Hôm nay,  

Chuyện Trong Nhà Ngoài Ngõ: Căn Nhà Sàn Màu Xanh...

02/04/201100:00:00(Xem: 16597)
Chuyện Trong Nhà Ngoài Ngõ: Căn Nhà Sàn Màu Xanh...
Trương Ngọc Bảo Xuân
Ờ Ờ. Phải ráng học chớ. Ráng cho có cái bằng Trung Học rồi đi làm, đỡ cho ba má.
Thấy ba càng ngày càng ròm. Má thì, tối ngày có ở không đâu" Nghĩ lại người đàn bà ở VN hồi trước cực quá hà.
Mỗi buổi sáng thức sớm lo buổi ăn sáng cho gia đình. Chồng đi làm, con thì, đứa nào học buổi sáng thì đi rồi, đứa nào học buổi chiều thì ở nhà giữ em, má xách giỏ đi chợ.
Về, làm đồ ăn xong để đó. Giặt một thau quần áo bự tổ chảng. Phơi quần áo xong là bắt đầu nấu cơm.
Cơm trưa cũng phải đủ ba món xào canh mặn. Nghe tiếng còi hụ 12 giờ trưa, tiếng hát cải lương trong radio vang vang là phải cho xong bữa ăn.
Trưa chồng con tụ về ăn cơm. Xong rồi rửa đống chén.
Chồng đi làm, con thì, đứa đi học buổi chiều, thì sửa soạn đi, đứa học buổi sáng về thì tiếp coi em út.
Có khi má nằm võng nghỉ được chút xíu.
Xế xế, lại nấu bữa ăn chiều, cũng canh mặn xào.
Sáng hôm sau cũng bổn cũ soạn lại.
Má làm gần như hết công chuyện nhà vì muốn mấy đứa con rảnh rang lo học bài làm bài.
Chị hai tui học trường Trưng Vương. Năm nào chị học buổi chiều thì sáng chị giặt quần áo phụ má. Còn tui" Năm nào cũng xin học buổi chiều vì đâu thích thức sớm. Có lẽ vì thói quen từ hồi nhỏ khoái thức khuya, dậy sớm gì nổi.
Nhưng buổi sáng của tui, nếu giúp má thì giúp vụ đi chợ thôi, quần áo chớ bao giờ đụng tới.
Nhớ hồi còn ở nhà sàn trên sông Thị Nghè, tui thường đi chợ Thị Nghè, cách nhà chừng… xa lắm.
Khi cây cầu Phan Thanh Giản đang xây, đoạn đường đằng trước nhà mình còn đang rải đá đổ đất sửa soạn cho lớp nhựa trên cùng làm thành con đường xa lộ đầu tiên nối liền từ Sài Gòn đi Thủ Ðức.
Quanh vùng nầy, những đứa con nít phá làng phá xóm như chị em tui, mà tui đứng đầu nghe, nhỏ em Ngọc Anh học buổi sáng, có cây đèn pin ba cho để rọi khi phải đi, bước trên con đường đất, sợ rắn, rọi rắn. Tụi tui dùng cây đèn pin đó để tối tối tụ năm tụ ba, rình.
Rình những cặp tình nhân đang "chụp ếch" có cặp có cặp trong bóng tối hay trong lòng mấy ống cống khổng lồ đó, họ còn để trên mặt lộ. Ðám con nít quỷ khoái rình rình, đặng rọi đèn pin ngay vô người ta, phá đám!
Rọi xong một cái, thật ra có thấy gì rõ ràng đâu vì phải chạy chớ.
Tuổi nhỏ ác thiệt. Phá phách cái kiểu khiến người ta muốn kêu lính bắt!
Khi cây cầu xây xong người ta bắt đầu chạy thẳng một mạch từ Sài Gòn ra Thủ Ðức hay xa hơn nữa bằng đường xa lộ nầy.
Ðang sống ở gần chợ Bến Thành gia đình dọn về gần cây cầu nổi danh ấy vì muốn hưởng không khí mát mẻ của vùng sông nước.
Căn nhà ba má mua chỉ là căn nhà lợp lá, vách ván, sàn gổ, cất theo kiểu nhà sàn trên sông.
Ba mướn người nối thêm một căn cho rộng chỗ ở.
Tui chứng kiến từ lúc dộng cây đà đầu tiên cho tới lúc hoàn thành.
Thiệt là ngộ. Dòm hai người đàn ông lực lưỡng dùng cây chày dộng lên cây đà cho lút xuống bùn, sâu dưới đáy sông.
