Họ và tên: Nguyễn Đức Thái.
Ngày và nơi sanh: 9 tháng 12-1946, Vạn Điềm, Nam Định, Việt Nam.
Học lực: Tiến sĩ Sinh học.
Gia cảnh: Con thứ ba trong số ba người con — 2 trai, 1 gái — của ông Nguyễn Thịnh Đức, công chức của Bộ Lao Động miền Nam Việt Nam, sau này là một thương gia, và bà Đỗ thị Nguyệt. Bà Nguyệt chẳng may mất sớm, trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp, nên Thái đã lâm vào cảnh mồ côi mẹ từ lúc còn thiếu thời.
Sau khi bà Nguyệt qua đời, ông Thịnh Đức đã tái hôn với bà Lê thị Bảy, có thêm chín người con — 8 trai, 1 gái —
Thái còn có liên hệ gia đình với học giả Nhượng Tống tức Hoàng Phạm Huấn, nổi tiếng thời thập niên 1950, ông Huấn là thân tộc của bà Hoàng thị Hậu, bà nội của Thái.
Khi biến cố 30 tháng 4-1975 xẩy đến, Dược sĩ Thái cũng như bao nhiêu ngàn người Việt Nam khác đã rời bỏ quê hương đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Mười năm sau ngày rời Việt Nam, Thái đã xum họp với cha, mẹ cùng toàn thể gia đình ở California.
Theo học trung học đệ nhất cấp tại trường Tây Hồ, Đà Nẵng, Việt Nam.
Năm 1967, học xong trung học đệ nhị cấp tại trường Sao Mai, Đà Nẵng, Việt Nam. Tốt nghiệp tú tài II hạng bình thứ.
Năm 1972, tốt nghiệp Đại học Dược khoa, Sàigòn. Thái đã nỗ lực giúp sự phát triển về nghiên cứu và giảng dạy về bộ môn tân sinh học của Đại học Dược và Y khoa Việt Nam. Đồng thời, Thái cũng hành nghề dược sĩ tại Việt Nam từ sau khi tốt nghiệp cho đến năm 1975.
Chưa đầy ba tháng sau khi đến California, Dược sĩ Thái được nhận vào Đại học Y khoa California ở San Francisco (University of California, San Francisco — UCSF) với tư cách dự khuyết trong chương trình Cao học Dược khoa. Bằng nhiệt tâm nghiên cứu, Dược sĩ Thái đã khắc phục được những khó khăn lúc ban đầu để được hội đồng khoa chính thức nhận vào học trình tiến sĩ.
Năm 1981, hoàn thành học trình tiến sĩ tại Đại học UCSF. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Đức Thái đã đoạt giải danh dự trong kỳ thi giải thưởng cao học thường niên tại Đại học UCSF, năm 1980. Sau khi tốt nghiệp, Tiến sĩ Thái tiếp tục công việc nghiên cứu tại UCSF, hiện thời là thành viên của ban giảng huấn về bộ môn Nhãn khoa chuyên nghiên cứu về bệnh mù mắt do nhãn lực mắt (glaucoma).
Vào thập niên 1980, Đại học UCSF đi tiên phong trong việc phát triển ngành tân sinh học về gene (recombinant DNA), cũng như nhiều người nghiên cứu mới tốt nghiệp, Tiến sĩ Thái đã hăng hái theo đuổi việc nghiên cứu về bộ môn tân sinh học này. Ông đã làm việc với các nhà nghiên cứu tên tuổi ở đây, trong đó có Giáo sư John D. Baxter, John Shine là những người đi tiên phong và thành công trong việc tìm kiếm được các gene chủ yếu trong y khoa, gồm gene về tăng trưởng (growth hormone); Giáo sư James Cleaver, người đầu tiên xác định về gene của bệnh Xerdoma Pigmentosa liên hệ đến ung thư da và các cơ quan khác. Giáo sư Cleaver hiện là hội viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ.
Thành quả chính trong công trình nghiên cứu của TS Thái là việc phát hiện được gene đầu tiên cho bệnh glaucoma, ông đặt tên cho gene này là TIGR (chữ tắt của Trabecular Meshwork Inducible Glucocorticoid Response). Glaucoma là bệnh gây mù mắt nhiều nhất trên thế giới. Kết quả ông đạt được là do công trình hợp tác với Bác sĩ Jon R. Polansky, một nhà nghiên cứu y học của Đại học UCSF. Kết quả nghiên cứu này đã đặt một nền tảng mới cho việc nghiên cứu về bệnh mù do glaucoma. TIGR gene hiện thời được rất nhiều nơi nghiên cứu và sẽ có nhiều hiệu quả sâu rộng trong cộng đồng y tế. Kết quả nghiên cứu của TS Thái đã được chọn làm “môn bài” (bằng chủ quyền) đầu tiên về gene glaucoma và có hiệu lực quốc tế của Đại học UCSF. Môn bài có nhan đề “Phương thức chuẩn đoán và chữa trị glaucoma và các bệnh liên hệ”, số PCT/US95/14024 do Nguyễn D. Thái, Jon Polansky và Weidong Huang đứng tên tác quyền.
