Truyện 'Xe Lên Xe Xuống' Của Nguyễn Bình Phương
:
Bìa tiểu thuyết 'Xe Lên Xe Xuống.'
Phan Tấn Hải
Sau những dòng cuối của cuốn tiểu thuyết 'Xe Lên Xe Xuống' của tác giả Nguyễn Bình Phương in và phát hành vào tháng 12-2011 bởi nhà xuất bản Diễn Đàn Thế Kỷ, nhà bình luận Thụy Khuê trong bài phê bình văn học nhan đề 'Bản Chúc Thư Trên Đỉnh Tà Vần' đã có nhận xét như sau:
Cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh mô tả chiến tranh như một bộ máy nghiền nát tất cả, trừ tình yêu.
Nguyễn Bình Phương tiến thêm một bậc: chiến tranh nghiền nát cả tình yêu chỉ để lại tội ác, không cho con người một hy vọng nào. Bình Phương chiếu ống kính vào tội ác của một dân tộc được giáo huấn thường trực trong các bài học chiến thắng và anh hùng, mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. Chiếu vào hậu quả của các chiến thắng từ thời Lý, thời Tây Sơn-Gia Long, đến thời Cách Mạng-Thổ Phỉ, cuộc chiến Việt-Trung... Văn hoá chặt đã thấm vào máu, nằm trong mâm cơm: dân ta mải chặt mà quên sống. Vùng đất biên giới anh hùng nằm trên những xác ngưòi, chỉ tạo nên những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu: Ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh chiến sĩ đánh Tàu, chết vì điên, bị chuột gặm mắt và hai cánh mũi; em trùm phỉ hiện đại, bị phục kích chết ở đỉnh Tà Vần...
Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh, nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh". Nền tảng đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy diệt. Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ, khiến con người không thoát ra được vòng phong toả để tìm đến một chân trời mới. Thế hệ thanh niên, ngụp lặn trong vùng đấtthánh, gây tội ác, bị rình rập, chạy lên đỉnh, bị sập lưới, đẩy xuống vực sâu. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.(hết trích)
Như thế, dưới mắt nhà phê bình Thụy Khuê, truyện của Nguyễn Bình Phương đang tìm cách nhìn vào cội nguồn bạo lực trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, nói rằng dân ta mải chặt mà quên sống chỉ là nêu bật lên ý chính, bởi vì trong tiểu thuyết 'Xe Lên Xe Xuống' vẫn có những giây phút thơ mộng. Thí dụ, như trang 25, trích:
...Im lặng một lát rồi Trang nói Trang yêu mình vì mình là kẻ đa cảm. Mình ghì sát điện thoại vào tai, nhìn xung quanh. Chỉ những vầng sáng vắng vẻ ủ ê.
- Anh muốn em quá.
Mình nói thành thực.
- Em cũng thế.
Trang đáp rồi đột ngột ngắt máy.
Hay như trang 244, kể lại cuộc giao hoan giữa nhân vật Trang và mình.
Nguyễn Bình Phương là một tác giả chưa quen thuộc với nhiều độc giả, phần lớn vì lối văn của anh kén độc giả, ý tưởng ẩn hiện khó dò, thường khi thay đổi bố cục thời gian làm cho cốt truyện có vẻ như tàng hình. Nhưng với nhiều người, văn của Nguyễn Bình Phương đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt.
Mới đây, giữa những biến động Biển Đông, bài thơ nhan đề 'Đảo' của Nguyễn Bình Phương đã xuất hiện trên chuyên đề 'Viết Cho Hoàng Sa & Trường Sa' ở trang văn học Tiền Vệ (http://tienve.org/).
