Tranh Thiền Khánh Trường: Hình Ảnh 'Đáo Bỉ Ngạn'
:
Khánh Trường bên các họa phẩm mới tại nhà.(Photo VB)
:
Các họa phẩm Thiền của Khánh Trường.(Photo VB)
Phan Tấn Hải
Sau nhiều năm lui về một nơi lặng lẽ, họa sĩ Khánh Trường đã xuất hiện trở lại. Lần này, anh triển lãm loạt tranh chủ đề Thiền -- để nói chính xác, anh giảỉ thích rằng loạt tranh này có chủ đề Qua Bờ Bên Kia.
Và
nơi triển lãm hơn 30 tấm tranh Thiền này sẽ là hội trường Thiền Viện Sùng
Nghiêm ở Garden Grove, nơi đang có những lớp hướng dẫn Thiền cho đủ mọi lứa tuổi.
Khánh Trường không phải là một cái tên xa lạ với giới văn nghệ. Anh là họa sĩ, là nhà văn, nhà thơ, người viết tùy bút, người chủ biên tạp chí Hợp Lưu... Khánh Trường không chỉ đa tài, nhưng cũng xuất hiện một cách đa dạng và phức tạp dưới mắt nhìn của giới văn nghệ, nơi anh đã từng vẽ nhiều bìa sách cho các nhà văn, nhà thơ.
Trong tận cùng, Khánh Trường là một nỗi đam mê sáng tạo, một sức sống năng động đang hiển lộng ra với nhiều hóa thân trong hội họa, trong thi ca, trong truyện, trong nghề báo, và cả trong những đam mê ngoài đời. Như thế đó, Khánh Trường đã một thời hiện thân khắp mọi lĩnh vực văn nghệ, và rồi một thời lui về sống lặng lẽ từ nhiều năm nay vừa để dưỡng bệnh, vừa để chiêm nghiệm những nỗi đau sinh tử.
Để rồi vào ngày 30 Tết Nhâm Thìn 2012ø, Khánh Trường sẽ xuất hiện với loạt tranh Thiền, vừa thơ mộng, vừa kỳ bí.
Dưới mắt nhà thơ Du Tử Lê, qua bài Khánh Trường, ám ảnh bất toàn trong văn chương và đời sống, đã gọi anh là hiện tượng phức tạp, mâu thuẫn, trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua.
Nơi đây, Khánh Trường đã rơi vào một định mệnh của sắc màu và chữ, theo Du Tử Lê, Với tôi, sự rẫy rụa của Khánh Trường từ hình tượng, mầu sắc, tới chữ, nghĩa là hệ quả đương nhiên của chủ tâm đánh tháo khỏi vòng tay định mệnh. Đơn giản, ta có thể coi đó như nỗ lực tuyệt vọng trong kiếm tìm hoàn hảo họ Nguyễn.
Tranh của Khánh Trường thời chưa quan tâm về Thiền là, theo phân tích của nhà thơ Du Tử Lê, Những người theo dõi khít khao bước đường tạo hình của Nguyễn, sẽ không khỏi ngạc nhiên, khi thấy những tương phản, đối chọi gay gắt. Từ những bức sơn dầu khỏa thân mà hai mầu chính được dùng ở thể gần như nguyên trạng là đỏ và xanh, Khánh Trường bước qua mầu tối là sự trộn lẫn giữa hai mầu nguyên thủy đen và trắng thể hiện hình ảnh những người đàn ông lẻ loi, cuối đường. Những thiếu nữ và trăng xám. Những mẹ, con và biển tối...
Lại có thời gian người xem chỉ thấy trên canvas của Khánh Trường những hình khối, chơ vơ, lạc lõng. Như sự vỡ bùng của tâm thức bị quá tải số lượng thuốc nổ hư vô...
Đó là thời của những thập niên trước. Bây giờ Khánh Trường đang xuất hiện với những tác phẩm hôi họa về Thiền, về những đau khổ bên bờ này và về những phương trời giải thoát bên bờ bên kia. Đáo Bỉ Ngạn. Đúng vậy. Đó là chữ Khánh Trường đặt tên cho cuộc triển lãm sắp tổ chức ở Thiền Viện Sùng Nghiêm.
Có thể nói ngắn gọn vài lời về cuộc triển lãm tranh Thiền này? Khi tôi hỏi như thế, họa sĩ Khánh Trường giảỉ thích:
Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình. Với cá nhân tôi, Thiền chỉ giản dị thế thôi.
Nên khi vẽ những bức tranh liên quan đến chủ đề Thiền, tôi luôn tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ý niệm trên. Vì vậy 30 bức tranh trong lần triển lãm này đều được gạn lọc, hạn chế tối đa từ đường nét, màu sắc đến đề tài; cũng như không để mình bị cuốn vào những lãnh địa mới, lạ mà hầu hết họa sĩ đều mong thử nghiệm, khai phá.
Cũng có nghĩa tôi dùng một bút pháp rất chân phương, mộc mạc để chuyển tải những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo với mong ước ai cũng có thể tiếp cận và hiểu dễ dàng.
