm 1972, khi họ "bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh, xếp bút nghiên theo tiếng gọi lên đường". Ngược dòng thời gian vào năm ấy, khi lệnh tổng động viên được ban hành để đối phó với sự bị xâm lăng và tấn công vào miền Nam của Cộng Sản miền Bắc, các chàng trai trẻ của khoá 9B72 đã đáp lời sông núi, giã từ gia đình, giã từ người yêu, lên đường nhập ngũ. Họ đã trình diện tại các Trung TâmTuyển Mộ và Nhập Ngũ 1,2,3, và 4, để trở thành người lính thực thụ cầm súng bảo vệ lãnh thổ giang sơn, giữ gìn từng tấc đất quê hương.
"Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Bài hợp ca kế tiếp là bài Quân Trường Vang Tiếng Gọi, là ba tháng quân trường, tại Quân Trường Huấn Luyện Quang Trung, để rèn luyện cơ bản quân sự cho người lính. Tại đây, những ca khúc quân hành hùng tráng đã theo chân người lính mới vang vọng khắp quân trường. Những buổi trưa hè nắng cháy da người, ra bãi thực tập tác xạ, đoạn đường chiến binh, di hành giã trại, chiến thuật các đội hình..., đều ghi laị nét hào hùng của các chàng trai trẻ đã khoác áo kaki, bắt đầu đời quân ngũ. Cũng tại nơi đây, tình đồng đội đã nở hoa, bên những giao thông hào những ngày phạt dã chiến, hoặc những buổi cơm nhà bàn, tuy đơn sơ nhưng đậm tình huynh đệ chi binh. SVSQ Lương Công Khôi đơn ca bản nhạc kế tiếp, bài hát Ba Tháng Quân Trường, vì đối với các SVSQ, đời sống ở quân trường tuy mệt nhoài nhưng là nhửng hình ảnh êm đềm và tươi đẹp nhất của đời quân ngũ.
Nhạc phẩm Vườn Tao Ngộ, do hai phu nhân của hai SVSQ Hồ Sĩ Liêm và Nguyển Tấn Vinh song ca, nói lên tâm sự tha thiết nhớ thương của người yêu bé nhỏ, của người vợ hiền, trông đợi giờ phút gặp lại người thương tại quân trường. Họ bây giờ không còn là những thư sinh ốm yếu của ngày nào, mà họ đã trở thành những chàng trai trẻ rắn rỏi phong sương, quân phục kaki gọn gàng, đầu tóc cắt ngắn, tay đan trong tay người yêu, trong ngày Chủ Nhật tiếp tân tại vườn Tao Ngộ.
Bài hợp ca kế tiếp là bài Thủ Đức Hành Khúc, vì khẩu hiệu "Cư An Tư Nguy" hay là "Civic Pacem Parabelum", có nghĩa là "Muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh", đã được ghi trên huy hiệu của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Được thành lập vào tháng mười năm 1951, trường Thủ Đức đã trưởng thành trong khói lửa, đã đào tạo trên tám mươi ngàn Sĩ Quan ưu tú cho Quân Lực VNCH. Cũng tại đây, các SVSQ được dạy những buổi thực tập hành quân đêm, những bài học chiến thuật trên đồi Tăng Nhân Phú, đồi Bác Sĩ Tín, đồi mẹ bồng con, và những buổi học tác xạ trên thao trường nắng cháy, đều là những hành trang cần thiết cho người trai trẻ miền Nam VN trên con đường bảo vệ lý tưởng Tự Do và hạnh phúc dân tộc.
Các SVSQ cùng hợp ca bài Xuất Quân, là bài hát kế tiếp chương trình. Sau ba tháng học quân sự tại quân trường Quang Trung, và sáu tháng rèn luyện tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Đồng Đế, các SVSQ giờ đây sẵn sàng dự lễ ra trường. Như đã trình bày ở phần đầu bài viết này, nói về buổi lễ mãn khóa 9B72 Tống Lê Chân vào năm 1972, tối nay, trong bối cảnh nhỏ hơn, hai SVSQ Mai Tấn Phát và Lưu Hoàng Bách, điều động các bạn SVSQ, để diễn lại cái khí thế hào hùng của năm xưa khi họ cất cao lời thề với Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm, trong ngày lễ mãn khoá.
Liên khúc hai bài hát kế tiếp, bài Người Về Đơn Vị Mới và Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, với phần trình bày của hai SVSQ Trần Diệm Sơn và Lê Duy Thiện, đã nói lên ngã rẽ của các SVSQ. Sau khi rời Quân Trường thân yêu, chia tay mỗi đứa một nơi, anh ra địa đầu hỏa tuyến, tôi về Đồng Tháp sình lầy. Các SVSQ tung cánh về mọi nẻo đường đất nước, và dấu giầy của người lính VNCH đã in khắp bốn vùng chiến thuật.Họ bất chấp những hiểm nguy, lăn mình vào lửa đạn, viết nên những trang sử anh dũng và oai hùng cho quân sử và cho dân tộc Việt, vì Quê Hương, Tổ Quốc và Dân Tộc bây giờ là đối tượng của tình thương bao la trong lòng người lính VNCH. Họ đã quên thân mình, hy sinh cuộc đời mình cho nhiệm vụ duy nhất của người lính là chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc và đem an lành lại cho muôn dân. "Áo nhà binh thương lính, lính thương quê..."
Bài hợp ca do các phu nhân SVSQ trình bày, bài hát Có Những Người Anh, để trả lời câu hỏi, "những người Lính mà chúng tôi chưa biết tên, các Anh là ai?" Các Anh là những người Lính hiên ngang oai hùng, đã gánh vác gian nan của dân tộc và hiểm nguy của đât nước, để chúng tôi, những người em gái hậu phương sống một đời sống hạnh phúc tự do no ấm. Các Anh là nguồn thơ vô song, là tiếng ca vang vọng cõi lòng để chúng tôi được cất cao tiếng ca hòa bình trong những ngày mùa rộn rã.