Tan Nát Phố Cổ Miền Tây
Bạn,
Theo các nhà nghiên cứu nhân văn,tại VN, đồng bằng Nam phần là vùng đất mới được bồi đắp bởi phù sa sông Cửu Long, nên được gọi là đất "phù sa mới". Lịch sử khai phá vùng đất này mới chỉ trên dưới 300 năm. Nền đất phù sa mới không vững chắc, khí hậu nơi đây lại ẩm thấp, là những nguyên nhân làm cho các kiến trúc cổ ở đồng bằng còn rất ít. Xót xa hơn, khi chính bàn tay con người đang góp phần xoá dần những di tích lịch sử văn hóa còn sót lại nơi đây. Báo Lao Động ghi nhận thực trạng này tại thị xã Gò Công qua bản tin như sau.
Tiền Giang là tỉnh còn nhiều kiến trúc cổ nhất đồng bằng. Vào năm 2002, Tổ chức JICA (Bảo tồn văn hóa và y tế) Nhật Bản đã khảo sát và ghi nhận còn 350 ngôi nhà cổ ở Tiền Giang, trong đó gần 2/3 ở thị xã Gò Công. Do là "gò" (vùng đất cao), cách không xa biển, nên Gò Công được các lưu dân miền Trung vào Nam khẩn hoang dừng chân khá sớm. Thị xã Gò Công ngày nay từng có tên "làng Thành Phố" cách đây khoảng 2 thế kỷ. Từ năm 1862, làng Thành Phố trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công. Nhờ đó mà các công trình kiến trúc cổ được xây dựng dày đặc nơi đây. Thế nhưng, hầu hết nhà cổ ở Gò Công đều xuống cấp nặng và đang biến mất với tốc độ chóng mặt.
Phóng viên đã đứng thẫn thờ rất lâu trước "dinh tỉnh Gò Công", một kiến trúc cổ thuộc loại đồ sộ nhất đồng bằng, đang "thoi thóp". Nhìn tòa nhà hơn 110 năm tuổi đầy thương tích,phóng viên liên tưởng tới "dinh Tổng Thận" ở thành phố Tân An, tỉnh Long An cũng từng mang hình hài như vậy trước khi bị phá bỏ.