Nguyễn Bình Phương nhìn ra Biển Đông dưới một đám mây buồn, trích những dòng cuối như sau:
...đảo đang trôi qua mùa đông và đại dương thẫm xanh vì lạnh
đảo đang trôi qua nụ cười ngoại giao nhũn nhặn
qua ngác ngơ người đàn bà bán quà rong trên phố
đảo dần trôi xa khỏi chúng ta
với con sóng lăn tăn ngái ngủ
*
rồi sớm mai thức dậy
ta bắt gặp đám mây buồn như mộng
ở nơi đảo vừa mất.(hết trích)
Tiểu thuyết 'Xe Lên Xe Xuống' của tác giả Nguyễn Bình Phương dày 310 trang, trong đó phần tiểu thuyết của ông từ trang 7 tới trang 293, và từ trang 295 là bài của nhà phê bình Thụy Khuê.
Tác phẩm hiện bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon, và nhà xuất bản Diễn Đàn Thế Kỷ có trang web ở: http://www.diendantheky.net/. Có thể liên lạc qua điện thoại: 714-839-8746.
Điểm nổi bật của Nguyễn Bình Phương là yếu tố độc đáo kiểu rất riêng: văn ông huyền ảo, như dường siêu thực, như dường mộng xen với thực. Không chỉ riêng trong tác phẩm 'Xe Lên Xe Xuống' do Diễn Đàn Thế Kỷ mới in, mà nhiều tác phẩm trước đó của ông cũng đã hiển lộ một lối đi rất mờ ảo của riêng tác giả.
Nhà bình luận Trương Thị Ngọc Hân trong một bài trên Tiền Vệ, nhan đề Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương đã ghi nhận:
...Nếu như với nhiều cây bút, chi tiết kỳ ảo được coi như yếu tố chức năng, hay kỹ thuật thì với Nguyễn Bình Phương lại là một yếu tố không thể thiếu trong bức tranh hiên thực. Bước vào những trang văn của anh, ta thấy ảo xen thực, thực thấm vào ảo, ảo và thực hoà quyện nhiều khi không thể phân tách rõ ràng. Đây là một quan niệm của nhà văn về hiện thực chứ không phải là kỹ thuật nhằm câu khách. Rõ ràng các chi tiết kỳ ảo được sử dụng đều nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả. Sự quái đản, kỳ lạ, ma mị chính là một phần của cuộc sống con người và nó tồn tại bền bỉ, ăn sâu vào máu thịt vào tiềm thức không gì gỡ bỏ được. Nguyễn Bình Phương sử dụng yếu tố ảo như một cách thức làm nhoè ranh giới của hiện thực song lại cho ta một cảm giác rất thật về cuộc sống: có những điều không phải lúc nào cũng lý giải, và sự phi lý vốn là một mặt không thể thiếu của cuộc sống.(hết trích)
Nhưng phân tích kỹ càng, sâu thẳm và tuyệt vời về Nguyễn Bình Phương là nhà bình luận Thụy Khuê, trong Sóng từ trường II viết từ Paris tháng 6-2000, đã nhận xét:
...Tiểu thuyết Người Đi Vắng, tác phẩm thứ nhì của Nguyễn Bình Phương, in năm 1996, bốn năm sau cuốn Những Ðứa Trẻ Chết Già, đem lại cho người đọc một kỳ ngạc, kỳ ngộ pha lẫn kỳ vọng, bởi, sau Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có lẽ đây là tác giả thứ ba trổi dậy trong vòng 15 năm nay, như một giá trị khai phá đích thực...
...Với tiểu thuyết Những Đứa Trẻ Chết Già, Nguyễn Bình Phương dường như muốn đưa hiện thực huyền ảo vào văn học Việt. Ðó là một thử nghiệm đáng trân trọng.
...Với Người Đi Vắng, linh địa tìm kiếm đã rõ hơn: Bình Phương khai triển và phát triển vùng hiện thực linh ảo âm dương của những người đi vắng. Ðó là một thế giới bao quát, gồm thiên nhiên, vật giới, hiện tượng và con người, bộ mặt toàn thể vũ trụ hiện diện khi người đi vắng. Ði vắng, ở đây, có thể là đi xa, thoát kiếp, mà cũng có thể là vẫn sống đấy mà như đã chết: tình trạng hôn mê (coma).
