“Tôi chẳng là cái quái gì
Tôi luôn luôn chẳng là cái quái gì
Tôi muốn là cái quái gì cũng không được
Nhưng tôi có trong tôi tất cả những giấc mộng của thế gian…”
Fernando Pessoa
“Đám đông độc giả” có lẽ chỉ biết tới tên nhà thơ Fernando Pessoa, lần đầu tiên, qua Saramago. Khi được giải Nobel văn chương (1998), ông cho biết, đây là tác giả ruột của mình. Nhưng phải đợi tới khi Cao Hành Kiện vinh danh nhà thơ người Bồ đào nha, trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương (2000), “Lí do của văn học”, “nhà thơ thâm trầm nhất của thế kỉ 20 là Fernando Pessoa”, thiên hạ mới tá hỏa!
Tá hoả, đúng như vậy, không chỉ với Đông phương mà luôn cả Tây phương, nhất là cõi văn viết bằng tiếng Anh. Eugénio Lisboa, một trong hai người biên tập cuốn “Fernando Pessoa: A Centenary Edition” (nhà xb Carcanet, Manchester) ghi nhận: khi Harold Bloom cho xuất bản cuốn “Cõi Văn Tây” (tạm dịch từ “The Western Canon”, 1949), và để Pessoa vào trong danh sách 26 tác giả hàng đầu, một tay điểm sách trên tờ Time, (vì lịch sự, W.S. Mervin, tác giả bài viết về Pessoa, “Dấu chân của một cái bóng”, trên tờ Điểm Sách New York, số đề ngày 3.12.1998, đã không nêu tên), đã “bực mình” cho rằng, vị giáo sư đáng nể này chiều theo sự yếu đuối riêng tư, khi tự cho mình có cặp mắt tinh đời, nhận ra được những tác giả hũ nút mang tính hàn lâm.
Hơn sáu chục năm sau khi ông mất, bẩy tác phẩm của ông, hoặc của thiên hạ viết về thơ ca của ông, đã được xuất bản, bằng tiếng Anh, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, liên tiếp trong cùng một năm (1998): “Trăm năm Pessoa”, Eugénio và L.C. Taylor biên tập; “Thơ Pessoa”, dịch thuật và biên tập: Edwin Honig và Susan M. Brown, nhà xb City Lights; “Fernando và Công ty: Tuyển tập thơ” (biên tập, dịch thuật: Richard Zenith, nhà xb Grove); “Luôn luôn ngỡ ngàng: Tuyển tập văn xuôi” (biên tập, dịch thuật, giới thiệu: Edwin Honig, nhà xb City Lights; “Người Chăn Cừu”, Fernando Pessoa, dịch giả: Edwin Honig và Susan M. Brown, nhà xb The Sheep Meadow Press; “Dẫn nhập Fernando Pessoa: Chủ nghĩa hiện đại và những nghịch lý về nguồn gốc tác giả”, Darlene J. Sadlier, nhà xb Đại học Florida; “Sự hiện diện của Pessoa: Những đáp ứng văn học Anh, Mỹ và Nam Mỹ”, George Monteiro, nhà xb Đại học Kentucky.
“Hôm nay, tôi bị đánh gục, như thể tôi biết được chân lý
Hôm nay, tôi sáng suốt, như thể tôi sắp lìa đời”
Fernando Pessoa
Vào năm 1935 khi Pessoa qua đời, thực sự, ông ít được biết tới, tuy đã cho xuất bản chừng 300 bài thơ, 130 mẩu tản văn trên những tạp chí định kỳ, và một tập nhỏ những bài thơ đầu đời bằng tiếng Anh (ông song ngữ, và đã trải qua những năm học tại Nam Phi). Một vài nhà phê bình Bồ đào nha đã ca ngợi ông như là kẻ tiên phong của chủ nghĩa hiện đại về ngôn ngữ. Ông mất khi được 47 tuổi, do bệnh gan (cirrhosis), theo L.C. Taylor, trong bản in Carcanet nói ở trên, nhưng theo Honigh, trong “Luôn luôn ngỡ ngàng”, ông nhập viện là do viêm gan (hepatitis). Thi sĩ, nhưng còn là chiêm tinh gia, ông tin rằng mình còn hai năm nữa mới lìa đời. Và ông hy vọng dùng hai năm đó để sắp xếp cái rương gỗ chứa 25 ngàn mẩu tản văn của mình.
