Chuyện Trong Nhà Ngoài Ngõ: Chuẩn Bị Đón Giáng Sinh...
Trương Ngọc Bảo Xuân
Mọi người mới vừa thở xả hơi sau lễ Tạ Ơn, bây giờ cần chuẩn bị cho cái lễ lớn trong năm, Giáng Sinh.
Ngay sau ngày lễ Tạ Ơn, trong sở đã có màu Noel. Hôm nay trong giờ làm việc, cô bé Nina chuyên lo chuyện chỉ dẫn đường đi nước bước cho những người có việc cần lui tới sở này, đã ra tay. Cô vô phòng chứa đồ, lôi ra mấy cái thùng đựng những đồ trang hoàng trong phòng để treo lên. Cửa vô văn phòng cô gắn một tràng dây "xanh xanh đỏ đỏ, cho em nhỏ nó mừng" bằng kim tuyến chiếu chiếu, dán một tấm bảng Chào Mừng Lễ Giáng Sinh, thêm một tấm hình ông già Noel bụng bự bận bộ đồ bằng nỉ màu đỏ, đầu đội cái nón chóp nhọn, bịch đồ chơi phồng to vác trên vai, miệng cười toe toét, kế bên là hình… vợ ông Santa, làm ai cũng bật cười. Tếu thiệt! bà Santa cũng mập mạp miệng cũng cười chành bành vui vẻ hết sức. Cô máng một chùm lá Mistletote phía bên trên khung cửa ra vào. Cô nói:
-Ngày lễ, ai đi ngang qua đây phải hôn tôi một cái.
Úi trời, mấy bà mấy cô trong sở cười cái rần! phía nam nhân nghe vậy khoái lắm, gật đầu lia. Anh chàng Jonnathan nói trước:
-Tôi muốn thử ngay bây giờ.
Cô bé Nina háy anh:
-Hứ. Tưởng bở.
Chị Minh nói:
-Nầy này Nina, đừng có đứng đó lần khân, làm nhanh nhanh cho xong đi, nhóm khách kế sắp vô rồi. Ở đó mà hôn với hít, Chúa ôi, nam mí nữ!.
Cô Nina bừng tỉnh giấc mơ, vội vã lôi thêm mấy tràng dây màu gắn lên từng khung cửa, gắn thêm những cái nơ nhung màu đỏ lên từng cánh cửa. Lúc ấy ông xếp vừa bước vô, nhìn một lượt trong văn phòng, ông ta dặn liền:
-Nina Nina, đừng có dán lên cửa phòng tôi đấy nhé.
Không biết hồi trước ai đã mua những món đồ trang hoàng này, người ấy phải là còn tánh trẻ con lắm, hoặc mua lúc bán sale vì màu sắc, kiểu cọ nó hầm bà lằng.
Nhìn toàn diện, không được sang nhưng văn phòng thấy vui hết sức.
Cô Nancy hỏi chung chung:
-Các bạn à, chủ nhựt tuần tới xin các bạn đừng quên chuyến chạy bộ quyên tiền cho các em cô nhi đấy nhé.
Mọi người đồng thanh trả lời:
-Ừ. À. Okay….
Làm sao mà quên được" Chuyện này đã chuẩn bị cả tháng rồi. Nhứt là những bộ quần áo giữ ấm thân thể vì mùa này là mùa lạnh mà, bắt đầu từ sáng sớm cho nên mặt trời vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Đã có kinh nghiệm của mấy năm trước rồi.
Trong sở, nhờ có bà Betty khởi đầu và lo tất cả mọi chuyện linh tinh, năm nào cả nhóm cũng họp cùng với nhiều cơ quan khác, đi quyên tiền để tặng cho cô nhi, bằng cách mỗi người phải chạy bộ bao nhiêu dặm đường thì được hàng xóm cho một số tiền nào đó bỏ vô quỹ. Nhưng nói chung, mọi người đều rủ nhau chạy từ mức bắt đầu cho tới mức cuối.
Chị Diệu nhớ lại hồi còn nhỏ, đã tham dự nhiều Cây Mùa Xuân trong trường học vào dịp Tết. Sống trên nước Mỹ, những đồng bào di dân cũng không quên việc làm rất cao quí này, các cơ quan công sở, họ chú trọng vào lễ Giáng Sinh. Những ngày trước lễ, ta thường thấy có những dọc dài trẻ con sắp hàng để được các hội các sở hay hãng xưởng phát quà Noel. Nhìn những gương mặt tươi cười của các em mà vui lây.
