* Lược ghi về giai đoạn hình thành:
Như đã trình bày trong số trước đến 1 tháng 5/1953, Pháo binh Quân đội Quốc gia Việt Nam có 5 tiểu đoàn Pháo binh, và đến tháng 9/1953, tất cả các tiểu đoàn Pháo binh hiện hữu được hệ thống hóa vào các liên đoàn bộ binh và sự xuất hiện của những liên đoàn này mà những tiểu đoàn được thành lập sau đó đã mang thứ tự khác với những tiểu đoàn tiền lập: tiểu đoàn Pháo binh số 22 được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1953 tại Huế đặt thuộc thành phần cơ hữu của Liên đoàn Bộ binh số 22 thành lập sau đó, các tiểu đoàn 33 và 34 được thành lập ngày 1 tháng 1/1954 tại Hà Nội đặt thuộc thành phần cơ hữu của các liên đoàn Bộ binh số 33 và 34.
Tính đến đầu năm 1954, Pháo binh Quân đội Quốc gia Việt Nam kể cả Pháo binh vị trí có quân số 4284 người, gồm 163 sĩ quan, 723 hạ sĩ quan và 3453 binh sĩ. Cũng kể từ 1-1-1954, trước một quân số Pháo binh ngày càng gia tăng, cần đến sự quản trị và huấn luyện một cách chu đáo, phái bộ Thanh tra Pháp do trung tướng Pennachioni chỉ huy đã đặt ra hai phòng thuộc lãnh vực thanh tra để chuyên trách về Pháo binh Việt Nam. Hai phòng đó là:
- Phòng tổ chức theo dõi những vấn đề liên quan đến việc tổ chức đơn vị, quân số, vật liệu, thăng thưởng và kỷ luật.
- Phòng nghiên cứu tổng quát theo dõi những vấn đề liên quan tới việc sử dụng, huấn luyện đơn vị và cá nhân, kinh nghiệm sử dụng vật liệu và kiểm soát việc điều hành. Trước đà tiến triển của các đơn vị Pháo binh và cũng để cho các tư lệnh Quân khu VN có thể sử dụng các đơn vị này một cách dễ dàng, ngày 3 tháng 5-1954, các bộ chỉ huy Pháo binh Quân khu được thành lập, nhưng vẫn do sĩ quan Pháp điều khiển vừa với tư cách cố vấn và vừa là chỉ huy trưởng Pháo binh cho các quân khu liên hệ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/1955, tất cả các bộ chỉ huy Pháo binh cấp Quân khu đã được giải tán.
Trở lại với kế hoạch phát triển hệ thống tiểu đoàn Pháo binh thống thuộc liên đoàn Bộ binh, ngày 15 tháng 8/1954, Tiểu đoàn số 12 thành lập tại Nam Việt dành cho Liên đoàn 12 Bộ binh.
Do gặp trở ngại về tổ chức, cuối cùng chỉ có các Liên đoàn Bộ binh số 11, 12, 31, 32, 41 và 42 được thành lập, còn các Liên đoàn Bộ binh số 12, 22, 33 và 34 bị cắt bỏ, đứng trước tình hình này, trong số 4 tiểu đoàn Pháo binh tân lập, chỉ có 3 tiểu đoàn Pháo binh được duy trì, còn tiểu đoàn số 33 phải giải tán ngày 1-3-1955. Khi giải toán tiểu đoàn này, Pháo binh Quân đội Quốc gia Việt Nam lại tiếp nhận tiểu đoàn 3 Pháo binh RACM mà tất cả quân nhân hoàn toàn người Việt gốc Nùng, do Pháp chuyển giao ngày 1 tháng 4/1955, và tiểu đoàn này được cải danh thành tiểu đoàn 6 Pháo binh Việt Nam.
Về thành phần ban chỉ huy các tiểu đoàn Pháo binh, phải đến tháng 10/1954, các chức vụ tiểu đoàn trưởng Pháo binh mới bắt đầu giao cho các sĩ quan Việt Nam.
Về Pháo binh vị trí, 1954 sau khi Hiệp định Genève được ký kết (20-7-1954), các đơn vị thuộc hệ thống này lần lượt được giải tán và đến tháng 3-1955 thì sự giải tán này hoàn tất. Vừa lúc này, Pháo binh Quân đội Quốc gia Việt Nam tiếp nhận trung tâm huấn luyện Pháo binh Phú Lợi do Pháp chuyển giao (ngày 16-3-1955).
* Bộ chỉ huy Pháo binh và 9 tiểu đoàn Pháo binh đầu tiên:
Ngày 29 tháng 3/1955, một cơ quan thanh tra các binh chủng tại bộ Tổng Tham mưu được thành lập, trong đó có binh chủng Pháo binh. Chính cơ quan thanh tra này đã khai sinh ra bộ chỉ huy Pháo binh. Theo quyết định của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ là thiếu tướng Lê Văn Ty (thăng trung tướng 10/1955, thăng đại tướng 12/1966), trung tá Nguyễn Xuân Trang được cử giữ chức thanh tra kiêm chỉ huy trưởng Pháo binh. Từ 29/3 đến cuối tháng 11/1955, văn phòng thanh tra Pháo binh trung ương đồng thời là bộ chỉ huy tạm thời của binh chủng, và phải đến đầu tháng 12/1955, bộ chỉ huy Pháo binh mới chính thức hình thành với các phòng, ban chuyên môn.