Cộng Hòa: Ông Cain Và Thuế 9-9-9
Vũ Linh
...tài ăn nói của ông Cain chưa đủ để hạ tài thề trăng hẹn biển của Obama...
Nội bộ đảng Cộng Hòa sau mấy tháng chạy đua vẫn chưa có gì sáng tỏ.
Ngôi sao Michele Bachman hầu như đã biến khỏi sân khấu. Ngôi sao Rick Perry giống như tsunami, tràn lên thật nhanh như vỡ đê mà rút xuống cũng rất mau. Bây giờ lại xuất hiện một ngôi sao mới là Herman Cain. Trong khi đó thì người dẫn đầu mọi thăm dò vẫn là Mitt Romney. Gần nửa tá những người khác có vẻ vẫn như dã tràng se cát.
Vấn đề của Romney là ông có được một số những người ủng hộ, gần như nhất định, khoảng một phần năm cho đến một phần tư đảng viên Cộng Hòa. Không ít hơn, nhưng cũng không leo lên hơn được. Chưa đủ để thắng trong đảng chứ đừng nói tới hạ được TT Obama. Nói trắng ra, xấp xỉ 80% đảng viên Cộng Hòa muốn tìm một đại diện khác cho đảng.
Lý do chính là ông chưa tạo ra được niềm tin trong khối bảo thủ vì thành tích đã làm thống đốc tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ là Massachusetts. Ông cũng là người theo đạo Mormon, bị khối công giáo coi như tà đạo. Đã vậy, ông cũng là một doanh gia rất giàu, đối tượng hàng đầu của phong trào Occupy Wall Street hiện nay. Thời buổi OWS này, có tiền là một cái tội lớn, cho dù là tiền làm ra từ công sức chính mình chứ không phải tiền ăn cướp hay tiền bán bánh vẽ.
Nói tóm lại, mặc dù ông Romney có kinh nghiệm kinh tế là điều tối cần trong tình trạng hiện tại của Mỹ, đã mang quá nhiều hành trang với khối bảo thủ tương đối cực đoan, là khối sẽ tích cực đi bầu nhiều nhất trong các cuộc bầu sơ bộ trong nội bộ Cộng Hòa. Không qua được cửa ải này thì dĩ nhiên không có cơ hội đương đầu với ứng viên Dân Chủ Obama.
Điều này thực sự đáng tiếc vì trong tất cả các ứng viên Cộng Hòa, lập trường bảo thủ ôn hòa của ông Romney có nhiều hy vọng thu hút được phiếu của khối độc lập, tức là có nhiều hy vọng hạ TT Obama nhất, tuy không phải là chuyện dễ.
Phương thức bầu cử sơ bộ của cả hai chính đảng Mỹ có tác dụng rõ rệt là giúp những ứng viên tương đối cực đoan có nhiều hy vọng thắng hơn. Dân Chủ thì có khuynh hướng giúp cho các ứng viên cấp tiến cực đoan, trong khi Cộng Hoà thì có khuynh hướng tuyển chọn những ứng viên bảo thủ cực đoan. Nguyên nhân cũng dễ hiểu: chỉ những cử tri tương đối có nhiệt tình - hoặc quá khích - mới hăng say tham gia các cuộc bầu sơ bộ từ đầu, chẳng những phải đi bầu hai ba lần, mà nhiều khi cách bầu sơ bộ cũng rất phức tạp, phiền toái, hay khó hiểu.
Chính vì vậy mà ba ngôi sao mới nổi của Cộng Hòa, bà Bachman, ông Perry và bây giờ ông Cain, đều là những người có quan điểm bảo thủ cực đoan, ít hy vọng thắng Obama hơn ông Romney. Việc mấy ông bà này nổi lên rồi mau chóng lặn đi nói lên tình trạng tang gia bối rối của Cộng Hoà: không thoả mãn với ông Romney, nhưng vẫn chưa tìm được người khác hợp ý hơn.
