Việt Nam Giữa Trận Chiến Mậu Dịch Mỹ-Hoa
Việt Long RFA/Nguyễn Xuân Nghĩa
...kinh tế Việt Nam thành chi nhánh của Trung Quốc...
Hôm Thứ Tư 29 tuần trước, Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội. Trong cuộc hội thảo, Hội đồng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu về nhiều khó khăn sẽ gặp khi Hoa Kỳ quyết định tăng cường luật lệ về chống bán phá giá và chống trợ giá. Một tuần sau, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng kết luận sau kỳ kiểm tra thứ 10 về Chính sách Thương mại Hoa Kỳ, rằng Mỹ đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch. Đáng chú ý hơn cả trong chuỗi biến cố này là Việt Nam có thể sẽ bị kẹt trong những mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về nguy cơ đó trong phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: - Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, Thứ Tư tuần trước, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được cảnh báo về những khó khăn đang xuất phát từ phía Hoa Kỳ vì những vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá xuất khẩu. Cũng Thứ Tư đó, Hạ viện Mỹ biểu quyết đạo luật nhắm vào chế độ ngoại hối của Trung Quốc để đòi hỏi biện pháp trừng phạt. Bây giờ, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vừa tuyên bố là từ hai năm nay, Hoa Kỳ đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn và điều này gây bất lợi cho kinh tế thế giới. Vì vậy, chương trình chuyên đề tuần này đề nghị ông phân tích cho hồ sơ rắc rối về mậu dịch và những mối nguy cho Việt Nam, trước hết là về phản ứng bảo hộ mậu dịch đang lên tại Hoa Kỳ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước. Sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ là hơn 14.000 tỷ đô la, trong đó, tiêu thụ chiếm hơn 70%, là hơn 10.000 tỷ, bằng tổng số tiêu thụ của chín thị trường lớn nhất sau Hoa Kỳ. Dân Mỹ dùng 94% lợi tức của họ cho việc tiêu thụ nên thị trường Mỹ là nguồn sống cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bây giờ, kinh tế Mỹ chưa phục hồi, dân Mỹ tiết giảm chi tiêu nên số nhập khẩu của Mỹ cũng sẽ giảm, đấy là một lẽ.
- Vào hoàn cảnh khó khăn đó, phản ứng bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân, công đoàn và doanh nghiệp Mỹ đã gia tăng, và từ đảng Dân Chủ còn lan sang đảng Cộng Hoà, xưa nay vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch. Ta nhớ là khi Hạ viện Mỹ biểu quyết đạo luật ngoại hối tuần trước, có 99 Dân biểu Cộng Hoà bỏ phiếu theo 249 Dân biểu Dân Chủ. Sở dĩ như vậy vì người Mỹ nói chung bây giờ hoài nghi lợi ích của tự do ngoại thương. Đa số tới 53% dân Mỹ tin rằng các hiệp định tự do mậu dịch đã gây thiệt hại cho họ, một tỷ lệ gia tăng đến gần 20 điểm so với 20 năm trước. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi lập trường của các thành phần có học và đang hành nghề tự do, xưa kia vẫn nhiệt thành ủng hộ tự do ngoại thương, nay cũng chống.
- Thế rồi Quốc hội Mỹ trong tay đảng Dân Chủ càng đẩy mạnh xu hướng bảo hộ, và đình hoãn phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch song phương Mỹ đã ký kết với nhiều quốc gia. Kế hoạch cứu nguy kinh tế năm ngoái trị giá hơn 800 tỷ còn gài nhiều điều khoản nâng đỡ việc dùng hàng nội hóa, nghĩa là kỳ thị hàng ngoại nhập. Từ Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Obama lại ban hành quốc sách xuất khẩu để nhân đôi số xuất khẩu trong năm năm hầu tạo thêm hai triệu việc làm mới. Vì vậy, Hoa Kỳ quả là đang lui về phản ứng bảo hộ mậu dịch, cũng nguy hiểm như vào năm 1937, giữa vụ Tổng khủng hoảng, khiến khủng hoảng còn kéo dài và lan rộng ra toàn cầu. Và vì đạt xuất siêu quá lớn với Hoa Kỳ do chính sách bảo hộ của mình, Trung Quốc đang được đặc biệt chiếu cố... Đó là về bối cảnh.
Việt Long: Trong hoàn cảnh đó, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tất yếu bùng nổ như ông có cảnh báo trong chương trình phát thanh vào cuối Tháng Tư. Nhưng vì sao Việt Nam cũng bị họa lây"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việt Nam và Trung Quốc là hai nước hiếm hoi được Hoa Kỳ thỏa thuận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO với điều kiện đặc miễn là chưa có nền kinh tế thị trường, hoặc vẫn có nền kinh tế "phi thi trường". Khi giao dịch với nền kinh tế phi thị trường, doanh nghiệp và công đoàn của Mỹ mà bị thiệt hại là có thể kiện về nạn trợ giá xuất khẩu hoặc bán phá giá và các cơ quan hữu trách của Bộ Thương mại Mỹ phải nạp hồ sơ qua Tổ chức WTO phán xét trong khuôn khổ luật lệ chống phá giá của WTO. Nhiều vụ kiện tụng như vậy đã xảy ra và phía Mỹ thường thắng.
Việt Long: Ông vừa nói đến một khái niệm "kinh tế phi thị trường". Xin ông giải thích thêm, đó là cái gì mà vì sao có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên nguyên tắc, tất cả các thành viên của Tổ chức WTO đều chấp nhận cho nhau quy chế xưa kia ta gọi là "tối huệ quốc", bây giờ gọi là "mậu dịch bình thường", là đều có kinh tế tự do theo quy luật thị trường. Nhưng ta nhớ là Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ có sự đặc miễn cho các nền kinh tế cộng sản theo chế độ tập trung quản lý vì vậy họ mới có quy chế "tối huệ quốc" chấp nhận hàng năm và phải xin tái tục. Sau này, khi chế độ cộng sản phá sản và các nước cộng sản theo nhau cải cách theo kinh tế thị trường thì nhiều quốc gia vẫn còn ở vùng tranh tối tranh sáng, là chưa có kinh tế thị trường đích thực.
- Thứ nữa, khi xin gia nhập WTO, mọi quốc gia đều phải thỏa mãn đòi hỏi của từng thành viên đã có mặt trong tổ chức. Trung Quốc và Việt Nam đã thương thảo với phía Hoa Kỳ và viện dẫn tình trạng kinh tế đang cải cách để xin đặc miễn một khoảng thời gian. Trung Quốc được Mỹ đồng ý cho gia nhập WTO vào năm 2001 với lời cam kết sẽ có nền kinh tế thị trường trong 15 năm. Việt Nam được gia nhập năm 2007 với lời cam kết sẽ có kinh tế thị trường trong 12 năm. Tức là trong khi chờ đợi thì vẫn có kinh tế gọi là phi thi trường! Xin nói thêm là Liên hiệp Âu Châu cũng áp dụng quy tắc đó với các nền kinh tế đang chuyển qua chế độ tự do.