Hôm nay,  

Ngày Tết Và Bác Tôi

02/02/200800:00:00(Xem: 206691)

Tác giả: Nguyễn Văn Hưởng

Bài số 2212-2004-778vb7020208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008, đang phát hành khắp nơi)

*

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego, là tác giả đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải bán kết  2001 với bài viết "Hoa Ve Chai" và giải chung kết 2003, với bài "Giọt Nước Mắt," một bút ký về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu. Sau đây là bài viết mới của ông trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008.

*

Trước ngày đất nước bị chia đôi, bà con họ hàng thân tộc nhà tôi đều muốn trốn vào Nam tìm tự do. Nhưng vì hầu hết đều sống ở nông thôn, nên bên họ nội, ngoài gia đình bố mẹ tôi ra, chẳng một ai đi thoát. Còn bên họ ngoại, may mắn hơn đôi chút, có thêm được gia đình Bác Nguyễn Thị Diên, chị cả mẹ tôi. Ngày tôi còn bé, mỗi khi hỏi đến chuyện di cư, Bác tôi kể lại nghe thật dễ dàng:

- Hồi ấy Bác ở Hà Nội, nên mới xin được giấy tờ hợp pháp đi xuống Hải Phòng. Còn bố mẹ mày ở nhà quê, ai cấp giấy cho mà đi, nên muốn đi thì phải trốn. Ăn cái Tết Ất Mùi xong, sau khi đưa bác Trai cùng chị Hiền mày xuống Hải Phòng xong xuôi rồi, Bác mới lộn về quê đón mày với thằng Lộc, để bố mẹ mày không vướng bận con cái dễ trốn lánh hơn. Bác nhớ lúc tàu hỏa chạy đến ga Phạm Xá, giữa đường Hà Nội - Hải Phòng, đây là trạm xét cuối cùng khó khăn và gay nhất của công an Việt Minh Cộng Sản. Khi bọn họ hỏi đến hai anh em mày, Bác nhận là con của Bác, vậy là mọi chuyện êm xuôi và đi thoát được.

Đến khi chính tôi là người chủ động, toan tính, sắp xếp việc đưa cả gia đình tôi vượt biển sau ngày Cộng Sản chiếm trọn Miền Nam. Hồi tưởng lại mấy giờ phút ngắn ngủi ngồi bên cạnh Bác tôi, tôi mới giật mình nhận ra: Lúc đó, tôi và Lộc em tôi, hai đứa trẻ nhà quê, đứa lên 7, đứa mới 4 tuổi đầu, chưa một lần rời khỏi nhà, chưa từng sống xa cha mẹ quá nửa buổi. Ngồi một bên Bác, tôi nhớ mẹ vô chừng. Cả hai anh em tôi đều mau nước mắt, vậy mà không hiểu sao chẳng đứa nào khóc cả. Tôi rùng mình khi nghĩ đến việc, chẳng may tôi và Lộc khóc òa lên đòi mẹ, không biết Bác tôi sẽ trả lời sao với bọn Công An" Và cuộc đời của mọi người trong hai gia đình Bác và bố mẹ tôi rẽ vào khúc quanh nào" Nghĩ được vậy, tôi mới thấu rõ lòng Bác tôi đối với các em, các cháu.

Cũng như gần một triệu người phải bỏ mồ mả tổ tiên, nhà cửa, ruộng vườn... ra đi với hai bàn tay trắng. Ai cũng đều mong được sống yên vui trên mảnh đất mới. Nhưng Miền Nam cũng chỉ tồn tại được hơn 20 năm. Đến rạng sáng ngày 30-4-1975, trong kinh hoàng, Bác tôi chỉ kịp lôi được hai người con và cái tay nải quần áo, chạy theo đoàn người đang nhốn nháo, hoảng loạn ra bến Bạch Đằng, nhảy vội xuống một chiếc thuyền con sắp sửa rời bến, trước khi quân "Giải Phóng" tiến chiếm thủ đô Sàigòn.