Ông Herman Cain là một doanh gia thành công, đã từng làm Tổng Giám Đốc chuỗi Burger King của tiểu bang Pennsylvania (khoảng 400 tiệm), và chuỗi nhà hàng pizza Godfather. Cả hai chuỗi nhà hàng đều đến bờ vực phá sản, nhờ ông Cain mà lật ngược thế cờ và thắng lớn. Ông Cain cũng từng là thành viên Ngân Hàng Dự Trữ khu vực Kansas. Nói cách khác, trên phương diện kinh nghiệm kinh tế tài chánh, ông Cain so với ông Obama là một trời một vực.
Khoảng cách với TT Obama về ý thức hệ chính trị còn lớn hơn nữa. Ông Cain là thành phần thiên hữu cực đoan, chống Nhà Nước vú em bao cấp, chống sưu cao thuế nặng. Quan điểm này đã đưa đến một tình trạng có vẻ tréo cẳng ngỗng. Ông da đen này được phong trào Tea Party ủng hộ dù phong trào này mang tiếng là của dân da trắng, trong khi ông lại bị các chính khách và nhà báo da đen đả kích thậm tệ, gọi ông là Oreo, tức là loại bánh kẹp, hai miếng bánh sô-cô-la đen kẹp kem trắng ở giữa, ý muốn nói ông Cain đen vỏ trắng ruột. Ông Cain cũng có điểm khá giống Obama là khả năng ăn nói rất hùng hồn, dễ hớp hồn người nghe.
Bỏ qua vấn đề màu da, quan điểm chống Nhà Nước vú em, hay khả năng ăn nói thu hút cá nhân, điểm thành công lớn nhất của ông Cain là đề nghị về thuế của ông.
Kế hoạch thuế của ông Cain mang một cái tên rất giản dị và dễ nhớ: 9-9-9, đã trở thành khẩu hiệu tranh cử của ông.
Trên căn bản, ông Cain chủ trương loại bỏ toàn diện hệ thống thuế hiện hữu để thay thế bằng ba loại thuế: thuế doanh lợi công ty (corporate income tax) 9%, thuế lợi tức cá nhân (personal income tax) 9%, và thuế thương vụ (sales tax) 9%. Không thể nào giản dị hơn. Dân Mỹ với đầu óc giản dị ôm chầm lấy mô thức này, dù đại đa số chẳng hiểu rõ những hậu quả cụ thể của chính sách thuế đó là gì.
Ông Cain quảng bá chính sách thuế này chẳng những giản dị, ngăn chặn được hầu hết những mánh khóe lách thuế - nhất là của mấy đại công ty và nhà giàu - mà còn giúp phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân nữa. Nghe qua như vậy thì quả là toa thuốc màu nhiệm tối cần cho nước Mỹ hiện nay. Vì vậy mà hậu thuẫn của ông Cain đã tăng vọt như hỏa tiễn trong thời gian qua.
Nhìn gần hơn thì mô thức của ông Cain chỉ là chuyện hão, không bao giờ có thể trở thành sự thật vì sẽ không bao giờ kiếm được đủ hậu thuẫn trong quần chúng một khi bị mổ xẻ chi tiết. Kế hoạch này đầy lỗ hổng vĩ đại. Ta hãy xét thử.
Thuế doanh lợi sẽ được giảm xuống 9%. Hiện nay mức thuế này là 35% tối đa, nhưng thực tế, nhờ hàng trăm cách miễn trừ lách thuế, hầu hết các công ty đóng thuế dưới 20%. Dù sao đề nghị của ông Cain cũng là điều các công ty hoan nghênh hết mình vì mức thuế thấp hơn hiện tại rất nhiều. Hậu quả tất yếu là sẽ khuyến khích các công ty đầu tư, phát triển kinh doanh, hoặc mang các cơ sở, hãng sản xuất từ nước ngoài về Mỹ. Và đây sẽ là yếu tố hữu hiệu nhất giúp phục hồi kinh tế và tạo công ăn việc làm. Đây hiển nhiên là điểm lợi lớn nhất và thực tế nhất trong đề nghị của ông Cain.