Trong các họa phẩm mới, cùng chủ đề Qua Bờ Bên Kia, người xem sẽ gặp một số hình ảnh thường gặp nơi tranh thủy mặc của các thiền sư cổ thời. Không, tranh Khánh Trường không phảỉ thủy mạc. Tất cả tranh này đều vẽ trên vải bố với sơn dầu. Nhưng vẫn cùng một chất thơ mộng của trăng, của núi, của cành mai, của mây, của hoa, và vân vân.
Thí dụ, Khánh Trường đã vẽ lại một nét trăng, mà anh gọi là Vầng Trăng Tật Nguyền. Họa phẩm này được họa sĩ giải thích:
Những cồn cát chập chùng tắm đẫm sương đêm, ánh sáng lung linh của màu trăng huyền ảo. Đất trời lồng lộng, tiếng sóng vỗ bờ âm vang... Gần nửa thế kỷ trôi qua, ấn tượng những mùa trăng xưa vẫn thường xuyên hiện về.
Một điều lạ: lần nào cổ nguyệt trong trí nhớ cũng không tròn, chẳng khuyết, mà chừng như bị vạt đi một phần. Vầng trăng tật nguyền! Ấn tượng ấy trở thành ám ảnh khôn nguôi.
Mọi ước mơ đều như trăng 16, tròn đầy, sáng, đẹp, viên mãn.
Nhưng đạo Phật thường ví đời như bể khổ, Sinh làm người, mấy ai vượt qua khổ hải này, dù vô số người đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng và quyền lực. Ước mơ vốn vô cùng, không bao giờ có điểm dừng. Khổ!
Vầng trăng tật nguyền thường ám ảnh phải chăng là hình tượng cụ thể của những ước mơ không thành?
A ha! Bây giờ chúng ta đang bắt gặp Khánh Trường vẽ và nói y hệt một thiền sư, dĩ nhiên theo kiểu riêng của anh.
Tuy nhiên, không chỉ triết lý, Khánh Trường vẫn có những nét vẽ về một ký ức thời thơ ấu, một hình ảnh mà anh trọn đời không quên được, và anh gọi họa phẩm này là Trăng ngồi khe núi.
Khánh Trường giảỉ thích về họa phẩm này:
Trên những chiếc xe đạp, bọn chúng tôi gồm 8 thiếu niên cùng trang lứa khởi hành đến một địa danh chỉ cách thị xã 15 km, được xem là vùng bán sơn địa, với những ngọn đồi cây xanh rợp bóng, những hẻm núi vách đá dựng cao vút, con sông uốn lượn ven theo những địa hình nhấp nhô cỏ lau hoang dại. Tuy đang trong giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến Bắc Nam song vùng này vẫn là một trong vài nơi thanh bình của miền Nam. Vì vậy những buổi dã ngoại thường được bọn thiếu niên chúng tôi tổ chức.
Đêm, sau một ngày vượt suối băng rừng, cả nhóm quyết định dựng trại trong một hẻm núi, khuất gió. Gã thiếu niên là tôi của ngót nửa thế kỷ trước vừa ngã lưng xuống tấm bạt, đã ngủ ngay, như chết. Nửûa khuya thức giấc nhìn ra ngoài. Qua khe núi, tôi bàng hoàng nhìn thấy mặt trăng tròn sáng rực treo lơ lửng giữa một bầu trời trong vắt không gợn mây.
Từ ngày ấy đến nay, gần 50 năm, rất nhiều lần tôi tái ngộvới trăng, nhưng không bao giác nữa tôi có đươc cảm giác choáng ngợp, như đã.
Chắc chắn, đợt tranh Thiền này của Khánh Trường sẽ thu hút nhiều quan tâm. Và đặc biệt, với nhiều tấm tranh, bên cạnh sẽ có lời giảỉ thích viết bằng song ngữ Anh-Việt để mời gọi người xem cùng chiêm ngắm thế giới tranh Thiền độc đáo này.
Phan Tấn Hải
GHI CHÚ: Thiền Viện Sùng Nghiêm sẽ:
-- Tặng sách: từ Đêm Giao Thừa Nhâm Thìn 500 cuốn sách: Tại Sao Không Mở Mắt Vãng Sinh khi Đang Hiện Sống?
-- Triển Lãm: tranh Thiền độc đáo của Họa Sĩ Khánh Trường, chủ đề "Crossing to the Other Shore: Paramita-Đáo Bỉ Ngạn". Khánh Thành Triển Lãm vào lúc: 10 giờ sáng Chủ Nhật 22-1-2012, tức đúng ngày 30 Tết, cho đến hết ngày 6-2-2012. Giờ mở cửa: từ 9 am. đến 7pm. Thiền Viện Sùng Nghiêm: 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841. Tel. # (714) 636-0118. Email: sungnghiem@hotmail.com. Website: www.thienviensungnghiem.com
Cư sĩ Nguyên Giác đã tránh không đề câ.p tới sự kiện HS đã bị stroke đến lần thứ ba chỉ nói một cách gián tiếp là "sau một biến cố..." vì tế nhị
Mong sự phổ biê'n của Viê.t Báo sẽ đem nhiều người thưởng ngoạn tới Thiền viện Sùng Nghiêm để tán thưởng công trình siêu việt của HS Khánh Trường.
Willy Quí Nguyễn