Sang đến Mỹ, Bác tôi ở chung với các con cho đến ngày họ yên bề gia thất. Từ đó Bác "ra riêng", an phận sống một mình trong căn chung cư nhỏ, cách xa nhà con cái vài ba con đường, suốt gần hai mươi năm qua. Bác tôi vốn khéo tay, lại là dâu Hàng Đường Hà Nội, nên Bác nấu ăn và làm bánh trái rất khéo và ngon. Dù tuổi đã ngoài tám mươi, Bác tôi vẫn lấy việc bếp núc làm niềm vui. Mùng một, ngày rằm Bác hay nấu thức ăn chay đem lên chùa cúng Phật. Đôi khi Bác còn đem bỏ mối cho các cửa hàng thực phẩm. Kiếm thêm được đồng nào, Bác gởi về quê cho bà con, họ hàng, hay gởi đến hội đoàn này tổ chức nọ để giúp người nghèo khó. Đó chính là điều đã đem lại cho Bác tôi niềm vui và hạnh phúc. Sự làm việc không ngừng nghỉ, còn tạo cho Bác có một sức khỏe dẻo dai, nhất là luôn giữ được nét thanh thản, yêu đời. Người già sống tha hương thường hay nhớ về quá khứ, nuối tiếc những gì đã bỏ lại... Khiến cho cuộc sống nơi đất khách mất dần ý nghĩa, rồi đâm ra cô đơn, buồn tẻ. Với Bác tôi thì lại khác, Bác chấp nhận hết những gì đã chọn, vui với cái mình đang có, nên cuộc sống ngày một phong phú thêm, nhất là không gây phiền hà đến ai hay trở thành gánh nặng cho con cháu. 

Hồi còn bên Việt Nam, bố mẹ tôi sinh sống ở Mỹ Tho, Bác tôi ở Sài Gòn. Qua đây, gia đình tôi định cư ở San Diego, Bác tôi ở trên vùng Los Angeles. Sống cách nhau hơn hai giờ xe, nên thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp ghé thăm Bác. Riêng việc đưa cả gia đình lên chúc Tết Bác hàng năm, tôi vẫn xem đó như một thông lệ. Mấy năm gần đây, các con tôi đều đi học xa, còn vợ chồng tôi vẫn giữ việc chúc Tết này.

Để chuẩn bị đón Tết Canh Thìn, cái Tết khởi đầu của Thiên Niên Kỷ Thứ III, vợ chồng tôi làm một chuyến lên thăm Bác. Chúng tôi lên đến nơi, đúng ngay lúc Bác đang gói bánh chưng. Nhà tôi xà ngay vào vừa để Bác truyền nghề vừa tiếp tay với Bác. Còn tôi, ngồi nhìn Bác bận rộn luôn tay bên cạnh cái bàn bếp bày biện đủ mọi thứ: bó lá chuối non xanh, đặt bên nồi nếp trắng, cùng thau đậu vàng au... mà nghe Xuân len nhẹ vào lòng, rồi thả hồn theo mấy vần thơ:

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"

Hai câu thơ ngắn ngủi ấy, gói ghém gần trọn hương vị, hình ảnh trong mấy ngày Tết Nguyên Đán, của mỗi người dân Việt. Với riêng tôi, cứ gần đến Tết là hình ảnh những tháng năm đầu mới di cư vào Nam, lúc gia đình tôi còn sống ở xứ bưởi Biên Hòa lại hiện về.

Hồi ấy, cứ cúng đưa ông Táo xong, là tôi trông đứng trông ngồi, nôn nao chờ bố mẹ sai đi Sàigòn nhận quà bánh Bác tôi cho, mang về để cả nhà cùng ăn Tết. Tôi rất thích quà bánh Bác tôi làm, nhưng điều tôi mong đợi hơn chính là những đồng tiền mừng tuổi của Bác. Tiền Bác tôi lì xì, là món quà lớn nhất mà anh em tôi nhận được trong năm. Riêng phần tôi, không chỉ có thế, đến lúc đưa cháu ra bến xe đò về lại nhà, Bác tôi còn âu yếm nhét thêm,  nào tiền xích lô, tiền cho cháu ăn quà vặt dọc đường.

