Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
...VN có muốn độc lập với TQ không, hay chỉ là một đồng chí đồng hành đã có thoả thuận ngầm với TQ...
Khi biển Đông còn nổi sóng sau hai vụ khiêu khích và đụng độ của tầu hải giám Trung Quốc với tầu địa chất của Việt Nam thì hàng loạt các vụ biểu tình bạo động bùng nổ tại Hoa lục. Cảnh sát võ trang ra tay trấn áp những điểm nóng, từ khu tự trị Nội Mông của người Mông Cổ đến thành phố Phủ Châu ở Giang Tây, rồi thị xã Lợi Xuyên trong Châu Tự trị có tên là Ân Thi của các sắc tộc Thổ Gia và Miêu ở tỉnh Hồ Bắc. Mới nhất là tại thành phố Triều Châu và thị xã Tăng Thành trong vùng phụ cận của Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Với thành quả kinh tế làm thế giới kinh ngạc, vì sao Trung Quốc lại gặp hỗn loạn tràn lan như vậy" Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ta hãy tạm gác qua những biến động ngoài biển Đông Nam Á để nhìn vào nội địa Trung Quốc vì từ một tháng nay, nhiều vụ biểu tình đã dẫn tới bạo động liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau của xứ này. Chúng ta cũng không quên là hôm 26 Tháng Năm, khi tầu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò địa chất Bình Minh 02 của Việt Nam thì thành phố Phủ Châu thuộc tỉnh Giang Tây bị gài chất nổ ở ba nơi một lúc, có thể là do một người dân bất mãn gây ra vì bị cướp đất. Và tuần qua, cảnh sát võ trang xuất hiện ở nhiều nơi của Trung Quốc để đàn áp. Câu đầu tiên xin hỏi ông là "vì sao như vậy""
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một mặt trái của hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" mà chúng ta cần tìm hiểu để tránh cho các xứ khác, kể cả Việt Nam, khỏi phạm vào những sai lầm về chính sách kinh tế khi học theo Trung Quốc!
- Về nạn động loạn tại Trung Quốc, thế giới không được thông báo và có thống kê đầy đủ, nhưng qua những gì được chính các trung tâm nghiên cứu về xã hội của xứ này nêu ra thì năm 2006 đã xảy ra sáu vạn trường hợp biến động vì dân chúng nổi loạn; năm 2007 thì có 84.000 vụ, năm 2008 thì có 128.000 vụ và đầu năm nay, một giáo sư xã hội của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đưa ra con số là 180.000 cho năm 2010, với ước lượng đáng chú ý là đã cao gấp đôi năm 2006! Do đó, ta có thể kết luận là động loạn xã hội đã tăng và ngoài các sắc tộc thiểu số có phản ứng mạnh ở Tân Cương, Tây Tạng hay Tứ Xuyên từ năm 2008, thì người dân mọi nơi cũng vì bất kỳ vấn đề nào bày tỏ thái độ một cách dữ dội, mà càng bị đàn áp thì họ lại càng nổi loạn.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" và cho rằng động loạn ở Trung Quốc là mặt trái của hiện tượng này. Thế "Đồng thuận Bắc Kinh" là cái gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Số là năm 2004, một nhà báo Mỹ là Joshua Cooper Ramo nhanh nhẩu hệ thống hóa một chuỗi chính sách kinh tế của Trung Quốc thành một tập hợp có vẻ hợp lý rồi dán cho nhãn hiệu là "Đồng thuận Bắc Kinh". Tôi có đọc tập tài liệu này với sự thú vị vì có đầy giải thích khiên cưỡng. Nhưng dù sao thì tác phẩm cũng giúp tác giả trở thành nhân viên và Tổng thư ký của công ty vận động kinh doanh của Tiến sĩ Henry Kissinger gọi là Kissinger and Associates. Công ty vận động kinh doanh là loại "thầy cò", nói hoa mỹ là "du thuyết", là lobby, và ông Kissinger là tay du thuyết đắc lực cho việc kinh doanh tại Trung Quốc. Đó là một lẽ.
- Về nội dung "Đồng thuận Bắc Kinh", mà tác giả thêu dệt thành một thứ học thuyết của Trung Quốc về phát triển sau khi gom góp một số phát biểu của lãnh đạo Bắc Kinh, ông ta nhấn mạnh đến ba hướng sáng tạo của Trung Quốc là: Thứ nhất, nhảy vọt vào công nghệ hiện đại để thâu ngắn thời gian chứ không tiến treo cấu trúc cổ điển dựa trên công nghệ lỗi thời, thí dụ như dùng cáp quang, sợi quang học, chứ khỏi cần kéo dây đồng. Thứ hai, không chú trọng đến loại chỉ dấu tổng hợp như đà tăng trưởng lợi tức một đầu người mà cố phát triển phẩm chất của cuộc sống, nôm na là chú ý đến phẩm hơn lượng. Thứ ba là phải phát huy sức tự chủ để tranh hùng với thiên hạ và không cho ai lấn lướt mình.
