Cá Chết Trắng Sông
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, từ nhiều năm nay, tại miền Đông Nam phần, hạ lưu sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng do nước thải của Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 và nước thải sinh hoạt của thành phố Biên Hòa, phần lớn không qua khử lọc, thải trực tiếp ra sông. Chỉ sau 2 trận mưa đầu mùa, nguồn nước thải đã làm cho cá chết hàng loạt, trắng sông. Nhiều ngư dân khốn đốn vì thảm họa này như ghi nhận của báo điện tử TNVN qua bản tin như sau.
Tại thành phố Biên Hòa, có gia đình ông Ngô Ngọc Vinh ở phường Tân Mai ống bằng nghề đánh bắt và nuôi cá bè trên sông Đồng Nai từ 25 năm nay. Ông Vinh cho biết, trước đây, ở đoạn sông này có rất nhiều cá, tôm, hến và những loại sinh vật khác. Gia đình ông thường đi cào hến và bắt côn trùng để làm thức ăn cho cá nuôi. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nước ô nhiễm đã làm nhiều loại sinh vật ở khu vực sông này chết dần, khiến cuộc sống của ngư dân nơi đây ngày càng khó khăn. Do giá thức ăn cho cá tăng cao, cá lại thường xuyên bị chết nên nhiều gia đình nuôi cá đã bị phá sản và bỏ nghề. Người nuôi cá đang hoang mang, lo sợ không biết sau này phải chuyển sang nghề gì để sinh sống.
Gia đình bà Đoàn Thị Tới, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa có 6 bè cá. Sau 2 trận mưa đầu mùa vừa qua, hơn 3 tạ cá của gia đình bà đã bị chết, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Bà Tới rầu rĩ: "Mấy năm trước cá cũng bị chết nhưng chết ít. Từ đầu năm tới giờ, cá chết nhiều quá. Người dân chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền có biện pháp quản lý đừng để doanh nghiệp đổ nước thải ra sông nữa".Trước tình trạng cá chết hàng loạt, Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai cũng đã hướng dẫn ngư dân cách ứng phó khi có sự thay đổi đột ngột về môi trường. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là biện pháp trước mắt.
Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai đã khảo sát và xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở hạ lưu sông Đồng Nai là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn. Có nơi, lượng oxy hòa tan trong nước chỉ đạt 0,7mg/lít nước, trong khi tiêu chuẩn phải đạt 5mg/lít nước. Nguồn nước gây ô nhiễm chính yếu do nước thải công nghiệp không qua khử lọc của Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 và nước thải sinh hoạt của thành phố Biên Hòa đổ trực tiếp ra sông. Đến nay, thành phố Biên Hòa vẫn chưa có nhà máy khử lọc nước thải tập trung. Thanhh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai, thừa nhận: "Do người ít đoàn thanh tra không thể kiểm soát được việc doanh nghiệp lén lút xả nước thải vào ban đêm."
Bạn,
Cũng theo báo TNVN, bên cạnh việc nuôi sống hàng ngàn ngư dân, sông Đồng Nai còn cung cấp nước sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai, thành phố Sài Gòn và những tỉnh lân cận. Các chuyên viên báo động rằng các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải phối hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, để sông Đồng Nai không trở thành một dòng sông chết...