Phật Tử Từ Canada, Miền Đông Cũng Về Dự Thiền Thất ở Từ Ân
:
Thầy Thích Minh Ngọc tại tòa soạn Việt Báo. (Photo VB)
:
Di ảnh Thiền Sư Thích Duy Lực.
Cư Sĩ Nguyên Giác
Từ Ân Thiền Đường tại Santa Ana sẽ mở Kỳ thiền thất 7 ngày tu tập theo Pháp môn Tổ Sư Thiền, và chùa đã gửi lời mời đồng hương ghi tên tham dự để có những ngày quán sát bản tâm mình, dự kiến Kỷ thiền thất này sẽ bắt đầu từ ngày 8/01/2012 đến ngày 14/01/2012.
Thời khóa biểu tu tập của 7 ngày thiền thất là từ 5:00 giờ sáng cho đến 8:00 giờ tối mỗi ngày. Dù vậy, Phật Tử có thể tùy duyên vì không phải ai cũng có thể rời bỏ việc làm để tới tham thiền liên tục nhiều ngaỳ như thế.
Thực ra, nhìn thấy thời khóa biểu tham thiền 12 tiếng đồng hồ liên tục như thế dễ làm ngán ngại, nhưng truyền thống của Từ Ân Thiền Đường là luân chuyển ngồi thiền (thiền tọa) và đi thiền (thiền hành), nên phù hợp với sức khỏe mọi lứa tuổi và thành phần.
Ghi tên trong Thiền thất này trong thành phần cao niên nhất đã có một cụ bà 85 tuổi từ Canada sẽ sang, và nhỏ tuổi nhất là bé Christine Trần mới 7 tuổi. Bé này trong một bản tin trước của VB đã ghi nhầm thành 11 tuổi. Bé Christine Trần hiện nay tuần nào cũng vào ngồi thiền với đại chúng.
Trong số Phật Tử ghi danh để dự Thiền thất còn có chị Đồng Quỳnh từ Pennsylvania tới. Mới tuần trước, tôi có tới thăm Từ Ân Thiền Đường, gặp chị Đồng Quỳnh, hiện chị đang cư trú trong chùa để giúp sửa soạn cho Thiền thất. Và tất nhiên, hầu hết những vị ghi danh là cư dân Nam California.
Một ngày sau Thiền thất sẽ là Lễ Tưởng Niệm năm thứ mười hai ngày viên tịch của Cố Hoà Thượng Khai sơn Tổ Đình Từ Ân (nam Califonia), Thiền sư Thích Duy Lực, vào lúc 11 giờ trưa ngày 15/01/2012. Đặc biệt, trọn ngày này cũng sẽ là một ngày để tu thiền, chỉ trừ một giờ buổi trưa cho lễ giỗ.
Phật Tử muốn ghi danh dự Thiền thất, xin liên lạc: Tỳ Kheo Thích Minh Ngọc, T/M đại chúngTừ Ân Thiền Đường, 4310 W. 5th Street, Santa Ana, CA 92703. Điện thoại: 714-265-2357 website: http://www.tosuthien.org, hoặc http://www.tuanthienduong.org; email: contact@tosuthien.org.
Tham thiền theo pháp Tổ Sư Thiền, với cách dạy của Thầy Duy Lực, không chỉ giành cho những người rãnh rỗi, vì ngay cả những người bận rộn việc làm cũng tu tập được.
Thí dụ, bác sĩ Bùi Trung Hưng, trong lứa tuổi trung niên, rất là bận rộn với việc làm ngành y, nhưng vẫn liên tục tham thiền mỗi ngày, kể cả những khi đi đứng nằm ngồi.
Trong một email gửi ngày 24-11-2011, Bác Sĩ Bùi Trung Hưng đã gửi tới Thầy Thích Minh Ngọc và các bạn cùng tham thiền một email, sau lời chúc Thanksgiving là một bài thơ, trích:
Tham Thiền
Lắng lòng nghe tiếng chuông ngân
Nhĩ căn tỉnh thức, pháp trần chợt sanh
Theo thanh, ý có xa gần
Có lớn, có nhỏ, có ngân, có trầm
Thanh trần, pháp vốn vô sanh
Nay sao lại có ý gần, ý xa?
Lại thêm lớn, nhỏ, ngân nga?
Bao nhiêu pháp ấy khiến ta luân hồi
Muốn cho ý chẳng nổi trôi
Thoại đầu miên mật chẳng rời niệm tham
Thoại đầu quét sạch tâm phàm
Quét cả tâm thánh, chẳng ham niết bàn
Nhân duyên, lấy bỏ, hợp tan
Thoại đầu chiếu cố, nghi nan chẳng rời
Dẫu cho đời có đầy vơi
Thoại đầu tâm niệm một đời chẳng thôi
Tham thiền được ngộ chút rồi
Phải nên tinh tấn ai ơi tâm hành
Ngộ này pháp vốn vô sanh
Thực hành được ngộ tâm lành hiển minh
Mê, ngộ đâu chẳng là mình
Ðừng mừng khi ngộ, đừng khinh mê, lầm
Tự tâm, tánh chẳng mê, lầm
Cũng chẳng tỉnh, ngộ nhận lầm thành mê
Nói nhiều, mê chẳng đường về
Nói ít, chấp ngộ, tình mê vẫn còn
Tham thiền sanh tử lòng son
Chẳng nên chờ ngộ, chẳng còn sợ mê
Chợt hoa đào nở, Xuân về
Thấy sao Bắc Ðẩu, đương mê ngộ liền.
