Trung Quốc: Cải Cách Trong Thời Quá Độ
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA
...làm sao để bóng xì mà không bể và gieo họa cho kinh tế là việc không dễ...
Quốc hội Trung Quốc đang họp để thảo luận về hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế và xã hội. Qua phần trao đổi với Việt Long trong tạp chí Diễn đàn Kinh tế đài RFA tuần này, nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Trung Quốc chưa thế có những quyết định cải cách quan trọng và cần thiết vì còn chờ đợi việc chuyển quyền lãnh đạo trong Đại hội Đảng vào năm 2012 này.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Từ mùng năm đến 14 tháng này, Trung Quốc có kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 11 với nghị trình là thảo luận về một số kế hoạch cải cách kinh tế xã hội. Chúng tôi muốn đề nghị ông phân tích nội dung việc thảo luận đó sau khi trình bày cho bối cảnh của vấn đề là vì sao lại có yêu cầu cải cách vào lúc này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cùng với Hội nghị Hiệp thương Chính trị là một cơ chế cố vấn, Quốc hội Trung Quốc thường có kỳ họp hàng năm vào đầu tháng Ba, gọi là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Đây là cơ chế lập pháp và trên lý thuyết thì là quyền lực tối cao của nhà nươc vì quy tụ chừng ba nghìn đại biểu của nhân dân được bầu lên mỗi năm năm. Họ gồm có đại biểu các tỉnh, thành phố, khu tự trị hành chính, và đại biểu của Quân đội và ba đặc khu riêng là Hong Kong, Ma Cao và cả Đài Loan. Trong thực tế, cơ chế này chỉ có nhiệm vụ biểu quyết các luật lệ hay chính sách do bộ Chính trị của đảng Cộng sản đưa ra mà thôi vì 70% các đại biểu, chính thức hiện nay là 2099 người, là đảng viên được địa phương đưa vào Quóc hội.
Việt Long: Vì vậy mà người ta mới nói rằng Quốc hội Trung Quốc chỉ là cơ chế ngồi đó làm vì, và các đại biểu Quốc hội chỉ là những ông "nghị gật" vì không có thực quyền phải không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sự thật nó rắc rối hơn thế vì quả thật là các đại biểu Quốc hội chỉ có thể đồng ý với các dự luật được đưa ra và tu chỉnh nhiều lần. Nhưng trong thực tế từ nhiều khóa rồi, thì nếu họ không đồng ý, các dự luật này vẫn bị dìm, không thành luật và phải được tu chỉnh lại. Vì vậy, cơ chế này cũng có một chút quyền lực, dù tiêu cực thì vẫn là quyền lực. Chuyện thứ hai rất đáng chú ý là kỳ này, Quốc hội sẽ thảo luận về tỷ lệ đại biểu cho tương xứng của hai thành phần nông thôn và thành thị. Dù vẫn chỉ có ba ngàn đại biểu, Quốc hội trong tương lai sẽ có tiếng nói quan trọng hơn cho thành phần dân chúng sống ở thôn quê. Đây là một trong những dự luật có thể dẫn tới nhiều thay đổi sau này trong một loạt vấn đề cực kỳ phức tạp của Trung Quốc.
Việt Long: Bây giờ xin ông nói về nghị trình của các vấn đề phức tạp này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Để chuẩn bị cho Đại hội các Đại biểu, ngay từ hôm 27 tháng trước, trong buổi hội luận trực tuyến trên mạng lưới điện toán với công chúng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu ra một số nan đề - vấn đề nan giải - về kinh tế xã hội sau khi biện bạch là Chính phủ đã hết sức cố gắng vượt qua những thách đố này. Bây giờ, vào tới Đại hội, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế chính trị, các Đại biểu sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề được nêu lên. Theo dõi những tin tức được tiết lộ ra ngoài, người ta có thể thấy ra ít ra các nan đề sau đây:
- Thứ nhất là đà tăng trưởng và lợi tức khác biệt giữa các địa phương và giữa thôn quê với thành thị. Như diễn đàn này có trình bày trong chương trình ngày 10 tháng Sáu năm ngoái, Trung Quốc thực tế có ba nền kinh tế ở ba khu vực địa dư. Bên trong từng khu vực là bài toán đô thị hóa nông thôn, và bên dưới là bài toán đại biểu chính trị của các khu vực. Lồng trong vấn đề của một chế độ độc đảng không chấp nhận nguyên tắc liên bang là mâu thuẫn về quyền lực giữa trung ương và các đảng bộ địa phương.