Vế thứ hai là thuế lợi tức cá nhân sẽ ở mức duy nhất 9% cho mọi người, sau phần miễn giảm cá nhân (individual exemption), không có đặc miễn nào khác. Dẹp bỏ tất cả các loại thuế liên bang khác như thuế an sinh xã hội, thuế gia sản, thuế trên lợi nhuận đầu tư, và những trường hợp đặc miễn hay giảm bớt cực kỳ rắc rối không những chẳng ai hiểu, mà còn đầy lỗ hổng để thiên hạ khai thác lách thuế.
Ở đây vấn đề lớn là quý độc giả và kẻ viết này sẽ đóng thuế ngang mức với các ông Bill Gates và Warren Buffett! Chỉ nghe đến đây là sẽ không thiếu gì người hoảng hốt và bất bình. Ông Buffett với lợi tức năm bẩy chục triệu một năm sẽ đóng thuế ở mức 9% giống như mấy cô bán hàng siêu thị hay bất cứ ai khác, tuy tính theo số tiền thì sẽ có chênh lệch rất nhiều. Hơn thế nữa, thuế trên lợi nhuận đầu tư - tax on capital income, là nguồn lợi tức lớn nhất của những nhà giàu có dư tiền đầu tư - sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
Nói cách khác, nhà giàu từ trước đến giờ đóng thuế 35% trên lợi tức và 35% trên lợi nhuận đầu tư, bây giờ sẽ chỉ đóng 9% trên lợi tức và 0% trên lợi nhuận đầu tư.
Riêng đối với khối 45% gọi là nghèo hiện nay không đóng một xu thuế nào, họ sẽ phải đóng thuế, sau khấu trừ cá nhân. Sau khi bị chỉ trích nặng, ông Cain nhấn mạnh công thức của ông thật ra là 9-0-9 cho dân nghèo, tức là dân nghèo sẽ được miễn đóng thuế lợi tức cá nhân hoàn toàn: 0%. Chỉ có điều là chưa ai biết thế nào là dân nghèo" Đến mức lợi tức nào thì mới phải đóng thuế" Khi nào thì 9-0-9 trở thành 9-9-9"
Vế thứ ba trong đề nghị thuế của ông Cain là việc áp đạt đồng nhất thuế thương vụ 9% trên mọi hàng hoá. Bất cứ ai mua hàng đều phải trả thuế 9% giá món hàng. Ở đây cũng vậy, ông Cain không nói rõ món hàng nào được miễn thuế. Hiện nay loại thuế này đã được nhiều tiểu bang áp dụng, gọi là State sales tax, tuy một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc men, được hoàn toàn miễn. Thuế thương vụ ông Cain đề nghị là thuế của liên bang, được đánh thêm, trên mức thuế thương vụ của các tiểu bang.
Ví dụ như tại tiểu bang Cali, thuế thương vụ của tiểu bang là 10%, bây giờ với thuế của liên bang 9% thì tổng cộng mỗi lần mua hàng sẽ phải trả 19% thuế doanh thu. Không có khác biệt gì giữa các mặt hàng, cũng như không có khác biết gì đối khách hàng giàu hay nghèo.
Thuế này được đưa ra để bù đắp việc giảm thuế lợi tức, và theo ông Cain, sẽ có tính cách công bằng, người nào xài nhiều người đó đóng thuế nhiều. Nhà nghèo mua xe đạp đóng thuế trên trị giá bán của xe đạp, nên trả thuế ít hơn ông Buffett di chuyển bằng máy bay, phải trả tiền thuế trên trị giá máy bay và thuế trên xăng nhớt, bảo trì máy bay.
Điểm khúc mắc lớn nhất của thuế này là ai cũng phải đóng, dù nghèo hay giàu. Tại Alaska là tiểu bang hiện không có sales tax, thiên hạ mỗi khi mua hàng sẽ phải đóng 9% sales tax, trong khi tại Cali, sẽ phải đóng 19%. Tức là một hình thức tăng thuế tổng quát, kể cả đối với những người nghèo từ trước đến không đóng thuế lợi tức gì hết.