Dựng đà xong là tới lót sàn. Những miếng ván được chọn lọc thiệt ngay thẳng bào láng bóng đóng sát khít khao. Khi tới phần dựng vách, ba có tánh mỹ thuật đã vẽ và tự tay làm một cái cửa sổ hình tròn. Trong lòng hình tròn là những khúc cây nhỏ ghép lại với nhau tạo thành hình hoa lá rất dễ thương, rất đẹp.
Cửa đó nhìn thẳng ra hướng xa lộ.
Căn chánh ngăn hai phòng. Phòng trước là phòng khách có bàn thờ ông bà với cái bàn ăn. Phòng sau để giường ngủ của ba má với em bé mới sanh. Gian mới cất, một góc để chứa đồ đạc nầy nọ, có mấy cái giỏ cần xé, phần còn lại để lùa hết đám con, từ chế hai với tui, ba đứa em gái, thằng em trai, tối giăng mùng ngủ.
Nhà có cái sàn nước hai từng. Từng dưới để khi nước ròng còn xuống mà vói múc nước. Lúc nước lớn ngập từng dưới thì xài từng trên.
Nhiều khi nước ngập luôn từng trên, lúc đó chị em tui cứ việc đứng trên sàn bếp mà kéo nước, khỏe re.
Trước nhà có cái hàng ba, chỗ chị em tui tụ họp chơi. Có cái lan can để ngồi. Khoái nhứt là những ngày mưa ngồi đó canh để chọc thiên hạ.
Ðường bùn trơn, mấy cô nữ sinh bận áo dài trắng đi học về ưa bị trợt té cái ạch là mấy chị em tui cười hả hả hả chọc quê con người ta.
Trước nhà có cái ao nuôi cá bự lắm của một nhân vật, chị em tui đặt tên là Ông Bần.
Ổng giàu lắm. Chủ ruộng, chủ hãng làm đường mía, chủ trại nuôi bò, chủ hầm nuôi cá và nghe đâu chủ luôn vườn dâu nuôi tằm nữa.
Nhưng, giàu như vậy mà ông nổi tiếng quá sức hà tiện. Nhiều khi thấy ổng chèo xuồng ba lá, nhảy xuống cái ùm, xắn từng cục đất bùn đen chất đầy xuồng đi đắp sân mướn cho ngườI ta.
Ngày nầy qua ngày khác, nắng mưa gì cũng thấy ổng diện y bộ đồ bà ba đen, tay áo săn lên, ống quần cuộn lên tới háng. Làn da ông mốc thích, đen thui thùi lùi. Có người lại nói là ông lai Miên.
Hồi đó tụi tui kêu ngạo ông ta là "đồ giàu mà bần tiện", bây giờ đầu hai thứ tóc tui thấy hối hận lắm.
Ông là mẫu người hà tiện và ham làm việc. Ông cũng là hạng người một khi phải ngưng làm việc là sửa soạn đi tìm ông sáu tấm.*
Nóc nhà lợp lá. Ba tui sơn căn nhà màu xanh da trời. Nổi chưa!.
Màu xanh mát con mắt. Màu xanh dịu nổi bật giữa một làng xóm toàn màu nâu của lá và vách.
Tui thương căn nhà nầy vô cùng. Ở đó có biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Tết đó, năm 1962, ba dẫn mấy chị em đi chợ Tết chiều ba mươi, bông họ bán rẻ rề. Mua biết bao nhiêu là bông vạn thọ. Ðem về ba trồng trước cửa nhà, trồng lan luôn qua hai bên hàng xóm, nói, cho vui, cho nhà cửa tươi tắn, vui luôn hàng xóm.
Màu bông vạn thọ vàng cam rực rỡ làm ngạc nhiên lối xóm. Mùng một Tết được nghe câu khen "Trời ơi thầy Ba tánh thảo quá" (ba thứ ba, tại vì làm công chức nên người ta quen miệng kêu là thầy "thầy chú" ý mà).
Tết có đủ thứ mứt, dưa hấu, nước ngọt… nhưng tụi tui chỉ thích xướt mía, uống nước dừa tươi, ngốn khoai lang viên ngọc (loại khoai vỏ màu đỏ, trong trắng tinh ruột ửng ửng màu hồng, ngọt thiệt là ngọt).
Những loại đồ ăn vặt nầy người ta chèo xuồng bán.
Mỗi lần kêu xuồng ghé vô là má mua một lần cả chục quày dừa, cả buồng chuối, cả chục mía vàng mía đỏ và cả giỏ cần xé khoai.

