Cờ Vàng, Khát Vọng DC
Trần Khải
Cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa đã treo trên nhiều khu nhà, khu phố tại các cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Năm nay cũng tròn 35 năm ngày Miền Nam thất thủ.
Cũng như mọi năm, nhiều công viên mobile home trên đường Bolsa lại được chủ phố cho treo cờ từng nhà. Ông chủ phố nơi tôi ở là người Đài Loan, mà người đại diện quản lý là người Palestine; nghĩa là, cũng xuất xứ từ cả hai nơi mà không khí chiến tranh lúc nào cũng bao phủ và đe dọa.
Buổi sáng, ra đứng nhìn các lá cờ nằm một chuỗi dài trên các nhà trong công viên lại thấy không khí bùì ngùi hơn mọi năm. Không phải đơn giản vì đây là biểu tượng của một chính thể đã trôi qua. Chắc chắn là hoàn toàn không ai có thể níu lại thời gian; khi tóc đã trắng, thì màu đen sẽ biến mất, không tìm lại được. Không ai trên thế giới này tin là Liên Hiệp Quốc có thể áp lực chính phủ Hà Nội lùi lại bên kia bờ Bến Hải. Chuyện đó không thể xảy ra. Nhưng bùi ngùi khi nghĩ rằng quá nhiều đau thương cho dân tộc, và đất nước. Và màu cờ vàng bây giờ thực ra không phảỉ là một quá khứ, mà đã và đang là một ước mơ tự do dân chủ cho cả nước.
Như thế là 35 năm trôi qua. Nghĩa là ba thế hệ trôi qua, nếu nhìn mỗi thế hệ là mười năm (tính cho chẵn), hay nhìn mỗi thế hệ là mười hai năm (tính theo học trình hết trung học). Mỗi thế hệ tất nhiên có suy nghĩ, cảm xúc, thói quen, và ước mơ khác nhau. Đã có ba thế hệ biến mất, và ba thế hệ mới khai sinh ra. Nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều nan đề chưa biến đổi.
Trong khi cờ vàng đã hóa thân từ một chính thể VNCH để trở thành ước mơ tự do dân chủ cho VN, thì cờ đỏ trong nước vẫn “kiên trung xã hộị chủ nghĩa.” Nhiều năm sau khi tượng đàì thuyền nhân tại Indonesia và tại Mã Lai bị chính phủ Hà Nội áp lực chính phủ Jakarta và Kuala Lumpur đập phá, báo nhà nước mới nói về “hòa hợp hòa giải” với các ngôi mộ ở Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hòa.
Trong khi những đau thương chia cắt hiện nay chưa lành, chính phủ Hà Nội lại bàn chuyện hòa hợp hòa giải cho những người đã chết 700 năm trước, để làm lễ cầu siêu hóa giải oan cừu giữa hai họ Lý và Trần.
Mọi chuyện thực ra không khó, nếu chính phủ Hà Nội thực tâm – thay vì cầu siêu cho người chết 700 năm trước, mà hãy cầu an cho toàn dân ngày hôm nay.
Đó là lời mời gọi hãy đối thoạị với chính những người trong nước trước, với những người tuy không liên hệ gi với cờ vàng nhưng đã và đang bày tỏ các ý kiến dân chủ hóa đất nước. Những trấn áp, ngăn chận, hay bắt cóc, hù dọa đối với trí thức quốc nội, như với Nguyễn Huệ Chi, với Nguyễn Thanh Giang, với Phan Thanh Hải, với Tạ Phong Tần, và nhiều người khác.
Nhưng chính phủ Hà Nội đã không chịu nhìn về một tương lai thay đổi để tìm thế hợp nhất lòng dân, mà vẫn hầm hừ về một quá khứ.
Trong tháng 4 này, trên các mạng diễn đàn Việt Ngữ, người ta thấy lại một lá thư năm 2004 của ông Đạị Sứ CSVN Nguyễn Tâm Chiến phản đối về việc vinh danh lá cờ VNCH và dự án Tượng Đài Chiến Sĩ Tự Do tại tiểu bang Washington. Hẳn nhiên, ông Chiến hy vọng là áp lực được, kiểu như đã áp lực Indonesia và Mã Lai. Các thư phúc đáp lưu hành tất nhiên là bằng tiếng Anh, được ghi là dịch bởi Giaó Sư Nguyễn Châu. Trong đó có thư của một công dân Mỹ trả lời ông Nguyễn Tâm Chiến.