Ông Cain đã nhấn mạnh là bù lại, không ai phải đóng thuế an sinh xã hội -payroll tax - tức là thuế tiền già hiện họ đang phải đóng.
Cả ba hình thức thuế đều giản dị, dễ tính, mà không thể bị lạm dụng hoặc trốn lách gì hết. Nhà Nước sẽ có dịp tận thu thuế, không thất thoát gì nữa, do đó dù thuế suất thấp nhưng Nhà Nước sẽ thu được nhiều tiền hơn. Mặt trái của vấn đề mà nhiều người nghi ngờ nhưng chưa chứng minh cụ thể được vì thiếu chi tiết là mức thu nhập thuế như vậy thực sự có nhiều hơn không, có đủ cung ứng cho nhu cầu chi tiêu của Nhà Nước không. Tiêu xài kiểu chính quyền Obama hiện nay thì bảo đảm không có mức thuế nào đủ hết, chứ đừng nói đến mức có vẻ thấp mà ông Cain đề nghị.
Nhưng diễn giải cách nào thì cuối cùng người ta cũng thấy theo mô thức Cain, giới nhà giàu sẽ được giảm thuế rất nhiều, trong khi giới trung lưu và giới nghèo sẽ phải chịu gánh nặng thuế lớn hơn. Theo trung tâm nghiên cứu Tax Policy Center, gần 85% dân trung lưu và nghèo sẽ phải đóng thuế cao hơn mức hiện hữu. Đây là bài toán ông Cain sẽ phải giải thật rõ ràng cho dân chúng nếu ông muốn có được phiếu của họ.
Điều cần nói là ông Cain là người duy nhất đưa công thức thuế mới này ra. Ông Perry cũng đã đưa đề nghị giảm thuế kinh doanh từ 35% xuống 20%, không có thuế thương vụ, còn thuế lợi tức cá nhân thì thiên hạ có thể đóng thuế như bây giờ không thay đổi, hoặc có thể lựa đóng 20% nhất định, không có đặc miễn gì ngoài khấu trừ cá nhân lên tới 12.500$ một người, tức là một gia đình hai vợ chồng với hai con sẽ được miễn thuế lới tức cá nhân hoàn toàn. Các ứng viên Cộng Hòa khác vẫn duy trì công thức thuế hiện hành.
Nếu vì bất cứ lý do nào ông Cain thắng được trong nội bộ Cộng Hòa, và ra tranh cử chống TT Obama, điều e ngại lớn là ông sẽ chỉ là miếng mồi ngon cho TT Obama thôi. Cái tài ăn nói của ông Cain chưa đủ để hạ tài thề trăng hẹn biển của Obama. Cái mã trẻ tuổi đẹp trai hơn của Obama cũng dễ câu khách hơn. Trong thời gian qua, ông Cain cũng đã vấp ngã mấy lần khi đối diện với các câu hỏi có tính gài bẫy của truyền thông cấp tiến muốn triệt hạ ông.
Ông đã trả lời một cách hùng hồn về các vấn đề phá thai (chống phá thai nhưng lại nói chuyện phá thai là chuyện riêng mà mấy bà có quyền quyết định), trao đổi tù binh Do Thái (sẵn sàng thương thuyết với các nhóm khủng bố), để rồi ngay sau đó, phải cải chính là đã nói nhầm (misspoke) vì cả hai lập trường đều đi ngược lại quan điểm của khối bảo thủ Cộng Hoà. Cũng như ông đã nói nửa đùa nửa thật là ông sẽ câu điện vào hàng rào dọc biên giới Mễ để ngăn cản dân Mễ nhập cảnh lậu vào Mỹ. Tuy sau đó ông khẳng định đó là câu nói đùa, nhưng cũng đủ bảo đảm mất hết phiếu của cử tri gốc Mễ. Chưa kể chuyện ông đang bị tố lem nhem tình dục gì đó với hai người đàn bà cách đây rất lâu rồi.