Gió sông mát mẻ nên chị em tui khỏe mạnh, đang sức ăn sức lớn. Càng ăn càng lớn. Ăn nhiều chơi cũng nhiều (bởi vậy mới có sức đặng oánh lộn!).
Hồi mới dọn tới tui khoái nhảy ùm xuống sông tập lội, lội chưa được thì tập lặn. Lặn đây có nghĩa là ôm cây đà nín thở tuột lần xuống nước rồi ôm cây đà từ từ trồi lên chớ sức mấy mà dám buông tay. Lội thì từ cây đà nầy lủm chủm nhào qua cây đà kia như con chó lội sông chớ đâu mà dám lội khơi khơi.
Tại lúc nào cũng có chỗ tựa, bởi vậy, rốt cuộc rồi cũng khỏi biết lội!
Dòng sông Thị Nghè chảy thiệt lạ. Khi thì đầy nước. Nước ở đâu mà nhiều quá" Mới vừa cạn tới đáy sông, con sông chỉ còn có một dòng nước nhỏ như giòng suối Lồ Ồ ở Thủ Ðức vào mùa khô, như đường mương chảy, vậy mà, vài phút sau đã tràn đầy sông. Má tui kêu là nước lớn. Rồi bỗng chốc, chỉ buổi sáng và buổi chiều là nước rút đâu mất hết, lộ ra hàng hà sa số cột nhà mà người ta kêu là cây đà.
Lúc đó là lúc tụi tui có nhiệm vụ xuống bùn đáy sông mò kiếm những vật trong nhà lọt qua kẽ hở của sàn.
Loại ván lót sàn sao mà lạ" Rõ ràng khi lót tui đứng coi, vừa đóng vừa dộng cho sát khít rịt với nhau, một thời gian sau, ván khô rút lại làm lộ ra những cái kẽ là nơi chị em tui hay làm rớt những vật vặt vãnh.
Mặc dầu má tui có nói dưới đáy sông làm gì có trùn, tui sợ con trùn đất tàn canh gió lạnh, sợ cái cảm giác nhột nhạt khi chân lún xuống lớp bùn trơn nhớt nhợt gớm muốn chết nên tui nạnh chị tui làm vụ nầy.
Nói tới chị tui, lúc đó "nàng" khoảng 16, đang là nữ sinh trường trung học công lập Trưng Vương, có lần "nàng" bận bộ bà ba trắng điệu hạnh õng ẹo đi qua cầu ván, miếng ván mục, gãy, bả lọt xuống sông một cái Chủm!!! Bả hết hồn hết vía hai cánh tay quơ lia lịa lội lủm bủm dưới nước, quên điệu.
Tụi tui bên bờ bên nầy cười chọc quê hi hí hí…
Nhiều lần gặp rắn nước. Từ bên nầy nó lội qua bên kia chơi. Chỉ thấy cái đầu nó ngóc lên, mính dài thòong chìm dưới nuớc chỉ thấy dạng mặt nước rẽ ra, ghê muốn chết!.
Vì sợ rắn mà về sau tui ít dám xuống sông.
Ðầu đường có trại bán cây, ván, lá, là toàn bộ để người ta mua cất nhà. Từ trại cây tới nhà tui cách cỡ sáu bảy căn.
Hai bên hàng xóm và nhà tui đều có nuôi cả bầy vịt xiêm. Loại vịt nầy rất khôn. Một mẹ và bầy vịt con. Mọi bữa sáng bầy vịt nhà nào ra trước thì chút chít kéo nhau qua đứng trước cửa nhà kế bên rồi ríu rít kêu bầy vịt kia ra, rồi ba bầy vịt của ba nhà cùng xàng xê lăng quăng lạch bạch ùa xuống cái ao trước nhà, ao của Ông Bần, lội bì bõm, đùa giỡn rỉa cá rỉa gì gì đó… Ăn chơi đã đời rồi lên phơi nắng.
Chiều xuống, cả ba bầy vịt cùng đi lên rồi tẽ ra bầy của nhà nào về đúng nhà đó, không lộn một con, không sót một trự.
Khôn ơi là khôn.
Mỗi lần đi học phải qua cái cầu Phan Thanh Giản để lên trường Văn Hiến trên Tân Ðịnh, tui hổng thèm xài cầu mà khoái qua đò. Bận áo dài trắng, tay dắt xe đạp bước xuống chiếc xuồng. Xuồng qua sông chồng chành mà tui đứng sừng sững tỉnh bơ. Bây giờ nghĩ lại, sao hay vậy"
Có khi đông bạn hàng, phải dựng xe vén tà áo ngồi lên miếng ván dài theo lườn xuồng, thả bàn tay xuống rẽ nuớc chơi.
