Hôm nay,  

Tiếng Khóc Của Ông Cố (1)

27/08/200700:00:00(Xem: 155505)

Bài số 2075-1938-642vb2270807

*

Nguyễn Duy-An là tác giả đã nhận Giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2006. Ông hiện là Senior Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005, ông lần lượt góp 12 bài viết, trong số này có tự truyện “Từ Bình Giả tới Hoa Thịnh Đốn”và trở thành tác giả có số lượng người đọc nhiều nhất. Nhân dịp về họp mặt Viết Về Nước Mỹ tối chủ nhật 26-8, ông có thêm 2 bài viết  mới. Sau đây là bài viết thứ hai.

*

Những năm gần đây, mùa hè nào tôi cũng được mời đi tham dự lễ truyền chức, lễ tạ ơn (lễ mở tay) cũng như "ngân khánh" thụ phong linh mục... Tôi vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì số ơn gọi càng ngày càng gia tăng trong các cộng đoàn người Việt; tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn lo lắng thật nhiều và chỉ biết thêm lời cầu nguyện, nài xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn luôn đồng hành và nâng đỡ các ngài trên con đường phục vụ đầy gian nan và thử thánh, có thể nhuốm đầy máu và nước mắt trong lúc thi hành thiên chức linh mục ở Mỹ.

Mùa hè năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời của tôi vì nếu tôi đem đời mình cắt làm hai, thời gian tôi được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam vừa bằng con số những năm tôi lưu lạc ở xứ người. Và hai phần đời của tôi đều được gắn liền với hai vị linh mục khả kính đã nuôi dạy, uốn nắn, hướng dẫn, và nâng đỡ tôi trên đường đời: Cha cố Phê-Rô ở Việt Nam và cha Đa-Minh ở Mỹ.

Ngay từ khi còn học tiểu học, tôi đã được cha cố Phê-Rô là một người bạn cũ của bố mẹ tôi nhận làm nghĩa tử, nuôi ăn học, cho đi chủng viện, rồi giúp đỡ cho tôi "tự lực mưu sinh" sau khi tôi rời khỏi Tu Hội Tông Đồ Nhỏ, Giáo Phận Xuân Lộc... Tôi vẫn luôn luôn ấp ủ trong lòng những lời dạy bảo của ngài, nhất là khi tôi quyết định "xuất tu" để tìm đường vượt biên, ngài chỉ nhỏ nhẹ: "Làm linh mục hay làm ông bố cũng là ơn gọi của Chúa, con hãy tiếp tục cầu nguyện để sống đúng với thánh ý Chúa muốn con làm gì."  Khi tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến Mỹ thì cha cố Phê-Rô đã được Chúa gọi về, nhưng tôi tin chắc rằng trên nước trời ngài vẫn luôn luôn đồng hành và nâng đỡ tôi trong quãng đời còn lại nơi xứ lạ quê người.

Tôi đến Mỹ một thân một mình, được bảo trợ tới một vùng quê hẻo lánh cách thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Suốt mấy tháng liền, tôi liên lạc thư từ về Việt Nam cũng như với bạn bè quen biết để tìm chỗ ra đi. Tôi rất mừng khi nhận được tin một linh mục bạn của cha cố Phê-Rô, hồi trước năm 1975 phục vụ ở Vũng Tàu, bây giờ đang trông coi một cộng đoàn Việt Nam ở tiểu bang Virginia, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tôi cũng có người bạn quen bên trại tỵ nạn định cư ở vùng này, nên tìm cách liên lạc và quyết định sẽ dọn về đó. Người bạn của tôi không có đạo và cũng mới qua Mỹ được một năm nên chỉ nghe nói có hai, ba nhà thờ Việt Nam gần đó chứ không biết cha nào ra cha nào, nhưng bảo tôi cứ xuống, cùng lắm kiếm việc gì làm sống qua ngày cũng được.

