Sông Tây Nguyên Sạt Lở
Bạn,
Theo báo Sài Gòn,trong những năm qua, tại vùng Tây Nguyên, những cánh rừng phòng hộ bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc cũng đã làm cạn khô nguồn nước của những dòng sông Tây Nguyên, và thêm vào nạn khai thác cát đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông. Các chuyên báo động rằng nếu không có biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý, sẽ có những dòng sông Tây Nguyên "qua đời" trong nay mai. Báo SGGP ghi nhận thực trạng này qua bản tin như sau.
Dòng sông Sê-rê-pốc được hình thành từ sông Krông Ana - sông mẹ (bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Sin, Đắc Lắc) và sông Krông Nô - sông cha (bắt nguồn từ đỉnh núi Nam Nung, Đắc Nông). Không chỉ Sê-rê-pốc, cả dòng sông cha và dòng sông mẹ cũng đang sạt lở vì nạn khai thác cát. Chủ tịch xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, Đắc Nông) tên là Chu Văn Khoa, cho biết: "10 năm qua, dòng sông Krông Nô bị khai thác cát nghiêm trọng. Bờ sông sạt lở, ruộng nương người dân bên bờ sông bị "nuốt".
Tính đến đầu năm 2011, hơn 150 hécta đất của người dân dọc bờ sông bị sạt lở". Mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến 17 giờ, khoảng 50 tàu hút cát từ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắc Lắc) ngang nhiên qua bờ sông lấy cát. "Xã đã báo cáo huyện và nhiều lần thực hiện các biện pháp hạn chế việc khai thác cát gần bờ sông nhưng gặp rất nhiều khó khăn do sông Krông Nô hiện đang là ranh giới hành chính của xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô) và huyện Krông Ana" , ông Khoa cho biết như thế.
Bao đời qua, sông Sê-rê-pốc, sông Sê San và sông Ba là nguồn sống văn hóa, tinh thần và vật chất của con người Tây Nguyên. Nhưng giờ đây, chúng đang chết dần, chết mòn vì chính sự can thiệp thô bạo của con người.Rời xã Buôn Chóa trên con phà qua sông Krông Nô, phóng viên cập bến khai thác cát thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana). Hàng chục chiếc xe ben thi nhau vào bến chở cát làm con đường đất hơn 2km của thôn bụi bay mù mịt. Ngay gần bến, các hợp tác xã khai thác cát còn cho người đào thêm một đoạn mương dài hơn 100m để các tàu hút cát trú ngụ và khai thác.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, những đoạn bờ sông gần đó cũng đang sạt lở, đất màu trồng rau của người dân đang bị trôi dần. Xuôi theo tỉnh lộ 2 Đắc Lắc, phóng viên tìm về một "điểm đen" khai thác cát trên dòng sông Krông Ana. Ngay dưới chân cầu Giang Sơn (nằm trên quốc lộ 27, nơi ngăn cách giữa huyện Cư Kuin và huyện Krông Bông) có khoảng 20 chiếc tàu hút cát thản nhiên khai thác cát làm bờ sông sạt lở.