- Bản thân tôi thì chẳng nhận ra chiến lược phát triển của Trung Quốc như vậy mà chỉ thấy là cả ba quan niệm chủ đạo ấy không thể hiện trong thực tế. Thứ nhất, Trung Quốc chỉ học lóm và đang chất kim loại đồng thành núi chứ nào có nhảy vọt vào công nghệ tiên tiến đâu. Thứ hai, Kế hoạch Năm năm thứ 12 vừa ban hành tháng 10 năm ngoái đã chuyển từ lượng sang phẩm vì chiến lược cũ có quá nhiều bất toàn và gây ra động loạn xã hội! Thứ ba, khái niệm phát triển tự chủ là nguồn gốc của hành động bá quyền ngang ngược hiện nay và sẽ gây vấn đề cho xứ này.
Vũ Hoàng: Xin hỏi ông ngay một câu, ngày xưa, người ta nói đến "Đồng thuận Washington" như một mô thức phát triển các nước nghèo, nó có khác gì "Đồng thuận Bắc Kinh" không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay và câu chuyện này hơi dài nên tôi xin cố gắng tóm lược.
- Hơn 20 năm trước, khi các nền kinh tế thuộc loại đang phát triển bị vỡ nợ và khủng hoảng thì hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới phải nhảy vào cấp cứu. Các kinh tế gia thời ấy mới chủ trương một số biện pháp áp dụng khá khắc nghiệt để xây dựng nền móng phát triển bền vững. Vì hai tổ chức đó có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, từ năm 1989 người ta mới dùng chữ "Đồng thuận Washington". Sau này, khi ông Ramo dùng chữ "Đồng thuận Bắc Kinh" chính là trong tinh thần phản biện đầy hấp dẫn về quảng cáo.
- Nói cho ngắn gọn thì khái niệm "Đồng thuận Washington" đề cao kỷ luật chi thu ngân sách, tự do về ngoại hối và thương mại, phát triển tư doanh, xây dựng pháp quyền nhà nước dựa trên quy tắc dân chủ, v.v... Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một học giả Mỹ lạc quan nói đến "sự cáo chung của lịch sử" là khi kinh tế thị trường và chính trị dân chủ trở thành chân lý hoàn vũ mà xứ nào cũng sẽ noi theo. Sự lạc quan dẫn tới việc phổ biến quy tắc "Đồng thuận Washington" và chi phối đối sách quốc tế của Hoa Kỳ và các nước Tây phương. Đó là đề cao và yểm trợ các nước nghèo cùng cải tổ theo kinh tế thị trường, quan tâm đến môi sinh và lao động, giải trừ nạn tham nhũng, xây dựng xã hội dân sự và nhất là phát huy dân chủ và nhân quyền, v.v... Họ viện trợ các nước cũng theo các tiêu chuẩn nói trên.
Vũ Hoàng: Nhưng mà nhìn như vậy thì hình như ta có thể thấy ra sự đối nghịch mặc nhiên hoặc ngấm ngầm giữa "Đồng thuận Washington" với "Đồng thuận Bắc Kinh", có phải vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, vì trong khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh lại chủ trương trái ngược về đối ngoại. Họ đầu tư và viện trợ rất nhiều cho các nước nghèo để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và thế liên kết về an ninh, nhưng lại theo hướng khác. Thứ nhất là không xen lấn vào nội bộ hoặc nêu điều kiện về nhân quyền hay tham nhũng của các quốc gia thọ nhận. Thứ hai, tranh thủ hậu thuẫn của các xứ này về ngoại giao và an ninh chiến lược. Và thứ ba là phát huy tình liên đới giữa các nước đang phát triển với nhau thành một lực đối trọng với các nước công nghiệp hoá Tây phương.
- Điều ly kỳ ở đây là vì tự xưng là một nước đang phát triển, Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới viện trợ tổng cộng hơn 49 tỷ 600 triệu đô la tính đến ngày 13 Tháng Sáu vừa qua và thực hiện nhiều dự án gây lãng phí. Nhưng song song, Bắc Kinh có trong tay khối dự trữ ngoại tệ là 3.000 tỷ đô la để đòi có tiếng nói mạnh hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà lại thực tế tung tiền cạnh tranh với hai định chế này để gây thế lực trong các nước nghèo theo hướng trái ngược. Đó là dung dưỡng ách độc tài và tham nhũng, hủy hoại môi sinh của thiên hạ, và lại còn ngấm ngầm mở ra trận tuyến chống các nước dân chủ công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật.
Vũ Hoàng: Nhưng nếu như vậy thì phải chăng là các nước đang phát triển được đặt trước một sự chọn lựa là Tây phương hay Trung Quốc không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả thật là như thế, vụ khủng hoảng 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009 lẫn những khó khăn tràn ngập của khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật khiến cho khái niệm gọi là "Đồng thuận Washington" coi như bị phá sản. Người ta phê phán những yêu cầu cải cách của Quỹ Tiền tệ IMF và đòi hỏi minh bạch hoá của Ngân hàng Thế giới là phiền phức và lỗi thời, trong khi thấy là lề lối quản lý kinh tế thị trường bằng chính quyền độc tài theo kiểu Bắc Kinh lại có vẻ hữu hiệu hơn! Hậu quả thực tế thì đa số các nước đang phát triển tại Phi châu hay Mỹ châu La tinh ngày nay, nhất là các nước độc tài và tham nhũng, lại tin tưởng Trung Quốc và con đường "Đồng thuận Bắc Kinh" hơn là tin vào Hoa Kỳ cùng giải pháp "Đồng thuận Washington"!