Xuống tới Springfield, Virginia tôi mới biết tin vị linh mục tôi đang tìm đã "về nhà Cha" trước đó mấy tháng, nhưng tôi cũng làm liều tìm số điện thoại gọi lên nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin nói chuyện với cha xứ trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin ngài giúp đỡ. Sáng hôm sau, chính vị linh mục này đã lái xe tìm đường tới đón tôi về ở tạm trên gác xép (attic) trong một căn nhà nhỏ của giáo xứ bên cạnh nhà thờ. Vị linh mục đó là cha Đa-Minh, người đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi về mọi mặt trong những ngày chập chững hội nhập vào cuộc sống mới tại Mỹ. Chính ngài đã chở tôi đi xin tiền trợ cấp Xã Hội, đi khai học tiếng Anh, nộp đơn xin học bổng và xin vào học Đại Học Cộng Đồng, rồi giới thiệu cho tôi quen biết bao nhiêu người trong giáo xứ, đặc biệt là gia đình ông cố của ngài, rồi nhờ người quen giúp tôi kiếm việc làm thêm, thuê chung cư với bạn bè để bắt đầu sống đời sinh viên độc thân ở Mỹ.

Tôi tham gia ca đoàn, ban đầu chỉ phụ giúp tập hát, nhưng rồi anh ca trưởng càng ngày càng bận rộn với công ăn việc làm và gia đình, nên tôi trở thành người tập hát thường xuyên. Chính trong thời gian này tôi mới biết việc có một vài cô rất mê "cha xứ đẹp trai, lắm tài" nên cũng có những lời "bàn ra tán vào" trong cộng đoàn. Cũng có thời một số giáo dân đã làm rùm beng với bao nhiêu truyền đơn, thư nặc danh... Có một hôm trước giờ tập hát, tôi nhận được một xấp bao thơ khá dày do các ca viên trao lại. Tôi chờ mọi người ổn định chỗ ngồi rồi xé nát xấp giấy vứt vào sọt rác trước mặt ca viên và lên tiếng giải thích rằng những người viết những tờ truyền đơn hay thư nặc danh đó rất hèn nhát, không đáng cho chúng ta để mắt tới. Nếu họ là người có thành tâm, thiện chí muốn xây dựng có thể vào gặp thẳng cha xứ trình bày, hoặc gởi thư trực tiếp cho ngài có ký tên và viết địa chỉ rõ ràng chứ việc gì phải "ném đá dấu tay" như vậy. Tôi cũng lợi dụng dịp này nói nhỏ với các cô rằng tôi biết có nhiều cô "mê cha xứ đẹp trai" nhưng các cô nên biết rằng "đẹp trai không bằng chai mặt"; thêm vào đó, ngài đã thuộc về Chúa, hãy để ngài yên và nên chiếu cố đến tôi và các anh độc thân trong ca đoàn thì hơn... Kể từ đó, tôi mang tiếng là "anh chàng chai mặt" trong giáo xứ.

Tạ ơn Chúa vì tất cả sóng gió rồi cũng trôi qua và cha Đa-Minh đã phục vụ ở giáo xứ chúng tôi gần 10 năm trời. Chỉ xui cho riêng tôi vì ngài được "bài sai" đi nhận nhiệm sở mới chỉ 4 hôm trước ngày lễ cưới của vợ chồng tôi. Chính cha Đa-Minh đã hoàn tất giấy tờ, dạy dỗ, hướng dẫn, chuẩn bị giáo lý hôn nhân, rồi gởi chúng tôi đi tĩnh tâm, và cũng chính ngài đã làm cuốn sách lễ Hôn Phối cho chúng tôi... Chỉ tiếc một điều quan trọng nhất là ngài không phải là cha chủ tế trong thánh lễ Hôn Phối của vợ chồng tôi. Trong thánh lễ, lúc quay xuống chúc bình an cho bà con hai họ và cộng đoàn, ngước mắt nhìn lên gác đàn, tôi đã rớt nước mắt khi nhìn thấy cha Đa-Minh đang đứng trên gác đàn với anh chị em ca viên hát lễ cầu nguyện cho vợ chồng tôi. Cha ơi, đáng lẽ cha phải là chủ tế trên cung thánh, nhưng vì vâng lời bề trên cha đã ra đi, và cha đã trở về đứng cuối nhà thờ cầu nguyện cho con như hình ảnh một người thu thuế cầu nguyện trong Tin Mừng! (Luca 18, 13).

