Ông Armitage bắt đầu sứ mạng với cuộc hội kiến TT Kim Dae Jung mà sau đó ông cho biết thư của TT Bush gửi TT Nam Hàn thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ có những cuộc đàm phán với Bắc Hàn về vấn đề phi đạn, nhưng không phải trong tương lai gần đây, đồng thời TT Bush muốn biết những suy nghĩ mới nhất của TT Kim về Bắc Hàn, và về cách tiếp cận Bắc Hàn của Hoa Kỳ.
TT Bush từng tỏ ý hoài nghi về thiện chí giữ lời hưá ngưng phát triển phi đạn của Bắc Hàn, và do đó không vội tiếp tục thương nghị với Bắc Hàn. Nhóm hoạt động dân quyền do ông Mun Jeong Hyeon lãnh đạo chờ đón phái đoàn Hoa Kỳ ở phi trường bằng cuộc biểu tình của 50 người, đòi TT Bush rút lại kế hoạch phòng thủ phi đạn mà họ nói là chướng ngại vật đối với hoà bình thế giới cũng như tương lai tái thống nhất Nam/Bắc Hàn.
Thứ Trưởng Armitage nhấn mạnh "Hoa Kỳ hân hoan thảo luận về vấn đề phòng thủ phi đạn với bất cứ phe nào quan tâm".
Trong khi đó, Phái đoàn Thứ Trưởng Quốc Phòng Paul Wolfowitz đã tới thủ đô Paris để giải thích với các viên chức Pháp cao cấp rằng kế hoạch lá chắn phi đạn của chính phủ Bush là hữu ich cho nền hoà bình thế giới, và trấn an rằng Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm đến vấn đề kiểm soát vũ khí.
Ông Wolfowitz họp báo nói rằng ý niệm mới của Hoa Kỳ về kế sách răn đe như đã vạch ra trong diễn văn ngày 1-5 của TT Bush là : hiện tình thế giới đã thay đổi, những nội dung của hiệp ước ABM 1972 không còn thích hợp.
Ông chỉ rõ "Bức tường Berlin đã sụp đổ cách đây 12 năm, Nga không còn là kẻ thù, không còn phải nói tới nhu cầu đối phó với 10 ngàn phi đạn của Liên Xô hồi giữa thập niên 1980, và nay đã xuất hiện những nguy cơ mới về phi đạn và vũ khí có sức tàn phá quy mô".
Theo lời Thứ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, vấn đề không phải là ai sẽ chiếm ưu thế, mà là2 làm giảm nguy cơ đối với mọi quốc gia, kể cả Nga. Phái đoàn Wolfowitz còn tiếp tục tới các thủ đô Âu Châu để giải thich kế hoạch lá chắn phi đạn của TT Bush.