Cô Hoa nói:
-Năm nay nhà em mua cây Noel ở Target, một cây cao 7 feet có sẵn luôn đèn chỉ có sáu mươi mấy, vừa tiện vừa rẻ bà con ơi. Thêm hai chục nữa thì cây vừa có đèn vừa có luôn đồ chưng, toàn là trái thông, xinh lắm. Năm nay có ai chưng cây thông không vậy"
Chị Diệu nói:
-Tôi thích cây thông thật hơn vì mùi thơm của nó. Phải có chứ, đám con cháu tụ về mà.
Sương nói:
-Em nhớ hồi nhỏ em cứ ao ước ông già Noel ghé nhà cho em quà. Về sau lớn lớn một chút, tự nhiên em đặt câu hỏi -ủa" nhà em đâu có ống khói, đường nào ổng chui xuống" rồi thêm câu hỏi nữa, ổng ở Bắc cực, quá xa, mà trên vai chỉ có bịch đồ, làm sao đủ để phân phát" thế là tự dưng em như "khôn" ra, em hết tin ông già Noel.
Cô Minh nói:
-Nhưng mà, hồi còn nhỏ, phải có niềm tin nào đó, mới cố gắng làm đứa con ngoan, được cha mẹ anh chị em bạn bè thương yêu, mới vui, mới gọi là trẻ thơ. Tôi nhớ có lần tôi xem phim "Những Chuyện Thần Tiên" năm lần. Hồi đó ở Sài Gòn có rạp hát Vĩnh Lợi, chiếu phim thường trực suốt ngày, kỳ đó tôi và mấy đứa bạn vào xem phim ấy, hay quá hay, chúng tôi đã ở trong rạp từ sáng cho tới tối luôn. Phim chiếu toàn là những câu chuyện thần tiên, làm cho mình quên đi hiện tại, cứ mơ tưởng như mình là cô tiên nhỏ nhỏ đang lạc trong thế giới chỉ có hoa bướm đẹp đẻ không có nước mắt ấy, hay lắm cơ.
Chị Diệu nói:
-Ờ, tôi cũng vậy. Tôi nhớ hồi nhỏ hay xem phim thần thoại Ấn Độ. Những câu chuyện giả tưởng thần tiên mình tin lắm. Hay ở chỗ, những phim ấy họ nói lên y chang câu mình đã học "ở hiền gặp lành."
Lúc đó cỡ đâu sáu bảy tuổi mà còn nhớ đó chớ, nhớ tới già!
Cô Thư từ nghành khác mới đổi qua nhập bọn, bỗng dưng cười hì hì hì. Chị Diệu xây qua hỏi:
-Ụa, cười gì vậy Thư"
Cô Thư nói:
-Nhắc tới tiếng già làm em nhớ chuyện này.
Hôm nọ, em tới nhà bà chị chơi. Ra sân sau gặp cháu Oanh con gái út của bà chị đang hái cam, nó nói để con pha nước cam cho dì uống, rối nó lấy dao lấy ly ra, cắt đâu chừng 10 trái cam mới nặn được một ly nước cam vàng óng ánh đưa cho em. Hôm đó trời tự dưng nóng quá, đang khát nước, uống một ly nước cam tự bàn tay nhỏ bé của cháu mình nặn, thấy ngon làm shaooo… thấy nó dễ thương quá, chiện này chắc nhớ suốt đời. Rồi em hỏi nó "con bao nhiêu tuổi"" nó nói "con tám tuổi, con sắp sửa già rồi." Em cười, nói "trời ơi mới có tám tuổi mờ sợ già rồi sao"" Nó nói là con Phương, con Huyên, con Beth, mấy chị nó nói với nó là tuổi đứa nào có 2 digits là đứa đó old, nó có vẻ sợ thiệt! Mới đầu em không hiểu nó muốn nói gì, nó giải thích "nghĩa là từ 10 tuổi trở lên, có hai con số" rồi nó hỏi em một câu xanh dờn "dì Thư 100 tuổi chưa""
Cả bọn cười ào. Chị Diệu nói:
-Con nít sao mà thơ ngây dễ thương gì đâu.
Cô Hoa nói:
-Thơ ngây tùy chuyện nha. Mấy đứa con chồng em, lên computer nó dạy em hoài. Chơi game với tụi nó thua là cái chắc.
Chị Minh gật đầu, nói:
-Đúng. Mấy đứa cháu tôi, nó rủ tôi chơi game với nó, thấy tôi cầm "con chuột" mò mò, nó nóng ruột nó đặt bàn tay nhỏ xíu của nó lên bàn tay nhăn nheo già háp của tôi rồi đẩy chỗ này bấm chỗ kia vừa làm vừa cằn nhằn "bà nội chậm quá."
Cả phòng cười nữa. Thế là từ chuyện trang hoàng cho ngày lễ, họ bắt qua chuyện mấy đứa cháu dễ thương và cứ thế mà cười cả buổi.
Trương Ngọc Bảo Xuân