- Từ nan đề ấy, ta có bài toán của tiến trình đô thị hóa và các luật lệ liên hệ, kể cả luật lệ về chế độ kiểm soát hộ khẩu mà tỉnh Quảng Đông đề nghị bãi bỏ. Bình quân thì nhịp độ đô thị hóa của xứ này ở khoảng 1% một năm, đến năm 2015 này thỉ coi như 50% dân số là thị dân, sống tại đô thị, với hậu quả tất yếu về đầu tư và tiêu thụ. Nhưng, lãnh đạo Bắc Kinh muốn thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn và họ sẽ có bài toán luật pháp và chính trị là tư thế và vai trò của các đại biểu.
Việt Long: Đó là nan đề mà ta có thể hiểu là bài toán của cuộc chạy đua giữa kinh tế xã hội với hệ thống luật pháp và chính trị.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, trong đó có cả bài toán của trung ương là làm sao giảm bớt công chi của ngân sách địa phương, là việc không dễ vì công chi từ ngân sách cũng đem lại ảnh hưởng và quyền lợi cho các địa phương mà trung ương khó ngăn cản được.
- Nan đề thứ hai là truyện dài về doanh nghiệp nhà nước. Quốc vụ viện, là Hội đồng Chính phủ Trung Quốc, vừa cho lập thêm một cơ quan cải cách doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi quản lý của một ủy ban hiện hữu từ năm 2003 là "Quốc vụ viện Quốc hữu tư sản giam đốc quản lý thanh tra hội", gọi tắt là SASAC. Trong khuôn khổ Ủy ban Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước SASAC, cơ quan thứ ba này sẽ chấn chỉnh việc sử dụng tài sản quốc gia là doanh nghiệp nhà nước theo hướng có lợi nhất. Vấn đề được đặt ra từ cả chục năm mà chưa có giải pháp vì doanh nghiệp nào có lời thì được tồn tại và trở thành thế lực kinh doanh và chính trị. Các doanh nghiệp cồng kềnh vĩ đại và lỗ lã thì vẫn còn đó vì lý do là tạo ra việc làm và nhờ vậy tiếp tục là những trung tâm chi phí tốn kém, nhất là sau khi lại được bơm tiền để kích thích kinh tế ra khỏi nạn suy trầm 2008-2009. Lần này, lãnh đạo Bắc Kinh lại lập thêm một cơ chế khác để gom tài sản quốc doanh thành một quỹ đầu tư mới trong tiến trình tiết giảm số doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý, từ 128 xuống còn chừng 100 vào cuối năm nay và chỉ tiêu chỉ còn là 80 cơ sở mà thôi. Việc này không dễ vì nhiều đảng viên cán bộ cao cấp cũng là Đại biểu Quốc hội và có quyền lợi gắn bó với các cơ sở này.
Việt Long: Chúng ta bước qua nan đề thứ ba của lãnh đạo Trung Quốc sẽ được các Đại biểu Quốc hội đem ra mổ xẻ trong kỳ họp này, đó là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nan đề thứ ba là nạn bong bóng đầu tư về gia cư và địa ốc.
- Ta không quên là kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Trung Quốc vừa trải qua một trận tổng suy trầm 2008-2009. Nhằm chặn đứng nạn suy trầm sản xuất, lãnh đạo Trung Quốc đã tung ra kế hoạch kích thích kinh tế với hậu quả là cũng thổi lên một trái bóng đầu cơ về gia cư và địa ốc. Nhưng vấn đề không chỉ là hiệu ứng ngắn hạn của một chu kỳ kinh doanh mà nằm trong cơ chế và xương tủy của nền kinh tế vì hai hiện tượng là tập trung quyền lực và quản lý đất đai. Lồng trong tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hóa, Trung Quốc bị nạn đảng viên cán bộ đầu cơ đất đai làm dân quê bất mãn, và các đảng bộ địa phương lại có quá nhiều quyền hạn trong việc kích thích kinh tế nên càng dồn phương tiện tín dụng hay ngân sách vào dự án gia cư và địa ốc để kiếm lời.
- Hậu quả là Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội phải báo động tuần qua rằng "dứt khoát đang có nạn bong bóng đầu tư" và vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận. Nhưng làm sao để bóng xì mà không bể và gieo họa cho kinh tế là việc không dễ giải quyết. Chương trình ngày 13 tháng Giêng vừa qua đã đề cập tới hiện tượng này và ta còn có dịp trở lại vì có nhiều điểm rất giống với Việt Nam, khi chúng ta nói đến chuyện bong bóng và lạm phát.
Việt Long: Nếu nhìn ra ngoài khuôn khổ Trung Quốc thì hiển nhiên ta thấy là còn một bài toán rất đáng quan tâm là vai trò đầu máy của xuất khẩu ra ngoài hay là khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa bên trong. Vấn đề này có được Quốc hội của họ đem ra thảo luận hay không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tất nhiên là trong tiến trình thảo luận về cấu trúc kinh tế và phát triển các địa phương, vấn đề có tính chất chiến lược này sẽ được các đại biểu đề cập tới. Nhưng tôi e là nan đề này đòi hỏi nhiều giải đáp trường kỳ, có ảnh hưởng sâu rộng, lẫn sự cưỡng chống rất mạnh bên trong, cho nên khó dẫn tới nhiều quyết định lập tức, có thể áp dụng ngay.