Từ khi cha Đa-Minh đi phục vụ giáo xứ Mỹ, mỗi lần gặp lại, tôi thấy nét mặt ngài lúc nào cũng hạnh phúc tươi cười, khỏe mạnh và trẻ trung hơn vì không còn phải nhức đầu vì những chuyện không đâu như lúc còn phục vụ tại giáo xứ Việt Nam. Một đôi lần ghé thăm cha hoặc tham dự thánh lễ vào những dịp đặc biệt tại giáo xứ mới của ngài, khi nhìn thấy các cha và giáo dân rất quý mến và kính trọng ngài, tôi vui lắm, nhất là khi nghe người Mỹ khoe ngài là "sweet angel" của họ. Ngài còn thay đổi nhiệm sở hai, ba lần nữa nhưng tới đâu cũng được yêu thương kính mến cho tới ngày ngài gặp "đại nạn" vì lời tố cáo của một giáo dân trong giáo xứ Việt Nam về một chuyện không biết thực hư thế nào, xảy ra từ cuối thập niên 1970!

Đầu tháng 5 năm 2006, tôi tá hỏa tam tinh khi nhận được email, rồi tin từ trang "web" của giáo phận, báo chí và đài truyền hình địa phương loan tin cha Đa-Minh bị tố cáo có những "hành vi không thích đáng" (inappropriate conduct) với một cô gái lúc nàng mới 17 tuổi, cũng là ca viên trong ca đoàn, và cô ấy lại là con của một ông cựu trùm trong giáo xứ chúng tôi nữa mới thật là thê thảm! Cha Đa-Minh vâng lời bề trên âm thầm đi ở ẩn vì cái luật quái gở "Child Protection Policy" và "Dallas Charter" bắt buộc các linh mục phải ngay lập tức ngưng làm việc mục vụ trong khi điều tra vì "bị tố cáo" và nghi ngờ về "child abuse" mặc dầu thực hư chưa biết thế nào.

Nếu cá nhân tôi bị tố cáo hay bị bắt vì lỗi luật, cho dẫu là tội giết người, cũng vẫn được coi là "vô tội" cho tới khi quan tòa và bồi thẩm đoàn phán quyết rằng tôi có tội; nhưng đó là "luật đời", còn "luật đạo ở Mỹ" đối với linh mục thì ngược lại vì một khi có lời tố cáo "có vẻ đáng tin", ngay lập tức ngài bị xem là có tội!

Ngoài việc cầu nguyện, tôi cũng liên lạc với văn phòng giáo phận, tìm gặp quý vị trong uỷ ban đặc biệt có tên gọi là "The Diocesan Review Board" để tìm hiểu thực hư và viết "lời chứng" về cha Đa-Minh để "giải oan" cho ngài, nhưng tôi chỉ là một tên "vô danh tiểu tốt" nên chẳng làm nên tích sự gì! Tôi chỉ biết ngài sau khi "chuyện đã xảy ra" nên "lời chứng" của tôi không có giá trị. Tôi hụt hẫng. Tôi thất vọng. Tôi tiếp tục cầu nguyện và âm thầm liên lạc với những người đã từng sinh hoạt trong giáo xứ từ năm 1975 xin họ lên tiếng bên vực ngài. Tôi cảm động thật nhiều vì có những người ngoại đạo cũng hăng hái viết thơ lên Tòa Giám Mục kêu oan cho ngài.

Giáo xứ chúng tôi bắt đầu chia bè, kết đảng, người bênh cha, kẻ ghét cha... Một điều làm tôi suy nghĩ thật nhiều là đại đa số giáo dân chỉ biết âm thầm cầu nguyện cho cha, còn một số nhỏ lợi dụng dịp này để lớn tiếng "tố cha" cho bõ ghét. Có một hôm tôi nói với một nhóm "giáo dân kỳ cựu" trong giáo xứ đang chuyện trò ở bãi đậu xe rằng cho dẫu cha có lỡ bị trợt chân xuống bùn, chúng ta cũng phải dơ tay nâng đỡ và kéo ngài lên chứ sao lại đang tâm dơ chân đạp cho cả đầu ngài phải cắm xuống vũng sình như vậy (!), một người khá lớn tuổi trong nhóm đã chỉ mặt tôi quả quyết rằng việc đó không thể chấp nhận được vì Giáo Hội phải "thanh lọc và loại trừ" ngay vì các linh mục phải là "thánh". Quý ông bà anh chị em ơi, các cha cũng chỉ là con người như chúng ta, các ngài cũng phải tu thân tích đức để nên thánh như mọi người. Chúng ta có bổn phận phải cầu nguyện cho các ngài sống thánh thiện chứ sao lại "thanh lọc và loại trừ" khi chưa biết các ngài có lỗi thật không, hay chỉ vì chúng ta "nghĩ rằng ngài có tội" rồi "thêm dầu vào lửa" để đày đọa các ngài!"

Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" này, một người quen ghé nhà tôi xin số điện thoại để gọi "an ủi ông cố" vì "cha bị nạn thì chắc là ông cố khổ tâm lắm!" Đã hơn một lần chính tôi muốn gọi điện thoại hoặc lái xe đến nhà thăm ông cố nhưng tôi không đủ can đảm vì tôi tự hiểu mình cũng chỉ biết ôm ông cố mà khóc và chỉ làm ông cố thêm buồn chứ chẳng an ủi được gì. Tôi gọi điện thoại và đứng bên cạnh trong lúc người bạn nói chuyện an ủi ông cố. Giọng nói ông cố đã khàn lắm, nghẹn ngào và đứt quãng... vì đã nhiều đêm khóc thương cha. Khó khăn lắm ông cố mới nói được hai tiếng cám ơn và xin bạn tôi cầu nguyện nhiều cho cha. Gần nửa tiếng đồng hồ đứng nghe người bạn tâm tình to nhỏ với ông cố, nước mắt tôi cũng tuôn tràn. Tôi nghe vọng qua điện thoại tiếng khóc nức nở nghẹn ngào của ông cố và cảm nhận được chính lòng mình cũng quặn đau như đứt từng khúc ruột. Chính giờ phút đó tôi mới thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ của Mẹ Maria khi gặp Chúa Giêsu đang vác thập giá trên đường lên Núi Sọ hay lúc Mẹ ôm xác Chúa vào lòng sau khi được tháo đanh xuống khỏi thập giá.

Đã hơn một lần tôi xem những cuốn phim về cuộc đời Chúa Cứu Thế được dàn dựng rất thật và cũng đã rơi nước mắt. Tôi cũng đã từng nhỏ lệ khi chứng kiến những bậc làm cha mẹ khóc thương con trước khi "hạ huyệt" tại nghĩa trang. Đã nhiều lần tôi viếng Đàng Thánh Giá mà lòng vẫn khô khan nguội lạnh, nhưng khi nghe tiếng khóc của ông cố vọng qua điện thoại, lồng ngực tôi như muốn vỡ tung ra từng mảnh vì sự đau khổ và tuyệt vọng đến tột cùng của một người cha già khóc thương con đang gặp "đại nạn", và tôi đã cảm nhận được nỗi đau khổ của Mẹ Maria trên con đường thập giá. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn luôn đồng hành với ông cố trên đoạn đường khổ giá còn lại và thưởng công cho ông cố trên Nước Trời khi ông cố đi tới đỉnh đồi Calvê.

Bạn đọc thân mến:

Tôi xin viết lên đây những tâm tình và cảm nghĩ của riêng tôi về cha Đa-Minh và "tiếng khóc của ông cố" để xin mọi người cùng hiệp lời cầu nguyện cho cha và ông cố vì "nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt. 18, 19-20).

Tôi không dám phê bình "luật lệ" của Giáo Hội, cũng không dám lên án người nào, tôi chỉ viết lên những gì tôi vẫn ấp ủ trong lòng từ khi cha Đa-Minh gặp "đại nạn" từ hơn một năm nay. Tôi xin để lại nơi đây địa chỉ email của tôi (duyan99@gmail.com) để nếu có ai thắc mắc hay muốn thảo luận việc này có thể liên lạc trực tiếp với tôi.

Đã hơn một lần tôi suy nghĩ về đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu dạy về cách sửa dạy anh em và phân vân tự hỏi tại sao chúng ta không thể áp dụng cách đó với các linh mục: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh..." (Mt. 18, 15-17).

Có một câu nói rất nổi tiếng: "Các thánh nhân đều có quá khứ, và các tội nhân đều có tương lai." Cha Đa-Minh chưa phải là một thánh nhân, cũng không phải là một tội nhân, nhưng tương lai của vị "linh mục đời đời theo dòng Melchizedek" rồi sẽ về đâu"

Nguyễn Duy-An

(1) Ông Cố / Bà Cố: Danh xưng của người Công Giáo khi nói về cha mẹ của các linh mục để tỏ lòng kính trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,943
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.