Dòng sông mát lạnh, xuồng lắc lư, vui vui.
Học buổi chiều, buổi sáng tui có phận sự đi chợ.
Trời trong sáng. Gió mát mẻ. Ði trên con đường đất nhỏ quanh co ngoằn ngoèo, hình ảnh khó quên. Tui còn nhớ có căn nhà đó, một dàn hoa trổ đầy bông màu vàng tươi trước sân. Ði ngang lúc nào cũng chậm lại ngắm. Có bãi dâu nuôi tằm (hình như của ông Bần) Có đám con gái hái lá dâu, bàn tay thoăn thoắt lẹ làng lướt trên lá. Bãi dâu nằm bên tay trái, bên tay mặt là vách tường của hãng làm đường mía cũng của ông Bần. Trời Phật ơi, giàu gì mà giàu mình ên, hổng cho ai giàu tiếp" Dưới chân tường mọc lên mấy bụi dâm bụt. Loại nầy hình như trổ bông mỗi ngày hay sao đó" Lá cây màu xanh đậm, bông màu đỏ tươi rực rỡ.
Tui thích nhìn lắm. Chỉ nhìn nhìn thôi, đâu có hái.
Chợ Thị Nghè cách nhà xa lắm. Bận đi nhởn nhơ ngắm trời, ngắm đường, ngắm nhà, ngắm cảnh, ngắm người, lẩn quẩn trong chợ gần cả tiếng, bận về xách giỏ nặng kéo dài hơn, gần một tiếng. Gần hết cả buổi sáng.
Cũng may phận sự đi chợ rồi thôi, về nhà má đón cái giỏ bữa nào cũng rầy sao mà đi lâu lắc quá vậy con rồi má làm buổi ăn trưa.
Chị tui giặt quần áo. Mấy đứa nhỏ chỉ biết ăn rồi chơi.
Nhà ngó ngang, xéo xéo trại nuôi gà Thanh Tâm. Trại nầy có cô con gái đẹp lắm. Da trắng tươi, miệng cười hàm răng sáng bóng, đôi mắt to long lanh, bận áo dài trắng tà áo bay phất phới bung bung bị kẹp trên cái cặp ghế sau, mái tóc dài bay theo gió. Chạy xe Velo Solex đi học ngang nhà tui mỗi ngày.
Lúc đó tui chỉ ước gì có chiếc Velo và đẹp như cô gái trại gà!!!
Nhớ lễ Quốc Khánh năm đó còn trào Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tối đó mấy chị em ra ngồi lắc lẻo trên mấy cây đà de ra mặt sông, chân thòng xuống nước quậy quậy, coi đốt pháo bông. Pháo nổ bừng sáng trời đen, coi rõ y như đi coi hát cải lương ngồi ghế thượng hạng. Vui thiệt là vui.
Gió thổi nước sông gờn gợn, ghe xuồng chèo ngang bán thức ăn vặt chị em tui kêu xuồng ghé vô ghé vô…

Những ngày vui qua mau…
Mùa lạnh nhà hay bị gió luồn. Các em nhỏ hay bị bịnh cảm, nhứt là nhỏ em tên Hoàng Thư, lúc đó mới sanh được tháng, ngẹt mũi liên miên.
Rồi tai nạn xảy tới
Thằng em duy nhứt, Tấn Long, vướng chứng sốt tê liệt, chứng bịnh chưa có thuốc chữa. Về sau giới y học chế ra được thuốc ngừa thì đã trễ rồi. Chạy chữa thầy Tây thầy Ta, không hết bịnh, buồn phiền, ba má tui không còn thiết ở nhà nầy nữa.

Căn Nhà Sàn Màu Xanh của ba tui cất cho rộng, có chỗ cho con cái ở nhưng chúng tôi sống ở đó chỉ được hai năm rồi dọn về cư xá Cộng Hòa nằm trên đường Võ Tánh.

Về sau, khi có chiếc xe Yamaha Dame tui với mấy đứa bạn cũng thường lên xa lộ chạy đua. Ngang qua nhà xưa lối cũ, chủ mới đã để cho màu xanh tàn tạ, không sơn phết không sửa sang làm cho tui buồn quá trời buồn.
Căn nhà sàn màu xanh, Ngôi Nhà Sàn Màu Xanh tuy nghèo nhưng xum họp gia đình cha mẹ đầy đủ, chị em gần gũi tuổi thơ vui sướng, còn sống mãi trong lòng tôi.
Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.