- Ta không quên rằng khi lên lãnh đạo từ gần tám năm trước, thế hệ thứ tư - của những người như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay Thủ tướng Ôn Gia Bảo - có thấy ra vấn đề nhưng cũng hiểu vì sao mà thế hệ trước, của các ông Giang Trạch Dân hay Chu Dung Cơ, đã phải chọn chiến lược hướng về xuất khẩu để tạo việc làm cho dân và thu ngoại tệ cho nhà nước. Bây giờ, họ phải giải quyết các vấn đề như dị biệt giàu nghèo và khác biệt về địa phương do chiến lược này gây ra nên tìm cách tái phân lợi tức để nâng cao mức tiêu thụ nội địa, hầu lấy thị trường nội địa làm đầu máy tăng trưởng và san bằng hố sâu bất công trong xã hội.
- Nhưng, y như các vị tiền nhiệm, lãnh đạo hiện tại không thể vừa cải tổ tư duy và cơ chế vừa đối phó với bài toán kinh tế xã hội ngay trong một chu kỳ kinh tế sa sút. Vả lại, họ chì còn hơn hai năm tại chức trước khi Đại hội đảng sẽ nhóm họp để đưa lên thế hệ lãnh đạo thứ năm, nghĩa là những người như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường... Trong thời gian thực sự ngắn ngủi này, họ không dám lấy rủi ro cải cách quá mạnh mà gây ra phản ứng hoặc động loạn.
- Vì vậy mà tôi thiển nghĩ rằng Trung Quốc vẫn đang ở vào lúc giao thời, một thời kỳ quá độ, chuyển tiếp, giữa hai tầng lớp lãnh đạo, nên chỉ có thể lấy những quyết định vặt, hoặc thông qua những luật lệ đã được bàn cãi và tu chính từ lâu.
Việt Long: Câu hỏi cuối thưa ông, những luật lệ đó có thể là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngoài việc vỗ tay bản báo cáo chính trị rồi biểu quyết về ngân sách của trung ương và địa phương, kỳ này Quốc hội Trung Quốc có thể thông qua bản tu chính đạo luật "Bảo vệ Bí mật Quốc gia" ban hành từ năm 1989. Mục đích yêu cầu ở đây là gia tăng chế độ kiểm duyệt thông tin trong xã hội, trong doanh nghiệp và nhất là trên không gian điện toán và mạng lưới Internet.
- Thứ hai, để thoa dịu nỗi bất mãn của dân chúng về tệ nạn tham nhũng và cường hào ác bá địa phương, họ có thể tu chính đạo luật giám sát các viên chức nhà nước. Về danh thì có vẻ như tăng cường giải trừ tham nhũng. Về thực thì lại ngược vì đạo luật thanh tra giám sát năm 2006 có nội dung kiểm soát cả cán bộ nhà nước lẫn đảng viên và viên chức tư pháp. Đạo luật mới sẽ chỉ tăng cường kiểm soát công chức nhà nước mà thôi, hai thành phần sau thì thoát. Và ly kỳ hơn cả là luật mới đòi hỏi là từ nay những ai tố giác viên chức nhà nước sẽ phải khai báo lý lịch, nghĩa là thay vì là được bảo vệ thì lại dễ bị trù rập hơn!
- Thứ ba và quan trọng nhất là đạo luật về bầu cử Đại biểu Quốc hội. Trước đây, kể từ năm 1995, một đại biểu ở thôn quê là đại diện cho khoảng gần một triệu dân, so với đại biểu ở thành phố là thay mặt cho khoảng 24 vạn dân, nghĩa là các đại biểu nông thôn có một tỷ lệ dân số gấp bốn. Bây giờ, số đại biểu không tăng mà vẫn giới hạn trong mức ba ngàn, các đại biểu từ thôn quê sẽ có quyền đại diện ngang bằng với thành thị, ở mức 50/50. Nghĩa là về danh, thôn quê sẽ có tiếng nói lớn hơn. Nhưng về thực thì khi là đại biểu của một dân số lớn hơn ở thôn quê, đảng viên cán bộ làm đại biểu nhân dân tại các khu vực thôn quê đông dân tại Tứ Xuyên hay An Huy sẽ còn có nhiều quyền thế hơn xưa. Họ có thể thúc đẩy việc cải cách có lợi hơn cho thôn quê, nhưng họ cũng có thể trục lợi nhiều hơn nhờ thế lực mới. Đây mới là điều đáng chú ý trong hai năm quá độ của thế hệ lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.