... Với Trí Nhớ Suy Tàn, Nguyễn Bình Phương xác định vị trí tìm tòi trong dòng viết thường được gọi là Tiểu thuyết mới, Le nouveau roman....
...Người ta có thể đọc tập ký ức này như một bài thơ dài, bị "tiếng nói nhanh, âm trong veo" kia kéo đi hết trang này đến trang khác, hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác của Hà Thành. Lạc trong mê lộ của đường phố, rơi vào những khúc mắc của tình yêu, của ảo tưởng. Cái âm trong veo ấy, có lúc vọng lên như từ một con đường, khi lại vọng lên tự đáy tâm hồn, một tâm hồn xưng em ngọt ngào, với người yêu, với người đọc...(hết trích)
Riêng trong bài viết Bản chúc thư trên đỉnh Tà Vần in kèm trong 'Xe Lên Xe Xuống,' nhà bình luận Thụy Khuê đã từ bi cho một phần bản đồ để độc giả có thể dễ dàng hơn trong việc đọc tiểu thuyết này của Nguyễn Bình Phương, trích:
...Những kẻ không tênđược chỉ định bằng những: mình, anh, cậu, chú, hắn... (riêng mình, nếu để ý lắm thì sẽ nghe thấy có người gọi là Hiếu) bên cạnh mấy người có tênnhư Trang, Thu, Hằng, Vân Ly, ... tạo ra một thế giới mà người nữ hình như có chút ưu đãi, nghiã là có tên; họ có chút địa vị cá nhân hơn người nam chăng? Chưa chắc, bởi những người có tênnhư bọn thằng Quých, thằng Hiệp, thằng Thuỷ... chỉ là bọn tép riu, tòng phạm, hoặc chết lãng nhách như thằng Quých, hoặc chết oan như Vân Ly. Tóm lại đàn bà trong cái xã hội này cũng chỉ là cây kiểng, tên để trưng, thực sự nữ cũng như nam, không ai có một địa vị cá nhân nào.
Sự các nhân vật không có tên, có phải là do trường phái tiểu thuyết mớicủa Alain Robbe-Grillet chăng? Tôi đồ rằng không. Ở đây không hề có cái lo lắng cách tân cách điệu, trường môn, trường phái gì cả, mà chỉ là để thể hiện một xã hội tập thể,con người đã mất hết danh vị cá nhân, đã thuần thục trong đời sống đội ngũ như: đội ngũ nhà văn, đội ngũ giáo sư, đội ngũ thổ phỉ, đội ngũ bác sĩ, đội ngũ công an, đội ngũ ma tuý, đội ngũ buôn lậu,... tất cả đều đã được phân loại rõ ràng. Tính chất binh bịthấm vào ngôn ngữ, phản ánh toàn bộ tổ chức xã hội, mà cá nhân con người đã trở thành phi danh tánh, như con giun con dế, một mặt nó giúp cho những anh, những mình, những hắnkia, khó bị lộ diện trong những trận phục kích hay buôn lậu; một mặt, nó giúp cho đám người có phận sự rượt bắt họ không bị lộ danh tánh hình tích. Xã hội, trở thành nặc danh, thả dàn cho những tội ác, ở cả bên này và bên kia công lý.(hết trích)
Tiểu thuyết 'Xe Lên Xe Xuống' của Nguyễn Bình Phương là một tác phẩm hay, nhìn về mặt văn học, nhưng thực sự không dễ đọc, nếu độc giả có nơi nào mất sự chú tâm. Trong mọi trường hợp, bài bình luận công phu của Thụy Khuê đã chỉ ra một lộ trình tiện lợi cho độc giả. Không chỉ tiện lợi, nhưng cũng là những cái nhìn uyên bác, và sắc bén để nhìn giữa những dòng chữ.