Hoa Thịnh Đốn.- Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời Xã hội Chủ nghĩa là một chuyện dài bất tận. Đảng, Nhà nước thừa nhận nó là nguy cơ của đất nước, làm chậm đà tiến của dân tộc và đe dọa sự sống còn của chế độ nhưng không ai biết phải giải quyết bằng cách nào. Tại sao "
Có nhiều lý do nhưng nguy cơ tiềm ẩn to lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là không biết phải chống ai và chống đến đâu. Tham nhũng bây giờ, sau 30 năm đất nước thống nhất và 20 năm “đổi mới”, không còn là hành vi phạm tội của một thiểu số cán bộ, đảng viên vì lòng tham mà nó đã thành một chứng bệnh nan y lan mau trong huyết quản của những người có bổn phận phục vụ nhân dân và trách nhiệm với đất nước.
Cho nên cứ nói đến Đảng và Nhà nước là nói đến hai nơi tập trung những kẻ có chức, có quyền được tự do tham nhũng, quan liêu, lãng phí, nhũng nhiễu,chèn ép nhân dân.
Trước khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được 75,1 % Đại biểu Quốc hội thông qua hôm 28-11 (05) thì đảng CSVN đã có Pháp lệnh chống tham nhũng và vô số Luật, Quy định những điều khỏan kỷ luật và trừng phạt kẻ vi phạm nhưng cán bộ,đảng viên vẫn cứ tự do tham nhũng mỗi ngày một nhiều và hành vi tham lam ngày một tinh vi hơn.
Nhân dân có ai ngờ một số không nhỏ cán bộ thi hành luật pháp như công an, cảnh sát, luật sư, chánh án, cán bộ tư pháp đã táng tận lương tâm bênh che, cất giấu tội phạm cho những kẻ vi phạm luật pháp làm hại người dân"
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển nhìn nhận trước Quốc hội rằng “Tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội...”
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thì nói: "Lòng dân và ý Đảng là một, đó là tinh thần quyết tâm, quyết chiến và quyết thắng với một loại giặc nội xâm là tham nhũng và lãng phí. Việc thông qua Luật này là điều rất tốt, là cơ sở pháp lý rất quan trọng".
“ Vấn đề đặt ra hiện nay là "chúng ta quyết tâm thực hiện luật đến đâu ...vừa qua chúng ta làm chưa tốt, nguyên nhân chính không phải là do thiếu luật, thiếu tổ chức chỉ đạo.... mà cái chính do chúng ta thiếu lòng tin, thiếu quyết tâm, thiếu kế hoạch cụ thể để triển khai trong thực hiện, trong chấp hành nghiêm minh pháp luật".
"Chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề cực kỳ khó khăn phức tạp, vấn đề có ý nghĩa sống còn của chế độ, song điều đáng sợ hơn nếu chúng ta chỉ hô hào mà không hành động."
“Chúng ta phải xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng và những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm. Khi còn tình trạng không có người chịu trách nhiệm, nhẹ trên nặng dưới, nể nang né tránh... thì pháp luật dù tốt đến mấy cũng chỉ là quả đấm vào không khí, lạc lõng trong cuộc sống".
Tại sao lại “thiếu lòng tin” và “thiếu quyết tâm” " Ai thiếu lòng tin vào ai thì đã rõ. Ngày nay, sau hàng chục năm nghe đảng nói nhiều mà làm chẳng đươc bao nhiêu nên nhân dân không còn tin vào đảng nữa. Ngay những đảng viên liêm chính còn sót lại cũng đã hoài nghi tính trung thực và chán ngán về tìng trạng “đánh trống bỏ dùi” của lãnh đạo. Tình trạng trên bảo dưới không nghe, hay có nghe nhưng lại làm khác đi để thu lợi bỏ túi là thói quen bây giờ của những kẻ có quyền sinh sát với nhân dân.
Đã có nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị Thủ tướng cho điều tra làm sao mà một cán bộ hạng trung lương cỡ vài trăm ngàn một tháng mà có tiền gửi con đi học tự túc ở nước ngoài mỗi năm tốn 20 ngàn Đô la. Tiền này ở đâu ra, nếu không do tham nhũng. Lại có chuyện cán bộ lương tháng chỉ đủ xài mà lại có ruộng vườn thẳng cánh cò bay cho nông dân thuê làm mùa thu lúa hay có vài căn hộ cho ngoại kiều thuê.