Miguel Torga, vào lúc đó là một y sĩ, và kể từ đó, trở thành một trong những khuôn mặt văn chương sáng giá ở Bồ đào nha, đã viết trong nhật ký như sau:
“Fernando Pessoa đã mất. Vừa nghe tin trên báo, tôi đóng cửa phòng bệnh, và chui rúc vào vùng núi. Giữa rừng cây và đá tảng, tôi khóc cái chết của thi sĩ vĩ đại nhất thời đại chúng ta. Bồ đào nha nhìn con người nằm trong cỗ quan tài, trên đường tới bất tử, và chẳng thèm hỏi, con người đó là ai.” Người thi sĩ “cô đơn, nghèo, chẳng được biết tới”, chỉ có được vinh quang, sau đi đã rời khỏi nơi này.
Pessoa đã từng viết về sự nổi tiếng:
“Đôi khi tôi nghĩ về những con người nổi tiếng, và cảm thấy tất cả nỗi phiền hà vì nó. Nổi tiếng là chuyện tầm phào. Nó gây tổn thương tới cảm tính của bất cứ một ai…. Một người trở thành nổi tiếng là mất tiêu luôn cuộc đời riêng tư của mình… Những bức tường bảo vệ sự riêng tư biến thành những tấm gương… Một khi trở thành nổi tiếng, là mất tiêu luôn cơ may trở lại với cõi u tối. Nổi tiếng là hết thuốc chữa. Như thời gian, làm sao có chuyện đảo ngược"”
Pessoa, tiếng Bồ đào nha có nghĩa là “person” (con người). Trong cõi trăm năm chỉ còn bốn mươi bẩy đó, “con người” được gọi là Pessoa hóa ra là một chuỗi “personae”, một vòng tròn nội tại, và những khuôn mặt ở bên ngoài vòng tròn này, là những phóng chiếu, hoặc bị phóng chiếu, của chính Pessoa, cho dù khuôn mặt đó là của bất cứ ai. Vào năm 1910, khi 22 tuổi, ông viết, “Trọn cái tinh anh của tôi, chỉ là ngần ngại, nghi ngờ. Chẳng có gì là rõ rệt ở nơi tôi, mọi thứ đều giao động quanh tôi, và tôi với chúng, một bất chắc ở trong tôi.”
Cùng năm, ông viết:
“Thơ ca là ngỡ ngàng, là chiêm ngưỡng, như một sinh vật rớt từ những cõi trời, biết rõ rằng mình đang rớt, và ngỡ ngàng về mọi điều mọi chuyện.”
Chẳng có gì ngạc nhiên khi con người mà chúng ta gọi là Pessoa trung tâm (the central Pessoa) cứ chúi mãi vào cõi u tối. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi chúng ta nhìn lại thuở còn là học sinh trung học ở Durban High School (Nam Phi), chàng thi sĩ đã chọn cho mình bút hiệu Alexander Search [search: tìm kiếm, truy lùng], khi viết những bài thơ tiếng Anh, và đây có lẽ là một trong những tự-phóng (self-projections) đầu tiên, mà ông gọi là những “heteronyms” [đồng âm dị nghĩa, thí dụ như lead, dẫn dắt, và lead, chì, một thứ kim loại], tập thể “băng phái” của mình.
Gần cuối đời, ông viết cho Adolfo Casais Monteiro:
“Từ ấu thơ, tôi đã có khuynh hướng tạo ra chung quanh tôi một thế giới giả tưởng, bao quanh chính tôi bằng những bạn bè, những thân quen chẳng hề hiện hữu. (Tôi không hiểu, lẽ dĩ nhiên, họ, hay là chính tôi, không thực sự hiện hữu).”
