Khủng Hoảng Đang Chờ
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Vào dịp Tết Âm lịch tôi thường có lệ viết về Tôn giáo và Khoa học. Tuần này trước khi đón Giao thừa, tôi có dịp viết về Khoa học có tính thời sự. Một cuộc khủng hoảng đang chờ chúng ta. Đó là khủng hoảng trên mạng lưới Internet. Sự bùng nổ dữ dội về mọi chuyện liên quan đến vô tuyến điện đang hăm dọa một sự "kẹt giao thông" của các cuộc điện đàm qua mạng luới. Nếu không chấn chỉnh, nhiều cú gọi phôn cầm tay sẽ bị kẹt hoặc bị chờ đợi rất lâu, mất hẳn tính "ngay tức khắc". Các nhà điều chỉnh thiết bị liên bang đang làm việc cấp tốc để giải quyết vấn đề.
Các kỹ thuật gia gọi các đường lưu thông trên lưới là "quang phổ điện từ" (electromagnetic spectrum) vì nó bao gồm cả các buổi phát hình của các đài TV qua không gian hay vệ tinh. Hiện nay các công ty vô tuyến đã sử dụng đến 534 mêga héc (megahertz) và đã có sự gia tăng 50 mêga héc. Nhưng sự bùng nổ giao thông quá mau lẹ nên 6 năm tới người ta dự liệu nhu cầu sẽ lên đến 800 mêga héc. Bởi vậy trong những năm tới các vụ "kẹt xe vô tuyến" sẽ còn xẩy ra dài dài. Các nhà kinh doanh nói vụ kẹt đó sẽ ảnh hưởng nặng đến luật cung cầu của nghề làm thương mại.
Nhưng tôi muốn nhìn cuộc khủng hoảng này theo một khía cạnh khác. Đó là nghề làm báo. Ở đây vấn đề đặt ra là tốc độ. Không phải tốc độ truyền tin mà là chuyện khó khăn của các loại báo in và radio. Báo in là phải có thời giờ in báo và thời giờ phát hành báo đến tay người đọc. Trong trường hợp này báo in không thể nào có tin tức hay bình luận kịp thời so với các tin tức phổ biến trên mạng lưới Internet. Và cả radio cũng có thể bị kẹt nếu không có tiền đưa radio lên Internet mà chỉ có phát ở địa phương như trường hợp các đài radio Việt ngữ ở hải ngoại thì thật khổ. Nói chung đó là sự thi đua tốc độ giữa tin trên Internet và báo in hay báo đài.
Các nhà khoa học nói trong thế giới vật chất không thể có vật nào chạy nhanh bằng ánh sáng hay những tia điện từ. Trong những phim khoa giả tưởng như "Star Trek", phi thuyền không gian bay đi khắp vũ trụ nhưng không thể bay nhanh bằng làn sóng điện từ, vì phi thuyền là vật chất, không thể bay nhanh bằng tốc độ ánh sáng với 186,000 dậm một giây đồng hồ. Mọi chuyện khoa học giả tưởng không thể phản lại những nguyên lý căn bản của khoa học. Nếu cứ in ra những chuyện đó, nó sẽ bị liệng vào thùng rác. Chỉ có những kẻ vô học mới giữ lại mà không có ích lợi gì.
Mới đây trong vụ cứu trợ nạn động đất ở Haiti người ta đã thấy một thí dụ điển hình về sự cách biệt giữa tốc độ Internet và tốc độ những con tầu và phi cơ đem đồ tiếp tế đến cứu trợ nạn nhân ở đảo quốc này. Trên báo Arab News Anh ngữ xuất bản tại Trung Đông, một bài viết: "Tai họa thật khủng khiếp, người chết nằm la liệt, hàng trăm ngàn người bị thương. Vậy mà những nước gần nhất không thấy chở đồ cấp cứu đến, tại sao vậy hả Trời". Xin đừng hỏi ông Trời, hỏi ông Khoa học thì đúng hơn. Và chúng ta đã thấy khoa học cũng bất lực không thể làm cho vật chất chạy nhanh bằng làn sóng điện từ trên Internet.
Những hình ảnh đầu tiên của cuộc động đất Haiti đã xuất hiện trên cứ điểm trứ danh Twitter chỉ vài phút ngay sau đó, cả thế giới đã nhìn thấy. Nhưng sự cứu trợ tiếp tế thuốc men và thực phẩm chỉ đến được hai ngày sau, vì ở phi trường thủ đô Port-au-Prince đài liên lạc không vận bị sập và bến tầu thủ đô cũng bị hư hỏng.