Nhưng Thủ tướng vẫn mũ ni che tai, coi như không nghe thấy hoặc không làm được. Cũng như chuyện Bộ Chính trị thời Lê Khả Phiêu (Khóa VIII) ra lệnh cho cán bộ Lãnh đạo phải kê khai tài sản, nhưng cũng chỉ là chuyện bùng lên một thời cho vui,khai cho có hình thức rồi bảo nhau giấu đi không cho ai biết, mặc cho dân ta thán, khiếu kiện đòi công bằng, chống bất công.
Nhưng Điều 44 nói về “Nghĩa vụ kê khai tài sản” của Luật mới đã quy định rõ:
1. Những người sau đây phải kê khai tài sản:
a) Cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;
c) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chính phủ quy quy định cụ thể những người phải kê khai tài sản quy định tại khoản này.”
Nhân dân cũng chỉ mong được như vậy nhưng bây giờ Thủ tướng lại được Luật mới giao cho vai trò “thủ lãnh” Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng thì có khác gì chuyện Nhà nước “vừa đá bóng lại kiêm luôn việc thổi còi trọng tài” thì phần thiệt chỉ thuộc về nhân dân.
Nguyễn Văn An vẫn coi đó là chuyện đương nhiên không làm khác được. An nói với Quốc hội: “ Theo Điều 112 của Hiến pháp, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đã được Hiến pháp ghi là "nhiệm vụ của Chính phủ mà Thủ tướng là người đứng đầu". Trả lời câu hỏi của một Đại Biểu: "Chính phủ tham nhũng rồi thì làm sao chống tham nhũng"", Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định: "Thế là hoàn toàn sai. Chính phủ đâu phải là tham nhũng, chỉ có những người trong bộ máy tham nhũng... Cho nên, nếu mặc nhiên cho Chính phủ là tham nhũng, như thế là ta phủ định cả Chính phủ này, tự chúng ta chặt tay chúng ta". (VNNET, 28-11-05)
An tự tin: "Thủ tướng Chính phủ - Tổng tư lệnh chỉ đạo quyết liệt, QH giám sát chặt chẽ, Đảng lãnh đạo sát sao, đảng viên đi trước làng nước theo sau. Nhất định chúng ta thực hiện thắng lợi Luật PCTN, Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí".
Có sẽ thắng lợi hay không rồi sẽ biết vì Thủ tướng có trách nhiệm phải báo cáo hàng năm với Quốc hội về công tác này. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần họp Quốc hội là thêm một lần nhân dân được nghe Chính phủ lập lại điệp khúc kế hoạch gì gì cũng vượt chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước”, nhưng đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng cao và hải đảo lại ngày một nghèo hơn.
Chẳng hạn như chuyện Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ phải phúc trình những yêu cầu, băn khoăn và bức xúc của người dân gửi cho Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm cho biết đã nhận được 975 kiến nghị cử tri.
Đảm nói với Quốc hội hôm 22-11 (05): “ Trong lĩnh vực đất đai, cử tri nhiều địa phương vẫn tiếp tục phản ánh tình trạng một số cán bộ lợi dụng chức quyền, lấy đất công. Nhiều quan tham lợi dụng việc thu hồi đất của dân trong quá trình lập dự án để vụ lợi, chia chác cho nhau. Cử tri kiến nghị Chính phủ phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi" làm mất lòng tin của nhân dân.”
“Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng quản lý quy hoạch kém dẫn đến đầu tư dàn trải, nhiều dự án, công trình không phát huy gây lãng phí. Việc đền bù giải phóng mặt bằng một số nơi không thoả đáng. Tình trạng rút ruột công trình, đánh tráo nguyên vật liệu lấy tiền chia chác đang trở nên phổ biến. Những vấn đề trên đã gây bức xúc trong nhân dân.”
Thật ra “kiến nghị của nhân dân” không có gì mới hơn các lần trước. Họ chỉ lập lại những tệ nạn mà Nhà nước đã hứa gải quyết nhưng không làm.
Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Việm Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhìn nhận với Báo chí ở Hà Nội hôm 28-11(05): “ Gần đây chúng ta đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử những vụ tham nhũng lớn. Nhưng có thể nói rằng, trong tình hình tham nhũng hiện nay thì số vụ tham nhũng bị truy tố vừa qua chưa đáp ứng nhu cầu. Luật phòng chống tham nhũng được QH thông qua kỳ này có khá nhiều điểm mới. Đáng chú ý là việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống tham nhũng và quy định rõ lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống tham nhũng nằm trong các cơ quan thanh tra, viện kiểm sát, công an. Đây là cơ sở để công tác chống tham nhũng thời gian tới sẽ tốt hơn”.
Nhưng Trí lại nói bồi theo kiểu “cái khó nó bó cái khôn”: “ Những người có chức, có quyền thường là những người có trình độ, nên không dễ phát hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, những tội tham nhũng thường có sự móc ngoặc giữa người bên trong cơ quan nhà nước và người bên ngoài. Nhiều vụ án tham nhũng lớn chúng tôi vừa phát hiện có sự móc nối trên phạm vi rộng, nên việc điều tra rất khó khăn. Một khó khăn nữa là sự chống đối của lực lượng tham nhũng.”
NGUYỄN TẤN DŨNG LẠI HỨA
Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực cũng ra Quốc hội hôm 26-11 (05) để xác định thêm lần nữa quyết tân của Chính phủ trong việc chống tham nhũng.
Nhưng Dũng nhìn nhận công tác này không những vẫn giậm chân tại chỗ mà còn bê bát hơn: “ Chúng ta đã có những kết quả nhất định ở nhiều địa phương, đơn vị cụ thể. Nhưng nhìn chung, tham nhũng chưa bị đẩy lùi và còn rất nghiêm trọng. Hầu như trên lĩnh vực nào cũng có".
Rồi Dũng lại cam kết: "Chính phủ sẽ làm hết chức trách, hết sức của mình trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng".
Tuy nhiên đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, 75 tuổi (Tỉnh Bắc Giang) đã hỏi Dũng: "Tôi hoan nghênh những điều Phó thủ tướng vừa nói, những điều đó đã được thể hiện ở rất nhiều nghị quyết nhưng tại sao tham nhũng vẫn nghiêm trọng" Chính phủ có né tránh không"... Phó thủ tướng nói làm hết mình, nhưng tôi cho vẫn chưa đủ "đô". Tôi đề nghị Phó thủ tướng trình bày một lộ trình cụ thể""
Dũng đáp nhanh: "Chính phủ không né tránh việc gì. Đại biểu Ngoạn hỏi tôi có né tránh không, tôi khẳng định là không".
Đại biểu, Nhà Sử học Dương Trung Quốc (Tỉnh Đồng Nai) phát biểu: "Thêm một lần nữa tại diễn đàn này chúng ta ghi nhận quyết tâm của Chính phủ, nhưng theo tôi quyết tâm thôi chưa đủ. Vì nó liên quan đến lòng tin của nhân dân với các bộ trưởng. Khi mà các lời hứa được cho rằng, lặp đi lặp lại thì cử tri cũng lo ngại quyết tâm này cũng lặp lại như lời hứa".
Ông hỏi : "Nếu tôi đề nghị Chính phủ, các quan chức khi nhận nhiệm vụ phải tuyên thệ trước nhân dân thì Phó thủ tướng có đồng ý không""
Nguyễn Tấn Dũng : "Tôi chưa suy nghĩ về điều này, nếu QH quyết định thì chúng tôi sẽ làm".
CHỈ CÓ 30% CÁN BỘ THAM NHŨNG"
Trong khi đó,một Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương phổ biến tại Hà Nội hôm 30-11 (05) về kết quả khảo sát điều tra về tham nhũng tại 3 bộ và 7 tỉnh, thành cho thấy có khoảng 1/3 cán bộ, công chức trong số người được hỏi đã thừa nhận, có thể nhận hối lộ.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Quyền cho báo chí biết cuộc điếu tra đã tập trung vào Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp và 7 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế.