Việc khám phá ra TIGR gene của TS Thái đã được loan truyền rộng rãi trên các hệ thống thông tin trong và ngoài nước Mỹ. TS Thái đã được các cơ quan truyền thông uy tín phỏng vấn, như: Đài truyền hình CNN (tháng Giêng năm 1988), đài số 5, 26 và KTLA cũng trong thời gian trên. Những công trình nghiên cứu tiên phong của TS Thái và gần đây của các phòng thí nghiệm khác về TIGR gene đã gây được tiếng vang trong giới y học nói riêng và đại chúng nói chung. Trong đó các bản tin của New York Times, ngày 27 tháng 2-1997; American Press, tháng 2 năm 1997; Japan Thời Báo tháng 2 năm 1997; Science (Khoa Học), số 275, trang 621, ngày 31 tháng 1-1997; Nature (Thiên Nhiên), số 15, trang 224-225, tháng 3 năm 1997; Ophthalmology World News (Tin Nhãn Khoa Quốc Tế), số 2, trang 5-9, năm 1997; Review of Ophthalmology (Quan Điểm Nhãn Khoa), số IV, trang 114-116, tháng 2 năm 1997... và nhiều nữa.
Về bệnh lý, glaucoma (tiếng Việt gọi là bệnh cương nước hay tăng áp nhãn) là một trong những nguyên do chính gây mù mắt và có ảnh hưởng đến một dân số lớn khoảng 70 triệu người trên thế giới. Bệnh glaucoma có nhiều hình thái khác nhau, phần lớn bệnh thường phát hiện ở những người trên 40 tuổi và được gọi là bệnh glaucoma người lớn. Điều nguy hại là người bệnh bị mất thị giác rất chậm nên thường không thể đoán biết được. Nếu không khám phá kịp thời, bệnh nhân sẽ bị mù và không thể chữa được. Điều thiếu sót hiện nay là việc chuẩn đoán mắt thường không tiên đoán được bệnh lý trước khi bệnh xẩy ra hoặc có thể không chính xác, vì lý do này, việc tìm kiếm gene cho bệnh glaucoma trở thành một “bảo vật” cần thiết trong các công trình nghiên cứu về bệnh này. Về khía cạnh bệnh lý, glaucoma có lẽ là một trong những bệnh phức tạp nhất trong y học, bởi vì bệnh này liên hệ đến nhiều y tố như tuổi tác, môi trường sống, ảnh hưởng của các chất nội và ngoại tiết, yếu tố di truyền, yếu tố tăng trưởng, pha hệ và còn nhiều yếu tố khác chưa được rõ.
Trong chương trình nghiên cứu của TS Thái, ông đã tổng hợp phương thức sinh học cloning với phương pháp tế bào học để đạt được thành công cho việc khám phá gene cho bệnh glaucoma. Ông đặt tên gene đó là TIGR. Tên này đã được ông dùng để miêu tả đặc tính protein của tế bào mắt trabecular meshwork khi được trị bằng kích thích tố glucocorticoid do Bác sĩ Polansky người đầu tiên quan sát thấy. Dựa theo những đặc tính ông biết được về gene này sau khi hoàn thành cloning, TS Thái là người đầu tiên tiên liệu rằng TIGR gene có liên hệ đến yếu tố di truyền của bệnh glaucoma và theo đó TIGR gene có thể được dùng để chuẩn đoán bệnh glaucoma. Theo hướng đó, năm 1994, TS Thái và BS Polansky đã nộp môn bài đầu tiên của TIGR gene với Đại học UCSF về việc chuẩn đoán bệnh glaucoma bằng TIGR gene. Đến năm 1997, TIGR gene bắt đầu được công nhận một cách rộng rãi khi hai nhà di truyền học của Đại học Iowa, TS Edwin Stone và Val Sheffield dùng trình tự của TIGR gene do TS Thai nghiên cứu để chứng minh rằng gene này có những đột biến liên hệ đến những người trong gia đình có bệnh glaucoma.
Người ta ước lượng rằng có khoảng hàng trăm ngàn người có nguy cơ về bệnh glaucoma ở Hoa Kỳ và hàng triệu người trên thế giới sẽ được chuẩn đoán dựa trên TIGR gene. Việc chuẩn đoán này sẽ giúp cho các bác sĩ nhãn khoa những tin tức cần thiết trước khi bệnh phát hiện để ứng dụng những phương thức trị liệu hữu hiệu hơn.
Việc ứng dụng gene TIGR để chuẩn đoán glaucoma đang được hãng InSite Vision thực hiện, đây là một công ty dược khoa chuyên về mắt ở Alameda, California. TS Thái hiện là cố vấn khoa học của công ty này.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái còn là trưởng phòng thí nghiệm sinh học phân từ về bệnh glaucoma Bộ môn Nhãn khoa, tại Đại học UCSF. Phòng thí nghiệm của ông tập trung vào việc nghiên cứu những đặc tính sinh học và chức năng của TIGR gene để tìm hiểu nguyên nhân của bệnh glaucoma. Phòng thí nghiệm của ông huấn luyện, bảo lãnh cho những người làm nghiên cứu về sinh học phân tử glaucoma và ông cũng hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác ở Mỹ và nhiều nước khác. Ngoài ra TS Thái còn tham gia nhiều hội đoàn nghiên cứu và tham dự hoặc tổ chức các hội nghị để quảng bá nghiên cứu về glaucoma. Chương trình nghiên cứu TIGR gene của ông đã được sự tài trợ của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Gia về Nhãn Khoa Hoa Kỳ, Hội Nghiên Cứu Glaucoma, That Man May See và Công ty dược InSite Vision.
(Trích tài liệu VẺ VANG DÂN VIỆT Tuyển tập V sắp ấn hành)