Trong bối cảnh của các phong trào Chiếm Phố Wall đang nổi lên chống nhà giàu, chủ trương của ông Cain giảm thuế các đại gia xuống ngang mức của dân lao động không khác nào tự sát chính trị. Đó là chưa nói đến chuyện ngoài vấn đề thuế này ra thì dường như chương trình kinh bang tế thế của ông Cain chẳng có gì.
Chưa ai biết chương trình y tế, giáo dục, ngoại giao, quân sự, chống khủng bố, của ông là gì. Ông Cain chưa bao giờ dính dáng gì vào chính trị.
Không được phiếu của dân da đen vẫn trung thành với TT Obama, mất phiếu của những người nghèo cho đến nay chẳng đóng thuế gì, mất phiếu của mấy bà nội trợ mua gì cũng thấy phải trả thêm sales tax quá cao, mất phiếu dân gốc La-tinh, mất phiếu của những người nghi ngờ chuyện lem nhem tình dục, như vậy làm sao ông Cain vào Nhà Trắng được" Hậu thuẫn của một thiểu số cực đoan Tea Party có thể sẽ chỉ là một gánh nặng chứ không phải là lợi thế.
TT Obama có thể là một tổng thống không xứng đáng được bầu lại như hơn một nửa dân Mỹ đang nghĩ, nhưng nếu Cộng Hoà đưa ông Cain ra thì có nhiều hy vọng đang dọn cỗ cho TT Obama có đầy đủ tiểu yến đại yến thêm bốn năm nữa. (6-11-11)
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.
http://www.youtube.com/watch?v=vZIwviGfAzQ
Trong các cuộc bầu cử địa phương ở một số tiểu bang ngày Thứ Ba, 8 tháng 11 vừa qua, nhiều dự luật và biện pháp do phái Cộng Hòa bảo thủ đưa ra trưng cầu dân ý - như chống phá thai, hạn chế quyền lực công đoàn,... - đã bị cử tri bác bỏ.
Tại Ohio, cử tri không chấp nhận (với 60%/40%) dự luật giới hạn khả năng thương lượng tập thể của các công nhân viên do Thống Ðốc Cộng Hòa John R. Kasich ủng hộ. Dự luật này đã được Quốc Hội Cộng Hòa của tiểu bang thông qua hồi mùa Xuân nhưng những người chống đối đã thu thập đủ 1.3 triệu chữ ký để đưa vào lá phiếu trưng cầu dân ý.
Tại Mississippi, cử tri được hỏi ý kiến coi đời sống con người có phải là bắt đầu từ khi thụ thai hay không, chỉ có 42% đồng ý và 58% không đồng ý.
Tại Arizona, Nghị Sĩ Cộng Hòa tiểu bang Russell Pearce, tác giả chính đạo luật chống di dân và được coi là người hùng của Tea Party thừa nhận thất bại trước đối thủ trong cuộc bầu cử “recall.”
''TT Obama có thể là một tổng thống không xứng đáng được bầu lại như hơn một nửa dân Mỹ đang nghĩ, nhưng nếu Cộng Hoà đưa ông Cain ra thì có nhiều hy vọng đang dọn cỗ cho TT Obama có đầy đủ tiểu yến đại yến thêm bốn năm nữa. (6-11-11)''
Cứ theo những nhận định trên mà suy diễn ''bành trướng'' ra thì quả là nước Mỹ đến hồi cạn kiệt nhân tài, nhân đức ít ra về mặt chính trị lãnh đạo quốc-dân (?!), mà nếu chẳng vậy thì nước Mỹ đâu dễ gì bị suy kiệt cách chóng vánh như vầy !!!
Nếu Mỹ không từng có những sai lầm nghiệm trọng và sai lầm liên tục về kinh tế, chính trị, đối ngoại... thì đâu sụp tiệm ''toàn diện'' như ngày nay !
Dậu (Mỹ) đổ, bìm (Tàu, Terrorist...) leo tràn lan, xứ Mỹ càng thêm bất an !