Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Tin Tặc & Gian Tặc
Thư toà soạn của Tạp chí văn chương Da Màu số 27, phát hành ngày 30 tháng 5 năm 2007, nghiêm và buồn thấy rõ:
“Nghĩ đến Văn học miền Nam 54-75 là nghĩ đến một khoảng thời gian 20 năm bị hư vô hóa. Nền văn học này, sau 30/4/1975, đứng chênh vênh nơi ranh giới giữa có thực và phi thực, giữa sống sót và hủy diệt, chưa kể đến những âm mưu đánh tráo nó với cái gọi là ‘Văn học Giải phóng miền Nam.’ Đó là mục tiêu lâu dài của người cộng sản, để giáo dục những thế hệ sinh sau thời điểm này, để khi thế giới muốn nghiên cứu về Văn học miền Nam trong chiến tranh, tất cả những gì họ có được chỉ là cuốn Văn học Giải phóng miền Nam của Phạm Văn Sĩ (Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1975) trong đó đại diện là một tập hợp những nhà văn cộng sản gốc Nam bộ gồm Trần Bạch Đằng, Huỳnh Minh Siêng, Thanh Hải, Anh Đức, Phan Tứ, Giang Nam…”
Trước đó, nhà văn Võ Phiến cũng đã có lần đề cập đến chuyện này, bằng những lời lẽ tuy (hơi) giễu cợt nhưng không dấu được sự băn khoăn:
“Nhà nước cộng sản dựng lên một nền văn học, cho cán bộ nghí ngố om sòm về nền văn học ấy, cố gây ra cái cảm tưởng đây mới là nền văn học chân chính của miền Nam…”
“Ông Phạm Văn Sĩ… không chịu nói ra cái điều lý thú này: là tất cả những kẻ vừa kể trên đều được phái từ ngoài Bắc vào… đổi tên đổi họ, hóa thân làm người mới: Lưu Hữu Phước hóa làm Huỳnh Minh Siêng, Nguyễn Văn Bổng hóa thành Trần Hiếu Minh, Nguyên Ngọc hóa ra Nguyễn Trung Thành, Bùi Đức Ái thành ra Anh Đức, Trần Bạch Đằng làm Hưởng Triều, làm Hiểu Trường, Lê Khâm hóa thành Phan Tứ, Nguyễn Ngọc Tấn thành Nguyễn Thi v.v...” (Võ Phiến. Văn học miền Nam tổng quan. Văn Nghệ: California, 1987).
Anh chị em trong Ban biên tập tạp chí Da Mầu, cũng như nhà văn Võ Phiến, đều là những người lo xa. Và tôi e rằng họ đã lo xa… quá! Trong cuộc chiến vừa qua thì cái gọi là “văn học giải phóng miền Nam” chỉ là một phần rất nhỏ, nhỏ còn hơn con thỏ, trong toàn bộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đây mới chính là một sản phẩm đặc sắc của dân làng Ba Đình - Hà Nội. Món hàng mã này được làm xong vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và làm khéo đến độ khiến nhiều người tưởng là đồ thật. Lắm kẻ đã bỏ mạng (hay bỏ mẹ) vì nó.
Đến lúc được mang ra đốt, nó cháy như điên. Sự nghiệp cách mạng của không ít người dân miền Nam cũng cháy theo luôn, như đuốc. Cái mảng, cũng như cái mạng, của Văn học Giải phóng miền Nam – tất nhiên – khó được vẹn toàn. Phen này chắc chết, chết chắc!
Mà đã chết là hết. Chết cháy, chết chìm, chết trôi, chết đuối, chết ngộp hay chết ngạt đều (kể như) là chết ráo. Nghĩa tử nghĩa tận. Ban biên tập tạp chí Da Màu, cũng như nhà văn Võ Phiến (lẽ ra) không nên nhắc lại chuyện cũ làm chi, cho… má nó khi!
Hơn nữa – nghĩ cho cùng – đánh du kích, hay khủng bố (kiểu như pháo kích vào thành phố, đặt chất nổ trong rạp hát, giựt mìn xe đò, đào đường đắp mô, đào hố cắm chông, hay “đào cái hầm thật sâu nấp thật kín, rồi ngồi dưới đó cất lên tiếng nói giải phóng của toàn thể nhân dân...”) đều là những chiến thuật có thể chấp nhận được trong thời chiến. Cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện, cho dù là… hạ tiện, miễn thắng cuộc thì thôi!
Hơn ba muơi năm sau, sau khi cuộc chiến Nam/Bắc đã tàn, phe thắng cuộc đang lâm vào một cuộc chiến khác. Kẻ thù của họ bây giờ là dân Việt của cả ba miền, cộng thêm vài triệu người (tị nạn) ở nước ngoài. Báo Quân Đội Nhân Dân (số ra ngày 11 tháng 10 năm 2009) có bài chính luận để cập đến “sức mạnh của truyền thông hiện đại,” với rất nhiều hoang mang:
“… báo chí, mạng Internet được chúng triệt để sử dụng vào việc truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phá vỡ trận địa tư tưởng vô sản, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.