Sáng nay, trước lúc ra xe chạy lên thăm Bác, tôi nhắc điện thoại gọi thăm cô em họ sinh sống ở Riverside, nhân tiện hỏi em về việc Tết nhất:

- Năm nay vợ chồng em có đưa các cháu xuống nhà anh chị ăn Tết không"

- Dạ có chứ anh Hai. Không đưa thì làm sao yên với tụi nhỏ được!

- Thằng Tâm đâu" Cho anh nói chuyện với nó chút coi.

Tiếng gọi con ơi ới vang lên, rồi tiếng dạ nho nhỏ phát ra từ bên kia đầu dây. Tôi hỏi ngay:

- Tâm đó hả. Tết này con muốn Bác Hai lì xì cho con bao nhiêu"

Giọng Tâm, đứa bé trai mới lên bảy tuổi đầu rụt rè:

- Dạ con muốn 10 đồng… được không Bác Hai"

Tôi cười nhẹ rồi hứa:

- Được chứ, mà con có ngoan không" Đã biết chúc Tết Bác Hai chưa"

Tâm nhanh nhẩu đáp:

- Dạ ngoan Bác Hai… con biết chúc… chúc Bác Hai sống lâu trăm tuổi…

Tôi khen cháu:

- Con giỏi lắm. Đưa máy cho Bác nói chuyện với mẹ.

Tôi nghe rõ mồn một giọng Tâm líu lo khoe với mẹ về lời hứa của tôi. Tôi mừng vì cháu đã hiểu trọn vẹn lời tôi nói mà không cần phải dịch sang tiếng Anh. Trước khi gác máy, Thanh vừa cười vừa nhắc nhở tôi:

- Anh Hai còn nhớ chuyện Tết năm ngoái không" Lúc mở bao lì xì của anh chị ra, mặt thằng Tâm nhăn nhó chạy lại méc em: Bác Hai nói lì xì cho con 5 đồng mà chỉ đưa có một đồng thôi. Em phải đổi tờ giấy 5 đồng ra bạc nhỏ, nó mới chịu"

Tôi cũng phì cười theo:

- Em đừng lo, năm nay anh chị đã nhờ cô Nga làm ở nhà băng đổi toàn giấy 1 đồng mới cắt chỉ, mấy đứa nhỏ sẽ mặc sức mà đếm.

Tôi cảm thấy như mình đã trao lại cho con cháu được phần nào cái hương vị Tết của tuổi thơ mà Bác tôi đã ban cho tôi. Tôi cũng sắp nhìn lại được hình ảnh của chính tôi ngày nào, qua từng diễn biến trên nét mặt các con cháu tôi, lúc đứng khoanh tay nghiêm trang trước mặt ông bà chú bác. Tôi yêu từng nét nhỏ một, từ cái nhíu mày lúc đưa tay lên gãi đầu, để cố nhớ lời bố mẹ dạy chúc Tết, hay cái liếc mắt cầu cứu người lớn mỗi khi quên. Sau giây phút bẽn lẽn, ngượng ngùng, cố gắng trả dứt nợ bài học chúc Tết, đứa nào cũng hớn hở tươi cười cúi đầu thật thấp, nhận phong bao lì xì xong là cất tiếng cười vang. Cả đám chạy nhảy tung tăng độ một lúc, rồi ngồi phệt xuống thảm, đếm đi đếm lại từng đồng tiền trong phong bao lì xì dầy cộm. Đứa nhiều, đứa ít, mặc tình khoe khoang so bì hơn kém với nhau… 

*

Quay về thực tại, tôi thấy lòng mình xót xa khi nhìn mái tóc Bác giờ đã bạc phơ, còn cái lưng Bác cũng bắt đầu còng xuống. Nhưng khi nhìn Bác bước đi vững vàng và đôi tay thoăn thoắt làm hết việc này đến việc nọ, khiến nỗi buồn chợt đến cũng chợt tan. Gói hết mẻ bánh, Bác nhẩm tính chia phần cho từng người, rồi Bác mới vào bên trong thay bộ áo cánh nâu, đến bên bàn thờ đốt hương cúng Phật, vái lạy tổ tiên ông bà. Xong xuôi, Bác mới thong thả kéo ghế ngồi chuyện trò cùng con cháu.