Từ Ân Thiền Đường theo truyền thống của Thiền Sư Duy Lực. Sau đây là tóm lược tiểu sử của Cố Hòa Thượng Thích Duy Lực.
Thầy Duy Lực họ La húy Dũ, sanh ngày 05 tháng 05 năm 1923 tại làng Long Tuyền, huyện Bình Thủy tỉnh Cần Thơ, Việt Nam. Cha là cụ ông La Xương và mẹ là cụ bà Lưu Thị, làm nghề nông.
Năm lên 7 tuổi, theo cha về quê sống tại làng Long Yên, huyện Phong Thuận phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học, thì Sư phải nghỉ học theo cha trở lại Việt Nam sinh sống, lúc đó Sư được 16 tuổi (1938). Trú tại tỉnh Cần Thơ.
Sư thường tranh thủ tự học trong lúc rỗi rảnh. Đến năm 26 tuổi (1948), thi đậu bằng giáo viên Hoa văn, từng cộng tác biên soạn cho tờ báo Viễn Đông tiếng Hoa tại Chợ Lớn và được mời dạy ở các trường tiểu học tỉnh Tà -Keo, Cao Miên (Nay là Campuchia), trường Khải Trí ở Cần Thơ, Trường Cái Vồn ở Vĩnh Long trong thời gian 10 năm. Năm 1958, sau khi thi lấy bằng Đông y sĩ cấp 1, Sư được mời làm đông y sĩ cho tiệm thuốc Tế Ngươn Đường Cà mau, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm tỉnh Cần Thơ để khám bệnh miễn phí cho dân trong thời gian 8 năm. Trong tủ sách của Cư Sĩ Lâm có bộ Kinh Tục Tạng gồm 150 quyển, lúc đầu Sư định đọc hết toàn bộ, nhưng trải qua một năm chỉ xem được 7 quyển, sau quyết định chỉ xem phần Thiền tông. Lúc đó Sư theo Pháp sư DIỆU DUYÊN tham học Tổ Sư Thiền (Ngài Diệu Duyên đã nhiều năm thân cận Lai Quả Thiền Sư và Hư Vân Thiền Sư, và Ngài tịch vào năm 1976 tại Chùa Thảo Đường, Phú Lâm, Sài Gòn).
Vào Mùng 08 tháng 02 năm 1973, Sư được Hòa Thượng HOẰNG TU cho xuất gia tu học tại Chùa Từ Ân Quận 11, Chợ Lớn. Tháng 05 năm 1974, Sư thọ giới Tam Đàn Cụ Túc tại Chùa Cực Lạc Malaysia. Từ đó Sư chuyên tham câu thoại đầu Khi chưa có trời đất ta là cái gì trải qua nhiều năm, một hôm do đọc quyển Trung Quán Luận đến câu Do có nghĩa KHÔNG nên thành tựu tất cả pháp đốn ngộ ý chỉ TỪ KHÔNG HIỂN DỤNG, lại tỏ ngộ câu KHÔNG sanh nơi đại giác, như biển nổi hòn bọt, vô số nước hữu lậu, đều từ KHÔNG sanh khởi trong Kinh Lăng Nghiêm, với ý Lấy VÔ TRỤ làm gốc của Ngài Lục Tổ; Từ gốc VÔ TRỤ lập tất cả pháp của Ngài Duy Ma Cật vốn cùng một ý chỉ, VÔ TRỤ tức TÁNH KHÔNG, thể Chơn Như vốn KHÔNG mà tự hiển bày sự dụng; thể và dụng của Chư Phật với chúng sanh vốn chẳng hai chẳng khác, cùng khắp không gian thời gian, nơi thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, dù là phàm phu mà sức dụng của Phật Tánh chẳng kém hơn Phật, cũng chẳng từng gián đoạn, chỉ vì chúng sanh ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết.
Ngày mùng 02 tháng 04 năm 1977, thừa lệnh Hòa Thượng Bổn sư (Hòa Thượng Thích Hoằng Tu). Sư ra hoằng pháp Tổ Sư Thiền tại Chùa Từ Ân, đường Hùng Vương, Quận 11, TP. Sài Gòn. Đến năm 1983, tứ chúng qui tụ ngày càng đông, Phật tử theo tu học pháp Tổ Sư Thiền hơn 4000 người, mỗi lần tham dự thiền thất đều vượt trên 300 người. Từ những năm 1990, Sư thường đi giảng Thiền ở nhiều nơi trên thế giới. Đến thiền đường học đạo có người Tây, Âu và Á Châu, trong đó người Việt Nam là đông nhất. Những năm cuối đời, Sư thường được thỉnh đến giảng tại các nước trên thế giới như: Chùa Chánh Giác ở Toronto, Canada, Chùa Quan Âm ở Brisbane, Australia, Tịnh xá Đại Bi ở Đài Loan và một số chùa ở Hồng Kông. Nhất là các thiền đường ở Mỹ để giảng dạy pháp Tổ Sư Thiền và thính chúng lui tới tu học đông đảo.
Thiền Sư Thích Duy Lực đã dịch, chú giải và trứơc tác hàng chục kinh sách, tác phẩm về Thiền Tông. Thiền Sư viên tịch ngày 8-1-2000, giờ Việt Nam, trụ thế 77 năm.
Điểm độc đáo rằng, ngoaì các Thiền thất định kỳ, Từ Ân Thiền Đường ở Santa Ana là ngôi chùa duy nhất mở cửa từ 5 giờ sáng tới 8 giờ tối hàng ngày để đón nhận người tu thiền. Và hằng ngày vẫn hướng dẫn thiền miễn phí.