TQ Chi Ngân Sách Đầu Tư Tạo Tăng Trưởng
Nguyễn Xuân Nghĩa & Đức Tâm RFI
...vừa muốn đạp thắng nhưng vẫn cứ phải tống ga nhè nhẹ...
Ngày 15/04, Trung Quốc thông báo đạt mức tăng trưởng gần 12% trong quý một năm nay, trong khi đó, lạm phát có vẻ giảm. Thế nhưng, ngay sau đó, Bắc Kinh ban bố các biện pháp hạ nhiệt khu vực địa ốc. Trước đó một ngày, Quốc Vụ Viện Trung Quốc cho biết là đang gặp một tình hình hết sức phức tạp. Sau đây là phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California.
RFI: Vì sao Trung Quốc lại đạt mức tăng trưởng cao như vậy, 11,9% trong quý một năm nay" Có phải là nhờ kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ hay không"
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước tiên là một vài nhận xét về kỹ thuật thống kê.
Như con số về tổng sản lượng gộp, Trung Quốc dùng phương pháp quy ra toàn năm, thí dụ, từ quý một năm ngoái sang quý một năm nay. Trong khi các nước khác dùng cả phương pháp đó lẫn phương pháp chi tiết hơn, là từ tháng này hay quý này qua quý sau. Những trường hợp khác biệt này có rất nhiều, nhưng truyền thông ít phân biệt hay giải thích, nên dễ kết luận sai và tạo ra ấn tượng là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, thất nghiệp thấp, có lợi tức cao, v.v...
- Thứ hai, các con số về sản lượng toàn quốc chỉ là dữ kiện sơ khởi và còn nhiều sai biệt khi ta so sánh. Thí dụ, sản lượng của 31 tỉnh và thành phố thường cao hơn số liệu của Cục Thống Kê Quốc Gia tới 10%.
- Thứ ba là cách Trung Quốc thu thập chỉ số giá tiêu thụ để tính ra tỷ lệ lạm phát. Vì lạm phát là vấn đề nhảy cảm, nhất là sau vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc giảm bớt tỷ trọng vốn dĩ rất lớn của lương thực trong ngân sách chi tiêu gia đình, nên vật giá thực tế mà người dân thấy được khi đi chợ có thể là cao hơn thống kê chính thức.
- Vì vậy, ta nên trừ bì khi tiếp nhận thống kê của Trung Quốc dù không phủ nhận là kinh tế nước này có mức tăng trưởng cao bát ngờ.
- Bây giờ nói về mức tăng trưởng đó. Khi kinh tế thế giới bắt đầu trôi vào suy trầm năm 2008, kinh tế Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng rất cao, tới 10,6%, vào quý một của năm 2008. Cuối năm 2008, khi cả thế giới hốt hoảng vì nguy cơ nhiều người cho là tổng khủng hoảng, Chính quyền Bắc Kinh lập tức ban hành kế hoạch kích thích kinh tế trị giá tương đương với 587 tỷ Mỹ kim và mở vòi tín dụng bơm tiền vào kinh tế, tổng cộng lên tới 1.400 tỷ đô la.
- Kinh tế Trung Quốc có sản lượng chừng 5.000 tỷ đô la mà trong năm qua, họ bơm vào kinh tế khoảng 2.000 tỷ, tức là 40% tổng sản lượng, một con số vĩ đại, tương tự với chừng 36 tỷ Mỹ kim cho kinh tế Việt Nam hay gần 6.000 tỷ cho kinh tế Hoa Kỳ. Với liều thuốc bổ như vậy thì việc kinh tế Trung Quốc ra khỏi suy trầm để đạt mức tăng trưởng là 10,7% vào quý bốn năm ngoái rồi 11,9% vào quý một năm nay không là điều ngạc nhiên.