Năm nào cũng vậy, Bác thường ôn lại vài kỷ niệm vui buồn của mấy ngày Tết đã qua trong cuộc đời Bác. Mọi chuyện Bác kể, tôi nghe đã năm lần, bảy lượt. Vậy mà tôi vẫn luôn muốn nghe lại mấy điệp khúc ấy. Cho đến bây giờ, bố mẹ tôi đã già, tám anh em tôi có người đã là ông bà nội ngoại. Vậy mà, Tết năm nào Bác cũng tự tay làm bánh cho từng gia đình nhỏ một. Mỗi phần Bác cho đều có một cặp bánh chưng, bánh cốm, bánh su sê. Ngày xưa lúc chúng tôi còn nghèo khó, Bác cho em, cho cháu cái ngon, cái ngọt của tấm bánh. Ngày nay, Bác biết, bánh trái bán đầy ngoài chợ, em cháu của Bác muốn mua bao nhiêu cũng được. Nhưng Bác cho đây là cho cái tình, cái nghĩa. Nhìn những chồng bánh, nhìn nét chữ Bác nắn nót viết cẩn thận, tên từng gia đình riêng của mỗi đứa con, đứa cháu dán bên ngoài, tôi không biết Bác tôi đã gói bao nhiêu công sức và tình thương của Bác vào trong ấy"

Trước lúc chào Bác ra về, Bác còn rút đưa cho tôi xem một mảnh giấy nhỏ, để trong chiếc phong bì trắng, Bác ghi sẵn tên từng cậu em, từng đứa cháu hiện sống ở Việt Nam, rồi thêm một gói tiền và cả cái bao lì xì mà tôi mới biếu. Bác tôi căn dặn:

- Con gởi tiền Bác lì xì về cho các cậu, các cháu bên nhà, theo như danh sách Bác ghi sẵn trong mảnh giấy này. Còn lại bao nhiêu, con dâng cúng hết vào đình chùa làng mình cho Bác.

*

Rời nhà Bác, vợ chồng tôi ghé vào Little Saigon, trước khi trở về San Diego. Tôi thường ví von nơi tôi ở là Mỹ Tho. Vì từ đó lên Little Saigon, mất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ xe, bằng thời gian từ Mỹ Tho lên tới "Thủ Đô". Còn một người bạn tôi lại ví, San Diego là Sa Đéc, bởi có hai chữ "S Đ" trong đó, và cũng vì khoảng cách hai nơi tương đương nhau, đều ngoài 160 cây số. Tôi yêu cả hai chữ ví von gói trọn tình quê trong đó.

"Thủ phủ" người Việt Tỵ nạn mấy ngày cận Tết tràn ngập không khí đón Xuân. Ngoài đường người đi bộ, kẻ chạy xe như trẩy hội, bên trong chợ chật ních người là người. Đặc biệt năm nay các loại hoa đủ loại đua nhau khoe sắc: Màu vàng rực dưới ánh nắng của những chậu hoa Cúc, hoa Mai đặt cạnh mấy nhánh màu hồng nhạt, hồng thắm của các loại hoa Đào. Đặc biệt hơn còn thêm các loài hoa Lan sang cả, đủ mọi sắc màu thắm tươi… Hoa bày từ bên trong chợ cho đến đến vỉa hè, có người còn đứng bán ngay trên các lề đường, góc phố, bãi đậu xe… Khiến lòng tôi rộn lên nỗi niềm chờ đón Xuân về.