Ông cho biết thủ đoạn tham nhũng phổ biến nhất là “gọi điện, viết thư tay”.
Cuộc điều tra viết rằng: “ Khi có người đưa tiền, quà thì hơn 11% cán bộ cho biết "tuỳ từng trường hợp nhận hoặc chối". Đáng chú ý, có 6,5% cán bộ sẵn sàng nhận hối lộ "vì là thường tình". Hơn 14% cán bộ "lấp lửng" với những đề nghị hối lộ.” ((VNEXPRESS, Tin nhanh Việt Nam, 30-11-05)
Bài báo viết tiếp: “ Đáng lo ngại là hành vi tham nhũng có tính chất công khai, người nhận không cần che giấu danh tính, địa chỉ. Thậm chí, 70% người nhận tiền, quà là của người quen ở mức độ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ quen lâu năm giữa người đưa và nhận hối lộ là 10%. Gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân quen" là hành vi phổ biến nhất. Gần 1/4 trong số công chức được hỏi, cho biết đã chứng kiến hành vi này. Một trong những lý do các quan chức thích sử dụng thủ đoạn trên là nếu hành vi tham nhũng bị phát hiện thì tác giả những cú điện thoại, bức thư trên vô can. Về mặt hình thức, gọi điện, viết thư tay không phải là văn bản pháp lý. Về mặt nội dung, chủ nhân của các lá thư tay đủ trình độ để viết sao cho đạt được mục đích nhưng tránh né được pháp luật.”
Cuộc điều tra khá hi hữu và chi tiềt này, theo VNEXPRESS, cho thấy: “Trên 40% số công chức được hỏi cho biết họ đã chứng kiến hành vi “Người có chức vụ, quyền hạn cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để buộc người cần giải quyết phải chi tiền hoặc quà biếu”. 57% người dân cho biết phải mất tiền "bôi trơn" khi vi phạm luật giao thông. Nếu vướng tới kiện tụng, cứ 2 người thì có 1 người phải mất tiền.”
“Đánh giá về tính liên kết của tham nhũng, gần một nửa số công chức được hỏi đồng ý với quan điểm rằng: "Do bè cánh, nếu ai không tham nhũng sẽ bị loại ra".
Cuộc khảo sát cũng tìm ra các cơ quan “Địa chính; hải quan; cảnh sát giao thông” đứng đầu danh sách có cán bộ tham nhũng. Sau đó đến lượt: “ Cơ quan tài chính, thuế; Cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành xây dựng; Cơ quan cấp phép xây dựng; y tế; cơ quan kế hoạch và đầu tư; cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành giao thông; công an kinh tế.”
Báo cáo tiết lộ trả lời câu hỏi về tình trạng tham nhũng ở mức “rất phổ biến hoặc tương đối phổ biến” đối với cơ quan báo đài và địa chính - nhà đất” thì tại Hà Nội, VNEXPRESS viết: “Có 8,6% công chức chọn báo đài (tỷ lệ đánh giá thấp nhất) nhưng có tơi 66,5% công chức chọn Địa chính - nhà đất (có tỷ lệ đánh giá cao nhất).”
Báo cáo của Ban Nội chính nhận xét: “ "Ai cũng biết có tảng băng tham nhũng nhưng không ai nhìn thấy được tảng băng to lớn như thế nào, vì nó còn ẩn quá lớn. Ở tỉnh nào, cũng có một tỷ lệ đáng kể công chức đã từng chứng kiến hành vi tham nhũng. Tỉnh nào, bộ nào cũng có đơn thư tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, số người bị tố cáo tham nhũng ít hơn rất nhiều so với hành vi tham nhũng mà công chức đã chứng kiến".
Như vậy thì cuộc nghiên cứu này có ý nghĩa gì với Phan Văn Khải trong vai trò “Tổng Tư lệnh” Ban chỉ đạo Trung ương Phòng, chống Tham nhũng" Liệu Khải có làm được những điều Nguyễn Tấn Dũng đã hứa với Quốc hội không hay chúng sẽ âm thầm bay đi như bao năm trước đây"
Phạm Trần
(Cuối 11-05)