Vào năm 1913, sau một thời kỳ viết như vũ như bão những cuốn sổ ghi (notebooks), đôi khi viết nhanh đến nỗi sau đó ông không làm sao “giải mã” được những từ của chính mình, trong khi cùng lúc, ông không làm sao giữ liên tục việc viết (work), và ông bắt đầu điều ông gọi là “Book of Disquietude”, (Cuốn sách của sự bất an), gồm những mẩu đoạn dài ngắn không đều nhau, một số sau được in trên những tạp chí. Trong cùng năm ông viết cho Mário Sá-Carneiro:
“… Tôi đang trải qua một trong những cơn khủng hoảng như trong nông nghiệp người ta thường gọi… khủng hoảng bội thu… những câu thơ bằng tiếng Anh, tiếng Bồ đào nha, những suy tưởng, ý nghĩ, dự phóng, mẩu đoạn, mà tôi chẳng hiểu gì hết, ngoại trừ sự hiện hữu của chúng, những con chữ chẳng bắt đầu mà cũng chẳng chấm dứt, những lóe sáng phê bình, những thì thầm siêu hình… Trọn một nền văn chương, Mário thân mến của tôi ơi, đến từ một cõi mù sương, đi qua một cõi sương mù, biến mất vào trong cõi mù mù…”
Trong cùng năm, tính đùa cùng người bạn nói trên, Pessoa viết cho ông ta, ông đã tạo ra (make up) một “thi sĩ đồng quê thuộc loại rắc rối”, mà ông muốn trình diện thi sĩ này, như là một người thực; và trước đó, ông đã dự định viết một vài bài thơ “ngoại đạo” theo cung cách mà ông muốn gán cho một “đồng âm dị nghĩa” của mình [có tên là] “Ricardo Reis”
Thiên hà nho nhỏ [được gọi là] Fernando Pessoa, xẩy ra trong năm tiếp theo (1914), là một “trở thành hiện thực gây chấn động”; ông mô tả nó, trong thư gửi Casais Monteiro, và đây không chỉ là dấu ấn trong đời ông, mà còn của cả lịch sử văn học Bồ đào nha hiện đại:
“Một bữa – đó là ngày Tám tháng Ba, 1914 – tôi tới một giá sách cao, lấy một mẩu giấy, và cứ thế đứng viết, như tôi thường làm, khi có thể. Và tôi viết chừng ba chục bài thơ, bài nọ tiếp bài kia, như trong tình trạng lên đồng, hay gì gì đó, mà tôi không thể nào định nghĩa nổi. Đây là một ngày hiển hách của đời tôi… Tôi bắt đầu với tựa đề “O Guardator de Rebanhos” (Người chăn cừu). Điều xẩy ra tiếp theo, là sự xuất hiện một người nào đó ở trong tôi, liền lập tức, tôi cho người đó cái tên Alberto Caeiro. Hãy tha thứ cho tôi, [về] câu văn ngu ngốc này: Trong tôi xuất hiện sư phụ của tôi… Vừa mới viết xong ba mươi bài thơ kỳ cục như vậy, tôi lấy thêm giấy và lại viết không ngừng, sáu bài thơ tạo thành “Chuva Obliqua” (Mưa nghiêng), bởi Fernando Pessoa…. Đây là sự trở về của Fernando Pessoa với Fernando Pessoa chính hắn… Một khi Alberto Caeiro xuất hiện, âm thầm, theo trực giác mách bảo, tôi cố gắng kiếm những đệ tử cho sư phụ. Từ tính ngoại đạo dởm của ông thầy, tôi làm bật ra đệ tử tiềm tàng của ông là Ricardo Reis… Cứ thế tôi tạo ra một băng phái không hiện hữu. Tôi lôi ra, nào là những ảnh hưởng, những liên hệ; tôi lắng nghe, ở bên trong tôi, những cuộc thảo luận, những khác biệt về chuẩn mức, và trong tất cả băng phái, hình như tôi, kẻ sáng tạo ra, lại mờ nhạt hơn hết….”
Băng phái trên đây ở với Pessoa, hay “là” Pessoa, trọn cuộc đời còn lại của ông. Lá thư được viết 21 năm sau khi “biến động” xẩy ra, và chỉ vài tháng, trước khi ông mất.
(Kỳ tới, người viết sẽ tiếp tục giới thiệu những sư phụ và những đệ tử của môn phái (hay công ty) Fernando Pessoa.
Jennifer Tran