Rủi Ro Tại Việt Nam
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA
...[Vinashin] ăn cướp có hệ thống, lại được nhà nước bao che...
Dư luận bên ngoài đặc biệt chú ý đến vụ khủng hoảng của tập đoàn đóng tầu Vinashin khi bộ Công An vừa khởi tố và tống giam thêm bốn cán bộ cao cấp sau khi đã bắt giữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn này vào tháng trước.
Dư luận chú ý vì nội dung của vụ khủng hoảng thì ít mà vì quan tâm nhiều hơn đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ cùng tìm hiểu về những rủi ro trong môi trường đó qua phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện hầu quý thính giả.
"Cái khó ló cái khôn"
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau nhiều năm âm ỉ, vụ khủng hoảng của tập đoàn Vinashin đã bùng nổ với việc cách chức rồi bắt giữ nhiều viên chức cao cấp của tập đoàn. Cho đến nay, người ta chưa thấy hết sự thật ở bên trong một tập đoàn từng được coi là "quả đấm thép" của nền kinh tế nhà nước tại Việt Nam.
Tuy nhiên ở Việt Nam trước đây thường hay cổ võ quần chúng là "cái khó ló cái khôn", trong khi thực tế cho thấy là giữa những rủi ro có thể tiềm ẩn nhiều cơ hội. Ông theo dõi vụ này, trước hết xin hỏi theo ông Việt Nam nên "ló cái khôn" như thế nào, tức là giải quyết hồ sơ Vinashin ra sao để trấn an giới đầu tư và thị trường nói chung, hầu có thể bắt lấy những cơ hội đó"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa ông, vụ khủng hoảng Vinashin là cơ hội thuận lợi để Việt Nam thể hiện quyết tâm cải cách, từ chiến lược phát triển tới chính sách quản lý kinh tế khi dư luận thế giới đang thất vọng về thị trường Trung Quốc và nhìn vào các quốc gia Đông Nam Á như nơi có triển vọng kinh doanh cao hơn và an toàn hơn. Đó là trên đại thể. Riêng về câu hỏi của ông, là Việt Nam nên giải quyết hồ sơ Vinashin như thế nào thì thật khó có câu trả lời thoả đáng, vì Việt Nam ở đây là ai, là những ai liên hệ đến một chuyện tầy trời như vậy"
- Một số dư luận bên trong thì cho rằng đây là mặt nổi của đấu đá chính trị nội bộ để tranh giành quyền lực và quyền lợi trước khi đảng Cộng sản Việt Nam triệu tập Đại hội đảng vào năm tới. Nó cũng tương tự như vụ PMU 18 trước Đại hội đảng Khoá 10 lần trước. Tôi xin không đi vào lối suy luận theo hướng đó mà chỉ trộm nghĩ rằng nếu đúng như vậy thì Việt Nam quả là còn lạc hậu về chính trị khi việc quản lý sai trái làm thất thoát công quỹ tới bạc tỷ, tính bằng đô la, lại có thể xảy ra.
- Rồi một vụ tham ô tầy trời như vậy chỉ được phanh phui một phần khi đảng chuẩn bị thay đổi nhân sự lãnh đạo. Sinh hoạt chính trị tại Việt Nam thiếu sự trong sáng minh bạch nên cấp lãnh đạo không chịu trách nhiệm trước quốc dân về từng quyết định tai hại của mình.
Việt Long: Trong giả thuyết lạc quan là Việt Nam cần chứng tỏ quyết tâm hay thiện chí cải cách như ông vừa nói thì người ta nên giải quyết vụ Vinashin như thế nào"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là trong vụ này, nhiều cấp cao thấp khác nhau cần phải công khai hóa các quyết định của mình.
- Thứ nhất, ở cấp chuyên môn về kinh doanh và giám sát thì những ai đã lấy quyết định đầu tư và thanh tra kiểm soát việc đầu tư tài sản của quốc dân" Trong việc đầu tư ấy, ai đã lấy quyết định sai lầm, khi nào, vì sao và phải chịu trách nhiệm như thế nào để trường hợp như vậy khỏi tái diễn" Câu hỏi ấy dẫn ta đến yêu cầu cải tổ toàn bộ cơ chế quản lý và giám sát của nhiều cấp bộ khác nhau, từ Bộ Chính trị xuống Văn phòng Thủ tướng, các cơ quan giám hộ và thanh tra.
- Thứ hai, nếu trong quyết định kinh doanh không chỉ có sai lầm về chuyên môn - là điều có thể xảy ra cho mọi doanh nghiệp - mà còn có sự gian lận hay toa rập để trục lợi thì vấn đề hình sự phải đặt ra. Việc truy tố và xét xử phải được tiến hành khách quan và minh bạch về pháp lý, chứ không thể do chính những người đã can dự vào các quyết định đầu tư này chi phối. Cho đến nay, ta chưa thấy thể hiện điều tối thiểu đó nên không tin vào quyết tâm cải cách của Việt Nam.
- Thứ ba, quan trọng hơn cả, vụ Vinashin cho thấy sự phá sản của mô hình xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng này dẫn tới chiến lược phát triển các thành phần kinh tế nhà nước làm lực lượng chủ đạo mà thực chất chỉ là tập trung quyền lực và quyền lợi vào một thiểu số có khả năng lũng đoạn rất cao mà vẫn được đảng và nhà nước bao che và bảo vệ cho tới khi bùng nổ thành khủng hoảng làm công quỹ bị hao hụt nặng.
- Nói chung thì ngoài yếu tố chuyên môn và pháp lý, vấn đề then chốt vẫn là chính trị. Đó là sự chọn lựa mô thức xây dựng các tập đoàn quốc doanh vĩ đại rồi giao việc quản lý cho người thiếu khả năng mà thừa quyền lực và lòng tham mà chẳng có ai giám định hay giám sát.
Việt Long: Trước khi đi qua phần phân tích những rủi ro kinh doanh tại Việt Nam, ông kết luận thế nào về vụ Vinashin"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói cho nôm na thì đây là một vụ ăn cướp có hệ thống, lại được nhà nước bao che từ quá lâu vì vụ khủng hoảng manh nha từ hai năm nay rồi mà vẫn cứ bị khỏa lấp.
- Nếu nhân vụ này mà bày tỏ quyết tâm cải cách thì trước hết, Việt Nam phải tiếp tục việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như đã hứa hẹn với các nước viện trợ, và nghiên cứu việc chấn chỉnh để thu hồi Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg và dần dần giải thể 17 Tổng công ty mang danh hiệu Tập đoàn này. Mô hình các "chaebols" Hàn Quốc đã phá sản từ năm 1997 mà 10 năm sau Việt Nam lại áp dụng thì không thể là một thị trường kinh doanh an toàn và có lợi. Mà gọi đó là "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì đấy là một điều mỉa mai vì nó chỉ định chế hóa sự bất công.
Phân tích những rủi ro tại VN
Việt Long: Bây giờ, ta bước qua phần phân tích rủi ro tại Việt Nam. Thưa ông, từ nhiều tháng nay, giới đầu tư quốc tế đang xét duyệt lại chiến lược đầu tư của họ vì thấy môi trường đầu tư tại Trung Quốc không còn hấp dẫn, và họ nhìn vào thị trường gần 600 triệu dân của Đông Nam Á với nhiều thiện cảm hơn. Khu vực đầy hứa hẹn này có thị trường gần 90 triệu dân của Việt Nam với nhiều triển vọng mà cũng có lắm rủi ro khi so sánh với các thị trường khác. Dưới con mắt của giới đầu tư thì những rủi ro tại Việt Nam là gì"