10 Năm Sau Ngày 9-11: Mỹ An Toàn Hơn, Nhưng Cái Giá Phải Trả Là Tốn Cả Ngàn Tỉ MK, Đời Tư Bị Dòm Ngó...
NEW YORK - Du khách đổ tới phố Times Square của thành phố New York chói loà đèn điện và các buổi trình diễn 2 bên đường Broadway - họ cũng sẽ thấy hình ảnh ngoạn mục khác là cảnh sát mang súng tuần tiễu đường xe điện ngầm sẵn sàng phát giác tình nghi khủng bố.
10 năm sau ngày khủng bố quốc tế tấn công, Hoa Kỳ đã thay đổi thăng bằng giữa tự do và an ninh, biến 1 xã hội cởi mở thoải mái thành ra cảnh giác thường trực. Những kết quả là không thể chối cãi, là nước Mỹ không bị tấn công khủng bố 1 trận nào khác, tuy đôi lần suýt xẩy ra, như vụ đặt xe bom không thành công hồi Tháng 5-2010 của 1 di dân Pakistan.
Nhưng, cái giá phải trả bằng tự do và tiền của là gì " Giới cấp tiến về dân quyền sợ rằng kỷ nguyên của do thám và cảnh giác có thể trở thành thường trực.
Hoa Kỳ đã chi 400 tỉ MK về an ninh, ngoài 1300 tỉ quân phí với 2 cuộc chiến hải ngoại, chưa tính đến tiền lời, chăm sóc sức khoẻ cựu chiến binh, theo ghi nhận của dự án "Costs of Wars" của Viện Watson thuộc trường đại học Brown. TT và cảnh sát đuợc giao nhiều quyền hơn - đời tư của công dân bị nhòm ngó nhiều hơn với sự giám sát ít hơn của toà án. Kiểm soát an ninh hành khách và phi trường chặt chẽ hơn.
Sau biến cố 11-9, chính phủ Hoa Kỳ đã chọn 2 loại thực hành bị tranh luận trong việc ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, là : chuyển giao nghi can cho nước thứ 3 giam giữ và thẩm vấn, giam tù khủng bố tại Vịnh Guantanamo.
Bà Susan Herman là chủ tịch liên đoàn dân quyền ACLU nhận xét "10 năm sau, chúng ta vẫn còn giữ nếp nghĩ khẩn cấp - bây giờ chúng ta là thế, là tình trạng bình thường kiểu mới".
Nhưng, đối với nhiều người còn nhớ tổn thất nhân mạng lớn lao vào 1 buổi sáng Thứ Ba trong sáng 10 năm trước, "tình trạng bình thường mới" là hiệu quả. Như dân biểu CH Peter King của New York, hiện là chủ tịch ủy ban nội an của Hạ Viện, nói "Với tôi, không nghi ngờ là đáng - các hành động như Luật ái quốc, khám xét tại phi trường, củng cố an ninh bến cảng, tất cả là những biện pháp tốt đẹp hơn là để người ta bị thiêu đến chết hay phóng mình từ toà nhà cao 106 tầng".
Phản ứng tiếp theo sự kiện 11-9 cũng đã tạo ra sức phát triển mạnh của kỹ nghệ an ninh đã đem tới lợi lộc cho các hãng như OSI Systems, với đơn vị Rapiscan làm ra những máy dò tia X tại phi trường. Doanh thu hàng năm của OSI vọt từ 111 triệu lên 623 triệu MK năm 2008, và đuợc dự đoán là 700 triệu trong năm tới. Các công ty kỹ thuật an ninh khác cũng thấy tăng trưởng mạnh, nhưng phải thích ứng với ngân sách giới hạn của Bộ nội an trong lúc thiếu hụt ngân sách liên bang leo thang.
Dân biểu King nói "Khám xét tại phi trường đuợc chấp nhận - nếu tôi phải chọn lựa cởi giày hay nguy cơ nổ phi cơ, tôi muốn cởi giày".
Sự xâm phạm quyền riêng tư gây khó chịu hơn, đặc biệt là với tín đồ Hồi Giáo và người gốc Trung Đông có bộ mặt dễ phân biệt.
Về dân quyền, giáo sư luật Jonathan Turley của trường đại học George Washington quy trách TT Obama về chính sách mở rộng quyền của hành pháp - ông gọi TT Obama là "ác mộng" vì trong lúc vận động tranh cử, ông Obama phản lại những lời hưá chống lại định hướng của TT Bush.