Tình hình mô tả như sau: “Nhân vụ Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang là Pam Roach đưa ra hai nghị quyết tại Thượng Viện Tiểu Bang. Nghị quyết thứ nhất là công nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ; nghị quyết thứ hai ủng hộ dự án xây tượng đài tại tiểu bang Washington kỷ niệm các chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do. Sau đó Nghị Sĩ Roach nhận một bức thư từ Đại sứ Cộng sản Việt Nam phản đối cả hai Nghị quyết trên. Ông Terrell A. Minarcin đã đánh máy lại thư Nguyễn Tâm Chiến và viết thư trả lời.”(hết trích)
Thư phản đối của Nguyễn Tâm Chiến, Đại Sứ Cộng sản Việt Nam gửi Thượng Nghị Sĩ Pam Roach, tiểu bang Washington , trích như sau:
“Ngày 10-2-2004
Kính thưa Thượng Nghị Sĩ Roach:
Với sự quan tâm đặc biệt mà tôi viết thư này gửi ông liên quan đến một nỗ lực thứ hai nhằm thừa nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ được trình bày trong văn kiện SJM8045. Đây là để tái khẳng định rằng nhân dân và chính phủ Việt Nam không thể chấp thuận với dự án xây dựng Tượng Đài. Tôi xin chia sẻ với ông về ý nghĩ của tôi.
Thứ nhất, dự án Tượng Đài đi ngược lại những quy ước quốc tế và thực tiễn. Bây giờ, cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa đã không còn tồn tại, hơn ba mươi năm qua, lá cờ của nó đã không còn chỗ đứng hợp pháp tại Việt Nam. Giống như một số văn bản hoặc nghị quyết, ngôn ngữ của dự án Tượng Đài Kỷ Niệm rõ ràng đã phủ định sự hiện hữu của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vối Hoa Kỳ từ năm 1995.
Thứ hai, kể từ khi khởi đầu của giai đoạn mới của sự bình thường hóa và hòa giải với quý quốc vào năm 1995, Việt Nam đã làm hết sức mình để đẩy lùi quá khứ và nhìn về phía tương lai, phấn đấu để xây dựng một quan hệ mà đôi bên đều có lợi. Trong tiểu bang của ông, hãng Boeing đã bán máy bay cho Việt Nam và Cảng Seattle vẫn là một cảng chị em với cảng Hải Phòng của miền Bắc Việt Nam trong chương trình trao đổi. Theo ý tôi, dự án Tượng Đài Kỷ Niệm, dấu hiệu làm sống lại quá khứ của hận thù và buồn đau, không phục vụ cho lợi ích của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ hoặc tiểu bang Washington.
Thứ ba, với một chính sách kiên định, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia năng động của Việt kiều trong việc mở rộng quan hệ có lợi cả hai bên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sự hội nhập hữu hiệu của họ vào dòng sinh hoạt chính lưu của đời sống Mỹ.Việt Nam hy vọng mãnh liệt rằng cộng đồng của người Mỹ gốc Việt, khoảng gần năm mươi ngàn đã chọn tiểu bang của ông làm quê hương mới, sẽ cũng tiếp nhận tinh thần thân hữu và hợp tác.
Sau hết, ở cấp liên bang vị Ngoại Trưởng và các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đã luôn luôn tuyên bố rằng Hoa Kỳ không công nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Trong cuộc họp với tôi vào mùa hè vừa qua, Thống Đốc Gary Locke đã nói ông ta và tiểu bang Washington ủng hộ sự gia tăng quan hệ hai bên cùng có lợi giữa tiểu bang Washington và Việt Nam ...”(hết trích)
Và sau đây là trích thư phúc đáp từ tiểu bang Washington:
“Ngày 23-2-2004
Thưa Ông Đại Sứ,
Tôi vừa nhận được một bản sao của thư ông gửi đến Nghị Sĩ Pam Roach đề ngày 10-2-2004. Tôi xin trả lời thư đó.
Nếu bất cứ một nước nào khác viết bức thư này, thì sẽ đơn thuần một chuyện buồn cười. Nhưng đây lại là của nước ông, Ông Đại Sứ, nước Cộng sản Việt Nam. Nước ông chưa bao giờ tôn trọng hoặc thành thật tuân theo những thủ tục và quy định của bất cứ một thỏa hiệp quốc tế nào mà nước ông đã ký kết vào... Tuy nhiên, nước ông sẽ chỉ núp đằng sau các Thỏa hiệp ấy khi nào chúng thích hợp cho quyền lợi của nước ông. Khi có những cá nhân, chẳng hạn như bản thân tôi hoặc Ông M. Benge, hoặc các tổ chức như Ân Xá Quốc Tế, Ủy Ban Tự Do, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, cáo buộc quý quốc với vô số hành động vi phạm nhân quyền hoặc tổn hại, thì lập tức quý quốc đáp lại bằng cách nói rằng những vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm tới là những vấn đề nội bộ và rằng chúng tôi đã can thiệp vào chính sách của quý quốc. Thế cũng được.. Ở đây, với quá trình được sắp đặt, chính ông đang can thiệp vào Tiểu bang Washington về những vấn đề không liên quan gì đến ông cả. Sao mà chúng tôi vinh danh sự đóng góp của các cá nhân hoặc các cộng đồng dân tộc ở đây tại Washington lại là ăn nhập đến ông. Xin hãy từ bỏ hành động can thiệp vào những vấn đề nội bộ của chúng tôi.