Tai họa khủng khiếp ở Haiti chỉ là một thiên tai hiếm có, gây thương vong và tàn phá khiến cả thế giới xúc động thương sót. Thế nhưng riêng trong vấn đề tốc độ quá mau lẹ của Internet, tôi lại thấy nhiều lần nó đem tin vui lại cho thế giới thiện lương mà nguyên tắc căn bản là tôn trọng nhân quyền và tự do dân chủ, chống các chế độ độc tài tàn bạo. Tôi muốn nói trước hết đến tình hình ở vài nước trên thế giới mới đây.
Iran dưới chế độ độc tài của Amahdinejad đang gặp khó khăn lớn. Ngay sau cuộc bầu cử hồi tháng 6 năm ngoái Ahmadinejad trúng cử Tổng Thống, nhưng đã gặp phải những cuộc biểu tình của phe chống đối do Hossein Mousavi cầm đầu, tố cáo có gian lận bầu cử. Amahdinejad làm ngơ, sai Vệ Binh Cách Mạng đàn áp dữ dội. Từ đó đến nay 6 tháng đã trôi qua, những cuộc biểu tình chống đối vẫn tiếp tục, nhiều người đã bị bắn chết hoặc đánh chết ngay tại hiện trường, chưa kể một số rất đông đã bị bắt cầm tù. Hầu hết tất cả những phim quay bằng máy phôn tay cầm đã được đưa lên các website lớn trên Internet, chưa đầy một phút sau đã được phổ biến khắp thế giới, để hàng trăm triệu nguời được nhìn thấy tận mắt những gì đã xẩy ra, không có bàn tay nào bóp méo được. Tin tức phổ biến trên Internet là trung thực nhất.
Ngoài Iran tôi muốn nói những tin Internet ở hai nước độc tài chuyên chế là Trung Quốc và Việt Nam. Ở bên Tầu, thế giới đã có thể nhìn thấy những hình ảnh sống của các vụ đàn áp người dân thiểu số gốc Hồi ở Tân Cương, từ tháng 7 năm ngoái. Tân Cương có nghĩa là "Biên giới mới", Bắc Kinh nêu ra tên gọi này đã bộc lộ dã tâm bành trướng lãnh thổ. Để thực hiện mưu đồ này Bắc Kinh đã tìm cách tiêu diệt văn hóa của các dân tộc thiểu số sống chung với họ, như Bắc Kinh đã từng làm với Tây Tạng. Riêng ở Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, những vụ đàn áp các thành phần chống đối cũng được phổ biến trên Internet nhưng vì nó không ảnh hưởng đến những vấn đề quốc tế lớn nên ít người chú ý, ngoại trừ những người gốc Việt định cư ở các nước lớn Âu-Mỹ.
Riêng về mặt báo chí tôi có một vài suy nghĩ như sau. Những nhà báo bất cứ ở đâu đều có hai nhiệm vụ: 1)Thâu lượm tin tức ở đủ mọi nguồn gốc, nhất là từ Internet nơi có tin cập nhật nhất. 2) Ấn hành tờ báo viết, hoặc tin để nói trên đài Radio. Tôi bỏ qua tin tức hay nhận xét của ký giả trong chương trình hàng giờ trên các hãng TV lớn phát hình đi khắp thế giới 24 trên 24 giờ. Riêng ở Mỹ và cả thế giới, không có chương trình tiếng Việt nào phát hình suốt ngày đêm như vậy. Bởi vậy hãy thu gọn để nói mọi chương trình TV Việt ngữ đều bị thua trong cuộc thi đua về tốc độ.
Nhưng dù bị thua về tốc độ, báo viết và Radio Việt ngữ ở hải ngoại cũng như ở trong nước Việt Nam hiện nay vẫn mang một sứ mạng quan trọng của nghề làm báo. Sứ mạng đó đặt trên hai cái cột trụ của nghề làm báo là "kiến thức và đạo đức", phổ biến sự hiểu biết, kiến thức mới nhất, hiện đại nhất đem lại việc có thật, hữu ích cho người Việt Nam trong nước và người gốc Việt ở hải ngoại có nhu cầu tìm hiểu những gì đang và đã xẩy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đó là kiến thức đa nguyên, không phải kiến thức một chiều hay bị bóp méo, cắt xén bởi bàn tay kiểm duyệt của nhà cầm quyền độc đoán. Tinh thần trách nhiệm của người làm báo chỉ còn lại một chút đó thôi.