Châu Âu Lo Nếu Trưng Cầu Dân Ý Về Kích Cầu Của Liên Âu Thất Bại: Hy Lạp Sẽ Bị Khủng hoảng Chính Trị, Vỡ Nợ Ngay Tức Thì
ATHENS - Quyết định trưng cầu dân ý của Thủ Tướng Hy Lạp về kế hoạch cứu nguy của Liên Âu gây bất bình trong dư luận châu Âu, và tức thì gây phản ứng với người Đức.
1 dân biểu Đức gợi ý bỏ mặc Hy Lạp, không giúp, để chính quyền Papandreou vỡ nợ. Chính giới cảm thấy bất ngờ với loan báo hôm Thứ Hai của Thủ Tướng Papandreou về trưng cầu dân ý kế hoạch cứu nguy trị giá 130 tỉ euro và tha nợ 50%. Đức là nước đóng góp 1 phần lớn trong tài trợ cứu nguy Hy Lạp.
Chứng khoán châu Âu giảm 3%, không chỉ vì cơ nguy vỡ nợ không trật tự của Hy Lạp, mà cả vì hỗn lọan xoay quanh toan tính của eurozone nhằm ngăn tránh sự lan rộng khủng hoảng nợ. Trên thị trường hối đoái, tiền euro giảm trên 1% so với đô-la Mỹ.
Đại diện của Tây Ban Nha tại Liên Âu ngờ rằng nếu kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp là "Không" có nghĩa là khủng hoảng chính trị.
Theo giới phân tích, thăm dò dân ý gần đây nhất nhận thấy đa số dân Hy Lạp đánh giá tiêu cực kế hoạch cứu nguy của Liên Âu.
Kinh tế gia nhận giải thưởng Nobel là Christopher Pissarides nói là khó tiên đoán điều gì xẩy ra với Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý - nếu họ bác, sẽ là hậu quả xấu với Liên Âu và eurozone, và là xấu hơn nhiều với Hy Lạp, vì có nghĩa là vỡ nợ tức thì.
Bộ trưởng tài chính Hy Lạp, ông Evangelos Venizelos, đã báo động dân chúng về trường hợp kết quả trưng cầu dân ý không chấp thuận là đe dọa quy chế thành viên Liên Âu của Hy Lạp.
Phát ngôn viên của đảng Dân Chủ đối lập mô tả ý định trưng cầu dân ý của Thủ Tướng Papandreou là nguy hiểm, tương tự ném đồng tiền xu lên trời.
Ông Papandreou loan báo trưng cầu dân ý sẽ đuợc tổ chức trong vài tuần - bộ trưởng tài chính Venizelos tuyên bố là đầu năm 2012. Thủ Tướng Papandreou giải thích mục đich của trưng cầu dân ý là bảo đảm hậu thuẫn với các chính sách của ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 4 năm, chấm dứt trong năm 2013.