- Riêng từ giác độ kinh tế chính trị học, tôi thiển nghĩ rằng mối nguy của Trung Quốc không xuất phát từ sức mạnh quân sự dù sao vẫn chỉ có trình độ hàng mã nếu thật sự đụng độ với các đại cường hải dương như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Mối nguy của Trung Quốc xuất phát từ tinh thần, từ chủ trương gieo rắc thói quen hung đồ bá đạo trên toàn cầu để cùng các chế độ độc tài tham nhũng xây vòng đai đối nghịch với các nước tự do và dân chủ. Đấy mới là trận đánh chiến lược!
Vũ Hoàng: Trở lại vụ "Đồng thuận Bắc Kinh" và nội loạn Trung Quốc, người ta thấy là giải pháp phát triển kinh tế thị trường bằng chế độ độc tài theo kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước vẫn gây ra bất công và bạo động chứ có gì là hài hòa đâu"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hiển nhiên là như vậy thưa ông. Những từ ngữ như "tổng hợp quốc lực", "xã hội hài hòa" hay "quật khởi hòa bình" đều là ngôn từ hoa mỹ của Trung Quốc cho cái thuật trong bá ngoài vương của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ cứ nói chữ vương đạo văn minh nhân nghĩa mà thực chất thì toàn dùng trò bá đạo với người dân bên trong và với cả thế giới chung quanh.
- Ngày nay, chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới thực tế là gây bất công và bất mãn nên động loạn đang xảy ra, trong khi tai họa về môi sinh thì đã cận kề và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Bây giờ, việc chế độ phải dàn trận với dân chúng là mặt nổi khó che giấu. Chính là những khó khăn ấy mới khiến họ quậy sóng Đông hải để khích động chủ nghĩa Đại Hán như một thứ nha phiến cho thần dân lầm than bên trong. Nghĩa là ta thấy ra một lúc hai mặt của một đồng tiền và cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là trò quảng cáo giả trá mà thôi!
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong hoàn cảnh đó, Việt Nam có những chọn lựa gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi đoán là ông muốn hỏi rằng lãnh đạo Hà Nội có những chọn lựa gì, chứ người dân không có quyền chọn lựa, trừ một việc là đi biểu tình và có khi lại bị đàn áp về tội yêu nước! Lãnh đạo hai bên đều có vẻ khai thác chủ nghĩa dân tộc cho ý đồ riêng chứ đều không chấp nhận dân chủ và nhân quyền bên trong thì làm sao người dân được quyền chọn lựa"
- Còn nếu lạc quan cho rằng lãnh đạo Việt Nam muốn thoát ra khỏi "trật tự Trung Quốc", tức là quỹ đạo áp chế của Bắc Kinh, thì họ nên từ bỏ lề lối quản lý kinh tế kiểu "Đồng thuận Bắc Kinh" vì những nhược điểm đã mười mươi của lề lối này, như bất công xã hội, sự thống trị đầy lãng phí của các tập đoàn kinh tế nhà nước, là nạn tham nhũng được định chế hoá trong một môi trường sinh sống đầy ô nhiễm. Một cách cụ thể về đối ngoại, Việt Nam khỏi cần rút súng ra hăm dọa ai mà chỉ cần chứng tỏ là mình không ngả theo giải pháp của Bắc Kinh với người dân của mình. Cụ thể là thực tâm phát huy dân chủ để xây dựng kinh tế thị trường đích thực cho dân được hưởng.
- Các nước trong khu vực đều không muốn có xung đột võ trang ngoài Đông hải và đang thẩm xét thực tâm của Việt Nam là có muốn độc lập với Trung Quốc không, hay chỉ là một đồng chí đồng hành đã có những thoả thuận ngầm với Bắc Kinh. Một cách bày tỏ thực tâm trước tiên chính là từ bỏ thói quản lý hung đồ được mạ vàng thành "Đồng thuận Bắc Kinh". Nếu giải phóng người dân khỏi chế độ quản lý ác độc ấy thì Việt Nam huy động được sức mạnh của dân tộc và dễ liên kết với các quốc gia dân chủ trong trường kỳ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ chẳng ai muốn giúp một chế độ độc tài bất tín chống một cường quốc độc tài bá quyền. Nhìn về dài thì đó là sự chọn lựa giữa "Đồng thuận Bắc Kinh" và "đồng thuận toàn dân", nó khác nhau rất xa!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này.
- Từ khóa :
- Nguyễn Xuân Nghĩa
- ,
- Vũ Hoàng
- ,
- RFA
Gửi ý kiến của bạn