Cũng như mọi lần đến Little Saigon. Vợ chồng tôi hay ghé vào quán nước mía Viễn Tây, để được nhìn chiếc xích lô đạp chưng trước cửa hiệu, uống ly nước mía cho mát lòng và đỡ nhớ quê hương. Rồi lang thang trong thương xá Phước Lộc Thọ, ngắm thiên hạ từ khắp nơi trên thế giới tụ về du Xuân. Với tôi, thương xá "Phước Lộc Thọ" chính là chợ Bến Thành, dù từ trong ra ngoài, từ hình thức đến nội dung chẳng có chút gì giống nhau cả. Tôi chỉ cảm nhận như vậy, chớ nếu ai bảo giải thích, tôi cũng chẳng biết tại sao!

Tôi còn nhận ra những lần ghé lại Little Saigon, đã tạo cho tôi vài thói quen bất di bất dịch. Nào là ghé hiệu sách mua ít sách báo, vào tiệm băng đĩa nhạc mua vài thứ mới ra lò. Tôi cũng không quên lo cho cái bao tử và "to go" vài thứ bánh ngọt cùng đủ các loại chè, để nhâm nhi trên đường về "Mỹ Tho" trước khi tạm biệt Little Saigon. Tất cả những thứ ấy ở "Mỹ Tho" hay "Sa Đéc" của tôi đều không thiếu món chi, nhưng được thưởng thức các món quà của "thủ đô", tôi vẫn thấy thú vị hơn.

*

Từ ngoài hai năm nay, bàn thờ gia tiên nhà tôi đã có thêm ảnh Bác tôi đặt trên đấy. Ngay dưới khung ảnh, còn có cái hộp màu vàng áo cà sa, đựng phân nửa phần tro cốt Bác tôi trong đó. Bác chỉ để lại cho tôi nửa phần tro cốt của mình, để mai này tôi đem về quê hương. Một nửa kia, Bác cho rải xuống mảnh đất đã cưu mang Bác suốt 30 năm cuối cùng của cuộc đời. Mỗi lần đốt hương, tôi vẫn nhìn thấy một gương mặt phúc hậu, đầy tràn tình yêu thương luôn tươi cười với tôi. Tết đến trong nhà vẫn luôn có đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… Nhưng đã bị vơi đi khá nhiều cái hương vị mà tôi từng quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ qua, từ ngày tôi biết nhận ra lòng mình ngập tràn niềm vui sướng mỗi khi cầm trong tay bao tiền lì xì, tấm bánh Bác tôi cho.

Mấy ngày nay, kể từ tối Chúa Nhật 20-10-2007 đến giờ, lúc nào tôi cũng phập phồng lo lắng. Cái TV trong nhà mở 24 trên 24, để nghe ngóng tin tức về trận bão lửa đã và đang tàn phá dữ dội quận hạt San Diego. Chúng tôi cũng phải sửa soạn để sẵn sàng di tản khi có lệnh. Hành trang mang đi cũng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo, vài ba chai nước uống, ít thức ăn khô, cùng các giấy tờ tùy thân…

Xe đã nổ máy, vậy mà tôi vẫn phải chờ hơi khá lâu, nhà tôi mới ra tới, trên tay ôm theo một cái mền nhỏ. Tôi liền hỏi:

- Sao em không bỏ cái mền ra đằng sau đi"

Không trả lời tôi, nhà tôi lẳng lặng mở cái mền ra. Tuy hối hả, nhưng tôi vẫn nhận ra nỗi xúc động dâng lên trong lòng, khi nhìn thấy tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng, tạc từ một khúc cây và cái hộp màu vàng áo cà sa tro cốt của Bác tôi. Lưu luyến nhìn lại căn nhà thân yêu trước khi đi lánh nạn, tôi thoáng nghĩ: chuyến chạy cơn bão lửa này, tôi có thể mang theo, tuy chẳng bao nhiêu, nhưng vẫn được lựa chọn các thứ mình muốn. Và tôi cũng biết mình còn đủ thời gian, để chọn lựa các thứ muốn đem theo, trong chuyến ra đi cuối đời. Bác tôi là Tết trong tôi, chắc chắn tôi sẽ không đem theo tình Bác xuống đáy mồ, tôi có bổn phận phải để lại cái tình ấy cho con cháu tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,068
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.